Để chẩn đoán viêm cột sống dính khớp ở một người, bác sĩ cần kết hợp cả thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm sinh hóa trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Vậy, bạn đã biết các xét nghiệm chẩn đoán trên gồm những gì chưa?
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý viêm hệ thống mạn tính đặc trưng bởi những thương tổn ở khớp cùng chậu, cột sống (được gọi là các khớp trục), đôi khi còn có thể ảnh hưởng đến những khớp ngoại biên (ví dụ như khớp gối, các khớp bàn tay, bàn chân…) và thậm chí là toàn thân.
Bệnh thường khó phát hiện sớm vì dấu hiệu đau lưng có thể liên quan nhiều vấn đề sức khỏe khác, do đó có thể khiến cho tình trạng dính khớp cũng như dính đốt sống xảy ra, từ đó có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng như:
- Tật gù lưng
- Viêm dính khớp háng
- Loãng xương
- Gãy xương
- Tàn phế
Vì vậy, nếu bạn có biểu hiện đau lưng trên 3 tháng, cường độ đau có xu hướng tăng lên khi nghỉ ngơi và thuyên giảm khi vận động, hãy mau chóng tìm gặp bác sĩ nội cơ xương khớp uy tín. Các chuyên gia sẽ có nhiều biện pháp để chẩn đoán viêm cột sống dính khớp ở một người.
Thăm hỏi triệu chứng lâm sàng
Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp là quá trình gồm nhiều thủ thuật xét nghiệm khác nhau nhằm tìm kiếm các dấu hiệu, biểu hiện đặc trưng của bệnh, đồng thời loại trừ khả năng các bệnh khớp khác đang xảy ra.
Phần lớn trường hợp, bác sĩ sẽ bắt đầu quá trình chẩn đoán bằng việc đặt câu hỏi về tình trạng của người bệnh. Những câu hỏi này có thể là:
- Bạn có biểu hiện bất thường nào khác ngoài các cơn đau lưng dai dẳng không?
- Các triệu chứng đã diễn ra bao lâu?
- Khi nào những triệu chứng này trở nên tệ hơn?
- Bạn đã áp dụng phương pháp điều trị nào chưa? Chúng có hiệu quả không?
- Bạn có bệnh nền hoặc có tiền sử mắc bệnh nào không?
- Người thân trong gia đình bạn có gặp phải những triệu chứng này không?
Tiếp theo, các chuyên gia sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát để tìm kiếm các dấu hiệu lâm sàng của bệnh viêm cột sống dính khớp. Họ có thể yêu cầu bạn thực hiện một vài bài tập đơn giản nhằm kiểm tra các khớp nào có sưng viêm, phạm vi chuyển động của khớp.
Các bước cần thiết giúp chẩn đoán viêm cột sống dính khớp
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số bước để giúp chẩn đoán căn bệnh viêm khớp này, bao gồm:
Chẩn đoán hình ảnh
Tổn thương khớp cùng chậu là một trong những đặc điểm nhận biết của bệnh viêm cột sống dính khớp. Do đó, người bị đau lưng trên 3 tháng sẽ được bác sĩ chỉ định kiểm tra vùng khớp cùng chậu trước tiên.
Bác sĩ có thể tìm thấy dấu hiệu viêm khớp cùng chậu trên kết quả chụp X-quang. Tuy nhiên, thông thường phương pháp này chỉ hiệu quả đối với những trường hợp đau lưng, viêm khớp đã kéo dài nhiều năm.
Vì vậy, với trường hợp chẩn đoán viêm cột sống dính khớp ở giai đoạn đầu, các chuyên gia sẽ lựa chọn những phương pháp có thể cung cấp hình ảnh chi tiết và chính xác hơn, chẳng hạn như:
- Chụp MRI vùng khớp cùng chậu và cột sống: là phương pháp giúp phát hiện tổn thương trên khớp sớm nhất trong bệnh lý viêm cột sống dính khớp. Cũng là phương pháp thường được sử dụng trên lâm sàng để chẩn đoán bệnh
- Chụp CT khớp cùng chậu và cột sống
- Siêu âm khớp cùng chậu
Xét nghiệm máu
Bên cạnh các chẩn đoán hình ảnh, bạn cũng có thể cần thực hiện thêm một vài thủ thuật xét nghiệm máu với mục đích:
- Xác nhận chẩn đoán viêm cột sống dính khớp
- Loại trừ các vấn đề sức khỏe khác
Ngoài tổng phân tích tế bào máu (CBC), bác sĩ còn chỉ định một số xét nghiệm như:
Xét nghiệm CRP và xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR)
Mục tiêu của xét nghiệm CRP là tìm kiếm các protein phản ứng C được tổng hợp ở gan khi cơ thể bị viêm. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn chưa thể kết luận một người bị bệnh viêm cột sống dính khớp khi nồng độ CRP trong máu cao vì có rất nhiều tác nhân có khả năng kích hoạt phản ứng viêm. Tương tự, chỉ số máu lắng (ESR) thường tăng lên khi cơ thể bị viêm. Mặc dù cả hai xét nghiệm CRP và ESR không phải là xét nghiệm đặc hiệu giúp chẩn đoán bệnh viêm cột sống dính khớp, tuy nhiên khi bệnh nhân đau lưng kèm theo chỉ số máu lắng hay CRP cao mà không có một bệnh lý đi kèm nào khác gây tăng CRP hoặc máu lắng sẽ gợi ý bác sĩ lâm sàng nghĩ tới bệnh viêm cột sống dính khớp để cho thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Ngoài ra các bác sĩ còn chỉ định một số xét nghiệm tổng quát như tổng phân tích tế bào máu, chức năng gan thận giúp đánh giá sức khoẻ chung và kê toa thuốc phù hợp với từng bệnh nhân.
Xét nghiệm yếu tố di truyền HLA-B27
Khoảng 85 – 95% người mắc bệnh viêm cột sống dính khớp có yếu tố di truyền HLA-B27. Vì vậy, nếu nghi ngờ bạn bị loại viêm khớp này, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm tìm kiếm HLA-B27.
Mặc dù vậy, trong vài trường bạn có thể sẽ không cần làm phương pháp xét nghiệm này. Các bác sĩ cơ xương khớp sẽ tư vấn cụ thể khi bạn đến thăm khám.
Bạn nên làm gì sau khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống dính khớp?
Nhìn chung, bạn không cần phải quá lo lắng nếu được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy bệnh có thể gây gù lưng, tàn phế và ảnh hưởng đến tim hoặc phổi, nhưng nếu điều trị bệnh sớm và hiệu quả ngay từ đầu, bạn hoàn toàn có khả năng ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm này. Lúc này, những điều bạn cần lưu ý thực hiện là:
- Sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị để kiểm soát tốt các triệu chứng, đồng thời hạn chế bệnh tiến triển.
- Không tự ý mua thuốc theo toa cũ sau khi dùng hết thuốc. Thay vào đó, bạn nên tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra một số yếu tố như số lượng khớp bị sưng và đau, cường độ đau, phạm vi vận động của khớp và cột sống…, từ đó bác sĩ sẽ quyết định toa thuốc cũ có cần phải thay đổi gì hay không.
- Chủ động báo với bác sĩ khi bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc để được thay đổi thuốc khác phù hợp và an toàn hơn.
Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp sớm có thể giúp điều trị bệnh hiệu quả ngay từ đầu, từ đó góp phần duy trì sự linh hoạt và khả năng vận động của khớp. Vì vậy, nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh, bạn nên mau chóng đến các khoa cơ xương khớp ở các bệnh viện lớn để được thăm khám và chẩn đoán đúng cách nhé.
[embed-health-tool-bmi]