Nhựa tổng hợp có ở khắp mọi nơi. Nhựa có trong đồ chơi trẻ em, hộp đựng thức ăn, chai lọ mỹ phẩm và các vật dụng gia đình. Một số loại nhựa thì thân thiện với môi trường và an toàn cho trẻ em, còn một số loại khác thì lại chứa nhiều chất độc hại và có thể gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Chúng ta hầu như không thể tránh không tiếp xúc với nhựa tổng hợp được, nhưng bạn hoàn toàn có thể lựa chọn loại nhựa an toàn cho sức khỏe gia đình và môi trường. Vì vậy bạn cần phải tìm hiểu những thông tin, mã số có trên đồ nhựa để biết được loại nào là an toàn.
Nhựa tổng hợp là gì và chúng gây hại đến gia đình bạn như thế nào?
Nhựa là một loại chất nhân tạo (được tổng hợp) và được dùng để làm thành nhiều sản phẩm như chai, đồ chơi và đồ gia dụng. Tính chất của nhựa là nhẹ và chắc, có thể được đúc thành nhiều kiểu dáng và độ dày khác nhau.
Nhựa được làm từ chất hóa học. Hai loại chất hóa học chính của nhựa có thể gây ra ảnh hưởng cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh là:
- Bisphenol A (còn được gọi là BPA): BPA làm nhựa trong và cứng cáp hơn. Đôi khi chúng được sử dụng làm bình sữa cho bé, bình nước hoặc các lon kim loại;
- Phthalates làm nhựa mềm và dẻo dai. Những vật dụng y khoa (như các loại ống), chai dầu gội, đồ thức ăn và đồ trang điểm có thể chứa chất này.
Việc tiếp xúc với những chất hóa học này trong khi mang thai có thể gây ra những vấn đề sức khỏe về não bộ và hành vi của thai nhi. Nếu bé là con trai, nhựa có thể ảnh hưởng xấu đến tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ gần bàng quang và “cậu nhỏ” của nam giới giúp bảo vệ tinh trùng.
Tốt hơn hết bạn nên kiểm tra thành phần của bất kỳ món đồ nhựa nào trước khi mua chúng về sử dụng nhé.
Đọc nhãn để hạn chế việc sử dụng nhựa có hại và chọn loại nhựa an toàn
Những loại nhựa sau là những loại nhựa AN TOÀN mà bạn và gia đình có thể yên tâm sử dụng:
- Số 1 là PET (Polyethylene Terephthalate)
- Số 2 là HDPE (High-Density Polyethylene)
- Số 4 là LDPE (Low-Density Polyethylene)
- Số 5 là PP (Polypropylene)
Bạn KHÔNG NÊN sử dụng các loại nhựa tổng hợp có đánh số 3 (PVC – Polyvinyl Chloride), số 6 (PS Polystyrene), 7 (nhựa BPA, Polycarbonate và LEXAN) hoặc chữ PC (viết tắt cho chất hóa học nguy hiểm được gọi là polycarbonate).
Bạn không nên tái sử dụng những loại nhựa chỉ sử dụng một lần như túi nilon, bình nước nhựa dẻo, cốc cà phê và ống hút. Nếu sử dụng lại, bạn có thể phá vỡ cấu trúc của loại nhựa đó và giải phóng một số chất hóa học. Thay vào đó, nếu bạn thường xuyên mang bình nước đi học/đi làm, bạn có thể thay bằng bình nhựa cứng hoặc bình kim loại. Các mẹ khi đi chợ sau khi xài xong túi nilon thì nên vứt bỏ chứ đừng để dành xài lại nhé.
Khi cho con bú, mẹ nên cho con bú sữa mẹ trực tiếp. Nếu bạn phải cho con uống sữa công thức hoặc phải vắt sữa mẹ ra bình, bạn nên thay bình sữa nhựa thành loại bình thủy tinh hoặc lựa chọn loại nhựa an toàn đã nói ở trên.
Khi cho con chơi đồ chơi, bạn nên chọn loại bằng vải hoặc gỗ, đừng chọn loại có sơn vẽ. Nếu bạn chọn mua đồ chơi bằng nhựa cho bé thì hãy kiểm tra kỹ xem có phải là loại nhựa an toàn không rồi mới mua nhé. Bạn cũng không nên để cho con chơi hoặc ngậm các thiết bị điện tử bằng nhựa như remote tivi hoặc điện thoại di động do bé có thể bị nhiễm hóa chất.
Khi hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng, bạn không nên đựng thức ăn trong hộp nhựa mà hãy đựng trong chén dĩa bằng sứ chẳng hạn.
Đối với các mẹ hay dùng mỹ phẩm, bạn hãy chọn các sản phẩm không chứa phthalate.
Bạn cũng nên rửa tay trước khi ăn và tập cho gia đình thói quen tốt này nhé.
Nói chung, các loại sản phẩm làm từ nhựa có đánh số 2, 4 và 5 là các loại nhựa an toàn. Tuy nhiên, cho dù bạn có chọn loại nhựa nào thì hãy nhớ không được để chúng tiếp xúc với nhiệt độ cao như lò vi sóng. Tốt hơn hết là bạn hãy hạn chế dùng nhựa tổng hợp càng ít càng tốt nhé.
[embed-health-tool-bmi]