backup og meta

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình: Những điều bạn cần biết

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình: Những điều bạn cần biết

Khi hệ cơ xương khớp bị chấn thương, biến dạng, sai lệch vị trí do nhiều nguyên nhân khác nhau như vận động sai tư thế, té ngã, tai nạn hay do bệnh lý nào đó (có thể là bệnh cột sống, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp, rối loạn bẩm sinh…), bạn sẽ cần tìm gặp bác sĩ để điều trị, chỉnh sửa lại cấu trúc xương khớp về bình thường [1]. Các kỹ thuật giúp thực hiện việc đó được gọi chung là chấn thương chỉnh hình. Tuy nhiên, hậu phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ đối mặt với một số biến chứng đáng lo ngại ở bệnh nhân nằm viện lâu ngày, chẳng hạn như thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

Để tìm hiểu thêm những thông tin xoay quanh khái niệm phẫu thuật chỉnh hình là gì, làm sao hạn chế biến chứng do huyết khối tĩnh mạch, mời bạn đọc tiếp bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì?

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là một chuyên khoa chẩn đoán, điều trị hoặc ngăn ngừa các tình trạng chấn thương ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương. Hệ thống cơ xương bao gồm [1]:

  • Xương
  • Cơ bắp
  • Khớp
  • Gân và dây chằng
  • Sụn
  • Các mô mềm

Trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình còn được chia ra những chuyên ngành cụ thể hơn để điều trị các bệnh cơ xương khớp theo vị trí ảnh hưởng và lứa tuổi như [1]:

  • Phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân
  • Phẫu thuật tay
  • Tái tạo hông và đầu gối
  • Chỉnh hình nhi khoa
  • Chỉnh hình các rối loạn cột sống
  • Y học thể thao
  • Phẫu thuật chấn thương
  • Phẫu thuật thay khớp
  • Ung thư cơ xương khớp

Các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ cần làm việc với những bác sĩ chuyên khoa khác như bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê và những y tá, nhân viên y tế.

Các loại phẫu thuật chấn thương chỉnh hình phổ biến

chấn thương chỉnh hình

Hiện nay, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật chấn thương chỉnh hình bằng phương pháp nội soi khớp (quan sát và chỉnh sửa cấu trúc bên trong khớp thông qua một vết mổ nhỏ cùng một ống mảnh có gắn máy quay camera ở đầu được luồn vào) [4]. Một số trường hợp thì cần phẫu thuật mở, xâm lấn hơn để điều chỉnh lại cấu trúc bị ảnh hưởng.

Các loại phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thường gặp bao gồm [3]:

  • Tái tạo dây chằng chéo trước
  • Sửa chữa lớp sụn chêm
  • Thay khớp gối hoặc hông
  • Nội soi khớp vai và cắt bỏ mô hoại tử
  • Nối xương gãy, ghép xương
  • Chỉnh sửa chóp xoay vai
  • Điều trị hội chứng ống cổ tay
  • Phẫu thuật đĩa đệm
  • Hợp nhất cột sống

Mục tiêu của điều trị chấn thương chỉnh hình là giúp người bệnh trở lại tình trạng trước khi bị chấn thương. Điều đó giúp bệnh nhân không còn đau đớn và có thể di chuyển dễ dàng, duy trì được chức năng vận động [2].

Khi nào thì cần phẫu thuật chấn thương chỉnh hình?

chẩn đoán để phẫu thuật chỉnh hình

Bác sĩ thường quyết định phẫu thuật chỉnh hình để chữa trị một vài bệnh lý cơ xương khớp đã tiến triển nặng hay những vấn đề bẩm sinh hay do chấn thương, tuổi tác.

Chẳng hạn, phẫu thuật thay khớp gối có thể được chỉ định cho những trường hợp khớp gối bị đau nhiều mà các phương pháp điều trị bảo tồn như uống thuốc, tiêm, vật lý trị liệu… không hiệu quả, khớp gối biến dạng ảnh hưởng nhiều đến đi lại và chất lượng cuộc sống [10]. Còn với phẫu thuật gãy xương hông, phẫu thuật gãy cổ xương đùi, đây là phương pháp điều trị được dùng cho các trường hợp gãy xương hông, gãy cổ xương đùi nhằm sửa chữa, căn chỉnh lại phần xương bị gãy. 

Dù mang đến nhiều lợi ích nhưng những bệnh nhân trải qua phẫu thuật chỉnh hình như thay toàn bộ khớp háng, thay toàn bộ khớp gối, phẫu thuật gãy xương hông, phẫu thuật gãy cổ xương đùi… thường có nguy cơ gặp phải các biến chứng. Trong đó, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một trong những biến chứng nguy hiểm, thường gặp cần được lưu tâm hàng đầu [11].

Thận trọng

Chẩn đoán trước khi phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

Trước hết, bác sĩ sẽ cần đưa ra chẩn đoán cho vấn đề người bệnh đang gặp phải. Những điều cần làm thường là tiến hành thăm khám lâm sàng và chụp X-quang [1].

Một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh bổ sung để đưa ra quyết định điều trị. Các kỹ thuật bổ sung để hỗ trợ chẩn đoán gồm [4]:

  • Chụp MRI
  • Chụp CT
  • Xạ hình xương
  • Siêu âm
  • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh
  • Xét nghiệm máu

Sau khi có kết quả và chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị. Nếu cần phẫu thuật chỉnh hình, người bệnh sẽ được hướng dẫn những việc cần chuẩn bị.

Trường hợp có chấn thương cấp tính như gãy xương, trật khớp, bác sĩ sẽ tiến hành ngay các kỹ thuật giúp định hình lại cấu trúc cơ xương khớp bằng cách nẹp, bó bột hay gắn khung niềng [4].

Rủi ro có thể gặp phải sau khi phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

Bất kỳ hình thức phẫu thuật nào cũng đều có những rủi ro nhất định. Mặc dù các y bác sĩ luôn cố gắng kiểm soát và phòng ngừa sai sót, đảm bảo an toàn cho quá trình phẫu thuật nhưng một số biến chứng đôi khi vẫn xảy ra.

Ảnh hưởng từ thuốc gây mê

Tùy theo loại phẫu thuật được thực hiện mà lựa chọn hình thức gây mê cũng khác nhau. Trong đó, gây mê toàn thân có nguy cơ gây nhiều tác dụng phụ, hoặc đôi khi là biến chứng nguy hiểm, so với gây tê cục bộ hay một vùng. Người bệnh có thể bị [5]:

  • Tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, ớn
  • Tác động nghiêm trọng hơn như vấn đề về hô hấp, rối loạn nhận thức
  • Dị ứng, phản ứng quá mẫn với thuốc gây mê

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng luôn là mối lo lắng lớn nhất của các cuộc phẫu thuật. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ có phương pháp phòng ngừa phù hợp cho từng loại phẫu thuật [6].

Nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là tình trạng các cục huyết khối (cục máu đông) hình thành trong lòng tĩnh mạch. Tĩnh mạch mang máu từ các mô ngoại vi trong cơ thể về tim. Khi cục máu đông hình thành, chúng sẽ làm ngăn chặn dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, từ đó gây tổn thương các mô và cơ quan này. Đặc biệt, tình trạng thuyên tắc phổi vô cùng nguy hiểm vì cục máu đông sẽ làm giảm lưu lượng máu đến phổi. Nếu cục máu đông lớn hoặc nhiều cục máu đông được hình thành, tình trạng tắc mạch phổi có khả năng dẫn đến tử vong [12].

Thuyên tắc huyết tĩnh mạch là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân sau phẫu thuật nói chung và phẫu thuật chấn thương chỉnh hình nói riêng. Đối với các cuộc phẫu thuật lớn như thay toàn bộ khớp háng, tỷ lệ mắc huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật có thể ở mức 40% đến 60% [11].

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết khối tĩnh mạch bao gồm ứ trệ tuần hoàn, trạng thái tăng đông và tổn thương niêm mạc [13]. Theo TS BS Đỗ Văn Minh – Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là phẫu thuật hội tụ đầy đủ các yếu tố kể trên do các vấn đề như:

  • Bệnh nhân hạn chế vận động trước và sau phẫu thuật, chịu ảnh hưởng từ gây mê và cần dùng garo buộc chi thể nên gây ra ứ trệ tuần hoàn.
  • Phương pháp phẫu thuật gây tổn thương đến mô, cơ quan kích thích quá trình đông máu để cầm máu, ngăn chặn tiêu sợi huyết sau mổ. Từ đó dẫn đến trạng thái tăng đông.
  • Một số kỹ thuật mổ chấn thương chỉnh hình như dùng xi măng sinh học, khoan cưa xương… làm tăng nhiệt độ và tổn thương niêm mạc thành mạch.

Chính vì những điều này mà bản thân các cuộc phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã là một yếu tố nguy cơ rất lớn dẫn đến thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân sau phẫu thuật. Tuy nhiên, dù là biến chứng nguy hiểm nhưng tình trạng này có thể được chủ động dự phòng bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Phục hồi

Phục hồi sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

Quá trình hồi phục sau phẫu thuật ở mỗi người sẽ không giống nhau, tùy thuộc vào loại phẫu thuật bạn đã trải qua mà có thể mất vài tuần đến vài tháng để phục hồi. Những ngày đầu tiên sau phẫu thuật, bạn có thể đối mặt với vấn đề sưng viêm, đau đớn và hạn chế vận động. Tuy nhiên, khi đã lành lại thì bạn có thể hoạt động như bình thường. Điều quan trọng là bạn cần tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình chăm sóc, hồi phục sau mổ để tránh biến chứng có thể xảy ra [7].

Chiến lược dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình 

Theo chia sẻ của bác sĩ Minh, để dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, đầu tiên, bác sĩ cần đánh giá người bệnh có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu hay không. Sau đó, bác sĩ đánh giá xem người bệnh có nguy cơ chảy máu hay không vì chảy máu sau mổ cũng là biến chứng đáng lo ngại. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ của người bệnh để xác định yếu tố nguy cơ nào có thể điều chỉnh trước mổ và nguy cơ nào có thể điều chỉnh sau mổ để hạn chế được các rủi ro này. Về các biện pháp dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật, thường sẽ có 3 biện pháp chính là:

Vận động sớm sau mổ

Đối với tất cả người bệnh sau mổ nói chung và sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình nói riêng, bác sĩ luôn khuyến khích, động viên người bệnh vận động sớm nhất có thể sau mổ [8]. Đây là biện pháp hiệu quả trong dự phòng huyết khối tĩnh mạch mà tất cả người bệnh đều có thể thực hiện được nhưng bạn sẽ cần trao đổi thêm với bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng về việc bị đau, chảy máu…

Cung theo bác sĩ Minh, đối với các trường hợp gãy xương như gãy xương khớp háng, gãy xương khung chậu, gãy xương đùi, người bệnh sẽ được điều trị dự phòng trước, trong và sau khi mổ. Tuy nhiên, ở người bệnh gãy xương có một đặc điểm đó là sau đó mổ, người bệnh vẫn còn hạn chế vận động khớp. Chính vì thế, khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch bằng biện pháp cơ học, dùng thuốc… cho đến khi người bệnh có thể vận động trở lại.

Biện pháp cơ học

Phương pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân chống chỉ định với thuốc kháng đông máu. Các biện pháp cơ học dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho bệnh nhân sau phẫu thuật bao gồm [9]:

  • Mang vớ/tất áp lực (vớ y khoa), thường là mang ở chi dưới, với áp lực phù hợp với từng vùng khác nhau như cổ chân, bắp chân, đùi
  • Sử dụng thiết bị bơm hơi, các túi bơm áp lực ôm lấy chi thể của người bệnh từ vùng bắp chân lên đến gối. 

Sử dụng thuốc kháng đông (thuốc chống đông máu)

Bác sĩ Minh chia sẻ, đối với biện pháp dùng thuốc kháng đông, tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, khả năng dung nạp thuốc, yếu tố chảy máu và các chống chỉ định khác mà bác sĩ kê đơn thuốc chống đông máu phù hợp. Thời gian sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp của người bệnh. Ví dụ, với bệnh nhân thay khớp háng, thời gian dùng thuốc dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là 5 tuần. Thế nhưng, người bệnh chỉ ở lại bệnh viện 1 tuần nên khi xuất viện vẫn phải tiếp tục dùng thuốc đủ 4 tuần nữa.

Bên cạnh được kê đơn thuốc dạng uống, một số bệnh nhân có thể phù hợp hơn với thuốc dạng tiêm.  Nếu được chỉ định cho tiêm ở nhà để tiếp tục dự phòng nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, người bệnh cần hỏi bác sĩ để được hướng dẫn các bước tiêm thuốc đúng cách để giúp thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất. 

Ngoài ra, quan trọng nhất bệnh nhân và người nhà cần chủ động hỏi bác sĩ về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch như:

  • Tôi có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không?
  • Nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của tôi như thế nào?
  • Có biện pháp dự phòng cho tôi khi nằm viện & sau khi xuất viện không?

Nhìn chung, bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng, gãy cổ xương đùi, thay khớp gối… có nguy cơ cao nhất bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch [11]. Nguy cơ có thể vẫn còn sau khi bệnh nhân xuất viện nên cần có chiến lược dự phòng kéo dài, hợp lý. Đồng thời, người bệnh cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tối đa các biến chứng sau phẫu thuật.

Để hiểu hơn về biến chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên người bệnh phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, mời bạn cùng lắng nghe những chia sẻ của TS BS Đỗ Văn Minh – Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong video sau:

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Orthopedic Surgery https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/24801-orthopaedic-surgery Truy cập ngày 15/11/2023

2. Orthopedic Trauma https://www.mountsinai.org/care/orthopedics/services/orthopedic-trauma Truy cập ngày 15/11/2023

3. Orthopedic Surgery https://www.mayoclinic.org/departments-centers/orthopedic-surgery/sections/overview/ovc-20126754 Truy cập ngày 15/11/2023

4. What is orthopedics, and what do orthopedists do? https://www.medicalnewstoday.com/articles/what-is-orthopedics. Truy cập ngày 15/11/2023

5. Anaesthesia https://www.nhs.uk/conditions/anaesthesia/ Truy cập ngày 15/11/2023

6. Prevalence of Surgical Site Infection in Orthopedic Surgery: A 5-year Analysis https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4027911/ Truy cập ngày 15/11/2023

7. How Long Does It Take to Recover from Orthopedic Surgery? https://orthopedicassociates.org/how-long-does-it-take-to-recover-from-orthopedic-surgery/#:~:text=Depending%20on%20the%20type%20of,to%20normal%20activities%20once%20again. Truy cập ngày 15/11/2023

8. Preventing Deep Vein Thrombosis After Surgery https://www.saintlukeskc.org/health-library/preventing-deep-vein-thrombosis-after-surgery Truy cập ngày 15/11/2023

9. Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ngoại khoa https://timmachhoc.vn/du-phong-thuyen-tac-huyet-khoi-tinh-mach-o-benh-nhan-ngoai-khoa/ Truy cập ngày 16/06/2023

10. Thay khớp gối – những ai cần phải mổ https://benhvien108.vn/thay-khop-goi-%E2%80%93-nhung-ai-can-phai-mo.htm Truy cập ngày 16/06/2023

11. Prevention of Venous Thromboembolism in Surgical Patients https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/01.CIR.0000150639.98514.6c Truy cập ngày 16/06/2023

12. What Is Venous Thromboembolism? https://www.nhlbi.nih.gov/health/venous-thromboembolism# Truy cập ngày 16/06/2023

13. Principle Mechanisms Underlying Venous Thromboembolism: Epidemiology, Risk Factors, Pathophysiology and Pathogenesis https://karger.com/res/article-abstract/70/1/7/288558/Principle-Mechanisms-Underlying-Venous?redirectedFrom=fulltext Truy cập ngày 16/06/2023

Phiên bản hiện tại

29/12/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Thuyên tắc phổi (thuyên tắc mạch phổi) nguy hiểm như thế nào?

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân nằm viện - Mối nguy hiểm thầm lặng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 29/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo