backup og meta

Khối u đốt sống

Khối u đốt sống

Khối u đốt sống là những khối u xuất hiện ở đâu trên cơ thể và gây ra các vấn đề nghiêm trọng gì? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể nhé!

Tìm hiểu chung

Khối u đốt sống là gì?

Cột sống của bạn được tạo thành từ các xương nhỏ (đốt sống) xếp chồng lên nhau để bao bọc và bảo vệ tủy sống cũng như các rễ thần kinh của nó.

Khối u đốt sống là một loại khối u cột sống ảnh hưởng đến xương hoặc đốt sống của cột sống. Hầu hết các khối u này thường lây lan (di căn) từ ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể, thường là tuyến tiền liệt, vú, phổi hoặc thận. Tuy nhiên, có một số loại khối u hiếm gặp bắt đầu trong xương cột sống (khối u nguyên phát), chẳng hạn như u nguyên sống, sarcoma sụn, sarcoma xương, u tế bào plasma và sarcoma Ewing.

Các khối u khác, chẳng hạn như u xương dạng xương, u nguyên bào xương và u mạch máu cũng có thể phát triển trong xương cột sống.

Một khối u đốt sống có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh bằng cách chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh gần đó. Khi những khối u này phát triển trong xương, chúng cũng có thể gây đau, tăng nguy cơ gãy đốt sống hoặc mất vững cột sống.

Cho dù có phải là khối u ác tính (ung thư) hay không, khối u đốt sống có thể đe dọa tính mạng và gây tàn tật vĩnh viễn.

khối u đốt sống là gì?

Phân loại

Các khối u đốt sống được phân loại theo vị trí của chúng. Cụ thể như sau:

  • Các khối u nằm bên ngoài màng cứng, bên ngoài tủy sống. Các khối u ở vị trí này thường là khối u di căn (khối u đã lan từ vị trí u nguyên phát nơi khác ban đầu đến đây qua đường máu).
  • Các khối u nằm bên trong màng cứng và bên ngoài tủy sống. Các khối u phổ biến nhất ở khu vực này được gọi là u màng cứng, thường lành tính.
  • Các khối u nằm bên trong tủy sống và bên trong màng cứng. Các khối u phổ biến nhất được tìm thấy trong khu vực này là tế bào hình sao, u màng cứng và u nguyên bào máu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của khối u đốt sống là gì?

Do các đốt sống trong cột sống không giống nhau và kích thước của các khối u cũng rất khác nhau, bên cạnh đó tùy theo từng đoạn mà ảnh hưởng đến các chức năng theo từng khu vực trên cơ thể cũng không giống nhau nên những dấu hiệu và triệu chứng của một khối u đốt sống có thể khác nhau ở mỗi người. Các khối u có thể ảnh hưởng đến tủy sống hoặc rễ thần kinh, mạch máu hoặc xương cột sống của bạn. Các dấu hiệu và triệu chứng khối u đốt sống có thể bao gồm:

  • Đau tại vị trí có khối u trong cột sống
  • Đau lưng, thường lan ra các bộ phận khác trên cơ thể và nghiêm trọng hơn vào ban đêm
  • Mất cảm giác hoặc yếu cơ, đặc biệt là ở cánh tay hoặc chân
  • Đi lại khó khăn, đôi khi dẫn đến té ngã
  • Cảm thấy ít nhạy cảm với lạnh, nóng và đau
  • Mất chức năng ruột hoặc bàng quang dẫn đến tiêu tiểu không tự chủ
  • Xuất hiện tình trạng tê liệt ở các vùng khác nhau trên cơ thể do vấn đề chèn ép dây thần kinh.

Các khối u cột sống tiến triển với tốc độ khác nhau tùy thuộc vào loại khối u.

triệu chứng khối u đốt sống

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng và hầu hết các cơn đau lưng không phải do khối u gây ra. Nhưng việc chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng đối với các khối u đốt sống, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau lưng:

  • Kéo dài và tăng mức độ nghiêm trọng theo thời gian
  • Không liên quan đến hoạt động
  • Nghiêm trọng hơn vào ban đêm
  • Bạn có tiền sử ung thư ở vị trí khác với cột sống và bị đau lưng mới
  • Bạn có các dấu hiệu và triệu chứng toàn thân khác của bệnh ung thư, chẳng hạn như buồn nôn, nôn hoặc chóng mặt

Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn gặp phải:

  • Yếu cơ  hoặc tê ở chân, cánh tay
  • Thay đổi chức năng ruột hoặc bàng quang.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra khối u đốt sống?

Các khối u đốt sống rất hiếm gặp và không rõ nguyên nhân gây ra bệnh. Các chuyên gia nghi ngờ rằng gen khiếm khuyết có liên quan đến bệnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính xác về việc gen khiếm khuyết gây ra u đốt sống là do di truyền hay đơn giản chỉ là phát triển theo thời gian. Bệnh có thể gây ra bởi các yếu tố khác từ môi trường, như tiếp xúc với một số hóa chất nhất định.

Hầu hết các khối u đốt sống là do di căn, có nghĩa là chúng lây lan từ các khối u ở các bộ phận khác trong cơ thể. Bất cứ loại ung thư nào cũng có thể di căn đến cột sống, nhưng các khối u phổ biến có thể di căn đến cột sống là từ vú, phổi và tuyến tiền liệt. Đa u tủy cũng rất thường lây lan đến cột sống.

Khối u đốt sống cũng phổ biến hơn ở những người từng bị bệnh ung thư trước đây.

Biến chứng

Khối u đốt sống có nguy hiểm không?

Cả khối u đốt sống không phải ung thư và ung thư đều có thể chèn ép các dây thần kinh cột sống, dẫn đến giảm hoặc mất cử động hoặc cảm giác bên dưới vị trí của khối u. Điều này đôi khi có thể gây ra những thay đổi trong chức năng ruột và bàng quang. Tổn thương thần kinh có thể là vĩnh viễn.

Một khối u đốt sống cũng có thể làm hỏng xương cột sống và làm cho nó không ổn định, mất vững, làm tăng nguy cơ gãy xương đột ngột hoặc sụp đổ cột sống có thể làm tổn thương tủy sống.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, có thể ngăn chặn tình trạng mất thêm chức năng và phục hồi chức năng thần kinh. Tùy thuộc vào vị trí, một khối u chèn ép vào tủy sống có thể đe dọa đến tính mạng.

Chẩn đoán & Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán khối u đốt sống?

Các khối u đốt sống đôi khi bị bỏ qua do các triệu chứng của nó tương tự như các triệu chứng gây ra do những tình trạng bệnh lý phổ biến hơn ví dụ như viêm hay thoái hóa cột sống. Vì lý do đó, bác sĩ cần thu thập bệnh sử, tiền sử y tế hoàn chỉnh, khám thể chất tổng quát và khám thần kinh kỹ lưỡng.

Nếu bác sĩ nghi ngờ một khối u đốt sống, họ sẽ chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để giúp xác định chính xác vị trí của khối u:

  • Chụp cộng hưởng từ cột sống (MRI). Xét nghiệm hình ảnh này là xét nghiệm ưu tiên để chẩn đoán khối u cột sống. Nó tạo ra hình ảnh chính xác về cấu trúc của cột sống, bao gồm tủy sống và dây thần kinh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Xét nghiệm này sử dụng một chùm tia phóng xạ hẹp để tạo ra hình ảnh chi tiết của cột sống. Chụp CT có thể được kết hợp với chụp MRI.
  • Sinh thiết. Thông thường, cách duy nhất để xác định loại khối u là kiểm tra mẫu mô nhỏ thu thập được dưới kính hiển vi. Kết quả sinh thiết sẽ giúp xác định được bản chất của khối u là lành tính hay ác tính, nếu ác tình thì lạ loại nào, từ đó giúp gợi ý các lựa chọn điều trị phù hợp. Một cây kim nhỏ được sử dụng để lấy một lượng nhỏ mô, sau đó, mô được kiểm tra dưới kính hiển vi bởi nhà nghiên cứu bệnh học (bác sĩ giải phẫu bệnh).

Những phương pháp nào dùng để điều trị khối u đốt sống?

Mục tiêu điều trị lý tưởng là loại bỏ hoàn toàn khối ung thư đốt sống. Tuy nhiên, điều này có thể trở nên khó khăn do nguy cơ tổn thương vĩnh viễn tủy sống hoặc dây thần kinh xung quanh, đặc biệt khó trong những trường hợp khối u lớn và xâm lấn. Các bác sĩ trước khi chỉ định phương pháp điều trị cũng phải cân nhắc đến tuổi tác, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, loại khối u và liệu nó là nguyên phát hay đã lan rộng hoặc di căn đến cột sống của bạn từ nơi khác trong cơ thể.

Lựa chọn điều trị cho hầu hết các khối u cột sống bao gồm:

Theo dõi

Một số khối u có thể được phát hiện trước khi chúng gây ra các triệu chứng, thường là khi được khám để đánh giá các tình trạng khác. Nếu khối u nhỏ không phải ung thư và không phát triển hoặc gây chèn ép vào các mô xung quanh, bác sĩ chỉ theo dõi chúng cẩn thận. Điều này đặc biệt đúng ở người lớn tuổi không chịu được các ra rủi ro gây ra do phẫu thuật hoặc xạ trị, nhất là trong những trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền đi kèm khác (tăng huyết áp, đái tháo tường, tim mạch,…). Trong thời gian theo dõi, bác sĩ có thể khuyên chụp CT hoặc MRI định kỳ theo khoảng thời gian thích hợp để theo dõi khối u.

Phẫu thuật

điều trị khối u đốt sống

Cách này thường là lựa chọn điều trị cho các khối u có thể được loại bỏ với nguy cơ gây chấn thương tủy sống và dây thần kinh có thể chấp nhận được.

Đôi khi, bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng kính hiển vi công suất cao trong vi phẫu để phân biệt khối u với các mô khỏe mạnh dễ dàng hơn. Bác sĩ cũng có thể giám sát các chức năng của tủy sống và dây thần kinh quan trọng khác trong quá trình phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương.

Trong một số trường hợp, kết quả siêu âm có thể được sử dụng trong phẫu thuật để phá vỡ các khối u và loại bỏ các mảnh vỡ. Tuy nhiên, ngay cả với những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật và công nghệ, không phải tất cả các khối u đều được loại bỏ hoàn toàn.

Đôi khi, sau khi phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc cả hai có thể được thực hiện tiếp theo để hỗ trợ sau phẫu thuật ban đầu. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật cột sống có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào các thủ thuật hoặc các biến chứng như chảy máu và tổn thương mô thần kinh.

Xạ trị

Cách này có thể được sử dụng sau phẫu thuật để loại bỏ các khối u mà không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, điều trị các khối u không mổ được hoặc điều trị các khối u ở vị trí mà phẫu thuật là quá mạo hiểm.

Đây cũng có thể là liệu pháp đầu tiên đối với một số khối u đốt sống. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để giảm đau khi phẫu thuật là quá mạo hiểm. Thuốc có thể giúp giảm bớt một số tác dụng phụ của xạ trị như buồn nôn và nôn.

Đôi khi, chế độ xạ trị có thể được điều chỉnh để giúp ngăn ngừa thiệt hại bởi bức xạ cho các mô xung quanh và tăng hiệu quả điều trị. Điều chỉnh có thể dao động từ đơn giản (thay đổi liều lượng bức xạ) đến việc sử dụng các kỹ thuật phức tạp (như bức xạ 3D theo hình dạng và thể tích khối u).

Một loại xạ trị chuyên biệt được gọi là liệu pháp tia proton cũng có thể được sử dụng để điều trị một số loại u đốt sống như u nguyên sống, u mô liên kết sụn và một số bệnh ung thư ở trẻ em khi xạ trị tủy sống là bắt buộc. Điều trị tia proton có thể nhắm tia proton phóng xạ vào mục tiêu tại vị trí khối u tốt hơn mà không làm tổn hại đến các mô xung quanh như trong xạ trị truyền thống.

Xạ trị nhắm đích (SRS)

Phương pháp này cung cấp liều phóng xạ nhắm mục tiêu một cách chính xác. Trong xạ trị nhắm đích, các bác sĩ sử dụng máy tính để tập trung chùm tia phóng xạ vào khối u với độ chính xác cao và từ nhiều góc độ.

Có nhiều loại công nghệ khác nhau được sử dụng trong xạ phẫu để cung cấp tia phóng xạ nhắm đích trong điều trị các khối u đốt sống.

Xạ trị nhắm đích có một số giới hạn nhất định về kích cỡ và loại hình cụ thể của các khối u có thể được điều trị. Với các trường hợp thích hợp, phương pháp này khá hiệu quả. Các nghiên cứu ngày càng hỗ trợ việc sử dụng phương pháp này trong điều trị các khối u cột sống.

Tuy nhiên, có một số rủi ro như tăng nguy cơ gãy xương đốt sống. Cần thêm các nghiên cứu để xác định kỹ thuật, liều bức xạ và lịch trình xạ trị nhắm đích tốt nhất cho việc điều trị các khối u đốt sống.

Hóa trị

Hóa trị là điều trị tiêu chuẩn cho nhiều loại ung thư, hóa trị liệu sử dụng các thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển. Bác sĩ có thể xác định hóa trị có mang lại lợi ích khi dùng đơn thuần hoặc kết hợp với các liệu pháp khác cho từng bệnh nhân.

Tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tăng nguy cơ nhiễm trùng và rụng tóc.

Các loại thuốc khác

Do phẫu thuật và xạ trị cũng như bản thân khối u có thể gây ra tình trạng viêm bên trong tủy sống, bác sĩ đôi khi kê toa corticosteroid để giảm sưng sau phẫu thuật hoặc trong quá trình xạ trị.

Mặc dù corticosteroid giảm viêm, chúng chỉ thường sử dụng trong một thời gian ngắn để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng như yếu cơ, loãng xương, huyết áp cao, tiểu đường và tăng khả năng bị nhiễm trùng, suy thận và tuyến thượng thận.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn kiểm soát khối u đốt sống?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với khối u đốt sống:

  • Tìm hiểu tất cả về khối u đốt sống cụ thể liên quan đến bạn. Viết ra những câu hỏi và mang theo khi hẹn khám bác sĩ. Khi bác sĩ giải đáp các thắc mắc, hãy ghi chú hoặc nhờ bạn bè hay gia đình đi cùng ghi chép lại. Bạn và gia đình của bạn càng biết và hiểu về cách chăm sóc, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi cần đưa ra quyết định điều trị.
  • Nhận được hỗ trợ. Tìm một người bạn có thể chia sẻ cảm xúc và mối quan tâm của bạn. Bạn có thể có một người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình là người biết lắng nghe.
  • Chăm sóc bản thân. Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc bất cứ khi nào có thể. Kiểm tra với bác sĩ để xem khi nào bạn có thể bắt đầu tập thể dục. Ngủ đủ giấc có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái. Giảm căng thẳng trong cuộc sống bằng cách dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như nghe nhạc hoặc viết nhật ký.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vertebral tumor. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vertebral-tumor/symptoms-causes/syc-20350123. Ngày truy cập: 18/12/2017

What Are Vertebral Tumors & How Are They Treated? https://sinicropispine.com/vertebral-tumors-treatment/. Ngày truy cập: 18/12/2017

Vertebral tumor. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vertebral-tumor/diagnosis-treatment/drc-20350127. Ngày truy cập: 12/07/2023

Vertebral Tumor. https://www.sparrow.org/departments-conditions/conditions/vertebral-tumor. Ngày truy cập: 12/07/2023

Vertebral Tumor. https://www.rwjbh.org/treatment-care/neuroscience/neurosurgery/conditions-treated/vertebral-tumor/. Ngày truy cập: 12/07/2023

Vertebral body mass. https://radiopaedia.org/articles/vertebral-body-mass. Ngày truy cập: 12/07/2023

Phiên bản hiện tại

26/07/2023

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Các phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng | Hello Bacsi x SANOFI

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Các lựa chọn phẫu thuật điều trị ung thư vú | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Kiến Bình

Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 26/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo