Ung thư lưỡi là một loại ung thư vùng đầu cổ (cụ thể là vùng hốc miệng). Ung thư là khi các tế bào bất thường bắt đầu phân chia và phát triển một cách không kiểm soát được, vượt quá các cơ chế kiểm soát bình thường của cơ thể và qua mặt được hệ miễn dịch. Cùng tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Ung thư lưỡi là bệnh gì?
Ung thư lưỡi là một dạng ung thư bắt đầu trong các tế bào của lưỡi.
Ung thư lưỡi thường bắt đầu ở các tế bào vảy phẳng, mỏng nằm trên bề mặt của lưỡi. Xác định loại tế bào liên quan đến bệnh ung thư lưỡi giúp bác sĩ dự đoán tiên lượng và chỉ định cách điều trị phù hợp. Loại ung thư lưỡi phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC). Các tế bào vảy là các tế bào phẳng, giống như da bao phủ niêm mạc miệng, mũi, vòm, thanh quản, và cổ họng. Ung thư biểu mô tế bào vảy là tên của một loại ung thư bắt đầu trong các tế bào này.
Ung thư lưỡi của bạn xảy ra ở đâu cũng ảnh hưởng đến việc điều trị. Ung thư lưỡi có thể xảy ra:
- Trong miệng, nơi có nhiều khả năng nhìn thấy và sờ thấy (ung thư miệng lưỡi ⅔ trước). Loại ung thư lưỡi này có xu hướng được chẩn đoán khi ung thư nhỏ và dễ dàng loại bỏ hơn thông qua phẫu thuật.
- Trong cổ họng, ở gốc lưỡi/đáy lưỡi, nơi ung thư lưỡi có thể phát triển với một vài dấu hiệu và triệu chứng (ung thư gốc lưỡi ⅓ sau). Ung thư ở gốc lưỡi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi khối u lớn hơn và ung thư đã lan vào các hạch bạch huyết ở cổ.
Ung thư lưỡi bắt đầu ở 2/3 phía trước lưỡi của bạn (lưỡi trong miệng) được coi là ung thư miệng.
Ung thư lưỡi bắt đầu ở một phần ba sau của lưỡi (gốc lưỡi) được coi là ung thư hầu họng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư lưỡi là gì?
Các triệu chứng của bệnh ung thư lưỡi rất giống triệu chứng của bệnh ung thư miệng và bạn thường hay nhầm lẫn chúng như thường xuyên cảm thấy lạnh hay đau nhức trong miệng. Một số triệu chứng của bệnh ung thư lưỡi, bao gồm:
- Một mảng màu đỏ hoặc trắng trên lưỡi không biến mất (hồng sản/bạch sản)
- Một vết loét không lành hoặc khối u sùi trên lưỡi không biến mất
- Khó nuốt và đau khi nuốt
- Đau họng không giảm
- Tê trong miệng không giảm
- Đau hoặc cảm giác nóng rát trên lưỡi
- Khó khăn khi di chuyển lưỡi hoặc nói
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Chảy máu trong miệng không phải do cắn vào lưỡi hay chấn thương khác
- Khối u ở cổ
- Đau tai (hiếm gặp).
Điều quan trọng cần nhớ là những triệu chứng này có thể là do một tình trạng bệnh lý ít nghiêm trọng hơn. Nhưng tốt nhất là kiểm tra các triệu chứng với bác sĩ.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng gây khó chịu và kéo dài hơn hai tuần liên tục.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư lưỡi?
Giống với các loại ung thư khác, ung thư lưỡi phát triển khi có sự thay đổi DNA và dẫn đến kích hoạt các gen gây ung thư hoặc làm các gen ức chế u không hoạt động. Hầu hết các bệnh ung thư miệng,kể cả ung thư lưỡi, là ung thư biểu mô tế bào vảy. Ngoài ra, nguyên nhân của bệnh ung thư lưỡi là do kết hợp với HPV – loại virus lây truyền qua đường tình dục, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiên lượng và điều trị các bệnh ung thư.
Những ai thường mắc bệnh ung thư lưỡi?
Ung thư lưỡi tương đối hiếm và thường xảy ra ở người lớn tuổi hơn. Theo thống kê, chỉ có khoảng 1 trong số 8 trường hợp xảy ra ở những người dưới 50 tuổi. Nhìn chung, ung thư miệng hoặc ung thư miệng-hầu chiếm khoảng 2% dân số Anh và tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp đôi phụ nữ.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư lưỡi, chẳng hạn như:
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều rượu
- Nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV)
- Chế độ ăn uống kém lành mạnh
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Từng mắc bệnh ung thư khác
- Có người trong gia đình từng mắc bệnh ung thư.
(HPV) là một loại vi-rút lây nhiễm qua da và các tế bào lót bên trong cơ thể. Đối với hầu hết mọi người, tình trạng nhiễm trùng sẽ tự thuyên giảm và họ sẽ không bao giờ biết mình đã mắc bệnh.
Đây là một loại vi-rút phổ biến không gây hại cho hầu hết mọi người. Nhưng ở một số người, vi-rút có thể gây ra những thay đổi ở miệng và lưỡi, làm tăng nguy cơ ung thư ở khu vực đó.
Ngày càng có nhiều ung thư ở gốc lưỡi có liên quan đến vi rút gây u nhú ở người (HPV), có ảnh hưởng sâu sắc đến tiên lượng và điều trị ung thư.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư lưỡi?
Bác sĩ sẽ khám và nhìn vào phía sau cổ họng của bạn bằng một chiếc gương nhỏ mà họ đưa vào miệng bạn. Họ sẽ kiểm tra các hạch bạch huyết sưng ở cổ của bạn.
Ngoài ra, một số kỹ thuật xét nghiệm sau đây có thể được chỉ định
- Sinh thiết
- Chọc hút
- Nội soi tai mũi họng
- Nội soi mũi dưới hình thức gây tê
- Chụp MRI
- Chụp CT
- Chụp PET-CT
- Xét nghiệm máu
- Khám răng
- Siêu âm
- X-quang.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh ung thư lưỡi?
Điều trị ung thư lưỡi thường bao gồm phẫu thuật để loại bỏ ung thư. Hóa trị, xạ trị và điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu cũng có thể được khuyến nghị. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh ung thư lưỡi phụ thuộc vào kích thước của khối u, giai đoạn bệnh và liệu bệnh đã di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ hay chưa, sức khỏe tổng thể, bệnh lý nền kèm theo.
Dựa vào tình trạng hiện tại của bạn, bác sĩ sẽ xem xét các lựa chọn điều trị thích hợp. Nếu bạn có khối u kích thước còn nhỏ, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Đối với những khối u lớn hơn và di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ, bạn sẽ cần phải cắt bỏ phần lưỡi có khối u và nạo vét các hạch bạch huyết ở cổ. Tiến trình này làm giảm nguy cơ tái phát của ung thư. Sau đó, bạn sẽ tiến hành xạ trị hỗ trợ để giúp loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Khi ung thư lưỡi đã di căn, hóa trị và/hoặc liệu pháp sinh học sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Nếu khối u phát triển khá lớn, bạn có thể cần phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi. Bạn cũng có thể phải phẫu thuật tái tạo. Tiến trình này sẽ thay đổi vĩnh viễn khả năng giao tiếp và nuốt thức ăn của bạn. Bạn có thể cảm thấy khó khăn khi trải qua điều này và cần rất nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Nếu đánh giá phẫu thuật ban đầu quá phức tạp thì có thể hóa trị kết hợp với xạ trị trước để thu nhỏ khối u, tạo thuận lợi cho phẫu thuật sau đó.
Điều trị ung thư lưỡi tiến triển có thể ảnh hưởng đến khả năng nói và ăn uống của bạn. Vì vậy, bạn có thể cần tiến hành phục hồi chức năng để đối phó với những thay đổi do điều trị ung thư lưỡi.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]