backup og meta

Ung thư dạ dày nên ăn gì? 6 loại thực phẩm cần bổ sung

Ung thư dạ dày nên ăn gì? 6 loại thực phẩm cần bổ sung

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp là một phần rất quan trọng trong điều trị ung thư dạ dày. Ăn uống hợp lý sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe ổn định và hỗ trợ quá trình chữa trị hiệu quả hơn. Vậy, người bị ung thư dạ dày nên ăn gì?

Cùng tìm hiểu hướng dẫn chi tiết về các thực phẩm cần bổ sung và lưu ý trong chế độ dinh dưỡng qua bài viết sau.

Ung thư dạ dày ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn như thế nào?

Trước khi biết ung thư dạ dày nên ăn gì thì chúng ta cần hiểu rõ ung thư dạ dày ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn như thế nào. Dạ dày là bộ phận quan trọng của đường tiêu hóa. Do đó, ung thư dạ dày có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn uống và hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Cụ thể, ung thư dạ dày có khả năng dẫn đến các tình trạng sau:

Hội chứng Dumping

Hội chứng Dumping xảy ra khi thức ăn trong dạ dày được vận chuyển xuống ruột quá nhanh. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm tiêu chảy, đau quặn bụng, chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhịp tim nhanh…

Hội chứng dumping

Tiêu chảy

Ung thư dạ dày có thể gây tiêu chảy trong vài ngày. Ở một số người, tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư dạ dày có thể dẫn đến các cơn tiêu chảy đột ngột, khiến người bệnh phải đi vệ sinh liên tục.

Chứng phân mỡ

Chứng phân mỡ là tình trạng phân nổi, có màu nhợt nhạt và mùi rất khó chịu. Tình trạng này xảy ra do chất béo không được tiêu hóa đúng cách.

Khó tiêu

Người bệnh có thể bị đau bụng và đầy hơi trong quá trình điều trị ung thư dạ dày, khiến việc ăn uống và tiêu hóa trở nên khó khăn hơn.

Sụt cân không mong muốn

Áp lực khi nhận được chẩn đoán ung thư cũng như tác dụng phụ của các phương pháp điều trị có thể khiến người bệnh khó ăn, khó ngủ, khiến cân nặng giảm sút nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ biến chứng và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ung thư dạ dày nên ăn gì?

Điều trị ung thư là một quá trình chiến đấu bền bỉ. Do đó, để đảm bảo giữ gìn cân nặng và sức khỏe tốt nhất, người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

1. Ung thư dạ dày nên ăn gì? Thực phẩm giàu protein

Protein có vai trò rất quan trọng trong quá trình nhận diện và sửa chữa tế bào. Nó cũng giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhanh chóng phục hồi sau khi bị bệnh. Do đó, người bị ung thư dạ dày nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều protein vào khẩu phần ăn của mình. Để tăng cường protein, người bệnh nên uống thêm sữa, ăn nhiều trứng, phô mai, thịt gà, cá, các loại hạt, đậu nành…

Ung thư dạ dày nên ăn gì? - Thực phẩm giàu protein

2. Thực phẩm giàu sắt, canxi và vitamin D

Nếu bạn thắc mắc người bệnh ung thư dạ dày nên ăn gì thì người bệnh cũng cần bổ sung thêm sắt, canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống.

  • Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, cá, đậu nành, lòng đỏ trứng, rau xanh và trái cây sấy khô.
  • Các thực phẩm giúp cung cấp canxi là cá mòi, bắp cải, bông cải xanh, sữa, trứng, phô mai, bánh mì…
  • Vitamin D thường được tìm thấy trong bơ, các loại cá chứa dầu (cá hồi, cá thu, cá ngừ…) và trứng.

3. Ung thư dạ dày nên ăn gì? Thực phẩm giàu chất xơ

Ngũ cốc nguyên hạt, đậu lăng, bắp cải và các loại rau xanh là những loại thực phẩm được khuyến khích cho người bệnh ung thư dạ dày vì chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết.

Tuy nhiên, quá nhiều chất xơ có thể gây ra tình trạng đầy bụng, khó chịu. Do đó, người bệnh cần tránh tiêu thụ quá nhiều những thực phẩm này cùng một lúc. Đồng thời, việc chế biến món ăn nên kết hợp các thực phẩm giàu chất xơ với các thực phẩm dễ tiêu hóa khác sẽ giúp cơ thể hấp thụ hiệu quả hơn.

4. Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành

Trong đậu nành có chứa nhiều isoflavone. Đây là chất có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn HP – nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày và dẫn đến ung thư dạ dày. Do đó, người bệnh nên ăn thêm đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành khác để hỗ trợ điều trị bệnh.

Một lưu ý nhỏ là người bị ung thư cần tránh các thực phẩm chiên, rán, nhiều dầu mỡ. Do đó, tốt nhất là nên chế biến món ăn theo cách luộc, hấp hoặc hầm để đảm bảo sức khỏe.

5. Ung thư dạ dày nên ăn gì? Các loại nấm

Các loại nấm như nấm kim châm, nấm hương, nấm mèo… chứa rất nhiều dưỡng chất hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bị ung thư. Hợp chất polysaccharide trong nấm có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào ung thư. Thêm vào đó, nấm còn chứa nhiều selen và vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể.

6. Uống đủ nước

Ngoài việc quan tâm ung thư dạ dày nên ăn gì, việc chú ý cung cấp đủ chất lỏng trong quá trình điều trị ung thư rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Người bị ung thư dạ dày nên uống khoảng 2 lít chất lỏng mỗi ngày. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh các loại đồ uống chứa caffeine vì chúng làm tăng nguy cơ mất nước.

Uống nhiều nước

Lưu ý về vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dạ dày

Trong quá trình xây dựng chế độ ăn uống, bên cạnh việc quan tâm ung thư dạ dày nên ăn gì thì người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:

Ăn nhiều bữa trong ngày

Người bệnh nên chia nhỏ khẩu phần ăn để ăn nhiều bữa trong ngày thay vì 3 bữa chính. Điều này giúp người bệnh tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm triệu chứng buồn nôn mà vẫn cung cấp đầy đủ calo và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Sử dụng các sản phẩm từ sữa một cách thận trọng

Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh nên chú ý khi sử dụng các sản phẩm này nếu đã điều trị ung thư dạ dày bằng phẫu thuật. Phương pháp điều trị này có thể dẫn đến tình trạng không dung nạp đường sữa. Do đó, sau khi phẫu thuật, người bệnh nên đưa sữa vào cơ thể một cách từ từ để xem có xảy ra phản ứng bất thường nào hay không.

Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm

Việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng, đặc biệt là đối với người có vấn đề về dạ dày. Một số lưu ý nhỏ trong quá trình nấu ăn mà bạn nên tham khảo bao gồm:

  • Mua các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
  • Rửa tay thường xuyên trong lúc chuẩn bị thức ăn
  • Sử dụng dao và thớt khác nhau khi cắt thịt sống và rau sống
  • Nấu chín kỹ tất cả các loại thực phẩm trước khi ăn
  • Thức ăn còn dư cần cho vào tủ lạnh và bảo quản ngay lập tức.

Vệ sinh thực phẩm

Hạn chế các thực phẩm có hại cho dạ dày

Người bệnh nên tránh các thực phẩm có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, bao gồm:

  • Thức ăn cay như tiêu, ớt
  • Đồ ăn chua như cóc, xoài, bưởi, giấm
  • Thực phẩm quá khô cứng
  • Rượu bia, thức uống có cồn, cà phê
  • Các loại thực phẩm chứa nhiều đường, chất phụ gia, chất bảo quản

Liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được hỗ trợ

Người bệnh nên liên hệ với một chuyên gia dinh dưỡng để biết chính xác ung thư dạ dày nên ăn gì và được tư vấn về cách xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, đặc biệt là khi bị giảm cân liên tục hoặc gặp phải các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.

Bên cạnh đó, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia nếu muốn dùng thêm vitamin, chất bổ sung hoặc thực phẩm chức năng. Một số loại thuốc và phương pháp điều trị ung thư có thể tương tác với vitamin và chất bổ sung. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thêm mà không hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc và kéo dài quá trình điều trị.

Việc bổ sung các chất dinh dưỡng là rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư dạ dày. Hi vọng các thông tin vừa rồi đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Ung thư dạ dày nên ăn gì?” và xây dựng được chế độ ăn phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Stomach Cancer. https://pearlpoint.org/i-have-stomach-cancer-what-should-i-eat/. Ngày truy cập: 11/06/2020

What Should I Eat If I Have Stomach Cancer? https://blog.dana-farber.org/insight/2016/11/what-should-i-eat-if-i-have-stomach-cancer/. Ngày truy cập: 11/06/2020

Nutrition and stomach cancer. https://www.cancer.ca/en/cancer-information/cancer-type/stomach/supportive-care/nutrition-and-stomach-cancer/?region=nl. Ngày truy cập: 11/06/2020

Eating problems with stomach cancer. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/stomach-cancer/living-with/eating-problems. Ngày truy cập: 20/02/2024

Nutrition and Stomach Cancer: Prevention. https://badgut.org/information-centre/health-nutrition/nutrition-and-stomach-cancer/. Ngày truy cập: 20/02/2024

Nutrition in Patients with Gastric Cancer: An Update. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4924460/. Ngày truy cập: 20/02/2024

Diet and Risk of Gastric Cancer: An Umbrella Review. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9105055/. Ngày truy cập: 20/02/2024

Phiên bản hiện tại

20/02/2024

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Ung thư dạ dày

7 dấu hiệu ung thư dạ dày tuy "bình thường" nhưng hãy cẩn trọng!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 20/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo