backup og meta

Bệnh bạch sản: Triệu chứng nào là dấu hiệu cảnh báo ung thư?

Bệnh bạch sản: Triệu chứng nào là dấu hiệu cảnh báo ung thư?

Bạch sản là một tình trạng liên quan đến các mảng hoặc đốm trắng ở bên trong miệng. Nguyên nhân có thể là do nhai thuốc lá, hút thuốc nhiều và sử dụng rượu. Trong một số trường hợp, bệnh bạch sản có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư miệng.  

Với những người bị bệnh bệnh sản, việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn tình trạng bệnh diễn biến tồi tệ hơn. Do đó, bạn đừng bỏ qua những chia sẻ trong bài viết sau của Hello Bacsi.

Bệnh bạch sản là gì?

Bệnh bạch sản niêm mạc miệng hay bệnh bạch sản là gì hay leukoplakia là gì? Bạch sản là tình trạng một hoặc nhiều mảng trắng hoặc đốm (tổn thương) hình thành bên trong miệng.

Bạch sản khác với các nguyên nhân khác gây ra các mảng trắng trong miệng lưỡi như tưa miệng hoặc liken phẳng vì cuối cùng nó có thể phát triển thành ung thư miệng. Theo các chuyên gia ước tính, trong vòng 15 năm, khoảng 3 – 17,5% người bị bạch sản sẽ phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy, một loại ung thư da phổ biến.

Nguy cơ phát triển thành ung thư từ bạch sản phụ thuộc vào kích thước, hình dạng và sự xuất hiện của các tế bào bất thường.

Có hai dạng bạch sản chính:

  • Đồng nhất: Đây là một mảng mỏng có màu chủ yếu là màu trắng, có thể có bề mặt nhẵn, nhăn hoặc có gờ, đồng nhất trong suốt.
  • Không đồng nhất: Một mảng có hình dạng bất thường chủ yếu là màu trắng hoặc trắng và đỏ, có thể phẳng, có nốt sần hoặc bề mặt sần sùi, đôi khi có vết loét.

Triệu chứng nào là dấu hiệu cảnh báo ung thư?

Theo ý kiến của các chuyên gia sức khỏe, loại bạch sản không đồng nhất có nguy cơ trở thành ung thư cao gấp 7 lần so với loại đồng nhất.

Triệu chứng thường gặp

bệnh bạch sản

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch sản là gì?

Bệnh bạch sản niêm mạc miệng có những triệu chứng gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch sản có thể khác nhau tùy vào mỗi người. Bệnh bạch sản được đặc trưng bởi những vết lở trông không bình thường bên trong khoang miệng. Những vết lở có thể khác nhau về hình thức và có thể có các đặc điểm sau:

  • Màu trắng hoặc màu xám không thể rửa hay cạo sạch
  • Kết cấu không đều, có thể phẳng, dày lên, cứng, bề mặt bị sưng
  • Có lông (đối với bệnh bạch sản lông).
  • Đốm đỏ (hiếm gặp): Đốm màu đỏ có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu bạn có các vết loang xuất hiện cùng với những đốm đỏ.
  • Chảy máu

Bệnh thường xuất hiện trên lưỡi và có thể bên trong má, nướu răng. Các vết lở có thể mất vài tuần để phát triển và hiếm khi gây đau đớn. Một số phụ nữ có thể phát triển bệnh ở bên ngoài bộ phận sinh dục hoặc trong vùng âm hộ.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào cần phải đi khám?

Mặc dù bạch sản thường không gây khó chịu, nhưng đôi khi tình trạng có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Hãy đi khám ngay nếu có bất kỳ vấn đề nào sau đây:

  • Mảng trắng hoặc vết loét trong miệng không tự lành trong vòng 2 tuần
  • Cục u hoặc mảng trắng, đỏ hoặc sẫm màu xuật hiện trong miệng
  • Những thay đổi của các mô trong miệng diễn ra dai dẳng
  • Đau tai khi nuốt
  • Giảm dần khả năng mở hàm

Bất cứ ai bị bạch sản nên đi khám mỗi 3 – 6 ba tháng, đôi khi cần thực hiện sinh thiết, để theo dõi những thay đổi có thể xảy ra trong tình trạng này.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh bạch sản?

chấn thương má gây bệnh bạch sản

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh bạch sản vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Hút thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất, nhai thuốc lá cũng có thể gây ra bệnh.

Một số nguyên nhân thông thường khác bao gồm:

  • Chấn thương bên trong má, chẳng hạn như vết cắn, va chạm
  • Răng không đều
  • Răng giả, đặc biệt nếu lắp không đúng
  • Cơ thể bị viêm.

Bên cạnh đó, virus Epstein-Barr (EBV) là nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch sản lông, cụ thể:

  • Bạch sản dạng mụn cóc tăng sinh (PVL) (còn gọi là u nhú hóa) là một dạng bạch sản miệng hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm. Các nghiên cứu cho thấy nó có liên quan chặt chẽ với sự hiện diện của virus Epstein-Barr, một loại virus herpes, tòn tại trong cơ thể suốt đời. Gần như tất cả các trường hợp bạch sản dạng mụn cóc tăng sinh cuối cùng sẽ trở thành ung thư tại một số vị trí khác nhau. PVL thường được chẩn đoán muộn trong quá trình phát triển của bạch sản, vì căn bệnh này cần có thời gian để lây lan sang nhiều vị trí. Bệnh cũng có tỷ lệ tái phát cao.
  • Bạch sản lông ở miệng: Nguyên nhân là do nhiễm virus Epstein-Barr gây ra. Những người có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như người nhiễm HIV/AIDS, có thể phát triển chứng bạch sản lông ở miệng. Tình trạng này giống như tên gọi của nó – các mảng lông màu trắng, thường có các nếp gấp nên trông giống như tóc mọc ra khỏi các nếp gấp. Những đốm này chủ yếu xảy ra trên lưỡi, nhưng có thể được tìm thấy ở các bộ phận khác của miệng. Bạch sản lông ở miệng không trở thành ung thư, nhưng nếu mắc bệnh này, bạn nên đi khám và trao đổi với bác sĩ về việc kiểm tra HIV/AIDS.

Nguy cơ mắc phải

nguyên nhân gây bệnh bạch sản

Những ai thường mắc phải bệnh này? Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh thường phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ, tỷ lệ nam – nữ là 2:1. Hầu hết các trường hợp của bệnh xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 50 đến 70.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch sản? Bạn có thể có nguy cơ cao mắc tình trạng này nếu đang:

  • Hút thuốc lá: Thói quen xấu này khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh bạch sản và ung thư miệng
  • Uống rượu kết hợp với hút thuốc.

Bệnh bạch sản miệng: Chẩn đoán và điều trị

chẩn đoán bạch sản miệng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh?

Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh, bác sĩ có thể tiến hành khám răng miệng. Trong quá trình khám, nha sĩ hoặc bác sĩ có thể xác nhận vết loét có phải là của bệnh bạch sản hay không. Bạn có thể nhầm lẫn tình trạng này với bệnh nấm miệng. Các vết loét mà bệnh nấm miệng gây ra thường nhẹ hơn so với các vết loét của bệnh bạch sản và dễ chảy máu.

Nếu các bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân và các mảng trắng không biến mất sau 2 – 4 tuần, bạn sẽ được chỉ định là sinh thiết để kiểm tra. Trường hợp sau khi làm sinh thiết vẫn không cho kết quả chẩn đoán rõ ràng, mảng trắng có thể được xác nhận là bạch sản, nghĩa là nó có khả năng trở thành ung thư. Nếu sinh thiết cho thấy có các tế bào ung thư, bác sĩ có thể kết luận bạn bị ung thư chứ không phải bạch sản.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh bạch sản?

Mục tiêu chính của điều trị bạch sản là ngăn ngừa nó trở thành ung thư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khỏe, việc điều trị là một thách thức và kết quả thường khác nhau ở mỗi người. Việc điều trị có thể giúp loại bỏ các tổn thương, nhưng nhiều người vẫn bị tái phát.

Điều trị bằng thuốc và chất bổ sung 

  • Ngừng sử dụng thuốc lá và rượu.
  • Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả.
  • Sử dụng retinoids đường uống có thể giúp giảm các tổn thương, nhưng tái phát và tác dụng phụ là phổ biến.
  • Dùng các chất bổ sung vitamin A và beta-carotene dùng đường uống có thể giúp làm sạch các mảng trắng, nhưng chúng sẽ xuất hiện trở lại sau khi bạn ngừng sử dụng.
  • Các chất bổ sung isotretinoin đã được phát hiện là có hiệu quả hơn beta-carotene trong việc ngăn ngừa những thay đổi của ung thư.
  • Chữa trị các yếu tố liên quan đến răng miệng như răng hô, mắc cài răng, bề mặt hàm răng giả có dấu hiệu bất thường hoặc các miếng trám răng bất thường càng sớm càng tốt.

Đối với bệnh bạch sản dạng lông ở miệng, việc sử dụng thuốc kháng virus thông thường sẽ làm các mảng bám biến mất. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn thoa thuốc lên các mảng bám. Thuốc mỡ bôi có chứa axit retinoic cũng có thể được sử dụng để làm giảm kích thước vết loét.

Điều trị ngoại khoa

Bạn có thể được điều trị bằng một trong các phương pháp sau:

  • Phẫu thuật: Giúp loại bỏ các mảng tổn thương, tuy nhiên, vẫn có 10 – 20% khả năng các tổn thương sẽ tái phát và 3 – 12% có nguy cơ phát triển ung thư ở những vùng được điều trị.
  • Laser: Loại bỏ các tổn thương bằng tia laser.
  • Liệu pháp quang động: Sử dụng thuốc điều trị ung thư kích hoạt bằng ánh sáng.
  • Phương pháp áp lạnh: Sử dụng phương pháp đông lạnh để loại bỏ tổn thương.
  • Đốt điện: Sử dụng kim đốt nóng bằng điện hoặc dụng cụ khác để loại bỏ tổn thương.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh?

phòng ngừa bệnh bạch sản

Bạn có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Tránh/bỏ thuốc lá: Tránh tất cả các sản phẩm thuốc lá và hỏi bác sĩ về các phương pháp giúp bỏ thuốc lá. Nếu bạn bè hoặc thành viên trong gia đình tiếp tục hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, bạn nên khuyến khích họ kiểm tra răng miệng thường xuyên. Bệnh ung thư miệng thường không gây đau cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng.
  • Tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu: Rượu là yếu tố có thể gây ra cả hai bệnh bạch sản và ung thư miệng. Kết hợp rượu và thuốc lá có thể giúp các hóa chất độc hại trong thuốc lá xâm nhập vào các mô trong miệng dễ dàng hơn.
  • Khám nha khoa định kỳ: Việc này giúp kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng.
  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi: Bởi chúng có chứa các chất oxy hóa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch sản.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Leukoplakia

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/leukoplakia/symptoms-causes/syc-20354405 Ngày truy cập 19/01/2023

Leukoplakia

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17655-leukoplakia  Ngày truy cập 19/01/2023

Leukoplakia

https://www.nhs.uk/conditions/leukoplakia/  Ngày truy cập 19/01/2023

Leukoplakia. http://www.healthline.com/health/leukoplakia#Overview1. Ngày truy cập 23/2/2017

Leukoplakia. http://www.webmd.com/oral-health/guide/dental-health-leukoplakia#1 . Ngày truy cập 23/2/2017

Phiên bản hiện tại

19/01/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bạch sản dạng lông ở miệng là bệnh gì? Những điều bạn cần biết

Vạch trần 5 nguyên nhân gây bệnh lưỡi trắng và cách điều trị hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 19/01/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo