backup og meta

Những điều cần biết khi sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Những điều cần biết khi sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Thuốc chống kết tập tiểu cầu thường được chỉ định để ngăn ngừa nguy cơ tái hình thành cục máu đông cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim [1]. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất và tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Để tìm hiểu rõ hơn về những điều cần biết khi sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, người bệnh nhồi máu cơ tim và gia đình có thể theo dõi những chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hòa – Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong video sau:

Thuốc chống kết tập tiểu cầu là gì? Vì sao bệnh nhân nhồi máu cơ tim cần sử dụng?

Thuốc chống kết tập tiểu cầu là nhóm thuốc giúp hạn chế sự hình thành cục máu đông bằng cách ngăn chặn các tiểu cầu kết dính với nhau. Cục máu đông có thể làm tắc nghẽn các động mạch và ngăn chặn dòng máu chảy đến tim, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim [1], [2].

Đối với người có tiền sử nhồi máu cơ tim, cục máu đông vẫn có khả năng tiếp tục hình thành và dẫn đến các cơn nhồi máu cơ tim khác sau này [3]. Việc sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu mang đến lợi ích đáng kể, giúp bệnh nhân ngăn ngừa nguy cơ tái hình thành cục máu đông cũng như tái phát nhồi máu cơ tim trong tương lai [1].

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim?

Hầu hết các thuốc chống kết tập tiểu cầu đều ở dạng viên nén uống hàng ngày nhưng một số loại sẽ được tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân ở bệnh viện [4]. Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh của mình cũng như các loại thuốc đang sử dụng để được chỉ định dùng thuốc phù hợp [5]. Đối với thuốc dạng uống, bệnh nhân nhồi máu cơ tim phải uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Hầu hết các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu đều là thuốc dùng dài hạn. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều dùng. Trường hợp gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị chứ không được tự ý ngừng dùng thuốc [1]. Việc người bệnh tự ý ngưng thuốc có khả năng dẫn đến các biến cố nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, một lưu ý nữa dành cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim khi sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu chính là phải tái khám đầy đủ và định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ. Trong các buổi tái khám này, bác sĩ có thể đánh giá về mức độ đáp ứng thuốc của bệnh nhân, hiệu quả điều trị cũng như liệu có nên thay đổi phác đồ hay không. Đồng thời, bệnh nhân cũng có cơ hội trao đổi với bác sĩ về những vấn đề mà mình gặp phải khi dùng thuốc.

Theo dõi tác phụ của thuốc chống kết tập tiểu cầu và cách xử lý

Thuốc chống kết tập tiểu cầu có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và chảy máu. Theo đó, nhóm thuốc này có khả năng gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Khi gặp phải tác dụng phụ này, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế bơm proton để bảo vệ dạ dày và đường tiêu hóa [2].

Ngoài ra, cơ chế của thuốc chống kết tập tiểu cầu là làm giảm chức năng của tiểu cầu, giảm khả năng đông máu nên có thể gây chảy máu nhiều hơn bình thường [1], [2]. Theo chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hòa – Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng như các vết bầm tím trên da, đặc biệt là những vị trí hay va chạm như cánh tay, khuỷu tay… Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng dễ bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt ra nhiều hơn và chảy máu lâu hơn bình thường nếu có vết thương hở [2], [6]. Với những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp phải các tình trạng xuất huyết cần liên hệ với bác sĩ để thăm khám ngay [6]:

  • Máu trong nước tiểu
  • Phân sẫm màu hoặc có máu
  • Ho hoặc nôn ra máu
  • Chảy máu hoặc có vết bầm tím lớn bất thường.

Ngoài ra, theo chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hòa, nếu người bệnh có các biểu hiện xuất huyết não như đau đầu, ói mửa, thay đổi về tri giác, lờ đờ, hôn mê… thì cần đi khám ngay.

Bác sĩ Trần Hòa cũng chia sẻ thêm, trong quá trình sử dụng thuốc chống, nếu người bệnh gặp bất kỳ triệu chứng chảy máu nào thì cũng nên trao đổi với bác sĩ hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ chảy máu và có những phương pháp can thiệp phù hợp như dùng thuốc để cầm máu, nội soi để cầm máu… hoặc truyền máu trong trường hợp mất máu nhiều.

Đặc biệt, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, hãy đi cấp cứu ngay lập tức [6]:

  • Đau ngực, đau đầu dữ dội
  • Khó thở đột ngột
  • Yếu, tê liệt ở mặt, cánh tay hoặc chân
  • Khó nuốt, nói chậm, khó nói hoặc mất giọng
  • Phản ứng dị ứng như sưng mặt, miệng, cổ họng…

Xem ngay những chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hòa – Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong video dưới đây để hiểu hơn về vai trò của thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên người bệnh nhồi máu cơ tim.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu thường được sử dụng để ngăn ngừa tái phát cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bệnh nhân cần lưu ý theo dõi các tác dụng phụ của thuốc và thông báo ngay với bác sĩ khi nhận thấy những bất thường để có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, một điều quan trọng là người bệnh nhồi máu cơ tim phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc theo chỉ định và tái khám đầy đủ để theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Antiplatelet Drugs https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/22955-antiplatelet-drugs. Ngày truy cập: 05/10/2023  

2. Drug cabinet: Antiplatelets https://www.bhf.org.uk/informationsupport/heart-matters-magazine/medical/drug-cabinet/antiplatelets#. Ngày truy cập: 05/10/2023 

3. Proactive steps can reduce chances of second heart attack https://www.heart.org/en/news/2019/04/04/proactive-steps-can-reduce-chances-of-second-heart-attack Ngày truy cập: 5/10/2023

4. Antiplatelet Medications. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537062/. Ngày truy cập: 05/10/2023

5. Antiplatelet Therapy. https://www.texasheart.org/heart-health/heart-information-center/topics/antiplatelet-therapy/. Ngày truy cập: 05/10/2023

6. Antiplatelet agents https://www.heartfoundation.org.nz/your-heart/heart-treatments/medications/antiplatelet-agents  Ngày truy cập: 05/10/2023

Phiên bản hiện tại

27/10/2023

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Bị bầm tím không rõ nguyên nhân: Những nguy hiểm mà bạn chưa biết!

Điều trị nhồi máu cơ tim: Những điều bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo