backup og meta

Bocalex

Bocalex

Biệt dược: Bocalex

Hoạt chất: Mỗi viên nang chứa:

  • Beta-caroten…..3mg
  • Vitamin B1……..3mg
  • Vitamin B2……..3mg
  • Vitamin B6……..1,5mg
  • Vitamin C……….120mg
  • Vitamin E……….30IU
  • Vitamin PP……..22,5mg

Dạng bào chế: Viên nang mềm

Tìm hiểu chung

Tác dụng, công dụng của thuốc Bocalex là gì?

Với thành phần gồm nhiều vitamin thiết yếu, viên nang mềm Bocalex giúp cân bằng nhu cầu vitamin hàng ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các phản ứng chuyển hóa và hoạt động bình thường của cơ thể. Thuốc được chỉ định để bổ sung vitamin A, B1, B2, PP, B6, C và E trong trường hợp thiếu hoặc tăng nhu cầu đối với các vitamin này.

Trên thị trường còn có dạng viên sủi Bocalex giúp bổ sung vitamin ở dạng thực phẩm bổ sung với tên gọi Bocalex Multi, Bocalex C100, Bocalex ZinC.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Bocalex là bao nhiêu?

Uống 1 viên/ ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Bocalex như thế nào?

Cách dùng thuốc Bocalex multi

Thuốc có dạng viên nang mềm dùng đường uống, tốt nhất nên uống với nước lọc. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu có thắc mắc gì về cách dùng thuốc, bạn có thể hỏi lại dược sĩ hoặc bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Dùng beta-caroten liều cao kéo dài có thể gây các triệu chứng nôn, đi phân lỏng, thâm tím, đau khớp, vàng da tay – chân. Khi ngưng sử dụng, các triệu chứng này sẽ biến mất. Nếu quá liều vitamin C có thể gây sỏi thận, buồn nôn, viêm dạ dày và tiêu chảy.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc Bocalex?

Tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc này bao gồm:

  • Tác dụng phụ của vitamin B1 thường hiếm xảy ra như ra nhiều mồ hôi, sốc quá mẫn, tăng huyết áp cấp, ban da, ngứa, mề đay, khó thở.
  • Nước tiểu chuyển sang màu vàng nhạt và gây sai lệch một số xét nghiệm nước tiểu, do dùng quá liều vitamin B2.
  • Dùng vitamin B6 với liều 200mg/ ngày và dài ngày (trên 2 tháng) có thể gây bệnh thần kinh ngoại vi nặng. Tình trạng bệnh có khả năng phục hồi khi ngừng dùng thuốc dù vẫn còn để lại ít nhiều di chứng.
  • Tăng oxalat niệu, buồn nôn, ợ nóng, co cứng cơ bụng, mệt mỏi, đỏ bừng, nhức đầu, mất ngủ và tình trạng buồn ngủ có thể xảy ra khi dùng vitamin C.
  • Liều cao vitamin E có thể gây tiêu chảy, đau bụng và các rối loạn tiêu hóa khác. Đôi khi, người dùng có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu.
  • Dùng liều cao vitamin PP (300-500mg/ ngày với người lớn và 100-300mg/ ngày ở trẻ em) có thể bị buồn nôn, đỏ bừng mặt và cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt, đau nhói ở da. Một số tác dụng phụ ít gặp khác khi dùng vitamin PP liều cao có thể gồm loét dạ dày tiến triển, nôn, chán ăn, tim đập nhanh, da khô, tăng sắc tố, vàng da, suy gan, tăng tiết bã nhờn…

Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Bạn nên lưu ý những gì khi dùng thuốc Bocalex?

Thận trọng khi dùng thuốc Bocalex

Chống chỉ định dùng thuốc cho:

  • Người có tiền sử mẫn cảm với các thành phần của thuốc
  • Người có bệnh gan nặng, loét dạ dày tiến triển, xuất huyết động mạch, hạ huyết áp nặng.

Thận trọng khi dùng thuốc này cùng với các thuốc khác có chứa vitamin A.

Dùng vitamin C liều cao kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc nên khi giảm liều sẽ dẫn đến thiếu hụt vitamin này. Người bị thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase dùng liều cao vitamin C có thể bị chứng tan huyết. Huyết khối tĩnh mạch sâu cũng xảy ra khi dùng liều cao vitamin C ở một số người.

Một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng vitamin PP, bao gồm: tiền sử loét dạ dày, bệnh túi mật, tiền sử có vàng da hoặc bệnh gan, bệnh gút, viêm khớp do gút và bệnh đái tháo đường.

Khi sử dụng beta-caroten có thể làm tăng nguy cơ tử vong khi sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các chất chống oxy hóa khác.

Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sự tỉnh táo ở một số người, do đó hãy thận trọng khi dùng thuốc trong lúc lái xe, vận hành máy móc.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Chưa ghi nhận báo cáo về nguy cơ cho phụ nữ mang thai và cho con bú nếu sử đúng liều khuyến cáo hàng ngày. Nếu muốn uống thuốc Bocalex trong các giai đoạn này, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ.

Tương tác thuốc

Thuốc Bocalex có thể tương tác với những thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn nên viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thuốc có thể tương tác với Bocalex, bao gồm:

  • Aspirin
  • Fluphenazin
  • Chất ức chế men khử HMG-CoA, thuốc chẹn alpha-adrenergic
  • Thuốc hạ đường huyết hoặc insulin
  • Carbamezepin
  • Vitamin K
  • Probenecid
  • Clopromazin, imipramin, amitriptylin hoặc adriamycin
  • Levodopa

Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Rượu có thể làm giảm hấp thu vitamin B2.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Bocalex như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ không quá 30ºC.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bocalex. https://drugbank.vn/thuoc/Bocalex&VD-18687-13. Ngày truy cập 15/7/2021.

Bocalex. https://www.mims.com/vietnam/drug/info/bocalex. Ngày truy cập 15/7/2021.

Multivitamins. https://www.drugs.com/mtm/multivitamins.html. Ngày truy cập 15/7/2021.

Beta-carotene (Oral Route). https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/beta-carotene-oral-route/description/drg-20066795. Ngày truy cập 15/7/2021.

Vitamin B-Complex. https://www.peacehealth.org/medical-topics/id/hn-2922005. Ngày truy cập 15/7/2021.

Phiên bản hiện tại

16/07/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

10 thực phẩm giàu vitamin E cần có trong mỗi bữa ăn

Tác dụng của multivitamin có thật sự "vi diệu" như lời đồn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 16/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo