backup og meta

Viêm gân cơ nhị đầu: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách để điều trị

Viêm gân cơ nhị đầu: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách để điều trị

Viêm gân cơ nhị đầu là nguyên nhân thường gặp gây nên triệu chứng đau và yếu phía trước vai. Tình trạng này có thể thuyên giảm khi dùng thuốc và nghỉ ngơi đúng cách. Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, bạn cần phải tiến hành phẫu thuật.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa viêm gân cơ nhị đầu qua bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Viêm gân cơ nhị đầu là gì?

Cơ nhị đầu cánh tay là một trong ba cơ nằm ở cánh tay trước. Nó có 2 đầu gân gắn vào xương bả vai. Đầu dài gắn vào củ trên ổ chảo xương vai và đầu ngắn gắn vào mỏm quạ trên xương bả vai. Chức năng quan trọng nhất của cơ nhị đầu cánh tay là xoay ngoài cẳng tay và gập khuỷu tay.

Viêm gân cơ nhị đầu thường để chỉ tình trạng viêm đầu dài gân cơ nhị đầu, phần nối với đỉnh vai. Ở giai đoạn đầu, chỗ gân bị viêm sẽ sưng lên. Viêm gân cơ nhị đầu thường đi kèm rách một phần hay toàn bộ gân. Tổn thương này có thể dẫn đến biến dạng cánh tay, cụ thể là xuất hiện một cục u ở bắp tay.

Viêm gân cơ nhị đầu thường xảy ra cùng với các vấn đề về vai khác như viêm khớp vai, trật khớp vai, chấn thương vai, những bệnh khác gây viêm niêm mạc khớp vai.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gân cơ nhị đầu 

  • Đau hoặc nhức sâu ở phía trước vai, trầm trọng hơn khi nâng hoặc chuyển động quay cánh tay qua đầu, hoặc vào ban đêm.
  • Đau hoặc nhức lan xuống mặt trước xương cánh tay hoặc cẳng tay.
  • Đôi khi có âm thanh hoặc cảm giác rách ở vai.
  • Vai có thể bị cứng hoặc yếu.
  • Xuất hiện cục u hoặc biến dạng ở giữa bắp tay, bắp tay bầm tím nếu có đứt gân cơ nhị đầu.

viêm gân cơ nhị đầu

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm gân cơ nhị đầu là gì?

Viêm gân cơ nhị đầu thường không đến từ các nguyên nhân bệnh lý cơ xương khớp và dây chằng mà chủ yếu là do thoái hóa. Khi càng lớn tuổi, gân sẽ hao mòn dần theo thời gian trở nên yếu đi. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn bởi hoạt động quá mức được lặp đi lặp lại thường xuyên. Gân phải chịu lực vượt qua giới hạn chịu đựng của nó, bị nhiều chấn thương nhỏ dẫn tới viêm gân. Vì gân cơ nhị đầu nằm trong không gian rất hẹp nên quá trình vận động có thể cọ xát làm viêm nặng hơn.

Ngoài ra, viêm gân cơ nhị đầu cũng thường xảy ra ở những người chơi thể thao, đặc biệt là các môn yêu cầu hoạt động quá đầu nhiều như bơi lội, quần vợt, bóng chày,… Những chuyển động qua đầu lặp đi lặp lại cường độ cao này cũng có thể gây nên các vấn đề khác đi kèm với viêm gân cơ nhị đầu như rách gân chóp quay, viêm xương khớp và mất vững khớp vai mãn tính.

Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ viêm gân cơ nhị đầu là hút thuốc, người thừa cân/béo phì, viêm khớp trước đó tạo ra các gai xương xâm lấn vào gân cơ nhị đầu.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm gân cơ nhị đầu?

Để chẩn đoán viêm gân cơ nhị đầu, bác sĩ cần dựa vào thăm khám lâm sàng, đánh giá về biên độ vận động, sức cơ và các dấu hiệu bất thường ở vai.

Bên cạnh đó, người bệnh cần làm một số kỹ thuật xét nghiệm khác như:

  • Chụp X-quang, mặc dù kết quả chẩn đoán hình ảnh này chỉ mô tả các vấn đề liên quan đến xương nhưng chụp X-quang cũng có ích trong việc quan sát được các vấn đề ở khớp vai của bạn.
  • Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) và siêu âm đánh giá tình trạng các mô mềm, kể cả gân cơ nhị đầu chi tiết hơn X-quang.

Những phương pháp điều trị viêm gân cơ nhị đầu

Điều trị không phẫu thuật

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân mà viêm gân cơ nhị đầu có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau. Những phương pháp đơn giản không cần phẫu thuật được ưu tiên đầu tiên bao gồm:

  • Nghỉ ngơi và tránh các hoạt động mạnh ở vai.
  • Chườm lạnh trong 20 phút, lặp lại vài lần trong ngày. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên vùng bị tổn thương mà bạn hãy lót một miếng khăn mỏng nhé!
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, aspirin và naproxen có thể được dùng để làm dịu cơn đau cho người bệnh.
  • Thuốc tiêm steroid có thể được tiêm vào gân để làm giảm đau. Mặc dù đây là phương pháp giảm đau và kháng viêm hiệu quả nhưng bác sĩ cũng sẽ thật cẩn trọng khi sử dụng chúng. Một số trường hợp (hiếm gặp), tiêm steroid sẽ làm yếu đi phần gần vốn đã bị thường và có thể làm rách gân cơ nhị đầu.
  • Vật lý trị liệu với các bài tập kéo căng và tăng cường sức mạnh cho vai nhằm mục đích khôi phục biên độ vận động và sức cơ cho vùng vai bị tổn thương.
  • Châm cứu cũng giúp cải thiện triệu chứng đau và cứng khớp, giúp khí huyết lưu thông, hỗ trợ hồi phục tốt hơn
  • Điều trị bằng xoa bóp – bấm huyệt
    • Xoa xát vùng mặt trước cánh tay: chủ yếu bôi trơn chuẩn bị xoa bóp bấm huyệt nếu vùng da mặt trước cánh tay da khô thoa dầu, nếu vùng mặt trước cánh tay da ẩm thì sử dụng phấn rơm.
    • Day cơ nhị đầu cánh tay: dùng gốc lòng bàn tay day cơ nhị đầu cánh từ khuỷu tay đến vai chú ý mặt trước cánh tay.
    • Miết cơ nhị đầu cánh tay: 1 bàn tay vịn cẳng tay người được xoa bóp bấm huyệt bàn tay kia gập các ngón tay 2, 3, 4, 5 về phía lòng bàn tay, sử dụng các khớp liên đốt gần nhấn vào mô, trượt dọc theo cơ tới đầu xương cánh tay (đầu dài cơ nhị đầu), sau đó miết hơi lệch về sau một chút về phía nách (đầu ngắn của cơ nhị đầu). Từ 3 – 5 lần.
    • Bóp nắn cơ nhị đầu cánh tay: dùng 2 tay ngón cái 1 bên các ngón còn lại 1 bên, bóp nhẹ nhàng từ khuỷu tay lên  mặt trước vai. Từ 3 – 5 lần.
    • Nhào cơ nhị đầu: dùng tay bóp nhẹ trên cơ nhị đầu cách nhau 5cm, di chuyển 2 tay theo chiều nhược nhau. Từ 3 – 5 lần
    • Ấn day điểm đau: dùng ngón tay day điểm đau chú ý nhẹ nhàng vừa sức chịu đựng. 
  • Vận động khớp vai: nếu có giới hạn vùng khớp vai.
    • Quay vòng nhỏ: người xoa bóp bấm huyệt 1 tay để ở vai, 1 tay để ở khuỷu tay người được xoa bóp bấm huyệt, di chuyển khớp vai nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ theo vòng nhỏ, chủ yếu là thăm dò biên độ vận động của khớp, sau đó quay ngược lại bằng số vòng đã quay trước đó.
    • Quay vòng rộng ra trước: giống như quay vòng nhỏ nhưng  mở rộng biên độ của khớp vai về phía trước theo chiều kim đồng hồ, sau đó quay ngược lại bằng số vòng đã quay trước đó.
    • Ấn giãn vai: người xoa bóp bấm huyệt 1 tay để ở vai, 1 tay để ở khuỷu tay người được xoa bóp bấm huyệt di chuyển khớp vai nhẹ nhàng bằng cách nâng khớp khuỷu lên ngang vai hoăc cao hơn tùy theo sức chịu đựng.

Có thể bạn quan tâm: Điều trị đau vai: Giảm đau vai với 5 bài vật lý trị liệu

viêm gân cơ nhị đầu

Phẫu thuật 

Nếu sau 3 tháng, viêm gân cơ nhị đầu không cải thiện với các phương pháp ở trên; và tùy vào mức độ, nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị bạn phẫu thuật. Đây cũng là một lựa chọn cần thiết khi bạn mắc phải chấn thương gân cơ nhị đầu kèm theo các vấn đề ở vai khác.

Tùy thuộc vào tình trạng của bạn mà bác sĩ có thể đề xuất tiến hành mổ hở hay mổ nội soi khớp vai. Trong đó, nội soi được ưu tiên hơn vì ít xâm lấn, đồng thời đánh giá được các tổn thương ở vai khác (nếu có).

Phẫu thuật thường được dùng để:

  • Tái tạo gân cơ nhị đầu (hiếm gặp) khi phần gân này bị rách.
  • Cắt bỏ phần gân cơ nhị đầu bị tổn thương và nối phần còn lại vào xương cánh tay trên (xương mác). Phẫu thuật này thường giúp giảm đau và phục hồi chức năng.
  • Nếu phần đầu dài gân cơ nhị đầu bị bị tổn thương đến mức không thể phục hồi được thì phải cắt bỏ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành cắt bỏ đầu dài gân nhị đầu tại vị trí nơi bám gân vào ổ chảo. Sau cắt gân, bệnh nhân hoạt động tốt và khôi phục được sức mạnh gân cơ gần như bình thường.

Biến chứng của phẫu thuật điều trị viêm gân cơ nhị đầu nhìn chung có tỷ lệ thấp và thường gặp ở phẫu thuật mổ hở hơn kỹ thuật nội soi. Các biến chứng có thể xảy ra là nhiễm trùng, chảy máu và cứng khớp.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Chương trình phục hồi chức năng sẽ khác nhau, tùy thuộc từng tình trạng cụ thể của từng người. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn mang đai đeo bảo vệ khớp vai hậu phẫu để hỗ trợ quá trình chữa lành của gân. Ngoài ra các bài tập vật lý trị liệu cải thiện biên độ vận động của vai và cải thiện sức cơ cũng dần được thêm vào chương trình phục hồi này.

Viêm gân cơ nhị đầu thường phục hồi tốt sau 6 tuần đến vài tháng mà không để lại vấn đề hậu quả nào. Quan trọng là bạn cần nghỉ ngơi, duỗi thẳng cánh tay và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để sớm khỏi hoàn toàn.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm gân cơ nhị đầu?

phòng ngừa viêm gân cơ nhị đầu

  • Giãn cơ và khởi động trước khi tập thể dục.
  • Có những khoảng giải lao giữa giờ khi phải vận động liên tục.
  • Thực hiện một số bài tập để tăng cường các cơ ở vai đặc biệt là gân cơ chóp quay.
  • Duy trì biên độ vận động của vai, tránh những vận động quá sức đột ngột.
  • Tránh dung nạp nicotine vào cơ thể mà điển hình là hút thuốc lá.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Biceps Tendinitis https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/biceps-tendinitis/ Ngày truy cập: 23/12/2021

Biceps tendonitis – Mayo Clinic Orthopedics & Sports Medicine https://sportsmedicine.mayoclinic.org/condition/biceps-tendinitis/ Ngày truy cập: 23/12/2021

Diagnosis and Treatment of Biceps Tendinitis and Tendinosis – American Family Physician https://www.aafp.org/afp/2009/0901/p470.html Ngày truy cập: 23/12/2021

Biceps tendonitis | Expert Diagnosis & Treatment | UCHealth https://www.uchealth.org/diseases-conditions/biceps-tendonitis/ Ngày truy cập: 23/12/2021

Proximal Biceps Tendonitis (for Teens) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/teens/biceps-tendonitis.html Ngày truy cập: 23/12/2021

Distal Biceps Tendon Repair and  Reconstruction – Ramesh C Srinivasan

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31901332/ Ngày truy cập 15/1/2022

Bệnh học cơ xương trật đả, Hoàng Duy Tân, 2019

Phiên bản hiện tại

24/01/2022

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Đau bả vai có phải là bệnh lý nguy hiểm? Cách điều trị là gì?

Đau vai: Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo