backup og meta

6 bí quyết giúp mối quan hệ gia đình đầm ấm hơn

6 bí quyết giúp mối quan hệ gia đình đầm ấm hơn

Khi có những mối quan hệ gia đình bền chặt, bạn sẽ luôn cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Vậy làm sao bạn có thể xây dựng một gia đình đầm ấm ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách khó khăn nhất? 

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình mang đến những cảm xúc ấm áp và ngọt ngào. Hơn thế nữa, mối quan hệ gia đình còn mang đến rất nhiều lợi ích cho cả trẻ em và người lớn:

  • Gia đình giúp các thành viên nhỏ tuổi cảm thấy an toàn và được yêu thương. Điều này giúp bộ não của trẻ phát triển hơn.
  • Các mối quan hệ gia đình có thể giúp những trẻ gặp vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, học tập và cư xử cải thiện tình hình.
  • Các thành viên sẽ dễ dàng giải quyết các vấn đề và xung đột xảy ra hằng ngày hơn.
  • Các thành viên sẽ học được cách tôn trọng sự khác biệt về độ tuổi và trải nghiệm khi tiếp xúc với cộng đồng xã hội bên ngoài.
  • Giúp trẻ có những kỹ năng cần thiết để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh của riêng mình.

Để củng cố các mối quan hệ gia đình và có một nơi thật đầm ấm để trở về sau một ngày mệt mỏi, bạn có thể áp dụng các bí quyết sau đây nhé.  

1. Trò chuyện với nhau thường xuyên

Trò chuyện với nhau thường xuyên

Trò chuyện là cách hiệu quả để tìm hiểu mọi người xung quanh, đặc biệt là người thân của bạn. Khi cùng nhau trò chuyện, mỗi thành viên sẽ biết được những chuyện vui buồn trong ngày của những thành viên khác. Ba mẹ sẽ biết được mong muốn, ước mơ của các con. Con cái thì sẽ thấu hiểu những khó khăn mà ba mẹ hoặc ông bà phải đối mặt trong cuộc sống.

Câu chuyện với các thành viên trong gia đình không cần phải quá to lớn mà chỉ đơn giản là những câu hỏi hỏi thăm cuộc sống của nhau. Ba mẹ có thể hỏi con về những kiến thức bé mới học được trong ngày, cùng con bàn luận về một bộ phim mới ra hay hỏi con muốn ăn gì. Ông bà có thể cùng đọc sách và trò chuyện với bé về các nhân vật trong truyện để khơi gợi trí tưởng tượng…

2. Sum họp gia đình trong bữa ăn

Sum họp gia đình trong bữa ăn

Bữa ăn chung sẽ giúp cả nhà có nhiều thời gian ở bên nhau và hiểu nhau hơn. Vậy nên, bạn hãy sắp xếp để có thể dùng bữa với gia đình một lần mỗi ngày hay ít nhất là vài lần một tuần.

Việc dùng bữa cùng gia đình cũng sẽ giúp bạn có thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Bạn sẽ có thể tự tay lựa chọn thực phẩm và nấu nướng nên bữa ăn sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra khi ăn cùng nhau, mọi người sẽ nói chuyện cùng nhau thay vì dùng điện thoại trong bữa ăn nên bạn sẽ dần bỏ được thói quen không tốt này.

3. Dành thời gian cho từng thành viên

Mối quan hệ gia đình - dành thời gian cho từng thành viên

Việc sinh hoạt chung cả nhà rất cần thiết nhưng bạn cũng không nên quên dành thời gian cho từng thành viên trong gia đình. Bạn sẽ dễ thắt chặt mối quan hệ gia đình hơn khi có những mối quan hệ thân thiết một – một giữa mẹ và con, anh và em hay vợ và chồng.

Một buổi mua sắm chỉ có mẹ và con gái hay buổi chơi thể thao của ba và con trai sẽ giúp bạn có những trải nghiệm mới mẻ. Vậy nên bạn đừng ngại ngùng khi đi chơi riêng với một thành viên nào đó trong gia đình nhé.

4. Thể hiện tình cảm với người thân

Để mối quan hệ gia đình tốt đẹp hơn, bạn không nên giữ tình cảm của mình trong lòng và hy vọng mọi người sẽ cảm nhận được. Bạn hãy cho các thành viên trong gia đình mình biết rằng bạn quan tâm đến họ như thế nào một cách chân thành.

Khi con cái đạt thành tích cao, bạn hãy ghi nhận và khen ngợi bé. Khi nửa kia giúp bạn làm việc nhà, hãy nói lời cảm ơn. Bên cạnh lời nói, bạn cũng có thể cho mọi người thấy tình cảm của mình qua các hành động nhỏ như ôm, nắm tay, hôn…

Đặc biệt, bạn cũng có thể tặng quà cho người thân vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, ngày 8/3… Nếu bạn ở xa người thân, hãy thu xếp gọi điện ít nhất một lần mỗi tuần để hỏi thăm nhau nhé.

5. Biết cách tự chăm sóc bản thân

Biết cách tự chăm sóc bản thân

Đôi khi việc chăm sóc con cái hay ba mẹ có thể khiến bạn không còn thời gian riêng cho bản thân. Những áp lực này có thể khiến bạn cảm thấy quá tải, mệt mỏi và không thể sống vui vẻ với người thân. Đôi khi, tâm trạng ngột ngạt trong chính căn nhà của mình là dấu hiệu cho thấy bạn cần có thời gian một mình đấy.

Bạn chỉ có thể chăm sóc cho người thân một cách chu đáo nếu như biết yêu thương chính bản thân mình. Bạn không cần dành ra quá nhiều thời gian riêng mà chỉ cần chuẩn bị bồn nước ấm để ngâm mình trong 15 phút, đọc sách trong nửa tiếng hay hẹn hò với bạn bè vào cuối tuần. Sau khi đã tận tưởng thời gian dành riêng cho mình, bạn sẽ vừa cảm thấy vui vẻ với người thân vừa cải thiện sức khỏe tốt hơn. 

6. Tôn trọng tự do của mọi người

Gia đình là nơi các thành viên quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, song đôi khi sự quan tâm quá đà có thể kìm hãm tự do. Không khó để thấy nhiều ba mẹ vì lo lắng cho con mà giúp con chọn bạn bè, chọn trường học, chọn quần áo… Việc này đôi khi khiến bé không có đủ tự do và độc lập trong cuộc sống của mình.

Dù quan tâm hay lo lắng, bạn cũng nên để người thân của mình tự do quyết định cuộc sống. Điều này không chỉ giúp các thành viên trong gia đình bạn hài lòng hơn với cuộc sống mà còn thể hiện bạn biết tôn trọng và lắng nghe mọi người xung quanh.

Nếu ở vị trí người được nhận sự quan tâm hay bảo ban, bạn hãy lắng nghe và cân nhắc xem ý kiến của mọi người có thích hợp không. Nếu thấy gợi ý của người thân không phù hợp với mình, bạn hãy giải thích để mọi người hiểu nhau hơn nhé.

Các mối quan hệ gia đình lành mạnh là nền tảng giúp bạn đạt được nhiều thành công trong cuộc sống và cũng là nơi để bạn nghỉ ngơi khi mệt mỏi. Vậy nên, bạn hãy đầu tư thời gian và công sức để chăm sóc tình cảm với người thân nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

15 Secrets of Happy Families
https://www.webmd.com/parenting/features/15-secrets-to-have-a-happy-family#1
Ngày truy cập: 31.05.2019

5 Ways to Improve Family Relationships
https://intermountainhealthcare.org/blogs/topics/heart/2016/06/5-ways-to-improve-family-relationships/
Ngày truy cập: 31.05.2019

Good family relationships: how to build them
https://raisingchildren.net.au/grown-ups/family-life/routines-rituals-relationships/good-family-relationships
Ngày truy cập: 31.05.2019

Phiên bản hiện tại

28/08/2020

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Vì sao bạn cảm thấy gia đình không hạnh phúc?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo