backup og meta

5 bệnh lý và chấn thương thường gặp ở ngón chân

5 bệnh lý và chấn thương thường gặp ở ngón chân

Các bệnh lý và chấn thương thường gặp ở ngón chân cũng quan trọng không kém, nhưng bạn đã bao giờ quan tâm đến ngón chân của mình? Liệu bạn có biết rằng ngón chân cũng có thể bị chấn thương và mắc phải một số bệnh như các bộ phận khác của cơ thể?

Bạn có biết bất kỳ chấn thương hoặc bệnh lý nào liên quan đến các ngón chân không? Bài viết này sẽ giúp bạn biết về 5 bệnh hoặc các vấn đề thường gặp với ngón chân.

1. Gãy xương ngón chân

Gãy xương ngón chân có thể xảy ra khi bạn vấp ngón chân vào đâu đó, để vật nặng rơi lên ngón chân hoặc uốn ngón chân quá mức. Đôi khi tập thể dục quá sức, như chạy nhiều, cũng có thể làm cho ngón chân bị tổn thương. Ngã hoặc tai nạn cũng có thể làm cho xương ngón chân bị gãy.

Nếu xương ở ngón chân của bạn bị gãy, bạn sẽ cảm thấy đau ở ngón chân khi di chuyển. Sưng và bầm tím cũng có thể xuất hiện. Bạn cũng có thể thấy các biến dạng bất thường khác ở ngón chân.

Đôi khi các ngón chân bị gãy xương có thể được điều trị tại nhà đơn giản bằng cánh băng dính với ngón kế bên. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ, bạn nên đến bác sĩ khám để chẩn đoán xác định và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho bạn. Những trường hợp ngón chân bị tổn thương nặng không được điều trị sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

2. Móng chân mọc ngược (móng quặp thịt)

Móng chân bình thường sẽ mọc trên da và có lớp mô mềm bao quanh nó. Khi ngón chân phát triển bất thường, nó sẽ tạo thành những góc nhọn hai bên và đâm vào phần thịt hay da xung quanh; tình trạng này được gọi là móng chân mọc vào trong. Các móng chân mọc ngược có thể gây ra nhiễm trùng ở vùng mô mềm, mô vùng này trở nên đau, đỏ, sưng hoặc thậm chí chảy máu. Móng chân mọc ngược thường xảy ra ở ngón chân cái, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra ở các ngón chân khác.

Tình trạng móng chân mọc vào trong có thể xảy ra do bạn cắt móng chân quá ngắn, mang giày quá chật, hoặc để va chạm vào móng chân nhiều lần, ví dụ như đá bóng.

Móng chân mọc ngược có thể được điều trị tại nhà bằng cách giữ cho vùng da đó sạch sẽ và nhẹ nhàng đẩy phần mô mềm ra khỏi phần móng chân mọc ngược. Tuy nhiên, nếu tình trạng không cải thiện, bạn cần được phẫu thuật.

3. Bong gân và trật khớp

Bong gân và trật khớp có thể do chấn thương trong thể thao hoặc do các hoạt động khi bạn uốn cong khớp ngón chân của bạn lên. Vấn đề này thường xảy ra với ngón chân cái. Móng chân mọc ngược và trật khớp thường gặp ở người chơi thể thao như cầu thủ bóng đá, cầu thủ bóng rổ hay cử tạ.

Khi ngón chân của bạn bị bong gân hoặc trật khớp, bạn có thể cảm thấy đau đớn ở ngón chân. Ngón chân bị đau và sưng lên có thể làm giảm khả năng đi lại của bạn. Nếu tình trạng này xuất phát từ chấn thương lặp đi lặp lại, các triệu chứng có thể xuất hiện từ từ và dần trở nên xấu hơn theo thời gian.

4. Chai ngón chân

Chai ngón chân là tình trạng ngón chân bạn xuất hiện những mảng da dày. Nguyên nhân là do có một lực tác động liên tục và kéo dài lên ngón chân của bạn. Vị trí da dày lên có thể xuất hiện ở phía trên hoặc phần bên của ngón chân. Đây là một phản ứng của cơ thể để bảo vệ làn da của bạn tại một số nơi phải chịu lực tác động nhiều.

Khi chân xuất hiện vết chai, bạn có thể cảm thấy đau đớn. Vùng da dày thường cứng và khô. Đôi khi tình trạng chảy máu có thể xảy ra. Bạn có thể mang một đôi giày thoải mái hoặc dùng một miếng đệm êm để làm giảm tình trạng chai chân này.

5. Vẹo ngón chân

Vẹo ngón chân là tình trạng ngón chân cái hoặc các ngón nhỏ hơn bị lệch đi và đẩy vào các ngón chân khác. Vùng da ở nơi các ngón chân xô vào nhau có thể bị sưng đỏ và đau đớn. Các khớp cũng có thể bị sưng và đau. Tình trạng này có thể hạn chế chuyển động của bạn.

Vẹo ngón chân có thể do mang giày hẹp hay giày cao gót trong một thời gian dài. Nguyên nhân của tình trạng này là do bàn chân và ngón chân của bạn phải ở một vị trí bất thường trong một thời gian dài. Vẹo ngón chân cũng có thể do nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Vẹo ngón chân thường không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cơn đau nặng hơn hoặc làm giảm khả năng cử động các ngón chân, bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Những bệnh lý được liệt kê ở trên là 5 chấn thương ngón chân thường gặp nhất. Hãy kiểm tra xem ngón chân của bạn có đang có vấn đề nào hay không. Phát hiện sớm có thể giúp bạn tránh được các biến chứng xấu xảy ra.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Toe Injuries and Disorders. https://medlineplus.gov/toeinjuriesanddisorders.html. Ngày truy cập 25/12/2016.

Broken Toe – Topic Overview. http://www.webmd.com/a-to-z-guides/tc/broken-toe-topic-overview. Ngày truy cập 25/12/2016.

Ingrown toenail. http://www.nhs.uk/conditions/ingrown-toenail/pages/introduction.aspx. Ngày truy cập 25/12/2016.

Ingrown toenails. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ingrown-toenails/home/ovc-20273045. Ngày truy cập 25/12/2016.

Turf Toe. https://www.foothealthfacts.org/conditions/turf-toe. Ngày truy cập 25/12/2016.

Corns and calluses. https://medlineplus.gov/ency/article/001232.htm. Ngày truy cập 25/12/2016.

Bunions http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bunions/home/ovc-20262028. Ngày truy cập 25/12/2016.

Phiên bản hiện tại

22/01/2020

Tác giả: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

U xương ngón chân cái

Bạn có cần đi khám khi chấn thương ngón tay/ngón chân?


Tác giả:

Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

Chỉnh hình · Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh


Ngày cập nhật: 22/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo