backup og meta

Những phương pháp điều trị không phẫu thuật cho bệnh trượt đốt sống

Những phương pháp điều trị không phẫu thuật cho bệnh trượt đốt sống

Bệnh trượt đốt sống, ngay cả trong trường hợp nặng, vẫn có thể chữa trị bằng phương pháp không dùng thuốc hay phẫu thuật. Nếu bạn muốn biết thêm về các phương pháp điều trị để đưa ra lựa chọn, hãy tham khảo bài viết sau.

Trong hầu hết các trường hợp bị trượt đốt sống, bạn không cần điều trị phẫu thuật. Thậm chí ngay cả khi bạn không muốn sử dụng thuốc, bạn có thể thử phương pháp nắn chỉnh xương sống (chiropractic) hoặc vật lý trị liệu đều có hiệu quả và rất an toàn.

Các mục tiêu của phương pháp điều trị không phẫu thuật, không dùng thuốc

Trong khi điều trị phẫu thuật được dùng để loại bỏ hoặc chữa trị nguyên nhân gây đau, điều trị không phẫu thuật có xu hướng chữa trị các triệu chứng như đau hoặc tê gây ra bởi trượt đốt sống.

Mục tiêu của phương pháp điều trị không phẫu thuật cho trượt đốt sống là giảm đau,  hồi phục chức năng, và tăng tính linh hoạt. Phương pháp điều trị không phẫu thuật, không dùng thuốc khá an toàn nếu được thực hiện đúng cách.

Phương pháp điều trị không phẫu thuật, không dùng thuốc cho trượt đốt sống

Thay đổi thói quen hoạt động và sử dụng đệm

Nếu cơn đau có liên quan đến vận động, bạn sẽ được đề nghị nghỉ ngơi tại giường ngắn hạn từ một đến hai ngày cho đến khi cơn đau giảm đi. Bạn nên ngồi ở một chiếc ghế có lưng ngả và tránh đi bộ hoặc đứng nhiều. Điều này không có nghĩa là bạn phải tránh làm tất cả các hoạt động bởi các vận động ít ảnh hưởng như bơi lội có thể tăng lượng máu đến khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bạn không nên thực hiện các hoạt động đòi hỏi phải uốn cong người hoặc gây ảnh hưởng nhiều đến khu vực bị đau.

Bạn có thể được khuyến khích sử dụng đệm để hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng và ngăn ngừa sự tiến triển các đường cong bất thường.

Tập vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có lẽ là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho trượt đốt sống. Vật lý trị liệu được sử dụng để giảm đau và giúp bạn hoạt động trở lại bình thường. Vật lý trị liệu giúp bạn tăng cường sức mạnh của cơ ở các khu vực bị ảnh hưởng. Cơ ở các vùng này khỏe mạnh mới có thể cung cấp hỗ trợ, giảm áp lực lên khu vực bị ảnh hưởng (chủ yếu là cổ hoặc lưng) và giữ cho cột sống của bạn ổn định.

Kéo giãn cơ có thể giảm sự khó chịu và giúp bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách bình thường. Bạn có thể tập vật lý trị liệu cùng với bác sĩ vật lý trị liệu hoặc thực hiện bài tập ở nhà. Chương trình được thiết kế dành riêng cho bạn dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm hình ảnh. Một chương trình có thể mất 6-12 tuần.

Liệu pháp nóng hoặc lạnh

Liệu pháp nóng hoặc lạnh có thể được dùng để giảm đau ở các khu vực bị ảnh hưởng. Nhiệt độ thấp giúp giảm kích thước của các mạch máu, giảm viêm. Liệu pháp lạnh thường được sử dụng sau khi bạn làm các hoạt động gây đau. Nhiệt độ nóng có thể làm tăng kích thước của các mạch máu, tăng lưu lượng máu đến các vùng bị ảnh hưởng, thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Bạn nên nhớ không đặt gạc lạnh trực tiếp trên da để tránh bị bỏng.

Nắn chỉnh bằng tay (chiropractic)

Chiropractic là phương pháp trị liệu thần kinh cột sống. Phương pháp kết hợp giữa nắn chỉnh xương và vật lý trị liệu phục hồi chức năng để mang lại hiệu quả điều trị lâu dài. Bác sĩ chuyên khoa thần kinh cột sống kiểm tra cột sống nhằm phát hiện các sai khớp và nhẹ nhàng nắn chỉnh các khớp xương về đúng vị trí ban đầu.

Khi nào bạn cần phẫu thuật?

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật khi:

  • Bạn bị đau nặng, đau đó tăng dần theo thời gian;
  • Bạn có vấn đề về thần kinh;
  • Bạn có đường cong bất thường đang tiến triển ở cột sống;
  • Bạn đã thử phương pháp điều trị không phẫu thuật nhưng không thấy cải thiện.

Khi bạn bị trượt đốt sống, các bác sĩ thường khuyến khích bạn áp dụng phương pháp điều trị không phẫu thuật. Chúng có hiệu quả và an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng cần phải phẫu thuật. Do đó, bạn hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp dành cho mình.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Degenerative Spondylolisthesis Treatment. http://www.spine-health.com/conditions/spondylolisthesis/degenerative-spondylolisthesis-treatment. Ngày truy cập 08/01/2017.

Nonsurgical Treatment for Spondylolisthesis. http://nyulangone.org/conditions/spondylolisthesis-in-adults/treatments/nonsurgical-treatment-for-spondylolisthesis. Ngày truy cập 08/01/2017.

Spondylolisthesis Treatment. http://www.spine-health.com/conditions/spondylolisthesis/spondylolisthesis-treatment. Ngày truy cập 08/01/2017. Spondylolisthesis. http://my.clevelandclinic.org/health/articles/spondylolisthesis. Ngày truy cập 08/01/2017

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Lê Vân Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Bả vai đau nhức không giơ lên cao được - dấu hiệu không nên bỏ qua

Top 4 phòng khám cơ xương khớp uy tín tại TP.HCM


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Lê Vân Anh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo