backup og meta

Lệch khớp cắn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Lệch khớp cắn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Lệch khớp cắn là một trong những vấn đề răng miệng phổ biến nhất. Tình trạng này gây ra một số vấn đề khó chịu không chỉ liên quan đến sức khỏe răng miệng, mà còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần. Vì vậy, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách chữa trị cho vấn đề này.

Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để có được cái nhìn tổng quát nhất về tình trạng khớp cắn bị lệch này.

Lệch khớp cắn là gì? Khớp cắn bị lệch gây ra tác hại gì?

Lệch khớp cắn là tình trạng các răng không ăn khớp với nhau khi cắn chặt lại và ảnh hưởng đến việc cắn, nghiền thức ăn. Khớp cắn bị lệch thường xảy ra khi răng mọc chen chúc, răng chìa quá hoặc răng cụp vào trong quá mức. Tình trạng này thường được điều trị bằng chỉnh nha hay còn gọi là niềng răng. Một số trường hợp lệch nghiêm trọng hơn có thể cần phẫu thuật.

Nếu không được điều trị, tình trạng khớp cắn bị lệch có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe:

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng: sâu răng, mất răng, viêm nướu răng…
  • Ảnh hưởng đến cách nhai, hiệu quả nghiền nát thức ăn hoặc cách nói chuyện hoặc phát âm 
  • Làm mòn, hỏng men răng hoặc gây ra các vấn đề cho xương hàm

Bên cạnh đó, người bị lệch khớp cắn không được điều trị còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa khớp cắn bị lệch và sự tự ti. Một số nghiên cứu cho thấy những người gặp phải tình trạng răng miệng này thường hạn chế giao tiếp và né tránh việc xây dựng các mối quan hệ xã hội vì họ cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình.

Người bị lệch khớp cắn có những triệu chứng nào? 

triệu chứng khớp cắn bị lệch

Tình trạng khớp cắn bị lệch được nhận biết một cách dễ dàng qua các triệu chứng điển hình như:

  • Các răng mọc chênh lệch với nhau, đặc biệt khi cắn răng lại thì hai hàm không khớp kín
  • Diện mạo của khuôn mặt thay đổi (răng hô ra hoặc răng móm)
  • Thường xuyên cắn trúng má trong hoặc lưỡi khi nhai hoặc nói chuyện
  • Khó chịu khi nhai hoặc cắn thức ăn
  • Thay đổi giọng nói, có thể dẫn đến bị ngọng
  • Thở bằng miệng thay vì bằng mũi

Bạn có thể quan tâm Răng không đều: Hãy đi chỉnh nha để tự tin hơn

Nguyên nhân gây ra tình trạng lệch khớp cắn

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng lệch khớp cắn – đặc biệt là do sai hình xương là từ di truyền. Nghĩa là, tình trạng răng miệng này được truyền lại qua các thế hệ trong gia đình. Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa kích thước của hàm trên và hàm dưới hoặc giữa kích thước xương hàm và răng cũng có thể là nguyên nhân khiến khớp cắn bị lệch. Ngoài ra, hình dạng của hàm hoặc các dị tật bẩm sinh như sứt môi và hở hàm ếch cũng có thể là lý do của tình trạng này.

Một số các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Những thói quen thời thơ ấu như mút ngón tay, đẩy lưỡi, sử dụng núm vú giả dù đã trên 3 tuổi và sử dụng bình sữa trong thời gian dài.
  • Răng thừa, mất răng, răng bị va đập hoặc răng có hình dạng bất thường.
  • Vật liệu hàn răng, mão răng, thiết bị nha khoa, dụng cụ phục hình hoặc niềng răng không phù hợp.
  • Sai lệch gãy xương hàm sau chấn thương nặng.
  • Các khối u ở hàm và miệng.

Các loại lệch khớp cắn

biểu hiện lệch khớp cắn

Tình trạng khớp cắn bị lệch thường được chia thành 3 nhóm chính, bao gồm:

  • Lệch khớp cắn loại 1: Đây là trường hợp phổ biến nhất, xảy ra khi hàm trên và hàm dưới ở đúng vị trí, các răng khá cân đối, hài hòa với nhau. Tuy nhiên, tình trạng răng mọc chen chúc hoặc có khoảng cách lớn giữa các răng khiến răng bị xô lệch, cái thò ra, cái thụt vào không theo trật tự nhưng không hô hay móm.
  • Lệch khớp cắn loại 2: Trường hợp này còn được gọi là răng hô thường đi kèm với khớp cắn sâu, xảy ra khi răng hàm trên mọc đưa về phía trước quá nhiều so với răng hàm dưới và che phủ cả hàm dưới. Khi nhìn nghiêng, hàm dưới gần như bị hàm trên che lấp, có thể gây ra tình trạng răng vẩu. Tình trạng này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc cắn và nhai thức ăn. 
  • Lệch khớp cắn loại 3: Đây là trường hợp răng móm hay còn được gọi là khớp cắn ngược. Khớp cắn ngược xảy ra khi xương hàm dưới phát triển quá dài, các răng dưới mọc đưa về phía trước quá mức, thường bọc ngoài các răng cửa trên. Khi nhìn nghiêng, môi dưới sẽ đưa ra ngoài hơn so với môi trên. Trường hợp móm nặng còn khiến cho cằm chìa hẳn về trước. Điều này gây mất cân đối cho khuôn mặt, đồng thời ảnh hưởng đến vận động của hàm.

Khớp cắn bị lệch được điều trị như thế nào? 

điều trị khớp cắn bị lệch

Thông thường, tình trạng khớp cắn bị lệch thường được điều trị bằng một trong các phương pháp sau:

1. Nhổ bớt răng

Ở trẻ em và thiếu niên, răng mọc chen chúc trong miệng là vấn đề phổ biến nhất. Vì vậy, bước đầu tiên trong điều trị có thể là loại bỏ một số răng sữa để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Các nha sĩ thường sẽ tránh nhổ bỏ răng vĩnh viễn, trừ những trường hợp bất khả kháng.

2. Dùng khí cụ chỉnh nha

Một phương pháp điều trị lệch khớp cắn khác được áp dụng phổ biến ở trẻ nhỏ là dùng một loại khí cụ chỉnh nha gọi là niềng răng tháo lắp kim loại. Khí cụ này được thiết kế gồm một vòm miệng bằng nhựa và khung kim loại gắn liền với nhau, hỗ trợ răng dịch chuyển và giúp định hướng cho các răng vĩnh viễn sắp mọc lên được đúng hướng. Phương pháp điều trị này hiệu quả ở trẻ nhỏ và hoàn toàn có thể sẽ cần niềng răng hoàn chỉnh ở giai đoạn sau.

Người lớn khi bị lệch khớp cắn có thể sử dụng máng niềng trong suốt. Đây là một khay niềng được sản xuất dựa trên khuôn hàm của từng người. Dụng cụ này mô phỏng lại cấu trúc răng, khớp cắn và đã được căn chỉnh lại để tạo lực dịch chuyển các răng trên cung hàm. Máng niềng răng cũng được coi là một loại niềng răng tháo lắp bởi không được gắn cố định trên răng mà có thể linh hoạt, giúp người niềng thuận tiện trong ăn uống và vệ sinh răng miệng.

3. Gắn mắc cài 

Việc gắn mắc cài lên răng (niềng răng mắc cài) sẽ giúp dịch chuyển răng một cách chậm rãi, từ đó điều chỉnh lại khớp cắn. Lực kéo nhẹ nhàng nhất quán của niềng răng giúp định hình lại xương trong ổ răng, làm cho răng được dịch chuyển vĩnh viễn. Phương pháp niềng răng không chỉ được áp dụng cho trẻ em mà còn có thể điều chỉnh thành công khớp cắn của người trưởng thành. 

Phương pháp niềng răng có thể giúp răng được điều chỉnh ngay ngắn. Tuy nhiên, sau khi niềng, răng có xu hướng trôi ra khỏi vị trí đã được điều chỉnh một cách tự nhiên. Vì vậy, người bị lệch khớp cắn sau khi niềng răng có thể cần phải đeo một khí cụ trong miệng gọi là dụng cụ giữ răng để giữ cho răng không bị xê dịch (khí cụ duy trì). Một số người cần sử dụng khí cụ duy trì trong nhiều năm sau khi niềng.

4. Phẫu thuật hàm

Phương pháp phẫu thuật hàm có thể được tiến hành để khắc phục các vấn đề lệch khớp cắn do di truyền hoặc do gãy xương hàm mà chưa được chữa đúng cách. Phẫu thuật hàm chỉ được tiến hành kết hợp niềng răng sau độ tuổi 18 khi mà sự phát triển về xương tương đối đã hoàn tất.

Hy vọng những thông tin được tổng hợp trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ tình trạng lệch khớp cắn là gì, đồng thời biết được những phương pháp điều trị phổ biến. 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Malocclusion https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22010-malocclusion Ngày truy cập: 06/12/2021

Malocclusion of the Teeth https://www.healthline.com/health/malocclusion-of-teeth#symptoms Ngày truy cập: 06/12/2021

Malocclusion of teeth https://medlineplus.gov/ency/article/001058.htm Ngày truy cập: 06/12/2021

What is a malocclusion? https://orthodonticsaustralia.org.au/what-is-a-malocclusion/ Ngày truy cập: 06/12/2021

Malocclusion and Orthodontics https://www.uofmhealth.org/health-library/tn1000 Ngày truy cập: 06/12/2021

Malocclusion https://www.childrenshospital.org/conditions-and-treatments/conditions/m/malocclusion Ngày truy cập: 06/12/2021

Phiên bản hiện tại

20/12/2021

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Nắm được khía cạnh khoa học của bệnh sâu răng

Niềng răng móm có đau không? Gương mặt bạn được cải thiện thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 20/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo