backup og meta

Gãy xương bàn tay

Gãy xương bàn tay

Xương bàn tay bị gãy có khả năng lành trong 4-6 tuần và phục hồi chức năng trong vài tháng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể rút ngắn giai đoạn trên bằng cách chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời khi bị gãy xương bàn tay. 

Vậy, làm thế nào để phát hiện gãy xương bàn tay ngay từ đầu? Đâu là cách điều trị hiệu quả? Mời bạn cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết sau.

 

Tìm hiểu chung

Gãy xương bàn tay là gì?

Gãy xương bàn tay đề cập đến tình trạng xương ở cổ tay và bàn tay có dấu hiệu rạn nứt hoặc thậm chí là gãy hoàn toàn. Đây là loại chấn thương phổ biến nhất ở chi trên, thường là hệ quả của việc duỗi thẳng tay để giữ thăng bằng cơ thể khi bị ngã. Ở những trường hợp nghiêm trọng, dây chằng, dây thần kinh và thậm chí là mao mạch ở bàn tay cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Nếu không sớm được điều trị, các đoạn xương bị gãy có nguy cơ không liền lại thẳng hàng như cũ. Điều này có thể trực tiếp tác động đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của một người, chẳng hạn như viết hoặc cài nút áo. Bên cạnh đó, điều trị sớm cũng sẽ giúp giảm thiểu đau nhức và cứng khớp.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng gãy xương bàn tay là gì?

Hầu hết người bị gãy xương bàn tay đều có dấu hiệu rõ ràng. Chúng có thể bao gồm:

  • Bàn tay bị sưng, bầm tím và đau
  • Đau dữ dội, đặc biệt khi nắm chặt tay hoặc di chuyển cổ tay, bàn tay
  • Mất khả năng phối hợp các ngón tay, cụ thể hơn là gặp khó khăn trong việc cầm nắm đồ vật
  • Giảm phạm vi chuyển động của các ngón tay
  • Biến dạng xương, chẳng hạn như cổ tay bị cong hoặc ngón tay bị vẹo
  • Tê bàn tay hoặc ngón tay
  • Cứng hoặc không có khả năng cử động cổ tay, ngón tay

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bàn tay là trung tâm của mọi hoạt động, do đó bạn nên đảm bảo không có tổn thương vĩnh viễn nào cho tay. Nếu nghi ngờ mình bị gãy xương bàn tay, bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức, đặc biệt nếu bị tê, sưng hoặc khó cử động các ngón tay. Chẩn đoán và điều trị chậm trễ có thể khiến vết thương kém lành, giảm phạm vi chuyển động và giảm lực cầm nắm ngay cả sau khi đã điều trị khỏi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây gãy xương bàn tay?

Những nguyên nhân khiến xương bàn tay bị rạn nứt hoặc gãy có thể kể đến như:

Phần lớn các chấn thương này đều có thể phòng tránh được.

Một số yếu tố nguy cơ

Bên cạnh những nguyên nhân được đề cập ở trên, bạn có thể dễ bị gãy xương bàn tay hơn nếu:

  • Thường xuyên chơi những môn thể thao mang tính đối kháng cao, ví dụ như bóng đá, trượt băng hoặc trượt ván
  • Bị loãng xương

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn cần làm gì khi nghi ngờ bị gãy xương bàn tay?

Nói chung, bất kỳ chấn thương bàn tay nào – ngoại trừ các thương tích rất nhỏ – đều nên được thăm khám và điều trị. Khi gặp các chấn thương nghi ngờ gãy xương, bạn nên áp dụng một số bước sơ cứu đơn giản ban đầu để giúp ngăn ngừa thương tổn thêm.

  • Nếu có chảy máu, bạn hãy cầm máu bằng cách đặt một miếng vải sạch hoặc miếng gạc lên vết thương.
  • Ngay khi chấn thương đã xảy ra, bạn hãy thoa đá lên vùng bị thương để giảm đau và giảm sưng.
  • Gỡ bỏ bất kỳ đồ trang sức trên tay ngay lập tức. Bàn tay có thể sưng lên đáng kể và đồ trang sức sẽ gần như không thể tháo ra sau khi tay sưng.
  • Đi cấp cứu ngay lập tức.
  • Nếu bàn tay bị biến dạng rõ, bạn hãy chờ nhân viên y tế đến hoặc cố định vết thương bằng nẹp và đưa đến cấp cứu.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy xương bàn tay?

Hầu hết các chấn thương ở bàn tay đều cần được chụp X-quang để xác định xem có tình trạng nứt hoặc gãy xương hay không. Bệnh án các chấn thương ở tay sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí xương bị gãy. Ví dụ như nếu bàn tay bị thương do đấm, thì khả năng gãy xương nhiều nhất ở xương bàn tay thứ năm.

Bác sĩ sẽ chạm vào các ngón tay, bàn tay và cổ tay để xác định điểm đau nhất và đánh giá xem có bất kỳ tổn thương nào xảy ra với các mạch máu, dây thần kinh hay gân ở bàn tay hay không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy xương bàn tay?

Phương pháp điều trị gãy xương bàn tay

Tùy vào vị trí đốt xương bị rạn nứt hoặc gãy mà mỗi người sẽ có phác đồ điều trị gãy xương bàn tay riêng. Nhìn chung, tình trạng chấn thương này thường được chữa trị theo 2 hướng gồm:

  • Điều trị bảo tồn: Lúc này, bác sĩ có thể cần bó bột hoặc dùng nẹp để cố định phần xương bị gãy nhằm hạn chế các chuyển động và giúp xương mau lành. Bác sĩ cũng thường chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau kháng viêm, bổ sung vitamin hoặc tiêm ngừa uốn ván nếu cần thiết. Sau khi tháo bột hoặc tháo nẹp, bạn có thể cần phải tập vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng để giúp giảm độ cứng và cải thiện phạm vi chuyển động của tay. Quá trình phục hồi chức năng này có thể mất vài tháng hoặc lâu hơn để tay có thể hoạt động được như cũ.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật thường được chỉ định khi các đốt xương bị gãy di lệch quá nhiều hoặc có sự tổn thương ở các bộ phận khác như dây chằng, khớp, dây thần kinh hoặc mạch máu. Sau khi phẫu thuật thành công, bạn có thể vẫn cần nẹp để tạm thời cố định xương, đồng thời dùng thuốc kháng sinh, chống viêm và giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế tình trạng gãy xương bàn tay?

Dù rất khó để ngăn ngừa được các chấn thương và nguyên nhân gây gãy xương bàn tay nhưng bạn có thể áp dụng một số phương pháp để giúp củng cố sức mạnh của xương đồng thời hạn chế các chấn thương không đáng có.

Củng cố sức mạnh của xương

Để giúp xương chắc khỏe, bạn có thể:

  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ canxi và vitamin D
  • Thực hiện các bài tập giúp nâng cao khả năng chịu đựng của xương, ví dụ như đi bộ nhanh
  • Bỏ thuốc lá

Ngăn ngừa té ngã

Tình trạng gãy xương bàn tay có thể xảy ra khi bạn bị ngã. Do đó, để hạn chế tối đa các chấn thương này, bạn nên:

  • Mang giày có chiều cao hợp lý, không nên mang giày cao gót
  • Dọn dẹp không gian sinh hoạt để tránh bị vấp ngã
  • Cẩn thận khi đi vào các bề mặt trơn trượt như sàn phòng tắm, đường gập ghềnh…

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Broken hand – Symptoms & causes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-hand/symptoms-causes/syc-20450240 Ngày truy cập: 11/05/2021

Broken Hand https://www.assh.org/handcare/condition/broken-hand Ngày truy cập: 11/05/2021

Hand Fractures https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/hand-fractures Ngày truy cập: 11/05/2021

Broken hand Diagnosis & treatment https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-hand/diagnosis-treatment/drc-20450277 Ngày truy cập: 11/05/2021

Broken Hand https://hartfordhospital.org/services/bone-joint-institute/conditions/sports-injuries/broken-hand Ngày truy cập: 11/05/2021

Phiên bản hiện tại

11/05/2021

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Gãy xương cánh tay

Gãy xương cẳng tay


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo