backup og meta

Làm sao để bạn vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân?

Làm sao để bạn vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân?

Bạn thường xuyên mệt mỏi, mơ thấy ác mộng và thậm chí còn cảm thấy hoang mang khi đã đồng ý lời cầu hôn của người ấy? Rất có thể bạn đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân đấy!

Khủng hoảng tiền hôn nhân thường xuất hiện ở nữ giới bởi vì phái mạnh chủ yếu là người chủ động đề nghị khi đã sẵn sàng chuyện kết hôn. Khủng hoảng tiền hôn nhân có thể là tiềm thức của bạn nói với bạn rằng có điều gì đó không đúng mà bạn cần lắng nghe. 

Có thể bạn lo lắng về khả năng trở thành vợ của mình hay lo lắng rằng chồng sắp cưới của bạn liệu có thực sự là người bạn cần hay không. Tình yêu luôn phụ thuộc vào cảm xúc và việc cảm xúc của bạn có những biến động thăng trầm là điều dễ hiểu. Do đó, bạn cần dung hòa lý trí và tình cảm trước khi quyết định những bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống. 

Nguyên nhân của khủng hoảng tiền hôn nhân

khủng hoảng tiền hôn nhân

Nếu bạn đang cảm thấy hoang mang trước đám cưới, hãy thử xem mình có đang gặp phải các nguyên nhân phổ biến sau đây của khủng hoảng tiền hôn nhân không nhé.

1. Áp lực về tình yêu sau hôn nhân

Trong xã hội hiện đại, nhiều phụ nữ cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng sau khi kết hôn. Hôn nhân không hạnh phúc cũng chính là một trong những nguyên nhân gây stress và bệnh tật. Chưa kể, mạng xã hội lại lan truyền nhiều thông tin về các vụ bạo lực gia đình, ly hôn, ngoại tình… khiến cho các cô dâu sắp cưới dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân.

2. Áp lực về việc tổ chức đám cưới

Để tổ chức một đám cưới hoàn thiện cần bỏ ra nhiều chi phí và công sức. Áp lực tài chính và vô vàn công việc phải hoàn thành dường như khiến bạn chùn bước và chẳng muốn kết hôn nữa. Thậm chí, nhiều cô gái nhút nhát còn cảm thấy ngại ngùng khi làm cô dâu vì phải đứng nổi bật trước biết bao nhiêu khách mời.

3. Áp lực về việc sinh con sau khi cưới

Vấn đề sinh con dường như là một vấn đề bắt buộc các cặp vợ chồng phải đối mặt. Hiện nay ngày càng nhiều cặp đôi trẻ mới cưới đã phải đối mặt với tình trạng vô sinh. Không những vậy, quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình. Điều đó khiến cho cô dâu mới không chỉ sợ không sinh được con mà còn sợ không sinh được con trai, bên cạnh nỗi sợ đau đớn khi sinh.

Dấu hiệu khủng hoảng tiền hôn nhân

Người đang rơi vào khủng hoảng tiền hôn nhân thường có các dấu hiệu sau đây:

1. Cảm thấy mệt mỏi

Bạn cảm thấy mệt mỏi vì ngày cưới sắp đến gần và có quá nhiều thứ phải lo nghĩ. Điều này dẫn đến tình trạng chán ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng xấu đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn. 

2. Mất tập trung

Đôi khi lý do chỉ đơn giản là vì lo lắng quá nhiều cho đám cưới nên bạn không thể tập trung được điều gì khác. Bạn bỗng trở nên vụng về, lóng ngóng, gây ra nhiều phiền toái và điều này càng khiến bạn căng thẳng hơn.

3. Rất dễ cáu kỉnh

Bạn thậm chí đã trở nên dễ nóng giận kể cả những vấn đề nhỏ nhặt. Thỉnh thoảng hai bạn có thể xảy ra tranh cãi vì những điều vụn vặt và dễ làm ảnh hưởng đến tình cảm hai bên. Không những thế, bạn cũng rất dễ giận dỗi ba mẹ khi không đồng thuận trong cách tổ chức đám cưới. 

4. Lo lắng chuyện kết hôn

Bạn có thể cứ luôn lo sợ quá mức về những điều xấu có thể xảy ra như tưởng tượng kết hôn xong thì tình cảm hai người sẽ trở nên nguội lạnh hay hôn lễ diễn ra không suôn sẻ. Vì quá lo lắng chuyện hôn nhân, bạn có thể nằm mơ thấy cả ác mộng!

5. Xuất hiện ý nghĩ muốn chia tay

Khi không thể kiểm soát được những lo lắng hay cảm giác hoang mang, bạn có xu hướng trở thành “cô dâu chạy trốn” khi muốn trốn khỏi chú rể của mình trong những giây phút cuối cùng tương tự như một bộ phim hài lãng mạn Mỹ cùng tên gọi.

Cách vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân

khủng hoảng tiền hôn nhân

Khủng hoảng tiền hôn nhân là một giai đoạn khó khăn giúp bạn nhìn nhận lại mối quan hệ của cả hai. Nếu bạn thật lòng yêu người ấy, hãy cùng nhau tìm mọi cách để vượt qua thử thách này nhé.

1. Thẳng thắn trao đổi với anh ấy

Bạn nên nói rõ cảm giác của bạn cho anh ấy để cả hai có thể cùng nhau tìm ra giải pháp. Điều này cũng giúp cho anh ấy quan tâm đến cảm xúc của bạn nhiều hơn. Trong vấn đề tổ chức đám cưới thì hai bên cần cân bằng mọi quyết định và tôn trọng lẫn nhau để tránh xích mích.

Bạn có thể hâm nóng thêm tình cảm đôi bên bằng cách cùng nhau làm những điều lãng mạn và ngọt ngào như quà tặng bất ngờ, nụ hôn dịu dàng… 

2. Thực hiện liệu pháp giúp thư giãn

Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng phổ biến của các cặp vợ chồng trẻ trước ngày cưới. Cảm giác căng thẳng thường xuất hiện ra trước ngày trọng đại với nhiều việc phải lo nghĩ. Lúc này, cả hai dễ xảy ra mâu thuẫn và đổ lỗi cho nhau. Thay vì lo lắng, bạn nên làm những điều mình thích và áp dụng các liệu pháp thư giãn để giải tỏa stress.  

Bạn có thể nghỉ ngơi và hít thở sâu mỗi khi cảm thấy mất bình tĩnh. Thói quen tập yoga thường xuyên cũng là một cách tốt để bạn thấy khỏe mạnh và thư giãn.

3. Tâm sự với người thân hiểu mình

Để duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tự tìm cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực. Do đó, những lời khuyên từ người đi trước sẽ giúp bạn vượt qua được bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.

Bạn nên tâm sự với người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm hoặc người đã kết hôn. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy vững vàng hơn khi bước vào hôn nhân.

Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục tiến về phía trước với người ấy thì hãy cố gắng nhìn vào mặt tích cực khi đối mặt với những cảm xúc chông chênh. Hãy xem khủng hoảng tiền hôn nhân như một thử thách ý nghĩa cho tình yêu của cả hai thêm bền chặt!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Managing Pre-Wedding Jitters

https://www.webmd.com/balance/features/managing-pre-wedding-jitters#1

Ngày truy cập 27.01.2019

Marriage Prep 101

https://www.webmd.com/sex-relationships/features/marriage-prep-101#1

Ngày truy cập 27.01.2019

Calming Pre-Wedding Jitters

https://www.psychologytoday.com/us/blog/life-without-anxiety/201803/calming-pre-wedding-jitters

Ngày truy cập 27.01.2019

Phiên bản hiện tại

02/05/2019

Tác giả: Phan Vân Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phan Vân Anh · Ngày cập nhật: 02/05/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo