Không như các cặp kết hôn lần đầu bỡ ngỡ tìm hiểu về hôn nhân, các cặp tái hôn lại có những lo lắng rất khác. Cuộc hôn nhân thứ hai có thể khó khăn hơn với những vấn đề đặc biệt như con riêng, tài sản riêng, mối quan hệ với người cũ…
Sau khi bước qua sóng gió của cuộc ly hôn hay nỗi đau buồn khi mất đi bạn đời, bạn luôn có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc mới cho bản thân. Thế nhưng để tái hôn thành công, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Bạn có thể tham khảo 5 điều cần lưu ý trước khi bước thêm bước nữa để hạnh phúc hơn trong cuộc hôn nhân mới.
1. Mối quan hệ với người cũ có thể rắc rối
Tuy đã ly dị, bạn vẫn rất khó cắt đứt liên hệ với người cũ vì cả hai có thể đã có con chung hay vẫn cùng sở hữu một tài sản nào đó chưa được phân chia. Mối liên hệ này có thể ảnh hưởng ít nhiều tới cuộc tái hôn của bạn. Vợ cũ có thể ý kiến với người mới về việc bạn không chăm sóc gia đình chu đáo. Chồng cũ đôi khi tỏ thái độ không hài lòng với cách bạn nuôi dạy con chung của hai người.
Những mối quan hệ cũ có thể ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của bạn và người mới. Người vợ hay chồng mới có thể không thoải mái khi người cũ vẫn tham gia vào việc nuôi dạy con cái hay xây dựng gia đình.
Tuy nhiên, sự can thiệp của người cũ vào cuộc sống mới của hai bạn có thể giảm dần khi bạn đã phân chia tài sản rõ ràng và con cái đã trưởng thành. Vậy nên, bạn hãy kiên nhẫn giải thích cho người bạn đời mới hiểu và cùng bạn vượt qua giai đoạn này nhé.
2. Nuôi dạy con riêng rất khó khăn
Các con riêng của chồng hay con riêng của vợ có thể cảm thấy khó khăn khi phải sống chung một nhà với những người mình không thân thiết. Con riêng có thể không chấp nhận và yêu thương ba mẹ, anh chị em mới. Hơn nữa, con riêng cũng vừa trải qua khoảng thời gian khó khăn với nhiều cảm xúc tiêu cực khi ba mẹ ly hôn.
Việc hòa hợp với con riêng của vợ hay con riêng của chồng mới không bao giờ dễ dàng mà bạn cần một khoảng thời gian để xây dựng tình cảm. Vậy nên, để các con được thoải mái hơn thì bạn nên chủ động làm quen với trẻ và không nên yêu cầu bé gọi người mới là ba/mẹ ngay.
Cả hai cần kiên nhẫn xây dựng môi trường đầy tình yêu thương để con phát triển tự do và vượt qua cảm xúc tiêu cực từ việc ly hôn của ba mẹ. Sau một thời gian, con riêng của chồng hay vợ sẽ tự nguyện gọi bạn là ba/mẹ một cách tự nhiên.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 7 cách giúp bạn nuôi dạy con riêng của chồng hoặc vợ
3. Bạn đã có kinh nghiệm trong hôn nhân
Quyết định đi bước nữa sau khi kết thúc hôn nhân không hẳn là điều xấu. Một ưu điểm của việc tái hôn là bạn đã hiểu bản thân mình và bao dung với người bạn đời mới hơn. Qua một lần ly dị, bạn sẽ biết mình có điểm nào đã tốt hay chưa tốt trong cuộc sống gia đình để điều chỉnh bản thân. Ngoài ra, bạn cũng sẽ biết cách trò chuyện và thông cảm với người bạn đời mới của mình hơn.
Bước qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ, cả hai bạn sẽ mở lòng và thẳng thắn với nhau hơn nên cũng sẽ xây dựng được mối quan hệ gần gũi và đầy tin tưởng. Đây là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc và bền chặt.
4. Bạn cần thảo luận về vấn đề tiền bạc
Tài chính là vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng một gia đình dù là lần đầu tiên hay lần thứ hai, nhưng nhiều người lại rất ngại nói về tiền bạc. Điều này có thể dẫn đến nhiều bất đồng ảnh hưởng tới hôn nhân trong tương lai.
Vấn đề tiền bạc ở các đôi tái hôn thường phức tạp hơn các cặp cưới lần đầu nên việc thảo luận trước lại càng quan trọng. Các cặp đôi mới cưới lần đầu thường chưa có nhiều tài sản nên sẽ cùng nhau kiếm tiền và quản lý tiền bạc dễ dàng. Tuy nhiên khi tái hôn, bạn và người mới có thể đã có khối tài sản của riêng mình. Đặc biệt, bạn có thể nhận trợ cấp từ chồng/vợ cũ để nuôi con sau khi ly hôn.
Bạn và người mới cần nói chuyện xem mỗi người hiện tại đang có những tài sản gì và có nên nhập chung những tài sản này sau khi kết hôn không.
Bên cạnh đó, cả hai cũng nên thống nhất xem ai sẽ trả khoản gì khi xây dựng gia đình chung. Ngoài ra, bạn nên bàn bạc cách dùng tiền chu cấp cho con riêng của vợ/con riêng của chồng sao cho hợp lý.
5. Cân nhắc về sự khác biệt tôn giáo
Cũng như tài chính, tôn giáo có thể gây ra nhiều vấn đề bạn không ngờ tới khi bạn về chung sống với người mới. Có thể người ấy không muốn theo tôn giáo hiện tại của bạn hay các con riêng của họ cảm thấy bối rối khi sống với một người có tôn giáo khác với mình.
Ví dụ, con riêng có thể không quen với các nghi lễ trong nhà thờ nếu trước giờ chỉ đi chùa. Cũng có thể ngày ăn chay của bạn và người mới không trùng nhau nên gây khó khăn cho việc nấu ăn chung.
Trước khi tái hôn, người bạn đời mới cần biết và chấp nhận tôn giáo bạn cũng như các con đang theo. Còn nếu bạn muốn thay đổi tôn giáo của mình theo người mới, hãy giải thích và giúp các con thích nghi với tôn giáo mới.
Vấn đề khác biệt tôn giáo có thể nhẹ nhàng hơn nếu bạn chọn tái hôn với người cùng tôn giáo với mình hoặc cả hai đều không có tôn giáo. Vậy nên, bạn hãy để tâm tới tiêu chí này nếu muốn giảm nhẹ gánh nặng khi tái hôn.
Những khó khăn sau khi ly hôn hay khi mất nửa kia sẽ giảm bớt rất nhiều nếu bạn tái hôn với một người hiểu biết, bao dung và yêu thương bạn thật lòng. Chỉ cần bạn tìm hiểu người ấy thật kỹ và cả hai luôn thẳng thắn chia sẻ với nhau, cuộc hôn nhân lần hai có thể mang đến nhiều hạnh phúc bất ngờ đấy.
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]