Bệnh sùi mào gà ở nữ là một bệnh khá thường gặp, gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục, dù không gây ung thư nhưng một khi bạn mắc sùi mào gà, bạn cũng có thể mắc một số bệnh lây qua đường tình dục khác.
Để hiểu rõ hơn về bệnh sùi mào gà ở nữ, mời bạn đọc qua bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Bệnh sùi mào gà ở nữ là gì?
Bệnh sùi mào gà hay mụn cóc sinh dục ở phụ nữ (Genital warts in women) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây ra tình trạng xuất hiện những mụn cóc, các khối u nhú mọc thành cụm trông như súp lơ hoặc mào gà; xuất hiện xung quanh môi âm hộ, lỗ âm đạo hoặc xuất hiện ở bên trong và cả bên ngoài hậu môn.
Dấu hiệu gây bệnh sùi mào gà ở nữ là gì?
Thông thường, bệnh sùi mào gà ở nữ sẽ làm xuất hiện các dấu hiệu như:
- Các nốt sùi mào gà, các khối u nhỏ mọc đơn lẻ hoặc thành cụm
- Các vết sưng có màu da mọc ở khu vực xung quanh âm hộ, ở bên trong và bên ngoài lỗ âm đạo hoặc cả ở hậu môn.
Các nốt sùi mào gà này có thể sẽ gây ngứa khó chịu và kéo theo một số các triệu chứng khác như ngứa âm đạo, chảy máu âm đạo, vùng kín bị kích ứng và nóng rát.
Lưu ý
Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà ở nữ
Theo thông tin của kênh cung cấp thông tin Sức khỏe và Y tế tại Úc – Health Direct GOV, nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà nói chung và ở nữ nói riêng là do virus u nhú ở người gây ra – Human Papilloma-Virus (HPV).
Có nhiều đường lây truyền bệnh sùi mào gà ở nữ. Trong đó, bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Đụng chạm thân mật da kề da, chạm vào dịch nhầy, dịch mủ của người mắc bệnh
- Di truyền từ mẹ sang con.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà ở nữ
Bất kỳ ai đã từng quan hệ tình dục đều có khả năng mắc bệnh sùi mào gà. Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Quan hệ tình dục sớm.
- Có nhiều đối tượng bạn tình.
- Nữ giới có hệ miễn dịch kém và có tiếp xúc với người mắc bệnh HIV/AIDS, mụn rộp sinh dục…
- Nữ giới có thói quen hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích, làm tăng nguy cơ chấp nhận rủi ro khi quan hệ tình dục không an toàn.
- Đời sống tình dục không an toàn, không lành mạnh; thường xuyên tham gia vào các mối quan hệ như tình một đêm (419), trao đổi bạn tình (swing), quan hệ nhiều người (some)…
Cách điều trị bệnh sùi mào gà ở nữ
Một điều bạn cần nhớ là có nhiều phương pháp khác nhau để loại bỏ sang thương sùi mào gà nhưng hiện chưa có cách nào để loại bỏ tình trạng nhiễm HPV. Các phương pháp điều trị sùi mào gà bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ sùi mào gà: Phương pháp phẫu thuật để loại bỏ các vùng da bị tổn thương do virus HPV gây ra.
- Loại bỏ sùi mào gà bằng laser: Phương pháp này thường được chỉ định để điều trị những ca mắc bệnh sùi mào gà nặng và đã lan trên diện rộng. Nó có thể để lại sẹo và chi phí điều trị cũng khá cao.
- Đốt sùi mào gà bằng dao mổ điện: Sử dụng điện năng để đốt các u sùi. Tác dụng phụ của phương pháp này là khiến bệnh nhân bị sưng, đau, rát và chảy máu nhẹ tại vùng da bị đốt.
- Điều trị sùi mào gà bằng liệu pháp áp lạnh: Dùng nhiệt độ lạnh để phá huỷ mô.
- Trị sùi mào gà bằng phương pháp quang động học (ALA-PDT): Phương pháp sử dụng cơ chế của chất cản quang, ánh sáng và oxy; nhằm gây tác động và phá hủy sự liên kết.
Cách phòng ngừa sùi mào gà ở nữ giới
Để phòng ngừa bệnh sùi mào gà, chị em có thể thực hiện theo các cách sau:
- Tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa virus HPV
- Xây dựng thói quen khám sức khỏe phụ khoa định kỳ
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ
- Xây dựng đời sống tình dục lành mạnh, sử dụng bao cao su khi quan hệ
- Tìm hiểu thêm thông tin về bệnh sùi mào gà ở nam giới, để bạn kịp thời phát hiện nếu bạn tình có mắc phải bệnh
Các câu hỏi thường gặp
Bệnh sùi mào gà ở nữ có ngứa, có đau không?
Phụ nữ bị sùi mào gà sẽ bị khó chịu, ngứa ngáy tại vùng da nhiễm bệnh. Đặc biệt, nốt sùi bị vỡ, loét sẽ gây đau rát nhiều hơn.
Thời gian ủ bệnh sùi mào gà ở nữ là bao lâu?
Thời gian ủ bệnh sùi mào gà ở nữ thường kéo dài khoảng từ 2 – 3 tháng. Trong trường hợp đặc biệt khi sức khỏe không tốt và thể trạng yếu, bệnh có thể phát triển nhanh chóng sau 1 tháng. Theo Tổ chức Y tế thế giới – WHO, sau khi phụ nữ bị nhiễm HPV không tự khỏi có thể gây ra những biến đổi tế bào ở tử cung, dẫn đến tiền ung thư và phát triển thành ung thư cổ tử cung trong khoảng 15-20 năm nếu không được điều trị.
Sùi mào gà ở nữ có để lại sẹo không?
Câu trả lời là rất có thể sẽ để lại sẹo do trong quá trình điều trị. Đặc biệt là các phương pháp điều trị sùi mào gà bằng laser, bằng phẫu thuật cắt bỏ sẽ để lại sẹo trên da của người bệnh.
Kết luận
Tóm lại, bệnh sùi mào gà nói chung hay ở nữ nói riêng là do virus HPV gây ra, bệnh thường lây lan do có hoạt động tình dục và có tiếp xúc thân mật với người mắc bệnh.
Qua bài viết này, Hello Bacsi hy vọng rằng đã giúp bạn hiểu được khái niệm cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh để chủ động phòng tránh bệnh.
[embed-health-tool-ovulation]