Viêm nướu răng khôn (hay viêm lợi trùm răng khôn) là vấn đề thường gặp ở người trưởng thành, không chỉ gây đau và khó chịu mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách. Nên làm gì khi bị viêm lợi trùm răng khôn có mủ hay viêm lợi trùm răng khôn uống thuốc gì?…
Nếu đang có những thắc mắc như trên, bạn sẽ tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc này qua bài viết dưới đây! Mời bạn cùng tìm hiểu!
Viêm nướu răng khôn là gì? Nguyên nhân xảy ra tình trạng này
Viêm nướu răng khôn hay viêm lợi trùm răng khôn là tình trạng nướu quanh răng khôn đang mọc bị viêm. Răng khôn là răng hàm lớn thứ 3, nằm trong cùng và là răng mọc cuối cùng, thường mọc trong khoảng từ 17 – 25 tuổi, đôi khi có trường hợp mọc muộn hơn.
Viêm lợi trùm răng khôn xảy ra khi răng khôn mới chỉ nhú một phần ra khỏi nướu, có thể quan sát thấy tương đối rõ hoặc vẫn đang bị che lấp hầu hết nên khó nhìn ra. Vì thời gian mọc răng khôn thường kéo dài, phần mô mềm (nướu) trùm lên răng lâu ngày có thể bị các phần tử thức ăn li ti sót lại và vi khuẩn tích tụ bên dưới mà không có cách nào vệ sinh sạch sẽ, gây ra tình trạng viêm nướu. Viêm nướu răng khôn thường xảy ra với răng khôn hàm dưới.
Làm cách nào nhận biết bị viêm nướu răng khôn?
Không phải ai mọc răng khôn cũng bị tình trạng này. Viêm lợi trùm răng khôn có các triệu chứng gần tương tự như viêm nướu ở các vị trí răng khác, bao gồm:
- Nướu sưng, đỏ, dễ chảy máu
- Nướu đau, nhất là khi cắn thức ăn hoặc chạm vào răng đối diện
- Ăn không ngon, miệng có mùi vị khó chịu.
Nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng do viêm nướu có thể làm cho bạn bị:
- Sốt
- Sưng hạch bạch huyết ở dưới hàm
- Cứng hàm, khó mở miệng khi ăn uống, nói chuyện
Viêm lợi trùm răng khôn có mủ là do các tế bào bạch huyết của hệ miễn dịch tập trung dưới phần nướu bị viêm để tiêu diệt vi khuẩn và các phần tử lạ, tình trạng kéo dài tạo ra mủ.
Biến chứng viêm nướu răng khôn nếu không được điều trị
Viêm nướu răng khôn thường gây ra nhiều khó chịu, nên người bệnh thường đi khám để được điều trị đúng cách. Trường hợp để lâu, điều trị trễ, bạn có nguy cơ gặp phải những biến chứng sau đây:
- Ổ viêm có thể chuyển thành áp xe chứa đầy mủ, ăn mòn vào xương hàm, phần chân răng bên cạnh và các dây thần kinh.
- Nhiễm trùng có thể theo mạch bạch huyết và mạch máu lan rộng trong xương hàm, khoang miệng và các cơ quan khác khu vực đầu cổ.
- Nếu răng khôn mọc xiên, đẩy vào răng bên cạnh lâu ngày sẽ gây hỏng răng đó hoặc ảnh hưởng đến sự sắp xếp, làm lệch lạc các răng kề bên.
- Ngoài ra, tình trạng viêm lợi trùm răng khôn làm cho việc vệ sinh răng miệng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tình trạng chung của toàn bộ răng miệng.
Điều trị viêm nướu răng khôn như thế nào?
Khi bị viêm nướu răng khôn, bạn cần đi khám sớm vì tình trạng này sẽ không thể tự khỏi. Nha sĩ hoặc bác sĩ răng hàm mặt sẽ kiểm tra tình hình răng nướu. Việc chụp X-quang cũng thường cần thiết phải tiến hành để xem xét vị trí, hướng mọc của răng, và có hay không các tổn thương đối với răng khôn, răng bên cạnh và xương hàm.
Tùy vào tình trạng viêm và đặc điểm của răng, bác sĩ có thể lựa chọn một trong các cấp độ can thiệp sau:
Trường hợp 1: Răng khôn mọc bình thường, không đâm vào răng bên cạnh
- Chỉ vệ sinh sạch sẽ phần dưới nướu bị viêm khỏi các vi khuẩn, mảng bám, thức ăn thừa
- Phần nướu che lấp răng có thể được cắt bỏ một phần để răng dễ mọc (cắt lợi trùm răng khôn).
Sau khi điều trị, bạn cần tiếp tục tự theo dõi và tái khám theo lịch hẹn (nếu có) để đảm bảo răng và nướu khỏe mạnh cho đến khi răng khôn mọc hoàn chỉnh.
Trường hợp 2: Răng khôn đang hoặc sẽ có khả năng xô đẩy răng bên cạnh
Một tiểu phẫu nhổ bỏ răng khôn là cần thiết để khắc phục triệt để viêm nướu răng khôn:
- Gây tê cục bộ, gây mê an thần hoặc gây mê toàn thân (nếu cần thiết) sẽ giúp bạn không cảm thấy đau trong lúc bác sĩ thao tác (tuy nhiên các cử động, áp lực do va chạm vẫn cảm nhận được khi gây tê)
- Bác sĩ rạch một đường vừa đủ trên nướu để tiếp cận ổ viêm và răng khôn. Nếu răng mọc ngầm, phần xương hàm che lấp răng sẽ được mài để loại bỏ.
- Răng khôn có thể được chia nhỏ thành nhiều phần để lấy ra dễ dàng hơn
- Sau khi toàn bộ răng được nhổ bỏ, phần hốc chân răng được làm sạch và nướu được khâu lại.
- Trám bảo vệ răng bên cạnh nếu có tổn thương cho răng này.
Dựa vào hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể đề xuất bạn nhổ bỏ cả những răng khôn không triệu chứng nhưng có khả năng gây ra vấn đề tương tự về sau.
Bị viêm lợi trùm răng khôn uống thuốc gì?
Sau khi được vệ sinh ổ viêm và nhổ bỏ răng khôn nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh: Penicillin, tetracycline, metronidazole… giúp giải quyết dứt điểm tình trạng nhiễm trùng, bảo vệ nướu không bị vi khuẩn tấn công trong thời gian chờ phục hồi
- Thuốc kháng viêm: các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen có công dụng kháng viêm giảm đau và an toàn với hầu hết mọi người
- Thuốc giảm đau: thường dùng paracetamol.
Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn cách vệ sinh, dùng nước súc miệng sát khuẩn… để chăm sóc răng miệng trong thời gian chờ vết thương lành.
Lưu ý rằng với những thông tin về viêm lợi trùm răng khôn uống thuốc gì trên đây, bạn không nên tự mua thuốc về uống. Nguyên do là vì việc chỉ uống thuốc mà không điều trị đúng cách sẽ không giúp giải quyết được tình trạng tình trạng viêm nhiễm.
Phòng ngừa viêm nướu răng khôn như thế nào?
Do đặc điểm mọc răng khôn, tình trạng viêm nướu tại răng khôn vẫn có thể xảy ra dù bạn chăm sóc răng miệng rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc vệ sinh răng miệng kém chắc chắn làm tăng nguy cơ bị viêm nướu răng khôn và các bệnh răng miệng khác.
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm lợi trùm răng khôn là giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt hằng ngày và nhanh chóng đi khám nếu thấy có triệu chứng răng nướu không khỏe. Bạn cũng nên định kỳ thăm khám răng ít nhất 1 lần mỗi năm để bác sĩ kiểm tra, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề về răng miệng như cao răng, viêm nướu răng, răng bị khuyết, sâu răng…
Mong rằng những thông tin hữu ích về nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý khi bị viêm nướu răng khôn (hay viêm lợi trùm răng khôn) trên đây sẽ giúp bạn đọc có nhận định và cách xử lý phù hợp, kịp thời để bảo vệ và chăm sóc tốt cho răng miệng.
[embed-health-tool-bmi]