Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, việc dùng insulin mỗi ngày là một phần cơ bản để giữ mức đường huyết trong tầm kiểm soát. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1 ngay tại nhà.
Bệnh tiểu đường type 1 không thể chữa khỏi và đòi hỏi phải điều trị suốt đời. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần sự săn sóc đặc biệt để giảm thiểu biến chứng và có thể sống khỏe mạnh, lâu dài. Vậy, bạn cần lưu ý những điều gì khi chăm sóc bệnh nhân tiểu đường? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Mục tiêu chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1 là gì?
Trước khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1, bạn cần hiểu về bản chất của bệnh cũng như mục tiêu khi chăm sóc bệnh nhân.
Bệnh tiểu đường loại 1 xảy ra khi cơ thể không thể tự tạo ra insulin – hormone đưa glucose trong máu vào các tế bào để tạo ra năng lượng cho mọi hoạt động. Điều này làm cho lượng đường trong máu tăng lên nhưng tế bào lại đói đường. Tiểu đường type 1 thường được chẩn đoán ngay từ khi còn nhỏ, chủ yếu là tuổi thanh thiếu niên.
Hiện tại, không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1. Vì vậy, cần phải điều trị liên tục nhằm ổn định đường huyết trong suốt phần đời còn lại. Tốt nhất, bạn nên lập một kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường để giúp họ khỏe mạnh hơn, tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Mục tiêu là giúp trẻ có thể tăng trưởng và phát triển bình thường về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, đồng thời ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe ngắn hạn và dài hạn khác như tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh thận, biến chứng loét bàn chân…
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1 cần chú ý điều gì?
Việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1 dựa trên nhu cầu của từng bệnh nhân và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nhìn chung, việc chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1 cần chú ý những điều cơ bản sau đây:
Hỗ trợ bệnh nhân dùng insulin
Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường type 1 bắt buộc phải tiêm insulin để giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định. Mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định loại insulin và lịch trình tiêm insulin mỗi ngày là khác nhau. Bác sĩ sẽ liên tục theo dõi đường huyết và có thể chỉnh liều insulin bởi nhu cầu có thể thay đổi khi bệnh nhân càng lớn tuổi.
Hầu hết trẻ em mắc tiểu đường type 1 cần tiêm insulin 2 hoặc nhiều lần mỗi ngày để kiểm soát lượng đường trong máu. Thông thường, cần kết hợp hai loại insulin khác nhau để ổn định mức đường huyết cả sau khi ăn và giữa các bữa ăn.
Insulin thường được tiêm vào lớp mỡ dưới da bụng, hông, mông, cánh tay hoặc đùi. Bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn người chăm sóc thời điểm và cách tiêm insulin, cũng như các vị trí tiêm tốt nhất dựa trên cân nặng, độ tuổi và mức độ hoạt động của bệnh nhân. Việc của người chăm sóc là lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1 với ngày giờ và liều dùng insulin cụ thể theo chỉ định của bác sĩ để tránh việc nhầm lẫn hay sai sót.
Chế độ ăn trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1
Lên một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và đúng giờ là những phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1. Trẻ em mắc bệnh tiểu đường cần một chế độ ăn uống cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể trẻ có thể hoạt động, phát triển thể chất nhưng không làm đường huyết tăng cao.
Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp người chăm sóc lên kế hoạch ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường để giữ lượng đường trong máu ổn định. Tình trạng tụt đường huyết nếu bệnh nhân sử dụng insulin quá liều hay bỏ bữa, hoặc không ăn đúng giờ đúng giấc. Ngược lại, lượng đường huyết sẽ tăng cao nếu bệnh nhân ăn nhiều các loại thực phẩm giàu carbohydrate (carbs).
Vì vậy, hãy đảm bảo cho bệnh nhân ăn đủ 3 bữa chính và ít nhất 1 bữa phụ trong ngày với hàm lượng carbohydrate phù hợp. Hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất béo, nhiều muối. Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn, chẳng hạn như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Kiểm tra mức đường huyết thường xuyên
Kiểm soát mức đường huyết thường xuyên giúp trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 cảm thấy khỏe mạnh, tăng trưởng và phát triển bình thường, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường về lâu dài.
Bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn cho người chăm sóc cách sử dụng máy đo đường huyết. Bệnh nhân tiểu đường sẽ cần được kiểm tra lượng đường trong máu ít nhất 3-4 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn. Bao gồm các thời điểm như mới thức dậy vào buổi sáng, trước/sau bữa ăn hay trước/sau khi tập thể dục. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết khi nào và bao lâu thì nên kiểm tra đường huyết cho họ.
Trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1, hãy ghi chép lại thời điểm và chỉ số đường huyết khi đó. Nếu mới sử dụng thuốc thời gian đầu mà không thấy giảm đường huyết về mức mục tiêu, hoặc đã điều trị lâu, đường huyết đang ổn định lại có dấu hiệu tăng/giảm bất thường thì phải thông báo với bác sĩ. Họ sẽ kiểm tra lại và thay đổi liều lượng insulin nếu cần.
Trước bữa ăn, lượng đường trong máu bình thường phải từ 90 đến 130mg/dL, 1 – 2 giờ sau ăn phải dưới 180mg/dL và trước khi đi ngủ là từ 90 – 150mg/dL.
Nếu lượng đường trong máu quá thấp và xuống dưới 70 mg/dL, hãy cho bệnh nhân uống nửa cốc nước trái cây, một thìa trái cây khô, viên kẹo ngọt hay 3 – 4 viên glucose. Chúng sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết. Sau đó 15 phút cần kiểm tra lại một lần nữa. Nếu mức đường huyết đã tăng lên đến 100mg/dL
Khuyến khích tăng cường hoạt động thể chất
Khuyến khích bệnh nhân vận động thường xuyên, đưa ra các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng là một phần quan trọng trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1.
Tập thể dục có thể giúp giữ lượng đường trong máu ổn định, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và hỗ trợ giảm cân. Bên cạnh đó, trẻ còn duy trì được cân nặng khỏe mạnh, ổn định huyết áp, tăng cường sức đề kháng và trở nên năng động hơn. Vì vậy, hãy khuyến khích bệnh nhân tập luyện bất kỳ môn thể thao nào ưa thích, khoảng 60 phút mỗi ngày.
Đừng quên kiểm tra lượng đường trong máu của bệnh nhân trước và sau khi tập thể dục. Không nên tập thể dục nếu lượng đường trong máu đang tăng quá cao. Nếu lượng đường trong máu xuống dưới 100mg/dL, hãy cho bệnh nhân ăn nhẹ trước khi tập thể dục. Khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước hoặc chất lỏng không chứa đường trước, trong và sau khi tập thể dục.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về cách lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường type 1. Nếu con bạn hay người thân trong gia đình đang mắc phải căn bệnh này, đừng lo lắng mà hãy thăm khám sớm và tìm ra phương điều trị cũng như chăm sóc phù hợp để giúp bệnh nhân có thể sống khỏe với bệnh nhé!
[embed-health-tool-bmi]