backup og meta

5 bước trong quy trình sơ cấp cứu

5 bước trong quy trình sơ cấp cứu

Các bước trong quy trình sơ cấp cứu đòi hỏi bạn không những nhanh chóng để kịp thời giúp đỡ người bị nạn mà còn phải cẩn trọng để bảo vệ chính bản thân mình. 

Quy trình sơ cấp cứu đúng cách là bạn cần đặt sự an toàn của bản thân mình lên trước, kế đến là những người xung quanh và cuối cùng là đến người bị nạn. Khi gặp các tình huống khẩn cấp, bạn hãy tiến hành thực hiện các bước trong quy trình sơ cấp cứu dưới đây.

Bước 1: Đánh giá vị trí nạn nhân gặp nguy hiểm

Bạn nên đánh giá vị trí nạn nhân đang nằm, để ý khung cảnh xung quanh người bị nạn có an toàn không và kiểm tra những nguy hiểm có thể xảy ra đối với bản thân bạn và những người xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn an toàn trước khi có ý định cứu một ai đó.

Trước khi chạy đến cứu người, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau:

  • Chuyện gì đã xảy ra?
  • Có bao nhiêu người đang gặp nguy hiểm?
  • Có ai sẵn sàng giúp đỡ người đang gặp nạn không?
  • Nơi nạn nhân gặp nguy hiểm có an toàn để bạn vào giúp đỡ không?

Nếu bạn nhận thấy có sự nguy hiểm thì không nên đến cứu người mà gọi điện thoại khẩn cấp cho những người trợ giúp chuyên nghiệp như gọi cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát…

Sau khi đã xem xét nơi người bị nạn an toàn thì bạn có thể đến xem, đánh giá tình trạng của nạn nhân.

Bước 2: Đánh giá tình trạng của nạn nhân

quy trình sơ cấp cứu là đánh giá tình trạng của nạn nhân

Sau khi đã đánh giá vị trí an toàn, bạn hãy thực hiện bước thứ 2 trong quy trình sơ cấp cứu là đánh giá tình trạng của nạn nhân.

Bạn hãy để ý những biểu hiện của người bị nạn dưới đây:

  • Nạn nhân còn tỉnh táo hay bất tỉnh?
  • Nạn nhân có thở bình thường không?
  • Nạn nhân có bị ngạt thở hay chảy máu nhiều không?
  • Nạn nhân có gặp những chấn thương ở bộ phận nào hay không?
  • Nạn nhân có dấu hiệu bị sốc hay gặp những dấu hiệu tâm lý bất ổn không?

Bước 3: Gọi điện thoại nhờ hỗ trợ

Sau khi đánh giá nạn nhân đang gặp nguy hiểm, bạn hãy tìm đến các sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc những người có chuyên môn khác.

Dưới đây là các số điện thoại khẩn cấp ở Việt Nam bạn có thể gọi khi cần sự trợ giúp:

• 112: Số điện thoại yêu cầu sự trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc

• 113: Số điện thoại khẩn cấp gọi cảnh sát khi có việc liên quan đến an ninh trật tự

• 114: Số điện thoại gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn

• 115: Số điện thoại cấp cứu về y tế

Trong khi chờ những sự trợ giúp chuyên nghiệp, bạn hãy can thiệp cứu giúp người dựa trên những kỹ năng sơ cứu mà bạn đã có. Tuy nhiên, bạn vẫn luôn phải để ý đến sự an toàn của bản thân.

Bước 4: Thực hiện sơ cấp cứu

thực hiện quy trình sơ cấp cứu

Bước 4 là một trong những bước quan trọng trong quy trình sơ cấp cứu. Bước này bạn hãy bình tĩnh để sơ cấp cứu cho người bị thương có các tình trạng khẩn cấp đe dọa đến tính mạng.

Các trường hợp khẩn cấp thường là nạn nhân bị ngất xỉu, bất tỉnh, ngưng thở hoặc bị chảy máu nhiều. Dưới đây là cách thực hiện các bước sơ cấp cứu ban đầu cho những trường hợp khẩn cấp:

• Trường hợp người bị nạn bất tỉnh: Nếu người bị nạn bất tỉnh, bạn hãy la to để thu hút sự chú ý từ người bị nạn. Nếu họ không phản hồi, bạn hãy lắc vai hoặc chân họ và gọi lớn tiếng một lần nữa, đồng thời kiểm tra nhịp thở của họ. Bạn hãy kiểm tra những phản hồi và nhịp thở của người gặp nạn không quá 5-10 giây.

• Trường hợp người bị nạn ngưng thở: Nếu nạn nhân ngưng thở, bạn hãy nhanh chóng gọi 115 rồi đặt họ nằm thẳng trên một bề mặt chắc chắn, bằng phẳng như sàn nhà hoặc mặt đất. Sau đó, bạn tiến hành thực hiện hồi sức tim phổi hoặc sử dụng máy khử rung tự động nếu có sẵn. Bạn cứ tiếp tục làm điều này cho đến khi người bị nạn có dấu hiệu của sự sống như thở lại hoặc chờ đến khi xe cứu thương tới.

• Trường hợp người bị nạn chảy máu nhiều: Bạn hãy rửa tay sạch rồi thực hiện các bước sơ cứu khi bị chảy máu cho nạn nhân rồi dùng gạc băng lại. Sau khi sơ cấp cứu xong, bạn cũng hãy rửa tay lại một lần nữa để tránh nhiễm trùng.

• Trường hợp người bị nạn bất tỉnh nhưng vẫn còn thở: Bạn hãy kiểm tra người nạn nhân từ đầu đến chân xem có gặp những vấn đề bất thường nào không. Bạn cũng nên lăn người bị nạn nằm nghiêng nếu không có dấu hiệu thương tích rõ ràng và gọi số điện thoại cấp cứu 115 khẩn cấp.

Nếu đội ngũ chuyên môn y tế có thể đến sớm, bạn không nên di chuyển người bị nạn mà hãy duy trì sự an toàn cho họ tại vị trí đang nằm. Ngoài ra, nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì bạn nên trấn an họ và giải thích bạn đang làm gì để giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh nguy kịch.

Bước 5: Đảm bảo an toàn cho người bị nạn

Quy trình sơ cấp cứu đúng cách là bạn hãy đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân trong khi chờ đợi những người có chuyên môn đến giúp đỡ.

Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể giúp nạn nhân:

• Gọi hỏi thời gian những người chuyên môn sẽ tới: Bạn có thể gọi hỏi những người chuyên môn để xác định được thời gian họ đến cứu nạn nhân và đảm bảo nạn nhân được an toàn.

• Di chuyển nạn nhân sang chỗ an toàn: Bạn hãy cân nhắc việc di chuyển người cẩn thận nhất có thể với sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc những người cứu hộ khác.

• Kiểm tra nạn nhân còn chảy máu không: Nếu nạn nhân có chảy máu, bạn cần kiểm tra xem máu của nạn nhân đã ngừng chảy chưa sau khi bạn đã sơ cứu vết thương. Nếu máu không ngừng chảy, bạn không nên loại bỏ gạc y tế đã băng mà hãy quấn thêm băng gạc và bọc kỹ vết thương.

• Bàn giao nạn nhân cho bác sĩ khi họ tới: Khi bác sĩ đến, bạn hãy hỗ trợ họ đưa người bệnh đến bệnh viện. Bạn cũng nên thông báo cho gia đình và người thân của họ biết.

Các bước sơ cấp cứu cần thực hiện hết sức nhanh chóng và cẩn trọng để cứu sống người. Tuy nhiên, bạn vẫn nên biết các quy trình sơ cấp cứu để có thể giữ an toàn cho chính mình và mọi người nhé.

Hoa Vũ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Introduction to First Aid
https://www.healthline.com/health/first-aid#outlook
Ngày truy cập: 06.05.2020

10 Basic First Aid Procedures
https://www.verywellhealth.com/basic-first-aid-procedures-1298578
Ngày truy cập: 06.05.2020

First aid basics and DRSABCD
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/first-aid-basics-and-drsabcd
Ngày truy cập: 06.05.2020

Phiên bản hiện tại

29/06/2020

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Khử trùng liệu đã đủ? Cách điều trị vết thương, vết cắt và vết bỏng nhẹ

“Giải mã” 5 hiểu lầm thường gặp khi chăm sóc vết thương


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 29/06/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo