backup og meta

Đau nhói đột ngột: Hiểu đúng về đau cấp tính và cách chữa trị

Đau nhói đột ngột: Hiểu đúng về đau cấp tính và cách chữa trị

Bạn đã bao giờ trải qua một cơn đau xuất hiện nhanh chóng, buốt nhói dường như đến từ hư không chưa? Nó có thể là một hiện tượng có tên gọi là cơn đau cấp tính.

Vậy đau cấp tính là gì và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

Đau cấp tính là gì?

Đau cấp tính là một thuật ngữ rộng miêu tả cơn đau từ nhẹ đến nhói dữ dội xuất hiện đột ngột và kéo dài từ vài giây đến vài tháng [2]. Đau cấp tính thường kéo dài trong thời gian ngắn sẽ dần dần hết khi các mô tổn thương lành lại [1].

Thường thì bác sĩ sẽ chẩn đoán được nguyên nhân của đau cấp tính và điều trị. Vì thế, cảm giác khó chịu sẽ được kiểm soát và giới hạn trong thời gian nhất định [7].

Khi nào bạn bị đau cấp tính?

Đau cấp tính là cơn đau báo hiệu cho bạn biết là cơ thể đang bị tổn thương, là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể với những bất lợi do hóa chất, kích thích do nhiệt hoặc cơ học. Thí dụ như khi tiếp xúc với acid, bỏng lửa, tai nạn xe cộ, té ngã hoặc bị cây đè,… cơ thể sẽ báo động cho bạn biết bằng những cơn đau cấp tính. Bạn sẽ bị đau cấp tính sau phẫu thuật, chấn thương hoặc mắc các bệnh cấp tính như viêm khớp cấp, gout, cúm, viêm ruột thừa cấp, zona,…[3].

Những ngộ nhận về đau cấp tính

Nhiều người có những ngộ nhận về đau cấp tính. Dưới đây là một số ngộ nhận thường gặp:

  • Đau cấp tính kéo dài dưới 1 tháng. Thực tế, theo định nghĩa của ISAP (Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu đau), các cơn đau trên 3 tháng được xếp loại là đau mạn tính, nên các cơn đau kéo dài dưới 3 tháng đều được xếp vào đau cấp tính [4].
  • Cảm nhận mức độ đau tùy thuộc mức độ tổn thương. Thực tế là thái độ, niềm tin và tính cách của mỗi người ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm nhận tức thì của họ về cơn đau cấp tính. Người ta nhận thấy binh lính yêu cầu ít thuốc giảm đau hơn dân thường với các thương tích tương đương [3].
  • Đau cấp tính là một phản ứng có hại cho cơ thể. Thực tế đau cấp tính là một phản ứng quan trọng đối với sự sinh tồn của con người. Nó cảnh báo cho bạn về những tác nhân có thể gây hại cho cơ thể [5].
  • Bệnh nhân lo lắng khó chữa khỏi vì cường độ đau thường dữ dội. Thực tế, đau cấp tính thường được kiểm soát sau một thời gian nhất định khi được chẩn đoán và điều trị [7].
  • Đau cấp tính sẽ khỏi sau vài tháng, không đáng lo ngại. Thực tế là đau cấp tính nếu không kiểm soát tốt sẽ chuyển thành đau mạn tính, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở Hoa Kỳ [6].

Phân biệt đau cấp tính với đau mạn tính

So với cơn đau mạn tính, cơn đau cấp tính thường đột ngột và dữ dội hơn [1].

Không giống như đau cấp tính thường được kiểm soát trong một quãng thời gian ngắn nhất định, đau mạn tính gây nhiều khó chịu hơn cho bạn. Các cơn đau mạn tính thường không biến mất dù bạn đã áp dụng các phương pháp điều trị y tế. Đây thường là biểu hiện của các tình trạng bệnh lý như viêm khớp, ung thư, nhiễm trùng và bạn có thể bị đau dai dẳng nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm [7].

Những loại đau cấp tính thường gặp

Đau thường được phân loại theo nguyên nhân hoặc vị trí của nó. Bạn sẽ gặp cơn đau cấp tính trong các trường hợp sau [5]:

  • Đau bụng
  • Viêm ruột thừa
  • Đau lưng
  • Đau do vết cắn và chích
  • Áp xe vú
  • Đau ngực
  • Đau họng do lạnh
  • Táo bón
  • Đau tai
  • Bệnh gout
  • Đau đầu
  • Loét miệng
  • Đau sau phẫu thuật
  • Đau bụng kinh
  • Bệnh zona
  • Đau vai
  • Viêm xoang cấp tính
  • Đau họng
  • Căng và bong gân
  • Viêm gân

Các triệu chứng kèm theo đau cấp tính

Các triệu chứng thường gặp đi kèm với cơn đau cấp tính bao gồm [2]:

  • Các triệu chứng giống như cúm (sốt, ớn lạnh, đau họng, ho)
  • Mệt mỏi
  • Co cơ
  • Mất ngủ
  • Giảm cân
  • Lo lắng.
  • Phiền muộn

Đau cấp tính có nguy hiểm không?

Phản ứng thích ứng của cơ thể đối với cơn đau liên quan đến những thay đổi sinh lý, rất hữu ích và có khả năng cứu sống bệnh nhân trong giai đoạn đầu. Nếu phản ứng thích ứng vẫn còn tiếp tục, các tác động có hại và đe dọa tính mạng có thể xảy ra [9].

Đau cấp tính có thể trở thành đau mạn tính, là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở Hoa Kỳ [6].

Bạn làm gì khi bị đau cấp tính?

Chắc chắn bạn phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa đau hoặc chuyên khoa có liên quan đến vị trí đau của bạn. Bác sĩ sẽ đề ra kế hoạch điều trị cho bạn để đạt 2 mục tiêu [8]:

  • Giảm cơn đau với tác dụng phụ tối thiểu, đồng thời vẫn duy trì chức năng.
  • Ngăn chặn cơn đau cấp tính tiến triển thành cơn đau mạn tính.

Kế hoạch thường sẽ bao gồm 2 phần, dùng thuốc và không dùng thuốc. Bạn nên hợp tác tốt với bác sĩ trong cả 2 phần.

Dùng thuốc

Bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc dựa trên các nguyên tắc sau [8]:

  • Thang giảm đau của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) được chấp nhận rộng rãi để kiểm soát đau thụ cảm:
    • Bước 1: Paracetamol hoặc NSAIDs
    • Bước 2: Bổ sung thêm opioid yếu cho đau nhẹ và vừa
    • Bước 3: Thay hoàn toàn opioid cho đau vừa đến nặng
  • Ở những bệnh nhân đau cấp tính, thang thường được sử dụng ngược lại, ví dụ: trong trường hợp đau cấp tính nghiêm trọng, bắt đầu với thuốc bước 3, sau đó khi cơn đau thuyên giảm, giảm xuống thuốc ở bước 2 và tiếp tục với paracetamol hoặc NSAIDs ở bước 1 cho đến khi cơn đau không đáng kể.
  • Đáp ứng với thuốc giảm đau thay đổi ở mỗi người, do đó bác sĩ sẽ cho thuốc mỗi một cá nhân khác nhau, bạn không nên bắt chước toa của người khác hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ.
  • Bác sĩ sẽ cân nhắc sự cần thiết của các loại thuốc kèm theo như thuốc nhuận tràng, chống buồn nôn và bảo vệ dạ dày dựa trên tác dụng không mong muốn của các thuốc giảm đau.

Không dùng thuốc [8]

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau, bác sĩ của bạn sẽ đề xuất các can thiệp vật lý như tập thể dục, vật lý trị liệu, yoga, massage và chườm nóng phù hợp cùng với chế độ điều trị bằng thuốc.

Điều trị đau cấp tính không dùng thuốc
Ảnh: Shutterstock.com – 699122875

Ngoài ra có thể dùng cách đánh lạc hướng tâm lý như nghe nhạc.

Có rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng biện pháp kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS) hoặc châm cứu trong việc kiểm soát cơn đau cấp tính.

Phòng ngừa đau cấp tính tiến triển thành mạn tính [6]

Bạn nên khám bác sĩ từ sớm và hợp tác với họ để thực hiện các nguyên tắc phòng ngừa sau:

  • Xác định và điều trị nguyên nhân cơ bản gây tổn thương mô thần kinh. Ví dụ, sớm điều trị herpes zona bằng thuốc kháng virus
  • Nỗ lực ngăn ngừa hoặc hạn chế tổn thương mô trong xử trí ngoại khoa tổn thương. Ví dụ, bác sĩ cẩn thận bóc tách mô và sử dụng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn nhất có thể
  • Phòng ngừa nguyên phát cơn đau mạn tính bằng cách ngăn ngừa đau cấp tính xảy ra. Ví dụ như giảm đau trước, trong và sau khi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân
  • Phòng ngừa thứ phát đau mạn tính bằng cách xác định sớm và điều trị tích cực cơn đau cấp tính hoặc bán cấp.
  • Giảm đau đa phương thức như đã đề cập ở mục điều trị dùng thuốc

PP-CEL-VNM-0476

VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Acute Pain Definition. SPINE-health. https://www.spine-health.com/glossary/acute-pain Accessed date 28/08/2020

2. All Care. What is acute pain. https://allcare4u.com/what-is-acute-pain/ Accessed date 28/08/2020

3. Carr, D. B., & Goudas, L. C. (1999). Acute pain. The Lancet, 353(9169), 2051-2058.

4. Unrelieved pain is a major global healthcare problem https://s3.amazonaws.com/rdcms-iasp/files/production/public/Content/ContentFolders/GlobalYearAgainstPain2/20042005RighttoPainRelief/factsheet.pdf Accessed date 28/08/2020

5. Health Navigator New Zealand. Acute Pain. https://www.healthnavigator.org.nz/health-a-z/a/acute-pain/ Accessed date 28/08/2020

6. Preventing chronic pain following acute pain: Risk factors, preventive strategies and their efficacy. Kai McGreevy, Michael M. Bottros, Srinivasa N. Raja. European Journal of Pain Supplements 5 (2011) 365–376

7. Reeve Foundation. Pain. https://www.christopherreeve.org/living-with-paralysis/health/secondary-conditions/pain Accessed date 28/08/2020

8. The principles of managing acute pain in primary care (2018). BPAC. https://bpac.org.nz/2018/acute-pain.aspx Accessed date 28/08/2020

9. Understanding the effect of pain and how the human body responds (2018). https://www.nursingtimes.net/clinical-archive/pain-management/understanding-the-effect-of-pain-and-how-the-human-body-responds-26-02-2018/ Accessed date 28/08/2020

Phiên bản hiện tại

03/03/2022

Tác giả: Lưu Thái Quỳnh Chi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | New Office Introduction

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tổng quan về thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lưu Thái Quỳnh Chi · Ngày cập nhật: 03/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo