Bệnh lậu (Gonorrhea) là bệnh do vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae gây ra. Nó thuộc nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vi khuẩn gây bệnh lậu có thể xuất hiện ở âm đạo, cổ tử cung của phụ nữ hoặc mắt, miệng, hậu môn hay đường niệu đạo của nam giới. Vậy bệnh lậu ở miệng là gì? Bệnh lậu ở miệng, ở họng và ở lưỡi có gì khác nhau không?
Hello Bacsi mời bạn đọc tiếp bài viết để tìm hiểu cụ thể về bệnh lậu ở miệng, họng, lưỡi và các thông tin liên quan.
Bệnh lậu ở miệng là gì?
Theo định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh – CDC, bệnh lậu một trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) do vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ giới. Trong đó, bệnh lây nhiễm phổ biến ở nhóm thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-24. Đây là độ tuổi mà các đối tượng có thể đã và đang có hoạt động tình dục.
Bệnh lậu ở miệng (Oral Gonorrhea) là tình trạng vi khuẩn bệnh lậu xâm nhập và gây viêm ở những vị trí như vòm họng, lưỡi, môi và miệng. Điều này có nghĩa là, vi khuẩn gây bệnh lậu ở bộ phận sinh dục cũng có thể xuất hiện trong miệng của người bệnh (quan hệ tình dục bằng miệng).
Bệnh lậu ở miệng, lưỡi, họng lây truyền như thế nào?
Bệnh lậu có thể dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác thông qua việc quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. Hoặc bệnh cũng có thể lây nhiễm qua việc sử dụng chung các đồ chơi tình dục như: Dương vật giả, âm đạo giả, máy rung âm đạo…
Khi nhắc đến bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiều người lầm tưởng rằng chỉ khi quan hệ quan hệ thâm nhập mới có nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn tình của bạn đang mắc bệnh thì việc quan hệ tình dục qua đường miệng hoặc hậu môn cũng nguy cơ lây nhiễm cao.
Nguy cơ mắc bệnh lậu ở miệng, lưỡi và họng
Kết quả của một cuộc khảo sát về “rủi ro mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ bằng miệng” được đăng tải trên CDC Hoa Kỳ cho thấy: Nguy cơ mắc bệnh lậu ở miệng, lưỡi và ở vòm họng có thể xảy ra khi:
- Quan hệ tình dục qua đường miệng với người bị nhiễm trùng đường tiết niệu
- Quan hệ bằng miệng với đối tượng bị nhiễm trùng dương vật, trực tràng
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh lậu ở miệng, lưỡi, họng
Theo Trung tâm Sức khỏe Tình dục – Planned Parenthood, bệnh lậu không phải lúc nào cũng có triệu chứng cụ thể. Vì vậy, rất nhiều người khi được chẩn đoán mắc bệnh lậu thường không biết nguyên nhân do đâu và cũng không biết bản thân đã nhiễm bệnh từ khi nào.
Mặc dù vậy, các chuyên gia chỉ ra một số triệu chứng bệnh lậu dễ nhận biết khi mắc bệnh lậu ở nam và nữ như sau:
Dấu hiệu bệnh lậu ở nam giới
- Đau khi đi tiểu
- Sưng hoặc đau ở tinh hoàn
- Đầu dương vật bị sưng, đau, xuất hiện mủ vào buổi sáng sớm (hay còn gọi là giọt mủ buổi sáng trong bệnh lậu ở nam)
- Những vị trí nhiễm vi khuẩn gây bệnh lậu thường gặp ở nam giới thường là mắt, miệng, họng, dương vật và hậu môn. Nếu bệnh lậu xuất hiện ở họng và miệng, nam giới sẽ thấy đau và xuất hiện các đốm trắng ở cổ họng.
Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ giới
- Đau họng, sốt, ớn lạnh
- Đau ở vùng bụng dưới
- Đau khi quan hệ tình dục
- Dịch bất thường từ âm đạo
- Đau hoặc có cảm giác nóng khi đi tiểu
- Chảy máu âm đạo dù không phải trong kỳ kinh nguyệt
- Nếu bệnh lậu ở miệng hay họng, người bệnh sẽ nhận thấy cổ họng bị đau.
Nhiều phụ nữ nghĩ rằng họ bị nhiễm nấm khi nhận thấy chất dịch âm đạo bất thường nhưng trong nhiều trường hợp, đó lại là ảnh hưởng do vi khuẩn lậu gây ra. Điều này dẫn đến việc họ tự điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn để chữa bệnh nhiễm khuẩn nấm khiến diễn tiến bệnh lậu ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh lậu ở miệng
Chẩn đoán
- Xét nghiệm nước tiểu: Thấy nhiều bạch cầu, hồng cầu, tế bào viêm bong và vi khuẩn.
- Kiểm tra mẫu dịch: Bác sĩ có thể lấy mẫu dịch từ dương vật, âm đạo, cổ họng hoặc trực tràng để mang đi xét nghiệm nhuộm và soi tươi (có kết quả sau khoảng 30 phút) hoặc nuôi cấy định danh vi khuẩn (có thể mất 48 – 72h để cho ra kết quả kèm theo kháng sinh đồ).
- Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: Bác sĩ có thể đề nghị bạn xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác bởi bệnh lậu thường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là chlamydia. Ngoài ra, xét nghiệm HIV cũng được khuyến nghị.
Điều trị
Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh lậu nói chung và bệnh lậu ở miệng, lưỡi, họng nói riêng là sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm. Bên cạnh đó, nếu bạn đang trong một mối quan hệ thì bạn tình của bạn cũng sẽ phải được chẩn đoán và điều trị cùng lúc.
Trong suốt quá trình điều trị, bạn nên tuân thủ các điều sau:
- Thông báo cho bạn tình về tình trạng của bạn
- Tuyệt đối không quan hệ tình dục trong suốt quá trình điều trị, kể cả quan hệ bằng tay
- Sau khi bệnh đã được điều trị khỏi, bạn cũng nên sử dụng bao cao su khi quan hệ. Đồng thời để đảm bảo an toàn, bạn nên tái khám để theo dõi khả năng tái phát của bệnh (nếu có).
Phòng ngừa
Để có thể phòng ngừa bệnh lậu ở miệng nói riêng hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung, bạn nên:
- Giao tiếp rõ ràng về tình trạng sức khỏe với bạn tình
- Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Tạo thói quen vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ, kể cả quan hệ thâm nhập hay quan hệ bằng miệng
- Không sử dụng chung các món đồ chơi tình dục với người khác
- Theo đuổi đời sống tình dục lành mạnh, chung thủy.
Bệnh lậu ở miệng có thể chữa khỏi trong bao lâu?
Bệnh lậu ở miệng, lưỡi, họng, hậu môn hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều có phương pháp điều trị thích hợp. Điều quan trọng là bệnh nhân phải nghiêm túc tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh – CDC, nếu được điều trị tích cực, bệnh lậu ở miệng có thể dần thuyên giảm trong khoảng 5 – 7 ngày. Mặc dù vậy, bệnh vẫn có thể tái phát nếu bạn quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh lậu hoặc bạn tình mới.
Các câu hỏi liên quan
Bệnh lậu nói chung và bệnh lậu ở miệng, lưỡi, họng có giống nhau không?
Theo Trung tâm Sức khỏe Tình dục – Planned Parenthood, bệnh lậu nói chung và bệnh lậu ở miệng, lưỡi, họng là giống nhau, chúng đều được gọi chung là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì vi khuẩn có thể tấn công vào nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, nên các bác sĩ sẽ gọi tên bệnh lý cùng với vị trí xuất hiện bệnh để xác định chính xác vùng cơ thể cần tập trung điều trị.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận thấy bệnh lậu ở khu vực họng, môi, miệng và lưỡi thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng liên cầu khuẩn (Strep Throat). Đó cũng là lý do vì sao nhiều người thường xem nhẹ và không đi khám khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu ban đầu.
Bệnh lậu ở miệng và ở họng sẽ biến chứng như thế nào?
Nếu không được điều trị, bệnh sẽ bắt đầu lây lan ra các vùng khác trên cơ thể như mắt, bộ phận sinh dục và cả hậu môn.
- Một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở nữ giới: Lây truyền từ mẹ sang con khi sanh con gần ngả âm đạo; Biến chứng gây viêm vùng chậu, gây viêm mủ vòi trứng, về lâu về dài có thể dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung.
- Một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở nam giới: Viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, viêm ống dẫn tinh, thậm chí là dẫn đến vô sinh do chức năng sinh sản bị ảnh hưởng.
Nhóm đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh lậu ở miệng?
Bất kỳ ai thường xuyên quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ tình dục không an toàn đều có nguy cơ cao mắc bệnh lậu. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục là: Quan hệ đồng tính, quan hệ qua đường hậu môn, đối tượng có nhiều bạn tình.
Kết luận
Nội dung trên là toàn bộ những gì bạn cần biết về bệnh lậu ở miệng, lưỡi và ở vòm họng. Theo đuổi đời sống tình dục lành mạnh là cách tốt nhất để bạn phòng ngừa bệnh lậu ở miệng cũng nhưng những bệnh lây qua đường tình dục khác.
[embed-health-tool-ovulation]