backup og meta

Rèn luyện trí tuệ cảm xúc để cuộc sống bạn cân bằng hơn!

Rèn luyện trí tuệ cảm xúc để cuộc sống bạn cân bằng hơn!

Việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc sẽ giúp bạn duy trì các mối quan hệ cá nhân và đạt được nhiều điều mong muốn trong học tập, công việc lẫn đời sống. Khi nắm được các kỹ năng cần thiết để xây dựng trí tuệ cảm xúc tốt, bạn sẽ thấy cuộc sống cân bằng hơn. 

Trí tuệ cảm xúc, chỉ số cảm xúc EQ hay trí thông minh cảm xúc là khả năng hiểu, sử dụng và quản lý cảm xúc của chính bạn theo cách tích cực nhằm mục đích giảm căng thẳng. Khi rèn luyện được trí tuệ cảm xúc cao, bạn sẽ cảm nhận được nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận từ bản thân như giao tiếp hiệu quả, dễ đồng cảm với người khác, kiên trì vượt qua thử thách, bình tĩnh giải quyết xung đột…

Vai trò của trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc giúp bạn xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn, mang lại thành công ở trường và công việc, đạt được các mục tiêu cá nhân cũng như nghề nghiệp. Đây cũng là yếu tố giúp bạn kết nối tốt với cảm xúc của mình, biến ý định thành hành động để đưa ra quyết định sáng suốt đối với những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn.

Khả năng trí tuệ hay còn gọi là chỉ số thông minh (IQ) chưa đủ để giúp bạn đạt được thành công trong cuộc sống. Người thông minh nhất chưa hẳn đã là người thành công trong cuộc sống. Người có học vấn xuất sắc nhưng nhiều lúc vẫn thấy khó khăn khi chưa thể hòa nhập với mọi người xung quanh hay không thể duy trì được các mối quan hệ. 

IQ và EQ mang lại tác động tích cực cho bạn khi tồn tại song song và bổ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn như chỉ số IQ có thể giúp bạn vào đại học, nhưng chính chỉ số EQ sẽ giúp bạn kiểm soát căng thẳng và cảm xúc khi đối mặt với kỳ thi cuối kỳ. Vai trò của trí tuệ cảm xúc có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong đời sống của bạn như:

• Khả năng học tập, làm việc: Trí tuệ cảm xúc cao giúp bạn tự cân bằng khi cảm thấy môi trường xung quanh trở nên phức tạp. Bạn sẽ hình thành khả năng dẫn dắt và thúc đẩy người khác để cùng bạn đạt đến thành công. Nhiều công ty đánh giá cao trí tuệ cảm xúc cũng tương đương với các kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn, nên các bài kiểm tra EQ thường được sử dụng để tuyển chọn ứng viên phù hợp.

• Sức khỏe thể chất: Nếu bạn không thể quản lý cảm xúc tốt thì nghĩa là bạn cũng không kiểm soát được căng thẳng hiệu quả. Điều này sẽ dẫn đến hàng loạt những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như làm tăng huyết áp, ức chế hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, đẩy nhanh quá trình lão hóa…

• Sức khỏe tinh thần: Những cảm xúc và căng thẳng không được kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần khiến bạn dễ bị lo lắng và trầm cảm. Về lâu dài, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy cô đơn và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

• Tạo lập mối quan hệ: Bằng cách thấu hiểu và kiểm soát cảm xúc, bạn sẽ dễ dàng chia sẻ với những cảm giác của người khác hơn. Điều này cho phép bạn giao tiếp tốt hơn và tạo nên các mối quan hệ lâu dài hơn, cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Hãy tự hào vì bạn có trí thông minh cảm xúc cao!

Cách rèn luyện trí tuệ cảm xúc

Bạn hãy cùng tìm hiểu 4 kỹ năng giúp bạn rèn luyện trí tuệ cảm xúc dưới đây để giúp cuộc sống cân bằng hơn nhé.

1. Tự kiểm soát bản thân để rèn luyện trí tuệ cảm xúc

rèn luyện trí tuệ cảm xúc

Khi trở nên căng thẳng quá mức, bạn sẽ dễ dàng mất sự kiểm soát cảm xúc và hành động thấu đáo. Thời điểm đó có dễ dàng để bạn suy nghĩ rõ ràng hoặc đưa ra quyết định hợp lý? Để phát triển chỉ số EQ, bạn cần học cách sử dụng cảm xúc để đưa ra những quyết định không mang tính nhất thời.

Để có được khả năng quản lý căng thẳng và duy trì cảm xúc, bạn hãy học cách tiếp nhận điều khiến mình khó chịu mà không bị lấn át bởi cảm xúc. Khi gặp vấn đề, bạn có thể chọn cách tránh thể hiện thái độ và hành vi tiêu cực bằng cách giữ im lặng, uống cà phê, tìm một không gian trống, chia sẻ với người khác…

Việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc sẽ giúp bạn quản lý cảm xúc, hành vi bốc đồng một cách chủ động, tích cực và thích nghi tốt với sự thay đổi của hoàn cảnh. 

2. Tự nhận thức để rèn luyện trí tuệ cảm xúc

rèn luyện trí tuệ cảm xúc

Kiểm soát căng thẳng chỉ là bước đầu tiên để rèn luyện trí tuệ cảm xúc. Khoa học chỉ ra rằng cảm xúc hiện tại của bạn có khả năng được hình thành từ trải nghiệm cuộc sống khi bạn vẫn còn là một đứa trẻ.

Khả năng quản lý những cảm xúc cốt lõi như giận dữ, buồn bã, sợ hãi và vui vẻ thường phụ thuộc vào cảm xúc trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, khi trưởng thành, bạn vẫn có khả năng nhận biết cảm xúc của chính mình và cách chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi. Bạn cần xác định được điểm mạnh, điểm yếu, niềm tin và mong muốn của chính bản thân.

Để rèn luyện trí tuệ cảm xúc, bạn cần kết nối lại với những cảm xúc cốt lõi bên trong mình và trở nên thoải mái với chúng thông qua thực hành chánh niệm có nguồn gốc từ Phật giáo.

Thực hành chánh niệm giúp bạn sống hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh. Bạn sẽ tự nhìn lại mình, quan niệm sống và nhận thức được ý nghĩa của mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống.

3. Quản lý mối quan hệ để rèn trí tuệ cảm xúc

rèn luyện trí tuệ cảm xúc

Khả năng làm việc hòa hợp với người khác là cả một quá trình bắt đầu từ những nhận thức về cảm xúc của mình và sự thấu hiểu đối với người khác. Khi nắm bắt được những điều này, bạn sẽ phát triển hiệu quả các kỹ năng cần thiết để xây dựng những mối quan hệ xã hội tốt đẹp bền vững.

• Vận dụng giao tiếp phi ngôn ngữ: Giao tiếp phi ngôn ngữ là cách gửi nhận thông điệp trong quá trình giao tiếp thông qua các bộ phận trên cơ thể như cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, giọng điệu… Cách này giúp thông điệp được truyền tải nhanh chóng và cải thiện đáng kể các mối quan hệ.

• Tăng cường sự hài hước: Một chút hóm hỉnh tươi vui sẽ giúp cho hệ thống thần kinh cân bằng, giảm căng thẳng, giúp bạn bình tĩnh lại khi tâm trí bị căng thẳng. Người có EQ cao có xu hướng dùng sự hài hước và vui vẻ để khiến bản thân mình và người khác cảm thấy hạnh phúc hơn những lúc cần vượt qua giai đoạn khó khăn.

• Tận dụng sự xung đột: Lẽ dĩ nhiên mâu thuẫn là trường hợp bạn không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, xung đột không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa xấu mà đây chính là cơ hội để bạn hiểu hơn những người xung quanh. Điều quan trọng là bạn hãy chọn cách giải quyết xung đột lành mạnh, mang tính xây dựng để củng cố niềm tin giữa mọi người.

• Thể hiện cảm xúc chân thật: Để người khác mở lòng với bạn, bạn cần trung thực với cảm xúc của chính mình. Bạn không thể bảo mình vui với gương mặt cau có, khó chịu mà hãy thử thể hiện cảm xúc chân thật để đối phương hiểu bạn rõ hơn. Tuy nhiên, bạn phải thể hiện cảm xúc một cách thật tinh tế và khôn ngoan để tránh gây khó chịu, làm tổn thương người khác.

Việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc sẽ giúp bạn biết cách phát triển và duy trì các mối quan hệ tốt, truyền cảm hứng tác động đến người khác, làm việc nhóm hiệu quả và kiểm soát xung đột tốt.

4. Nhận thức xung quanh để rèn luyện trí tuệ cảm xúc

rèn luyện trí tuệ cảm xúc

Nhận thức xã hội giúp bạn có khả năng đồng cảm và bắt nhịp tốt với cảm xúc của người khác. Để rèn luyện trí tuệ cảm xúc, bạn hãy thử:

• Hòa đồng, cởi mở: Chỉ số EQ thấp thường được thể hiện qua tâm trí hẹp hòi, không cởi mở. Khi bạn có cái nhìn toàn diện hơn, bạn cũng giải quyết được xung đột dễ dàng và thấu đáo hơn. Chẳng hạn như một người không thích bạn, đừng vội tỏ thái độ thù hằn mà trước tiên hãy tìm hiểu lý do tại sao và mở lòng mình ra để hiểu nguyên nhân từ góc nhìn của họ.

• Biết cách thông cảm: Bạn nên là một người lắng nghe chủ động và chú ý tới những gì đối phương đang nói để cảm nhận rõ về cảm giác của họ. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của người khác, định hình xem mình sẽ làm gì khi ở trong tình trạng như vậy để dễ tìm cách cảm thông.

• Đọc vị ngôn ngữ cơ thể: Trong quá trình giao tiếp, bạn hãy cố gắng cảm nhận cảm xúc thật sự đằng sau bằng cách quan sát biểu hiện nét mặt và ngôn ngữ hình thể của đối phương. Chỉ cần tinh tế một chút là bạn cũng có thể cảm thấy nụ cười thể hiện ý nghĩa gì ẩn giấu bên trong. Nụ cười hạnh phúc sẽ thể hiện sự co giãn trên khuôn mặt một cách thoải mái, nụ cười buồn sẽ rất gượng kèm theo ánh mắt u sầu.

Năng lực trí tuệ tuy là yếu tố quan trọng để làm việc, học tập, nhưng vẫn cần có trí tuệ cảm xúc song hành. Trí tuệ cảm xúc cao sẽ giúp bạn có những mối quan hệ bền vững, cơ hội nghề nghiệp tốt và một cuộc sống cân bằng hơn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: 9 cách đọc vị người khác qua ngôn ngữ cơ thể 

Chỉ số EQ là yếu tố có thể cải thiện được nếu bạn rèn luyện, chịu khó thay đổi bản thân để cảm nhận những sự thay đổi tích cực. Nếu đã là người có trí tuệ cảm xúc cao, bạn hãy tiếp tục phát huy để cảm nhận được cuộc sống cân bằng và tốt đẹp hơn mỗi ngày nhé.

Hoàng Trí HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Improving Emotional Intelligence (EQ)
https://staging.helpguide.org/articles/mental-health/emotional-intelligence-eq.htm
Ngày truy cập 07.08.2019

5 Ways To Develop Your Emotional Intelligence
https://www.forbes.com/sites/ashleystahl/2018/05/29/5-ways-to-develop-your-emotional-intelligence/#a34dadf6976e
Ngày truy cập 07.08.2019

What is Emotional Intelligence? +18 Ways To Improve It
https://positivepsychology.com/emotional-intelligence-eq/
Ngày truy cập 07.08.2019

Phiên bản hiện tại

24/12/2019

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 24/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo