backup og meta

Hạ huyết áp tư thế đứng

Hạ huyết áp tư thế đứng

Tìm hiểu chung

Hạ huyết áp tư thế đứng là gì?

Hạ huyết áp tư thế đứng hay còn gọi là hạ huyết áp tư thế là một dạng của huyết áp thấp xảy ra khi đứng lên từ ngồi hoặc nằm. Hạ huyết áp tư thế đứng có thể làm bạn cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng và thậm chí có thể bị ngất.

Hạ huyết áp tư thế có thể nhẹ và kéo dài vài phút. Tuy nhiên, hạ huyết áp tứ thế kéo dài có thể báo hiệu nhiều vấn đề nghiêm trọng, do vậy hãy gặp bác sĩ nếu bạn thường xuyên cảm thấy đầu óc quay cuồng khi đứng lên.

Hạ huyết áp tư thế đứng không thường xuyên (cấp tính) thường gây ra bởi một nguyên nhân rõ ràng như mất nước hoặc nghỉ ngơi tại giường lâu dài. Tình trạng này thường dễ dàng xử lý. Hạ huyết áp tư thế đứng mãn tính thường là một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe, vì vậy cách điều trị khá khác nhau.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng hạ huyết áp tư thế đứng là gì?

Các triệu chứng phổ biến của hạ huyết áp tư thế là:

  • Cảm thấy đầu óc quay cuồng hoặc chóng mặt sau khi đứng lên
  • Nhìn mờ
  • Yếu
  • Ngất xỉu
  • Lẫn lộn
  • Buồn nôn

Triệu chứng thường gặp nhất là chóng mặt hoặc choáng váng khi bạn đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm. Các triệu chứng thường kéo dài một vài phút.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Thỉnh thoảng chóng mặt hoặc cảm giác quay cuồng có thể rất nhẹ – gây ra bởi mất nước nhẹ, đường máu thấp hoặc quá nóng. Chóng mặt hoặc đầu lâng lâng cũng có thể xảy ra khi bạn đứng dậy sau khi ngồi quá lâu. Nếu các triệu chứng thỉnh thoảng mới có bạn không cần lo lắng.

Bạn phải hẹn gặp bác sĩ nếu các  triệu chứng của hạ huyết áp tư thế đứng xảy ra thường xuyên, vì chúng có thể báo hiệu các vấn đề nghiêm trọng. Thậm chí bạn phải gặp bác sĩ ngay nếu bị mất ý thức, thậm chí chỉ một vài giây.

Theo dõi và ghi lại các triệu chứng của bạn, khi nào chúng xảy ra, trong thời gian bao lâu và bạn đang làm gì vào lúc đó. Nếu các triệu chứng xảy ra vào những thời điểm nguy hiểm như trong khi lái xe, hãy thảo luận điều này với bác sĩ.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây hạ huyết áp tư thế đứng là gì?

Khi bạn đứng lên, lực hấp dẫn kéo máu tụ về chân và bụng của bạn. Điều này làm giảm áp lực máu vì lưu lượng máu tuần hoàn về tim ít đi.

Thông thường, các tế bào đặc biệt (baroreceptors) gần các động mạch tim và cổ cảm nhận huyết áp thấp. Các tế bào này gửi tín hiệu đến các trung tâm trong não để điều khiển tim đập nhanh hơn và bơm máu nhiều hơn giúp ổn định huyết áp. Những tế bào này cũng giúp các mạch máu co lại và huyết áp tăng lên.

Hạ huyết áp tư thế xảy ra khi một điều gì đó làm gián đoạn quá trình tự nhiên của cơ thể khi đối phó với huyết áp thấp. Nhiều tình trạng khác nhau có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng bao gồm:

  • Mất nước. Sốt, nôn, không uống đủ nước, tiêu chảy nặng và tập thể dục quá mức gây đổ mồ hôi quá nhiều đều có thể dẫn đến mất nước, làm giảm thể tích máu. Mất nước nhẹ có thể gây ra các triệu chứng của hạ huyết áp tư thế đứng như yếu, chóng mặt và mệt mỏi.
  • Vấn đề tim mạch. Một số bệnh tim có thể dẫn đến huyết áp thấp như nhịp tim đập rất chậm (nhịp tim chậm), các vấn đề van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim. Những tình trạng này ngăn cơ thể không thể phản ứng nhanh, kịp thời bơm máu nhiều hơn khi đứng lên.
  • Vấn đề nội tiết. Các vấn đề về tuyến giáp, suy thượng thận (bệnh Addison) và đường máu thấp (hạ đường huyết) có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng. Bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng làm tổn thương các dây thần kinh giúp gửi tín hiệu cho não để điều chỉnh huyết áp.
  • Rối loạn hệ thống thần kinh. Một số rối loạn hệ thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson, bệnh teo đa hệ thống, bệnh mất trí nhớ thể Lewy, suy hệ thần kinh tự chủ đơn thuần và tích lũy đạm có thể phá vỡ hệ thống điều tiết huyết áp bình thường của cơ thể.
  • Sau khi ăn. Một số người trải nghiệm huyết áp thấp sau các bữa ăn (hạ huyết áp sau ăn). Tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hạ huyết áp tư thế đứng?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hạ huyết áp tư thế như:

  • Hạ huyết áp tư thế đứng thường xảy ra ở người già. “Xơ cứng động mạch’ hoặc xơ vữa động mạch phát triển khi tuổi cao gây khó khăn cho các mạch máu thích ứng với sự thay đổi đột ngột khi cần thiết. Nhiều bệnh có liên quan đến hạ huyết áp tư thế đứng tiến triển xấu đi và làm các triệu chứng nặng lên theo tuổi tác.
  • Mang thai có liên quan đến hạ huyết áp tư thế đứng. Khi thai lớn dần, lưu lượng của hệ thống tuần hoàn mở rộng và huyết áp có xu hướng giảm. Điều này có thể dẫn đến chóng mặt khi đứng lên đột ngột. Huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.
  • Tiết mồ hôi quá nhiều do gắng sức và tiếp xúc với nhiệt là những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân tiềm ẩn của mất nước và các triệu chứng của hạ huyết áp tư thế đứng. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ khác gây hạ huyết áp tư thế đứng có nguy cơ gia tăng cho dù họ bị mất nước nhẹ.
  • Uống rượu thường xuyên và lạm dụng ma túy cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra các triệu chứng hạ huyết áp tư thế đứng.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hạ huyết áp tư thế đứng?

Mục tiêu của bác sĩ trong việc đánh giá hạ huyết áp tư thế đứng là tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn và xác định cách điều trị thích hợp với bất kỳ vấn đề sức khỏe nào có thể gây hạ huyết áp. Đôi khi, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân.

Bác sĩ có thể xem lại lịch sử bệnh án, các triệu chứng và tiến hành kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán tình trạng của bạn.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị một hoặc nhiều điều sau đây:

  • Theo dõi huyết áp. Bác sĩ sẽ đo và so sánh số đo huyết áp của bạn ở tư thế ngồi và đứng. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị hạ huyết áp tư thế đứng nếu huyết áp tâm thu giảm 20mm thuỷ ngân (mm Hg) hoặc huyết áp tâm trương giảm 10 mm Hg trong vòng 2-5 phút đứng hoặc kèm theo các triệu chứng khi đứng lên.
  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp cung cấp các thông tin về sức khỏe tổng quát của bạn, có thể tìm ra đường máu thấp (hạ đường huyết) hoặc số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu). Cả hai vấn đề này đều có thể gây ra huyết áp thấp.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG). Xét nghiệm không xâm lấn này phát hiện các bất thường trong nhịp tim hoặc cấu trúc tim, tìm ra các vấn đề liên quan đến  việc cung cấp máu và oxy cho cơ tim của bạn.
  • Trong xét nghiệm không xâm lấn và không gây đau này, các miếng dán mềm, dính (các điện cực) được gắn vào da phần ngực, cánh tay và chân. Các miếng này sẽ thu nhận tín hiệu điện của tim truyền vào một máy ghi đồ thị hoặc hiển thị chúng trên một màn hình. Đôi khi, những bất thường về nhịp tim đến rồi đi và làm điện tâm đồ không tìm thấy bất kỳ vấn đề nào. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể được yêu cầu đeo màn hình Holter 24 giờ để ghi lại điện tim đo các hoạt động hàng ngày của bạn.
  • Siêu âm tim. Trong xét nghiệm không xâm lấn này, sóng âm thanh được sử dụng để tạo ra một hình ảnh động của tim bạn. Sóng âm được hướng vào trái tim của bạn qua một thiết bị giống như cái gậy (bộ chuyển đổi) được đặt trên ngực của bạn. Các sóng âm thanh dội từ tim  được phản hồi ở thành ngực và qua xử lý điện tử cung cấp các hình ảnh động của tim giúp phát hiện các bệnh tiềm ẩn về cấu trúc tim của bạn.
  • Kiểm tra gắng sức. Nghiệm pháp gắng sức được thực hiện trong khi bạn đang tập thể dục như đi bộ. Bạn có thể được uống loại thuốc làm tim hoạt động mạnh hơn nếu không tập thể dục được. Sử dụng các xét nghiệm như điện tâm đồ hoặc siêu âm tim để theo dõi hoạt động của tim khi nó làm việc nhiều.
  • Kiểm tra với bàn nghiêng. Một thử nghiệm bàn nghiêng dùng để đánh giá phản ứng của cơ thể bạn với sự thay đổ vị trí. Bạn sẽ nằm trên bàn phẳng, bàn này sẽ được xoay nghiêng để nâng phần trên của cơ thể, mô phỏng sự dịch chuyển từ tư thế nằm qua đứng. Huyết áp của bạn được đo thường xuyên khi bàn nghiêng.
  • Tăng áp suất lồng ngực. Thử nghiệm không xâm lấn này sẽ kiểm tra các chức năng của hệ thần kinh tự chủ của bạn bằng cách phân tích nhịp tim và huyết áp sau các chu kỳ thở sâu: Bạn hít vào thật sâu và đẩy không khí ra ngoài qua miệng như bạn đang cố gắng thổi bóng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị  hạ huyết áp tư thế đứng?

Mục tiêu của điều trị hạ huyết áp tư thế đứng là khôi phục lại huyết áp bình thường. Điều này thường liên quan đến tăng khối lượng máu, giảm trữ máu ở chân và giúp các mạch máu đẩy máu đi khắp cơ thể của bạn.

Điều trị thường giải quyết các nguyên nhân cơ bản như mất nước hoặc suy tim, chứ không phải là huyết áp thấp đơn thuần.

Đối với hạ huyết áp tư thế đứng nhẹ, một trong những phương pháp điều trị đơn giản nhất là ngồi hoặc nằm xuống ngay sau khi cảm thấy đầu óc quay cuồng khi đứng lên. Triệu chứng của bạn sẽ biến mất.

Khi huyết áp thấp gây ra do thuốc, việc điều trị thường liên quan đến thay đổi liều thuốc hoặc ngừng hoàn toàn.

Phương pháp điều trị hạ huyết áp tư thế đứng bao gồm:

  • Thay đổi lối sống. Bác sĩ có thể đề nghị một số thay đổi lối sống như uống đủ nước; uống ít hoặc không uống rượu; tránh quá nóng; nâng cao đầu giường; tránh bắt chéo chân khi ngồi; đứng lên từ từ.
  • Nếu bạn không bị huyết áp cao, bác sĩ có thể đề nghị tăng lượng muối trong chế độ ăn của bạn. Nếu huyết áp của bạn giảm sau khi ăn, bác sĩ có thể khuyên chia nhỏ bữa ăn và giảm tinh bột.
  • Vớ nén y khoa. Vớ nén y khoa hay các loại vải bó chặt vùng bụng giúp giảm trữ máu ở chân và giảm các triệu chứng của hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Thuốc. Một số loại thuốc,  sử dụng một mình hoặc kết hợp, có thể được dùng để điều trị hạ huyết áp tư thế đứng. Ví dụ, fludrocortisone thuốc thường được sử dụng để tăng lượng chất lỏng trong máu, làm tăng huyết áp. Midodrine tăng  huyết áp khi đứng do hạn chế sự mở rộng các mạch máu.
    • Droxidopa (Northera) có thể được kê toa để điều trị hạ huyết áp tư thế đứng liên quan đến bệnh Parkinson, bệnh teo đa hệ thống hay suy hệ thần kinh tự chủ đơn thuần.
    • Các thuốc khác như Pyridostigmine (Regonol, Mestinon), thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), caffeine và epoetin (Epogen, Procrit và những biệt dược khác) đôi khi cũng được sử dụng, hoặc một mình hoặc kết hợp cho những người khi thay đổi lối sống hoặc các thuốc khác không có hiệu quả.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hạ huyết áp tư thế đứng?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với hạ huyết áp tư thế đứng:

  • Tăng muối trong chế độ ăn của bạn. Điều này phải được thực hiện một cách cẩn thận và chỉ sau khi thảo luận với bác sĩ. Quá nhiều muối có thể làm huyết áp tăng quá mức cho phép gây hại cho sức khỏe của bạn.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ. Nếu huyết áp của bạn giảm sau khi ăn, bác sĩ có thể khuyên chia nhỏ bữa ăn, giảm tinh bột.
  • Hỏi bác sĩ về bổ sung vitamin. Thiếu máu và thiếu vitamin B-12 đều ảnh hưởng đến lưu thông máu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hạ huyết áp tư thế đứng. Vì vậy nếu bạn đang bị thiếu sắt và vitamin, việc bổ sung là cần thiết.
  • Uống nhiều nước. Uống nước nhiều giúp ngăn ngừa các triệu chứng của huyết áp thấp. Uống nhiều nước trước khi phải đứng trong thời gian dài, hoặc bất kỳ các hoạt động mà có xu hướng kích hoạt các triệu chứng của bạn.
  • Tránh uống rượu. Rượu có thể làm trầm trọng thêm hạ huyết áp tư thế đứng, vì vậy hạn chế hoặc tránh nó hoàn toàn.
  • Tập thể dục. Thường xuyên tập các bài tập tim mạch và tăng cường thể lực  giúp giảm các triệu chứng của hạ huyết áp tư thế đứng. Tránh tập thể dục trong thời tiết nóng và ẩm ướt. Căng giãn cơ bắp chân của bạn trước khi ngồi dậy. Nếu triệu chứng xảy ra, bóp đùi, bụng và cơ mông. Ngồi xổm, đi tại chỗ hoặc đứng trên đầu ngón chân của bạn.
  • Tránh uốn cong lưng. Nếu bạn cần nhặt một vật trên sàn nhà hãy ngồi xổm, hạ gối thấp để lấy nó.
  • Mang vớ nén cao ngang thắt lưng. Vớ nén giúp cải thiện lưu thông máu và làm giảm các triệu chứng của hạ huyết áp tư thế đứng. Mang chúng vào ban ngày và tháo ra bất cứ lúc nào bạn nằm xuống.
  • Hãy đứng dậy từ từ. Bạn có thể giảm chóng mặt và choáng váng gây ra do hạ huyết áp tư thế đứng bằng cách thay đổi chậm khi di chuyển từ nằm sang đứng. Ngoài ra, khi ra khỏi giường, ngồi trên mép giường của bạn trong một phút trước khi đứng lên.
  • Gối đầu cao. Ngủ với đầu giường của bạn hơi cao có thể giúp chống lại những ảnh hưởng của lực hấp dẫn.
  • Di chuyển chân của bạn trong khi đứng. Nếu bạn bắt đầu có các triệu chứng trong khi đứng, bắt chéo chân của bạn và co bóp cơ đùi, hoặc đặt một chân lên gờ tường hoặc ghế và tựa về phía trước càng nhiều càng tốt. Những thao tác này giúp hỗ trợ máu chảy từ chân của bạn về tim.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Orthostatic hypotension (postural hypotension). http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/orthostatic-hypotension/manage/ptc-20324969. Ngày truy cập 18/07/2017

Orthostatic Hypotension (Low Blood Pressure When Standing). http://www.medicinenet.com/orthostatic_hypotension/page3.htm. Ngày truy cập 18/07/2017

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên người đột quỵ | Hello Bacsi x SANOFI

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Người bị bệnh động mạch vành nên ăn gì? | Hello Bacsi x SANOFI


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo