backup og meta

Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ là gì? Bệnh lậu ở nữ giới có chữa được không?

Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ là gì? Bệnh lậu ở nữ giới có chữa được không?

Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ thường không dễ nhận biết hoặc không có triệu chứng nên nhiều người sẽ không biết mình mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh lậu có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe lẫn khả năng sinh sản ở nữ giới nếu không được điều trị kịp thời.

Nếu bạn đang lo lắng về nguy cơ mắc bệnh lậu và muốn biết căn bệnh này có chữa được không thì có thể tìm hiểu chi tiết hơn qua những thông tin được bác sĩ Nguyễn Thị Nhung chia sẻ trong bài viết sau của Hello Bacsi.

Bệnh lậu lây lan như thế nào?

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh do vi khuẩn lậu có tên gọi chính thức là Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh lậu được truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục không an toàn theo 3 đường là ngả âm đạo, hậu môn và quan hệ bằng miệng. Ngoài ra có thể gặp lây qua dùng chung đồ vệ sinh như: khăn tắm, quần áo, chậu rửa…

Nếu bạn mang thai và mắc bệnh lậu thì vẫn có thể lây cho em bé trong quá trình sinh con gây viêm kết mạc mắt, viêm hầu họng. Có thể nói, đây là căn bệnh nhiễm trùng rất phổ biến, đặc biệt là ở người trẻ trong độ tuổi từ 15 – 24.

Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ là gì?

Bệnh lậu là căn bệnh phức tạp vì hầu hết người bệnh không có nhiều triệu chứng. Trong đó, dấu hiệu bệnh lậu ở nữ thường rất nhẹ và dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng âm đạo hoặc nhiễm trùng tiết niệu. Trong trường hợp bạn có dấu hiệu của bệnh lậu thì các triệu chứng này tở nữ thường ủ bệnh 5-7 ngày (theo phác đồ Bộ Y tế) hoặc lâu hơn kể từ khi bạn quan hệ với người nhiễm bệnh. Thường không có triệu chứng hoặc âm thầm, nghèo nàn. Tuy nhiên có thể gặp các dấu hiệu bệnh lậu cấp ở nữ thường gặp là viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo bao gồm:

  • Cảm thấy đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Bạn muốn đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Mủ ở âm hộ hoặc từ niệu đạo
  • Chảy máu âm đạo giữa kỳ kinh
  • Cảm thấy đau khi quan hệ tình dục
  • Sốt, đau bụng.

Ngoài ra, có thể nhiễm lậu hầu họng nếu quan hệ bằng miệng, nhiễm lậu hậu môn trực tràng (do quan hệ đường hậu môn trực tràng, hay do mủ chảy từ âm hộ xuống hậu môn), lậu mắt do dùng chung khăn, chậu rửa hoặc người bệnh đưa tay có lẫn dịch nhiễm lậu đưa lên mắt. Nếu bạn nhiễm vi khuẩn lậu ở vùng hậu môn thì có thể xuất hiện những triệu chứng khác như:

  • Ngứa hoặc đau hậu môn
  • Chảy máu hậu môn
  • Cảm thấy đau khi đi đại tiện.

Bệnh lậu ở nữ gây ra những biến chứng gì nếu không được điều trị kịp thời?

dấu hiệu bệnh lậu ở nữ

Bệnh lậu không được điều trị có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở cả nam và nữ. Đối với phụ nữ, vi khuẩn lậu có thể lây lan sang tử cung và ống dẫn trứng gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID), những biến chứng của căn bệnh này là:

  • Đau bụng hoặc đau vùng chậu kéo dài
  • Hình thành mô sẹo làm tắc nghẽn ống dẫn trứng
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Vô sinh hoặc khó có thai.

Bên cạnh đó, bệnh lậu còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Nếu bạn mang thai và sinh con, bệnh thường gây viêm kết mạc ở trẻ, ngoài ra ít gặp hơn là viêm hầu họng.
  • Bệnh lậu không được điều trị có thể lây lan qua máu và khớp của bạn. Mặc dù hiếm gặp nhưng đây là biến chứng có thể đe dọa tính mạng.
  • Mắc bệnh lậu có nguy cơ nhiễm virus HIV/AIDS  và một số các bệnh lây truyền qua đường tinh dục khác: giang mai, Clamydia…. Thông thường, những người mắc các bệnh này sẽ dễ dàng truyền bệnh sang cho bạn tình khi quan hệ không an toàn.

Bệnh lậu ở nữ giới có chữa được không?

Bệnh lậu là căn bệnh có thể chữa khỏi nếu bạn được điều trị đúng phương pháp. Điều quan trọng là bạn phải dùng đúng những loại thuốc được bác sĩ kê đơn để ngăn chặn nhiễm trùng, điều trị cho cả bạn tình. Đồng thời, bạn nên thăm khám để điều trị phù hợp chứ không dùng chung, dùng lại đơn thuốc của người khác. 

Hiện nay, việc điều trị bệnh lậu có thể trở nên khó khăn hơn do các chủng vi khuẩn lậu kháng thuốc ngày càng gia tăng. Do đó, nếu các triệu chứng của bệnh lậu vẫn tiếp diễn nhiều hơn một vài ngày sau khi điều trị thì bạn nên tái khám để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Trong trường hợp bạn mang thai và nghi ngờ mắc bệnh lậu thì cần đi khám để được xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt. Việc chữa bệnh đúng lúc và kịp thời sẽ hạn chế gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi.

Nói tóm lại, các dấu hiệu bệnh lậu ở nữ thường dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng khác hoặc thậm chí không có triệu chứng để bạn có bạn sớm nhận biết. Do đó, cách tốt nhất là bạn nên đi khám phụ khoa định kỳ để tầm soát bệnh lậu thường xuyên. Đồng thời, nên chú ý đến các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ mắc bệnh lậu cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gonorrhea – CDC Fact Sheet

https://www.cdc.gov/std/gonorrhea/stdfact-gonorrhea.htm Truy cập ngày 30/09/2021

Gonorrhea

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gonorrhea/symptoms-causes/syc-20351774 Truy cập ngày 30/09/2021

What are the symptoms of gonorrhea?

https://www.plannedparenthood.org/learn/stds-hiv-safer-sex/gonorrhea/what-are-symptoms-gonorrhea Truy cập ngày 30/09/2021

Gonorrhea

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/gonorrhoea Truy cập ngày 30/09/2021

Gonorrhea

https://www.healthnavigator.org.nz/health-a-z/g/gonorrhoea/ Truy cập ngày 30/09/2021

Phiên bản hiện tại

01/11/2021

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Chữa bệnh lậu tại nhà liệu có hiệu quả không?

Bệnh lậu có dễ tái phát không? Cách phòng tránh bệnh lậu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Sản - Phụ khoa · Phòng khám phụ sản Cảm Xúc


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 01/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo