backup og meta

Các bệnh về răng: Tìm hiểu để phòng ngừa hiệu quả

Các bệnh về răng: Tìm hiểu để phòng ngừa hiệu quả

Các bệnh về răng hay những vấn đề về răng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Một số trường hợp nghiêm trọng, thương tổn ở răng cần phải được điều trị ngay lập tức.

Răng là một bộ phận quan trọng ở miệng giúp chúng ta có thể ăn uống, nói cười và tạo hình cho gương mặt. Mỗi chiếc răng bao gồm 4 phần:

  • Men răng: bề mặt cứng bên ngoài cùng giúp bảo vệ răng
  • Ngà răng: nằm dưới men răng, có màu vàng ngà
  • Chất xương (cementum): mô cứng bao phủ chân răng và giữ cho răng nằm đúng vị trí
  • Tủy răng: mô mềm nằm ở giữa răng, chứa các dây thần kinh và mạch máu

Khi các vấn đề hay bệnh về răng xảy ra, chúng có thể khiến bạn mất tự tin do ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của răng, gây ra nhiều triệu chứng đau đớn, khó chịu.

7 bệnh về răng bạn có thể mắc phải

Rất nhiều bệnh lý có khả năng xuất hiện và gây ảnh hưởng đến răng, chẳng hạn như

1. Sâu răng

sâu răng là một bệnh về răng thường gặp

Sâu răng có thể dẫn đến nhiều hậu quả, biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Tình trạng này có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi nào, thường gây đau nhức, có thể dẫn đến mất răng.

Các mảng bám trong miệng là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn và chúng có thể chuyển đổi đường trong thức ăn, nước uống thành axit gây tổn thương men răng. Dần dần, lớp bảo vệ ngoài cùng này bị “ăn mòn” và tạo thành những lỗ hổng (lỗ sâu) trên răng.

Để ngăn ngừa sâu răng, các nha sĩ khuyến cáo nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa flour, sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày, súc miệng với nước súc miệng có chứa flour và đi khám răng định kỳ.

2. Răng nhạy cảm

Đây cũng là một bệnh về răng khá phổ biến. Răng ê buốt, nhạy cảm là tình trạng cảm thấy đau nhức, khó chịu ở một hoặc nhiều răng sau khi tiếp xúc với một số thứ gây kích thích, chẳng hạn như đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng.

Nguyên do khiến răng trở nên nhạy cảm ở mỗi người mỗi khác. Nha sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hàm răng của bạn để xác định được lý do cụ thể. Nếu răng nhạy cảm có liên quan đến sự tổn thương ở lớp men răng do sâu răng, nứt răng, gãy răng hay lộ chân răng, nha sĩ sẽ tiến hành điều trị phù hợp.

Để giảm bớt mức độ nhạy cảm, các nha sĩ khuyến cáo sử dụng kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm và hạn chế ăn một số thực phẩm gây kích ứng răng.

3. Viêm tủy răng

rút tủy răng

Viêm tủy răng là tình trạng viêm đau ở phần tủy răng nằm trong chân răng, nơi chứa nhiều dây thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng răng. Trường hợp viêm nhẹ nếu được điều trị và thuyên giảm có thể không gây hỏng tủy răng. Đối với trường hợp viêm nặng có thể làm chết tủy răng, thậm chí viêm có mủ còn có khả năng khiến tình trạng nhiễm trùng lan rộng đến bộ phận khác của cơ thể.

Tùy vào mức độ viêm nhiễm mà nha sĩ sẽ tiến hành điều trị thích hợp. Thông thường, các lựa chọn điều trị bao gồm loại bỏ lỗ hổng đi đến tủy răng, phục hồi lại hình dạng răng và đôi khi là tiến hành chữa tủy răng.

4. Áp xe răng

Áp xe răng hình thành khi xung quanh chân răng bị nhiễm trùng và có mủ tích tụ. Nếu nhận thấy có dấu hiệu bị áp xe răng, bạn cần đến gặp nha sĩ ngay để kịp thời điều trị. Nếu không, áp xe có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng trong xương hàm, các răng khác và lan sang những mô xung quanh.

Đây là một bệnh về răng có thể gây ra biến chứng phức tạp nên cần điều trị càng sớm càng tốt, ngăn chặn nhiễm trùng phát triển và bảo tồn răng. Phương thức điều trị cũng sẽ dựa trên mức độ nghiêm trọng của ổ áp xe.

5. Sai lệch khớp cắn

sai lệch khớp cắn

Sai lệch khớp cắn là tình trạng vị trí các răng hàm trên và răng hàm dưới bị lệch, không khớp với nhau. Điều này khiến cho lực nhai không được phân bổ đều và giảm hiệu quả hoạt động ăn nhai. Kết quả là răng có thể bị mòn bất thường, thân răng có khả năng bị gãy ngang hay răng bị lung lay.

Mục đích điều trị bệnh về răng này là làm cho vị trí sắp xếp các răng trở về đúng chỗ như bình thường, cải thiện hình dáng bên ngoài, ngăn ngừa tổn thương răng và cải thiện khả năng nhai hay nói (trong một số trường hợp nặng).

6. Tật nghiến răng

Tật nghiến răng có thể gây ra đau đầu, cổ, vai cũng như tổn thương đến răng và hàm. Những người có tật này thường vô thức nghiến hai hàm răng chặt vào nhau, thường là trong lúc ngủ. Nguyên nhân dẫn đến thói quen xấu này có thể liên quan đến nhiều tác nhân khác nhau.

Để giảm thiểu những tổn thương có thể xảy ra cho răng, nha sĩ thường cho bạn đeo máng bảo vệ răng, thường là vào ban đêm khi đi ngủ. Ngoài ra, nha sĩ cũng sẽ áp dụng thêm phương thức điều trị khác để điều chỉnh hành vi bất thường này.

7. Bệnh về răng gây mọc thừa răng (hyperdontia)

Bình thường, mọi người sẽ có 20 chiếc răng sữa lúc nhỏ và khi trưởng thành có tổng cộng 32 chiếc răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, dù hiếm gặp nhưng một số người có số lượng răng nhiều hơn bình thường và mọc ở bất kỳ vị trí nào gắn với khung xương hàm. Đó được gọi là bệnh mọc thừa răng (hyperdontia).

Những người gặp phải căn bệnh này cũng có khi mắc thêm một bệnh lý khác, như hở hàm ếch hay hội chứng Gardner. Phương pháp điều trị thường là loại bỏ những chiếc răng mọc dư thừa và chỉnh nha để điều chỉnh lại khớp cắn.

Những vấn đề về răng khác cần được quan tâm

các vấn đề về răng

Ngoài các bệnh về răng ở trên, một số vấn đề khác cũng thường xảy ra và gây ảnh hưởng đến hàm răng là:

  • Răng mọc lệch, mọc ngầm
  • Răng lung lay, mất răng
  • Tổn thương ở răng như nứt răng, mẻ răng
  • Răng ố màu, xỉn màu
  • Răng thưa
  • Ảnh hưởng từ răng khôn

Tùy từng vấn đề gặp phải mà nha sĩ sẽ lựa chọn cách thức điều trị phù hợp. Một số lựa chọn phổ biến là:

  • Nha khoa thẩm mỹ như niềng răng, tẩy trắng răng, bọc răng…
  • Phẫu thuật nhổ răng để tránh tác động xấu từ răng mọc lệch, mọc ngầm hay răng khôn đến các răng xung quanh
  • Trồng răng, trám răng để phục hồi chức năng của hàm răng

Làm sao có thể phòng ngừa các bệnh về răng?

Nếu bạn muốn biết làm thế nào để phòng tránh các bệnh về răng thì câu trả lời rất đơn giản, hãy quan tâm, chăm sóc răng miệng thật tốt:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa flour
  • Làm sạch các kẽ răng để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa còn sót lại bằng chỉ nha khoa hay dụng cụ làm sạch phù hợp (như tăm nước)
  • Hạn chế ăn vặt và uống các thức uống chứa nhiều đường
  • Không hút thuốc lá, kể cả thuốc lá nhai
  • Đặt lịch khám răng định kỳ để được vệ sinh răng miệng cẩn thận và phát hiện sớm các vấn đề hay bệnh về răng nếu có

Hãy xây dựng thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày để giữ gìn một hàm răng chắc khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về răng để luôn tự tin cười tươi mỗi ngày nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tooth Disorders. https://medlineplus.gov/toothdisorders.html. Ngày truy cập 28/12/2020.

Teeth Conditions. https://www.hopkinsmedicine.org/otolaryngology/specialty_areas/oral_maxillofacial_surgery_dentistry/conditions_treatments/conditions/teeth.html. Ngày truy cập 28/12/2020.

Slideshow: 15 Tooth Problems. https://www.webmd.com/oral-health/ss/slideshow-tooth-problems. Ngày truy cập 28/12/2020.

Overview of Tooth Disorders. https://www.msdmanuals.com/home/mouth-and-dental-disorders/tooth-disorders/overview-of-tooth-disorders. Ngày truy cập 28/12/2020.

Phiên bản hiện tại

20/05/2022

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Bị tụt lợi phải làm sao? Cách điều trị tụt nướu răng hiệu quả

Mất răng lâu năm có trồng lại được không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 20/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo