Thuốc Epofluden là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Tây Hà với thành phần hoạt chất kết hợp gồm paracetamol, dextromethorphan hydrobromide và loratadine. Vậy tác dụng của epofluden là gì và cách sử dụng ra sao, hãy cùng tìm hiểu với Hello Bacsi nhé!
Tác dụng
Tác dụng của thuốc epofluden là gì?
Thuốc epofluden có tác dụng làm giảm hầu như tất cả các triệu chứng của cảm cúm ho, sốt, đau đầu, đau nhức cơ bắp, chảy nước mắt, nước mũi,…
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc epofluden cho người lớn như thế nào?
Với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống mỗi lần 1 viên, 2 lần/ngày.
Liều dùng thuốc epofluden cho trẻ em như thế nào?
Với trẻ em: Uống mỗi lần 1/2 viên, 2 lần/ngày.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc epofluden như thế nào?
Thuốc Epofluden dùng bằng đường uống, có thể dùng thuốc cùng với thức ăn hoặc không cùng với thức ăn. Lưu ý: Đây là một sản phẩm có chứa hoạt chất paracetamol, được chuyển hóa qua gan nên nếu bạn có tiền sử bệnh gan, hãy thông báo với bác sĩ (hoặc dược sĩ) để được giảm liều lượng sao cho phù hợp.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Đối với thành phần hoạt chất paracetamol:
Khi dùng quá liều có thể gây buồn nôn, nôn, đau bụng, da xanh xao tím tái. Nếu ngộ độc nghiêm trọng, ban đầu sẽ có các dấu hiệu kích thích thần kinh trung ương, chẳng hạn như: kích động, mê sảng. Tiếp theo đó là các triệu chứng ức chế hệ thần kinh trung ương gồm mệt lả, thở nhanh nông, hạ thân nhiệt, huyết áp thấp, suy tuần hoàn.
Các biểu hiện ngộ độc gan sẽ càng rõ ràng hơn sau khoảng 2-4 ngày ngộ độc. Ở một số bệnh nhân còn có thể bị suy thận.
Chẩn đoán và xử trí sớm ngộ độc paracetamol là cần thiết. Tốt nhất là nên rửa dạ dày sau 4 giờ dùng thuốc khi có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ ngộ độc.
Liệu pháp giải độc chính là dùng những hợp chất sulfhydryl, có thể tác động một phần do bổ sung dự trữ glutathion ở gan, N-acetylcystein có tác dụng khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Giải độc paracetamol với N-acetylcystein có hiệu quả hơn khi cho uống thuốc trong thời gian dưới 10 giờ sau khi uống paracetamol.
Trường hợp không có N-acetylcystein, có thể dùng methionin. Ngoài ra, có thể dùng than hoạt và/hoặc muối tẩy chúng có khả năng giúp giảm hấp thụ paracetamol.
Với thành phần hoạt chất dextromethorphan:
Khi dùng quá liều có thể gây buồn nôn, nôn, nhìn mờ, rung giật nhãn cầu, buồn ngủ, bí tiểu tiện, trạng thái tê mê và ảo giác, mất điều hòa, suy hô hấp, co giật.
Hỗ trợ xử trí ngộ độc dextromethorphan bằng cách dùng naloxon 2mg tiêm tĩnh mạch, cho dùng liều nhắc lại nếu cần cho đến tổng liều là 10mg.
Với thành phần hoạt chất loratadin
Đối với người lớn khi uống quá liều loratadin (40-180mg) sẽ có những triệu chứng như: buồn ngủ, nhịp tim nhanh và nhức đầu.
Đối với trẻ em, khi uống vượt quá liều 10mg, sẽ có biểu hiện ngoại tháp và đánh trống ngực.
Trường hợp quá liều loratadin cấp, cần dùng siro ipeca gây nôn để tháo sạch dạ dày ngay. Than hoạt thường được dùng sau đó để ngăn ngừa hấp thu loratadin. Nếu bệnh nhân chống chỉ định với gây nôn (những người bị ngất, co giật hoặc thiếu phản xạ nôn) hoặc gây nôn không hiệu quả thì có thể tiến hành rửa dạ dày với dung dịch natri clorid 0,9% và đặt ống nội khí quản đề phòng ngừa hít phải dịch dạ dày. Loratadin không bị loại bằng thẩm tách máu.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc epofluden?
Paracetamol
Phản ứng dị ứng như ban da hoặc mày đay thỉnh thoảng xảy ra, đôi khi nặng hơn có thể kèm theo sốt và tổn thương niêm mạc. Ít khi gặp các tác dụng phụ như: buồn nôn, nôn, rối loạn tạo máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu hay độc tính trên thận khi lạm dụng dài ngày. Hiếm khi gặp phản ứng quá mẫn nghiêm trọng.
Dextromethorphan
Các tác dụng phụ thường gặp như: mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, da đỏ bừng và đôi khi có thể bị nổi mề đay. Hiếm gặp nhưng một số tác dụng phụ của dextromethorphan có thể bao gồm ngoại ban, cảm thấy buồn ngủ nhẹ và rối loạn tiêu hóa.
Loratadin
Khi sử dụng loratadin với liều lớn hơn 10mg hàng ngày, sẽ có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:
- Đau đầu
- Khô miệng
- Chóng mặt
- Khô mũi và hắt hơi
- Viêm kết mạc.
Hiếm gặp nhưng bệnh nhân cũng có thể bị trầm cảm, loạn nhịp tim, đánh trống ngực, buồn nôn, kinh nguyệt không đều, rối loạn chức năng gan, ngoại ban, mề đay, choáng phản vệ.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Lưu ý
Những điều nên tránh khi sử dụng thuốc epofluden
Không dùng thuốc cùng với các thuốc có chứa paracetamol và loratadin vì có nguy cơ gây quá liều. Không dùng thuốc quá 7 ngày. Không dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
Tương tác thuốc
Thuốc epofluden có thể tương tác với những thuốc nào?
Không dùng thuốc epofluden với các thuốc và nhóm thuốc sau:
- Cholestyramine;
- Thuốc kháng đông;
- Thuốc ức chế thần kinh trung ương
- Thuốc Kháng tiết Cholin.
Thuốc epofluden có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Đặc biệt đây là thuốc có chứa thành phần paracetamol, có thể gây phản ứng phụ nghiêm trọng trên gan khi dùng thuốc với rượu. Đến gặp ngay bác sĩ nếu bạn bị sốt, ớn lạnh, đau khớp hoặc sưng, mệt mỏi hoặc suy nhược quá mức, chảy máu hay bầm tím, xuất hiện phát ban, ngứa da, ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, vàng da hoặc mắt trắng.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc epofluden như thế nào?
Bạn nên bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, nhiệt độ phòng, tránh ẩm và ánh sáng. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.
Nếu thấy viên thuốc bị ẩm mốc, loang màu, nhãn thuốc in số lô, HSD, NSX hoặc có các biểu hiện nghi ngờ khác phải đem thuốc tới hỏi lại nơi bán hoặc nơi sản xuất.