backup og meta

Gãy xương

Gãy xương

Tìm hiểu chung

Gãy xương là gì?

Gãy xương là tình trạng xương bị gãy. Bệnh gồm có bốn loại chính: di lệch, không di lệch, hở và kín.

Gãy xương di lệch và không di lệch liên quan đến kiểu xương vỡ. Trong gãy xương di lệch, xương tách ra thành hai hay nhiều phần và lệch làm cho hai đầu xương chỗ gãy không dính vào nhau. Trong gãy xương không di lệch, xương chỉ nứt một phần hoặc nứt hết theo chiều ngang, nhưng không chuyển và có thể duy trì liên kết giữa hai đầu xương gãy.

Gãy xương kín là tình trạng xương gãy nhưng không có vết thủng hay vết thương hở ra trên da. Ngược lại, gãy xương hở là tình trạng xương xuyên qua da, sau đó chỗ xương lồi có thể rút lại vào trong vết thương và không thể nhìn thấy qua da. Gãy xương hở có nguy cơ gây nhiễm trùng xương ở trong sâu.

Có rất nhiều loại gãy xương, một số loại phổ biến bao gồm:

  • Gãy bong: một cơ hoặc dây chằng kéo xương lên, làm gãy nó;
  • Gãy vụn: xương vỡ thành nhiều mảnh;
  • Gãy ép (gãy lún): thường xảy ra trong các xương xốp ở cột sống, ví dụ như phần trước của một đốt sống có thể sụp do loãng xương;
  • Gãy trật: khớp bị trật và một trong những xương của khớp bị gãy;
  • Gãy cành tươi xương: gãy một phần ở bên xương, nhưng không vỡ hoàn toàn vì phần còn lại có thể uốn cong. Loại này phổ biến hơn ở trẻ em, vì xương mềm và đàn hồi hơn;
  • Nứt xương: gãy một phần xương. Loại gãy xương này thường khó phát hiện (phải dùng X-quang);
  • Gãy va chạm: khi xương gãy, một mảnh xương lạc chỗ khác;
  • Gãy dọc: xương gãy dọc theo chiều dài xương;
  • Gãy xiên: xương gãy theo đường chéo trục dọc;
  • Gãy xương bệnh lý: khi một bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe làm suy yếu xương, dẫn đến gãy xương (gãy xương do bệnh/tình trạng làm suy yếu xương);
  • Gãy xoắn: xương gãy mà có ít nhất một phần bị xoắn;
  • Gãy do mệt mỏi: phổ biến ở các vận động viên hơn. Xương gãy do các căng thẳng và sức căng lặp đi lặp lại;
  • Gãy Torus (gãy bánh bơ): xương biến dạng nhưng không vỡ, phổ biến ở trẻ em;
  • Gãy ngang: xương gãy theo chiều ngang.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gãy xương là gì?

Các triêu chứng thường gặp của gãy xương bao gồm:

  • Sưng và đau xung quanh vùng chấn thương;
  • Bầm tím;
  • Biến dạng cánh tay hoặc chân;
  • Đau ở vùng bị thương, đau tăng lên khi di chuyển vùng này hoặc có áp lực đè lên;
  • Mất chức năng vùng bị thương;
  • Trong gãy xương hở, xương nhô ra khỏi da.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên lạc với bác sĩ nếu nghi ngờ mình hoặc ai đó bị gãy xương, đây là một tình trạng cấp cứu khẩn cấp.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Những nguyên nhân gây ra bệnh gãy xương là gì?

Một số nguyên nhân gây ra gãy xương bao gồm:

  • Chấn thương: té ngã, tai nạn xe cộ hoặc cản banh có thể dẫn đến gãy xương;
  • Loãng xương: rối loạn làm suy yếu và gây dễ vỡ xương;
  • Hoạt động quá nhiều: chuyển động lặp đi lặp lại có thể làm mệt cơ bắp và tăng tác dụng lực lên xương, điều này có thể dẫn đến gãy xương. Gãy xương do mệt mỏi căng thẳng phổ biến ở các vận động viên.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc gãy xương?

Gãy xương là tình trạng rất phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh gãy xương?

Nguy cơ gãy xương phụ thuộc một phần vào độ tuổi. Bệnh rất phổ biến trẻ nhỏ, mặc dù gãy xương ở lứa tuổi này nói chung ít phức tạp hơn so với ở người lớn. Khi bạn già đi, xương trở nên giòn và dễ bị gãy xương do té ngã, mặc dù bạn ít bị gãy do ngã khi còn trẻ.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh gãy xương là gì?

Cách phổ biến nhất để bác sĩ đánh giá gãy xương là chụp X-quang vì nó cung cấp hình ảnh xương rõ ràng. X-quang có thể cho biết xương còn nguyên vẹn hoặc bị gãy,các loại gãy xương và vị trí chính xác chỗ gãy.

Đôi khi, phương pháp này sẽ không cho thấy tình trạng gãy xương, đặc biệt là đối với một số loại gãy xương ở cổ tay, ở hông (ở người lớn tuổi) và gãy xương do mệt mỏi. Trong những tình huống này, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác, chẳng hạn như chụp cắt lớp điện toán (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc máy quét xương.

Trong một số trường hợp, chẳng hạn như gãy xương cổ tay, X-quang ban đầu sẽ bình thường, vì vậy bác sĩ có thể dùng một thanh nẹp để cố định khu vực tổn thương và chụp lại X –quang thứ hai từ 10-14 ngày sau đó.

Đôi khi, sau khi đã chẩn đoán gãy xương, bạn cũng cần làm các xét nghiệm khác (chẳng hạn như chụp CT, MRI hoặc chụp động mạch, đặc biệt X-quang mạch máu) để xác định xem các mô khác quanh xương có bị hư hỏng hay không.

Nếu nghi ngờ gãy xương sọ, bác sĩ sẽ bỏ qua X-quang hoàn toàn và làm luôn CT scan để chẩn đoán gãy xương và bất kỳ thương tích liên quan bên trong hộp sọ, chẳng hạn như chảy máu xung quanh não.

Những phương pháp dùng trong điều trị gãy xương là gì?

Bác sĩ thường điều trị bệnh theo một nguyên tắc cơ bản: những mảnh xương vỡ được đưa trở về đúng vị trí và ngăn di lệch ra khỏi chỗ cho đến khi lành.

Các phần xương mới hình thành xung quanh phần bị gãy và làm lành vết thương.

Phẫu thuật đôi khi cũng cần thiết để điều trị gãy xương. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chỗ gãy, gãy “hở” hay “kín” và xương nào gãy.

Các bác sĩ sử dụng một loạt các phương pháp để điều trị gãy xương, bao gồm:

  • Băng bột cố định: bột thạch cao hoặc sợi thủy tinh đúc là loại phổ biến nhất trong điều trị gãy xương vì hầu hết các xương vỡ có thể tự lành một khi chúng đã thay đổi vị trí. Một khuôn bột dùng để giữ cho các đầu gãy ở vị trí thích hợp trong khi vết nứt tự lành;
  • Nẹp cố định: các khuôn bột hoặc nẹp sẽ hạn chế hoặc “kiểm soát” chuyển động của khớp gần đó. Cách điều trị này khá tốt cho một số loại gãy xương nhưng không phải tất cả;
  • Kéo liên tục: lực kéo thường dùng để sắp xếp lại một hay nhiều xương bằng lực nhẹ, liên tục và ổn định;
  • Cố định ngoài: trong loại phẫu thuật này, bác sĩ thường đặt đinh kim loại hoặc ốc vít vào phía trên và dưới xương gãy ở. Các đinh hoặc ốc vít kết dính với một thanh kim loại bên ngoài da để giữ các xương ở vị trí thích hợp trong khi chúng tự lành.Trong trường hợp xuất hiện tổn thương nặng ở da và mô mềm xung quanh chỗ gãy, bác sĩ sẽ dùng một vật cố định bên ngoài cho đến khi người bệnh có thể phẫu thuật được;
  • Mổ hở và cố định trong: trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tái định các mảnh xương về vị trí bình thường và sau đó giữ chúng với các ốc vít đặc biệt hoặc các tấm kim loại ở bề mặt ngoài xương. Bác sĩ cũng có thể sắp xếp lại các mảnh vỡ bằng cách đặt một thanh kim loại vào khoang tủy ở trung tâm xương.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh gãy xương?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh nếu áp dụng các biện pháp sau:

Sau khi gỡ bỏ khuôn bột đúc hoặc nẹp, bạn nên bắt đầu hoạt động từ từ với khu vực từng tổn thương này, có thể mất từ 4-6 tuần để xương hồi phục như ban đầu. Dựa trên tình trạng xương gãy và sức khỏe tổng quát, bạn hãy thảo luận với bác sĩ những loại hoạt động và cường độ nào là an toàn cho mình. Bơi lội thường là cách tốt để phục hồi và củng cố xương.

Chế độ ăn uống thích hợp có thể giúp cải thiện sức mạnh xương. Một chế độ ăn giàu canxi và vitamin D sẽ giúp xương khỏe mạnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Understanding Bone Fractures — the Basics. http://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-fractures-basic-information. Ngày truy cập 03/10/2016.

Fractures (Broken Bones). http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00139. Ngày truy cập 03/10/2016.

Fractures: Causes, Symptoms and Diagnosis. http://www.medicalnewstoday.com/articles/173312.php#what_is_a_fracture. Ngày truy cập 03/10/2016.

Fractures. https://medlineplus.gov/fractures.html. Ngày truy cập 03/10/2016.

Phiên bản hiện tại

24/07/2020

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngọc Vũ


Bài viết liên quan

Bả vai đau nhức không giơ lên cao được - dấu hiệu không nên bỏ qua

Top 4 phòng khám cơ xương khớp uy tín tại TP.HCM


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 24/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo