backup og meta

Hoàng cầm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/02/2020

Hoàng cầm

Tên thường gọi: Hoàng cầm

Tên nước ngoài: Baikal skullcap, Chinese skullcap

Tên khoa học: Scutellaria baicalensis Georg.

Họ: Hoa môi (Lamiaceae)

Tổng quan về dược liệu hoàng cầm

Tìm hiểu chung về hoàng cầm

Đây là một loài cây thảo, sống lâu năm, cao khoảng 30–50cm. Rễ thuôn dài, màu vàng. Thân vuông, phân nhánh nhiều, có thể nhẵn hoặc có lông.

Lá mọc đối, hình mác hẹp, đầu thuôn nhọn, mép nguyên. Mặt trên lá có màu xanh lục sẫm, cuống ngắn hoặc không có cuống.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành, hoa màu lam tím, đài hình chuông. Quả gần như hình cầu.

Hoàng cầm là loài cây ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát ở vùng núi cao như Sa Pa.

Bộ phận dùng của hoàng cầm

Các thầy thuốc thường dùng rễ củ của cây để làm thuốc.

Thành phần hóa học trong hoàng cầm

Rễ có chứa flavonoid, chủ yếu là baicalein, scutclarin. Ngoài ra còn có nhiều tanin nhóm pyrocatechic và nhựa.

Từ rễ củ hoàng cầm, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xác định được 31 chất thuộc nhóm flavon và flavanon.

Các chất wogonin và skulcapflavon II có trong hoàng cầm cũng là những chất có hoạt tính sinh học đáng chú ý.

Tác dụng, công dụng của hoàng cầm

Dược liệu hoàng cầm có những công dụng gì?

Những nghiên cứu về tác dụng dược lý của dược liệu này cho thấy:

  • Tính kháng khuẩn trên các vi khuẩn gram dương (cao ether của rễ)
  • Kháng histamin kháng cholin, chống papaverin (baicalin và baicalein)
  • Ức chế sự tăng độ thấm của mạch
  • Ức chế co bóp hồi tráng hoặc tử cung
  • Ức chế hoạt tính của cholesterol acetyltransferase, ức chế tạo cholesteryl ester
  • Hạ huyết áp

Theo Đông y, hoàng cầm có vị đắng, tính lạnh, quy vào 5 kinh gồm tâm, phế, can, đởm và đại trường. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, cầm máu, an thai.

Dược liệu này được dùng để chữa sốt cao kéo dài, cảm mạo, phế nhiệt, ho, lỵ, tiểu gắt, ung nhọt, nôn ra máu, chảy máu cam, tiêu chảy ra máu, băng huyết, vàng da.

Trong y học Trung Quốc, hoàng cầm được dùng làm thuốc bổ, an thần, chống co giật, hạ sốt, trị rối loạn chức năng thần kinh trung ương, động kinh, múa giật, mất ngủ, đặc biệt là viêm cơ tim, thấp khớp cấp.

Ngoài ra, loài cây này còn dùng làm thuốc hạ sốt, làm dịu triệu chứng viêm phổi và viêm phế quản mạn, trị giun, lỵ, dự phòng bệnh dại.

Liều dùng của hoàng cầm

Liều dùng thông thường của hoàng cầm là bao nhiêu?

Liều dùng mỗi ngày từ 6–15g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Bên cạnh đó, rượu hoàng cầm (bột hoàng cầm 20g, cồn 70º đủ 100ml) được dùng làm thuốc chữa các triệu chứng nhức đầu, mất ngủ. Mỗi lần uống 20–30 giọt, ngày uống 2–3 lần.

Một số bài thuốc có hoàng cầm

Hoàng cầm được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa hen phế quản

Hoàng cầm 12g, tang bạch bì, trúc lịch mỗi vị 20g, hạnh nhân 12g, bán hạ chế 8g, ma hoàng 6g, cam thảo 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

2. Chữa viêm phổi chưa có biến chứng

Hoàng cầm 12g, thạch cao 40g, kim ngân, diếp cá, lô căn mỗi vị 20g, liên kiều 16g, hạnh nhân, hoàng liên mỗi vị 12g, ma hoàng 8g, cam thảo 6g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

3. Chữa chảy máu do nhiễm khuẩn gây sung huyết chảy máu, viêm bàng quang cấp tính

Hoàng cầm 12g, hoàng bá, cỏ nhọ nồi, trắc bá diệp, tỳ giải, mộc thông mỗi vị 16g, liên kiều, hòe hoa mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

4. Chữa tiêu chảy cấp tính

Hoàng cầm 12g, nhân trần 20g, kim ngân hoa 16g, cát căn, mộc thông mỗi vị 12g, hoàng liên 8g, cam thảo, hoắc hương mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

5. Chữa lỵ cấp tính

Hoàng cầm 12g, kim ngân hoa 20g, hoàng liên 12g, bạch thược, đương quy mỗi vị 8g, mộc hương, binh lang, cam thảo mỗi vị 6g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.

6. Chữa rong huyết

Hoàng cầm 12g, thích quy bản 24g, mẫu lệ 20g, sinh địa 16g, tông lư khôi, a giao, sơn chỉ, địa du, ngó sen mỗi vị 12g, địa cốt bì 10g, cam thảo 4g. Sắc uống trong ngày.

7. Chữa chàm

Hoàng cầm 12g, hoạt thạch, sinh địa, kim ngân hoa mỗi vị 20g, đạm trúc diệp 16g, hoàng bá, bạch tiền bì, phục linh bì, khổ sâm mỗi vị 12g. Sắc uống trong ngày.

8. Chữa viêm họng

Hoàng cầm 12g, sa sâm 16g, mạch môn, thiên hoa phấn, tang bạch bì mỗi vị 12g, cát cánh, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang.

Lưu ý, thận trọng khi dùng hoàng cầm

Khi dùng hoàng cầm, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng hoàng cầm một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của hoàng cầm

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng hoàng cầm trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với hoàng cầm

Hoàng cầm có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đỗ Tất Lợi (2014), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Trang 311-314.

Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I, Trang 935-938.

Scutellaria baicalensis, the golden herb from the garden of Chinese medicinal plants. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5031759/. Ngày truy cập 20/11/2019.

Phiên bản hiện tại

25/02/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Bài viết này có hữu ích với bạn?


Bài viết liên quan

Long nhãn: Không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc quý

Cây thù lù trị bệnh gì? Cách dùng và những lưu ý