backup og meta

4 dấu hiệu cho thấy bạn đang chịu công việc quá tải và 4 cách vượt qua

4 dấu hiệu cho thấy bạn đang chịu công việc quá tải và 4 cách vượt qua

Công việc quá tải có thể khiến bạn mất hứng thú và động lực khi làm việc. Điều này không chỉ làm giảm năng suất lao động, tiêu hao năng lượng mà còn khiến bạn cảm thấy căng thẳng, thậm chí là bất lực và tuyệt vọng.

Những dấu hiệu nào cho thấy bạn đang chịu công việc quá tải? Bạn cần làm gì khi quá tải trong công việc để vượt qua? Mời bạn tìm hiểu ngay sau đây!

Những dấu hiệu cho biết bạn đang bị quá tải trong công việc

Nếu đang gặp phải một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây thì rất có thể bạn đang rơi vào tình trạng công việc quá tải.

1. Bạn không còn hào hứng với công việc và luôn cảm thấy phiền phức

Sự lạc quan và năng lượng tích cực của bạn trong công việc gần như biến mất, thay vào đó là cảm giác tồi tệ, mệt mỏi và mất hứng thú với tất cả những gì liên quan đến công việc. Tình trạng này không diễn ra trong một hai ngày mà kéo dài từ tuần này sang tuần khác, thậm chí là từ tháng này qua tháng nọ.

2. Bạn không thể tập trung vào công việc

Việc thiếu tập trung là dấu hiệu cho biết cơ thể bạn đang kiệt sức. Bạn dễ quên, thường xuyên nhầm lẫn từ những việc quen thuộc nhất. Sự mất tập trung và động lực trong công việc khiến bạn chỉ muốn hoàn thành cho xong công việc chứ không phải hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

3. Dễ cáu gắt khi công việc quá tải

công việc quá tải khiến bạn dễ cáu gắt

Bạn cảm thấy mình dễ nổi nóng và cáu giận với đồng nghiệp. Bất cứ hành động nào của họ dù là nhỏ nhất cũng khiến bạn khó chịu, buồn phiền. Bên cạnh đó, bạn không còn hứng thú với bất kỳ hoạt động tập thể nào của phòng ban hay công ty. Nguyên nhân có thể là vì bạn quá mệt mỏi với khối lượng công việc quá tải và không còn đủ sức lực cho những hoạt động vui chơi đó. Hậu quả của điều này là khiến cho các mối quan hệ của bạn trong công việc trở nên tệ hơn và vô tình khiến bạn tự tạo nên một chiếc hộp kín để cô lập bản thân.

4. Không có thời gian nghỉ ngơi thực sự

Một ngày làm việc của bạn bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối mịt. Bạn sử dụng cả thời gian nghỉ ngơi của mình để làm việc. Do đó, bạn không có giây phút nào cho bản thân và thư giãn. Đừng nghĩ điều này sẽ giúp bạn giải quyết được nhiều công việc hơn bởi việc này tai hại hơn những gì bạn tưởng. Nó sẽ khiến bạn nhanh chóng kiệt sức, tinh thần suy kiệt và làm giảm hiệu suất công việc.

Tác hại của tình trạng công việc quá tải

Nhiều người thường than phiền về tình trạng công việc quá tải của mình nhưng thực tế họ lại không thể dừng làm việc, giải quyết dứt điểm vấn đề và cân bằng lại. Tình trạng than vãn về công việc vẫn diễn ra và tạo thành một vòng luẩn quẩn, tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần như:

  • Bệnh trĩ
  • Bệnh về mắt
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Trầm cảm, stress
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Bệnh về tim mạch
  • Suy giảm ham muốn tính dục

4 cách vượt qua tình trạng công việc quá tải

cách vượt qua công việc quá tải

Tình trạng quá tải công việc cần được chấm dứt càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, sức khỏe và tinh thần của bạn. Dưới đây là những gợi ý để bạn dần lấy lại sự cân bằng và giải phóng bản thân khỏi tình trạng quá tải.

1. Dành thời gian để tinh thần và thể chất được nạp năng lượng

Hãy dừng lại việc dồn tâm trí, sức lực 100% cho công việc. Hãy chia thời gian và có phương pháp làm việc khoa học. Bạn có thể tham khảo phương pháp Pomodoro (quả cà chua), đây là quy trình làm 25 phút, nghỉ 5 phút, nếu bạn buộc phải gián đoạn thì Pomodoro sẽ được tính lại từ đầu. Khi thực hiện phương pháp làm việc này, bạn chỉ tập trung làm 1 việc duy nhất với 100% thời gian đã định. Nếu công việc xong trước khi Pomodoro kết thúc, bạn cần dùng thời gian còn lại để kiểm tra và tối ưu hóa công việc cho đến hết Pomodoro đó.

Trong các khoảng thời gian nghỉ (nghỉ 5 phút, 10 phút), bạn cần phải nghỉ ngơi thực sự. Hãy nhắm mắt thư giãn, nghe nhạc, uống nước, mát xa đầu, khuôn mặt, thiền, sắp xếp bàn làm việc, đi dạo trong văn phòng hoặc làm những việc đơn giản không cần sử dụng tư duy nhiều. Khi nghỉ ngơi, tuyệt đối tránh mọi thứ liên quan tới Internet hoặc mạng xã hội vì chúng có thể sẽ kích thích sự hưng phấn của bạn và khiến bộ não thêm mệt mỏi.

Có thể bạn quan tâm: 10 cách giảm stress công việc giúp bạn cân bằng cuộc sống

2. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân

Sẵn sàng xử lý công việc 24/24 có thể giúp bạn đạt được những thành tích nhất định nhưng điều đó không có lợi cho sức khỏe của bạn. Hãy tạo ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân để cân bằng và loại bỏ nguy cơ căng thẳng trong tương lai. Bạn nên có quy tắc riêng về việc kiểm tra email, nhận cuộc gọi liên quan đến công việc.

3. Chia sẻ với người thân

chia sẻ với người thân là cách vượt qua công việc quá tải

Đừng xa cách với những người thân của mình để toàn tâm toàn ý với công việc. Bạn cần giữ liên lạc và dành thời gian để chia sẻ, quan tâm với gia đình hoặc bạn bè. Khi căng thẳng hoặc quá tải trong công việc, hãy tâm sự với những người tin cậy của mình. Họ sẽ cho bạn thêm lời khuyên, động lực để bạn vượt qua hoặc đơn giản là lắng nghe tâm tư của bạn.

4. Thực hiện các bài tập giúp bạn giải tỏa căng thẳng

Bạn nên dành vài phút mỗi ngày để thiền, yoga, vận động cơ thể hoặc đơn giản là hít thở sâu để làm dịu sự căng thẳng, áp lực trong công việc của bạn. Sống chậm lại một chút để thư giãn sẽ giúp bạn lấy được sự cân bằng trước những hối hả, gấp gáp của công việc.

Có thể bạn quan tâm: 6 bài tập yoga giúp bạn thư giãn mỗi ngày

Con đường sự nghiệp và công việc quả thật rất quan trọng, nhưng sức khỏe mới là điều quý giá nhất. Hãy học cách cân bằng giữa cuộc sống và công việc, phân bổ khoa học hợp lý để mỗi ngày đi làm là một ngày vui, không còn những bực dọc hay căng thẳng. Hy vọng những thông tin vừa rồi đã giúp cho bạn nhận biết được các dấu hiệu của tình trạng công việc quá tải và giải pháp để vượt qua chúng một cách nhanh chóng. Chúc bạn gặt hái được nhiều thành công trong công việc và luôn khỏe mạnh, hạnh phúc!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Stop Work Overload By Setting These Boundaries

https://hbr.org/2013/05/stop-work-overload-by-setting

Ngày truy cập 23/2/2022

Overloaded at Work? Here’s How to Cope.

https://www.lifehack.org/articles/work/overloaded-work-heres-how-cope.html

Ngày truy cập 23/2/2022

Role Overload and Work Performance: The Role of Psychological Strain and Leader–Member Exchange

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2021.691207/full

Ngày truy cập 23/2/2022

Effect of Work Overload on Job Satisfaction Through Burnout

https://www.ecojoin.org/index.php/EJM/article/view/703

Ngày truy cập 23/2/2022

I felt overloaded at work—until I learned how to say ‘no’ to colleagues

https://www.science.org/content/article/i-felt-overloaded-work-until-i-learned-how-say-no-colleagues

Ngày truy cập 23/2/2022

 

Phiên bản hiện tại

24/02/2022

Tác giả: Thu Hiền

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng

Bạn có phải là người nghiện công việc?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thu Hiền · Ngày cập nhật: 24/02/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo