backup og meta

Làm bố mẹ đơn thân bạn phải đối phó với điều gì?

Làm bố mẹ đơn thân bạn phải đối phó với điều gì?

Ngày nay, việc làm bố mẹ đơn thân khá phổ biến do tình trạng ly dị gia tăng. Để việc nuôi dạy con một mình trở nên đơn giản hơn, bạn cũng cần biết cách.

Tại Mỹ, tỷ lệ ly hôn là 53%, nghĩa là cứ 2 cặp kết hôn, có hơn 1 cặp ly dị. Nghe có vẻ nhiều nhưng Mỹ chỉ là “em út” trong top 10 nước có tỷ lệ ly dị cao nhất thế giới. Đứng đầu bảng xếp hạng này là Bỉ (71%), tiếp theo là Bồ Đào Nha (68%), Hungary (67%), Cộng hòa Czech (66%), Tây Ban Nha (63%), Luxembourg (60%), Estonia (58%), Cuba (56%), Pháp (55%).

Còn ở Việt Nam, theo công trình nghiên cứu xã hội học của PGS – TS. Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn là 31,4%, tức là cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ tuổi từ 21 – 30, trong đó 70% số vụ ly hôn khi kết hôn 1 – 7 năm và hầu hết đã có con… Qua số liệu này cho thấy, ngày càng có nhiều người phải làm bố mẹ đơn thân. Vậy khi chẳng may rơi vào tình huống này, bạn phải làm sao để đối mặt với nó dễ dàng?

Các vấn đề mà bạn phải đối mặt khi nuôi con một mình

Nuôi con một mình là điều không ai muốn, nhưng vì hoàn cảnh đôi khi bạn phải chấp nhận việc này. Bạn biết rằng làm bà mẹ đơn thân sẽ vô cùng khó khăn. Ngoài việc đối mặt với những định kiến của xã hội, bạn còn phải đương đầu với những vấn đề sau:

  • Khó khăn trong việc dạy dỗ con vì bạn chỉ có một mình và hành động của bạn không phải lúc nào cũng đúng.
  • Bạn sẽ chạnh lòng khi thấy con ghen tỵ với những đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ.
  • Bạn khó có thể xây dựng một gia đình mới khi con còn nhỏ và bạn sợ rằng người đó không đối xử tốt với con.
  • Khó cân bằng giữa công việc và chăm sóc con. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho con thì công việc sẽ bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu dành nhiều thời gian cho công việc thì bạn sẽ không còn thời gian để dạy dỗ con.
  • Trách nhiệm và công việc sẽ khiến bạn không còn thời gian để chăm sóc cho bản thân, dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và áp lực.
  • Vấn đề về tài chính có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học của con.

Những ưu điểm của việc nuôi con một mình

Nếu chẳng may phải làm bố hoặc mẹ đơn thân, bạn cũng đừng quá buồn hay lo lắng vì điều này có thể đem đến những ảnh hưởng tích cực:

1. Sợi dây liên kết giữa bố/mẹ và con rất chặt chẽ

Khi nuôi con một mình, bạn sẽ được ở riêng cùng con. Điều này sẽ giúp sợi dây tình cảm giữa bạn và bé trở nên chặt chẽ hơn. Nếu không có quyền nuôi con, bạn vẫn là người đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con:

  • Nếu nghĩ rằng tình cảm giữa bạn và bé chưa đủ tốt, hãy cố gắng làm một việc gì đó cho con.
  • Hãy nhớ rằng mối quan hệ giữa bạn và con không phải đến đây là kết thúc mà nó vẫn còn tiếp tục cho đến khi bé lớn lên, thậm chí là sau khi bé trưởng thành.

2. Nhận được sự hỗ trợ từ người thân

lam-bo-me-don-than-ban-phai-doi-pho-voi-dieu-gi-hinh-anh

Nuôi dạy một đứa trẻ cần rất nhiều người. Nếu bạn sống chung với bố mẹ hoặc anh chị em, thì những người thân này sẽ hỗ trợ bạn nuôi con. Còn không, bạn hãy tham gia vào các tổ chức cộng đồng cha mẹ đơn thân hoặc nhóm các phụ huynh của các bé học chung với con.

3. Hiểu được trách nhiệm của bản thân

Trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình bố mẹ đơn thân sẽ hiểu được vai trò của mình từ rất sớm. Trẻ sẽ ý thức mình phải làm gì để giúp đỡ bố hoặc mẹ mình:

  • Hãy để trẻ nhận ra mình phải nỗ lực những gì
  • Khen ngợi khi trẻ làm việc nhà
  • Nhờ trẻ giúp đỡ bạn những việc đơn giản.

4. Trưởng thành

Trẻ sẽ thấy và hiểu rằng bố hoặc mẹ mình đang phải làm việc vất vả như thế nào. Điều này sẽ kích thích trẻ có ý thức san sẻ công việc với bố mẹ. Ngoài ra, trẻ sẽ học được cách đối mặt với những điều không vui trong cuộc sống.

  • Nếu thấy trẻ không vui hoặc thất vọng, bạn hãy hỗ trợ và khích lệ con. Điều này sẽ giúp trẻ trở thành người biết cảm thông và biết cách chăm sóc người khác.
  • Bạn không thể ngăn điều làm con buồn nhưng bạn có thể giúp con giải tỏa cảm xúc của mình.

5. Hiểu được vai trò của mình

Trẻ sống trong một gia đình bố mẹ đơn thân sẽ ý thức mình quan trọng đối với bố mẹ như thế nào. Điều này sẽ giúp trẻ vào đời tốt hơn vì trẻ sẽ có động lực để đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong tương lai.

  • Dạy cho bé biết cân bằng nhu cầu của bản thân với nhu cầu của gia đình
  • Dạy bé biết quan tâm đến nhu cầu của người khác.

6. Không có sự xung đột

Những gia đình đơn thân sẽ không có sự xung đột, tranh cãi giữa bố mẹ. Điều này giúp cho cả bố/mẹ lẫn con cái giảm được những căng thẳng không cần thiết. Không có tranh cãi, không có xung đột, bé sẽ cảm thấy an toàn hơn rất nhiều.

Ảnh hưởng tiêu cực của việc nuôi con một mình

Bên cạnh những điều tích cực, việc làm bố/mẹ đơn thân gặp những khó khăn nhất định.

1. Khó khăn về tài chính

Đa số bố/mẹ đơn thân đều phải làm việc nhiều giờ để có đủ tài chính cho cả gia đình. Điều này sẽ làm bạn không có nhiều thời gian để ở bên con. Ngoài ra, con cũng có thể không có những cơ hội tốt do thiếu thốn về tài chính.

2. Không có thời gian nuôi dạy con

Công việc và những lo toan trong cuộc sống đè hết lên đôi vai bạn. Bạn sẽ không còn tâm trí nghĩ đến việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Thậm chí, làm việc quá nhiều còn khiến bạn quên chú ý đến việc học của con. Đôi lúc, sự lơ là của bạn khiến trẻ mắc phải những vấn đề về tâm lý. Vì vậy, dù bận rộn, bạn vẫn dành ra một ít thời gian ở bên con nhé.

3. Những đứa trẻ sau khi ba mẹ ly hôn

lam-bo-me-don-than-ban-phai-doi-pho-voi-dieu-gi-hinh-anh-1

Nếu hôn nhân của bạn đổ vỡ thì bé sẽ gặp phải một số khó khăn về việc thích ứng với hoàn cảnh sống mới. Trẻ sẽ cảm thấy tồi tệ khi không còn nhìn thấy bố hoặc mẹ của mình thường xuyên hơn. Ngoài ra, những điều không tốt trong cuộc sống hôn nhân của bạn sẽ trở thành những ấn tượng khó quên trong tâm trí của bé. Do đó, nếu bạn nhận thấy bé gặp khó khăn khi ngủ hoặc gặp các vấn đề ở trường, hãy chia sẻ và động viên bé.

4. Các vấn đề về cảm xúc

Bé mong muốn đi chơi cùng bạn nhưng bạn quá bận và không thể dành thời gian cho con được. Dần dần mối quan hệ giữa bạn và con sẽ bị rạn nứt. Để khắc phục điều này, bạn có thể dành những lời khen khi con làm việc gì đó tốt hoặc viết những tấm thiệp khen ngợi điều tốt của con. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin hơn rất nhiều và hiểu rằng bạn luôn quan tâm đến trẻ.

5. Cô đơn

Đây là điều mà những ông bố bà mẹ đơn thân phải đối mặt. Bạn sẽ không thể chia sẻ niềm vui hoặc những khó khăn mà mình đang đối mặt với vợ hoặc chồng. Nếu phải nuôi con một mình vì vợ hoặc chồng mất thì việc gánh vác những trách nhiệm này sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

6. Gặp nhiều khó khăn

Không chỉ bố/mẹ đơn thân gặp khó khăn mà con cái cũng phải đối mặt với nhiều thứ. Trẻ sẽ phải trải qua cảm giác mất mát, nghèo khổ và sự than vãn liên tục của bố/mẹ. Nếu bạn mất đi một người để chia sẻ thì trẻ mất đi một người để bảo vệ và hướng dẫn. Điều này sẽ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống.

Bí quyết giúp việc nuôi dạy con một mình trở nên đơn giản hơn

Việc nuôi dạy con một mình không phải là điều dễ dàng khi bạn phải một mình đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm bớt những căng thẳng không cần thiết bằng cách thử thực hiện một số bí quyết dưới đây:

1. Thiết lập thời gian biểu

Một thời gian biểu quen thuộc mỗi ngày sẽ đem đến cho trẻ cảm giác an toàn. Hãy duy trì việc ăn uống, ngủ, nghỉ của trẻ theo đúng thời gian biểu. Nếu bạn không có thời gian bên con vào ban ngày thì hãy dành thời gian chơi với con vào hôm sau hoặc cuối tuần chứ đừng cố gắng bù đắp vào buổi tối vì trẻ cũng cần ngủ như người lớn. Tuy nhiên, trước tiên, bạn hãy dành thời gian tập cho con những thói quen này.

2. Chăm sóc bản thân

Việc bạn tức giận, buồn bã về những vấn đề của cuộc sống đều được trẻ quan sát và ghi nhận rõ ràng. Điều này phổ biến ở các gia đình, dù là gia đình đơn thân hay gia đình bình thường. Thế nhưng, bạn nên giải thích cho trẻ hiểu là những cảm xúc tiêu cực này không phải là do trẻ và hãy nói cho trẻ biết bạn yêu con hơn bất cứ điều gì.

Nếu trẻ đủ lớn để hiểu, hãy chia sẻ những điều bạn đang gặp phải. Khi bạn chia sẻ với con, trẻ cũng cảm thấy tự tin hơn và kể cho bạn nghe những chuyện của con. Ngoài ra, bạn không nên thảo luận những vấn đề của người lớn với trẻ như vấn đề về tài chính hoặc mâu thuẫn giữa bạn với vợ hay chồng cũ. Điều này chỉ làm trẻ lo lắng hơn. Bạn chỉ nên chia sẻ những vấn đề này với bạn bè để được an ủi.

3. Cho con một tình yêu vô điều kiện

lam-bo-me-don-than-ban-phai-doi-pho-voi-dieu-gi-hinh-anh-2

Trẻ luôn cần sự bảo vệ, động viên, hỗ trợ và tin tưởng từ bạn. Do đó, hãy dành thời gian để trò chuyện với con khi đưa con đến trường, trong bữa ăn, chơi đùa hoặc kể chuyện cho trẻ nghe trước khi đi ngủ. Cười và ôm trẻ càng nhiều càng tốt. Hãy cho trẻ biết rằng bạn rất vui khi gặp con vào buổi sáng và khi con đi học về.

4. Đặt ra các quy tắc cơ bản

Việc uốn nắn trẻ không phải là điều dễ dàng. Do đó, hãy đặt ra một số quy tắc cơ bản để giúp trẻ đi vào nề nếp.

  • Khen ngợi: Đừng tiếc những lời khen cho những việc làm tốt của trẻ. Đây là cách hiệu quả nhất để bé tiếp tục cố gắng.
  • Lời nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: Giọng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát là cách tốt nhất giao tiếp giữa bố mẹ và con cái.
  • Thiết lập những quy tắc: Thiết lập một số quy tắc để giúp trẻ hiểu được hành động nào của mình được chấp nhận và hành động nào không được. Nếu vi phạm những quy tắc này, trẻ sẽ phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực.
  • Linh hoạt trong cách dạy con: Nếu trẻ liên tục có những hành động không tốt, bạn phải điều chỉnh lại. Ví dụ, nếu trẻ xem tivi trong nhiều giờ thì bạn nên tắt nó đi hoặc nếu cứ mải chơi đồ chơi thì bạn nên cất chúng đi. Tuy nhiên, bạn nên thông báo cho con trước khi tắt tivi hoặc cất đồ chơi.

Tiếp theo, bạn đưa ra những hình phạt khi trẻ vi phạm quy tắc hoặc có những hành động không tốt. Nếu hành vi của trẻ là do muốn thu hút sự chú ý của bạn, hãy tha thứ cho trẻ.

5. Xử lý các vấn đề tài chính

Tài chính là vấn đề khó khăn nhất khi nuôi dạy con một mình. Bạn nên chú ý đầu tư những kế hoạch lâu dài, để dành tiền chuẩn bị cho việc học sau này của trẻ. Nếu được, bạn có thể nhận việc làm thêm để có thêm thu nhập.

6. Nhờ sự hỗ trợ của người thân

Bố/mẹ đơn thân rất cần sự giúp đỡ của người thân để chăm sóc con khi họ phải đi làm. Bạn cũng có thể tham gia vào một nhóm hỗ trợ hoặc thuê người giúp việc để chăm sóc bé.

7. Trả lời trung thực

lam-bo-me-don-than-ban-phai-doi-pho-voi-dieu-gi-hinh-anh-3

Nếu trẻ hỏi tại sao bố/mẹ không ở cùng mình nữa, bạn nên trả lời trung thực và cởi mở. Bạn nên lựa lời an ủi trẻ khi điều đó làm trẻ không vui.

8. Tìm cách xóa bỏ cho những mặc cảm tội lỗi

Bạn có thể cảm thấy có lỗi với những điều bạn không thể làm cho con hoặc không có thời gian ở bên con. Nếu vậy, bạn hãy tập trung làm việc nhanh để có thời gian cho con. Nếu cảm thấy có lỗi về việc ly hôn, hãy nhờ sự tư vấn của người thân, bạn bè hoặc chuyên gia.

9. Lạc quan

Sau sự đổ vỡ trong hôn nhân, bạn sẽ nhanh chóng bị choáng ngợp với rất nhiều trách nhiệm khi nuôi con một mình. Thế nhưng, dù thế nào bạn vẫn nên suy nghĩ lạc quan vì trẻ rất dễ bị cảm xúc của bạn làm ảnh hưởng. Tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ và duy trì một chế độ ăn lành mạnh để cân bằng cuộc sống.

Mời bạn xem thêm bài Bạn đã sẵn sàng cho mối quan hệ mới sau khi ly hôn

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

6 Positive And 6 Negative Effects Of Single Parenting http://www.momjunction.com/articles/effects-of-single-parenting_00373930/ Ngày truy cập 1/11/2017

Single Parenting and Child Behavior Problems in Kindergarten https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3193152/ Ngày truy cập 1/11/2017

Phiên bản hiện tại

07/09/2020

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Bạn đã sẵn sàng cho mối quan hệ mới sau khi ly hôn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 07/09/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo