backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Vì sao răng có đốm trắng? Cách điều trị và ngăn ngừa hiệu quả là gì?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/08/2022

    Vì sao răng có đốm trắng? Cách điều trị và ngăn ngừa hiệu quả là gì?

    Việc sở hữu hàm răng trắng và đều màu là một trong những yếu tố quan trọng về mặt thẩm mỹ giúp bạn tự tin khi giao tiếp, cười nói. Do đó, nếu phát hiện răng không đều màu, chẳng hạn như trên răng có đốm trắng, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy khó chịu và kém tự tin.

    Khi trên răng có đốm trắng, những đốm này có màu trắng khác hẳn với phần còn lại của răng. Tình trạng này nhìn rất không “thuận mắt” nhưng bạn lại chưa biết nguyên nhân do đâu. Vì vậy, nếu muốn tìm hiểu vì sao răng có đốm trắng và cách điều trị, loại bỏ hiệu quả thì bạn có thể tham khảo ngay những thông tin trong bài viết sau của Hello Bacsi nhé!

    Vì sao răng có đốm trắng?

    Răng có đốm trắng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Về cơ bản, tình trạng này xảy ra thường là do sự khử khoáng của men răng khiến lớp ngoài cùng của răng bị ăn mòn, hư hỏng.  Cụ thể, sau đây sẽ là một số nguyên nhân phổ biến và đáng chú ý gây xuất hiện các đốm trắng trên răng:

    Chế độ ăn uống

    Những gì bạn ăn và uống có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng. Một số yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống có thể khiến răng có đốm trắng bao gồm:

    • Thực phẩm và đồ uống có tính axit cao: Cam, quýt, soda hoặc bất kỳ thực phẩm, đồ uống nào có tính axit cao đều có thể bào mòn men răng đáng kể. Khi lớp bảo vệ răng bị hư hại sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các đốm trắng trên răng.
    • Chế độ ăn thiếu canxi và phốt pho: Canxi có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Phốt pho có nhiều trong thịt gà, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt… Đây là các chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Vì vậy, nếu không bổ sung đủ canxi và phốt pho có thể dẫn đến tình trạng trên răng có đốm trắng.
    • Trào ngược axit dạ dày: Đây là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến cần được kiểm soát bằng chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu bạn bị trào ngược dạ dày kéo dài, axit từ dạ dày có thể gây hỏng men răng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng.

    Răng có đốm trắng do tiếp xúc với florua

    răng có đốm trắng

    Florua là thành phần phổ biến có trong kem đánh răng hoặc nước uống. Về cơ bản, florua là chất có lợi cho sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, đối với trẻ dưới 8 tuổi, việc tiếp xúc với florua trong thời gian dài có thể dẫn tới nhiễm độc. Ở mức độ nhẹ, nhiễm độc florua có thể biểu hiện qua những đốm trắng trên răng. Nghiêm trọng hơn, florua có thể gây ra các vết rỗ trên men răng và gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng.

    Thiểu sản men răng

    Đây là tình trạng có ít men răng hơn bình thường, xảy ra chủ yếu là do men răng không được hình thành đúng cách. Thiểu sản men răng khiến lớp men răng bị mỏng. Do đó, răng dễ bị rỗ, bị sâu hơn và có thể là nguyên nhân khiến răng có đốm trắng.

    Một số trường hợp thiểu sản men răng xảy ra ở trẻ em là do di truyền, do mẹ hút thuốc khi mang thai, thiếu hụt dưỡng chất khi mang thai, sinh non hoặc sinh bé nhẹ cân. Bên cạnh đó, một số người có chế độ ăn kém dinh dưỡng, dùng kháng sinh trị bệnh hoặc mắc bệnh lý nào đó gây cản trở khả năng hấp thu dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến thiểu sản men răng. Ngoài biểu hiện là trên răng có đốm trắng, một số triệu chứng khác bao gồm ê buốt răng, xuất hiện vết lõm trên răng, tụt nướu…

    Sự tích tụ mảng bám

    Răng có đốm trắng cũng có thể do sự tích tụ của mảng bám vi khuẩn. Đây thường là kết quả của việc vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng tích tụ mảng bám cũng là tác dụng phụ của việc đeo niềng răng. Khi đeo niềng răng, sự vôi hóa răng dễ xảy ra do mảng bám thức ăn và vi khuẩn bị mắc kẹt ở các kẽ hở của phụ kiện niềng răng. Sự tích tụ mảng bám xung quanh mắc cài sẽ ăn mòn bề mặt răng và các đốm trắng càng trở nên rõ ràng hơn khi bạn tháo niềng răng.

    Thói quen mở miệng khi ngủ có thể khiến răng có đốm trắng

    Bạn có thể nhận thấy răng có đốm trắng khi thức dậy vào buổi sáng và các đốm này sẽ biến mất sau vài giờ. Hiện tượng này xảy ra thường là do bạn ngủ mở miệng vào ban đêm và dẫn đến khô miệng. Sau khi thức dậy vào buổi sáng, răng được tiếp xúc trở lại với nước bọt nên các đốm trắng có thể biến mất.

    Răng có đốm trắng cần được điều trị như thế nào?

    Thông thường, để loại bỏ các đốm trắng trên răng thì bạn cần đi nha sĩ để được xử lý tốt nhất. Một số phương pháp điều trị có thể được lựa chọn, bao gồm:

    Loại bỏ nhẹ lớp men răng (Microabrasion)

    Với kỹ thuật này, nha sĩ sẽ thoa dung dịch axit clohydric trên bề mặt răng và nhẹ nhàng chà xát để loại bỏ một lớp men răng. Điều này cũng có thể giúp loại bỏ các đốm trắng trên răng. Đây là phương pháp không gây đau và không xâm lấn nên thường phù hợp để xử lý các đốm trắng nhỏ hoặc các vấn đề thẩm mỹ nhỏ.

    Veneer nha khoa

    Dán veneer là một phương pháp thẩm mỹ nha khoa dùng những lớp vỏ mỏng dán lên mặt trước của răng để che đi khuyết điểm và cải thiện vẻ ngoài của răng. Tùy thuộc vào mức độ của các đốm trắng trên răng, nha sĩ có thể cân nhắc đề xuất bạn sử dụng veneer để che giấu các đốm trắng và đảm bảo sự thẩm mỹ.

    >>> Có thể bạn quan tâm: Phủ sứ nano là gì? Thực hư phía sau những lời quảng cáo!

    Tẩy trắng răng

    răng có đốm trắng

    Tẩy trắng răng là một thủ thuật nha khoa giúp cân bằng màu sắc của men răng và giúp răng trắng sáng. Khi răng không còn ố vàng, các đốm trắng trên răng có thể trở nên hài hòa trên bề mặt răng hơn và đảm bảo tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc tẩy trắng răng có thể không phù hợp nếu răng có đốm trắng do nhiễm florua nghiêm trọng, bạn đang dùng mão răng, răng ố vàng hoặc hư hỏng nặng…

    Sử dụng đai đeo chống ngáy và hở miệng khi ngủ

    Nếu bạn ngủ ngáy và thường mở miệng khi ngủ có thể dẫn đến khô miệng và xuất hiện các đốm trắng trên răng. Trong trường hợp này, việc sử dụng đai đeo chống ngáy và hở miệng khi ngủ có thể hữu ích để ngăn ngừa khô miệng và tình trạng răng có đốm trắng.

    Mẹo phòng ngừa đốm trắng trên răng

    Để phòng ngừa các đốm trắng trên răng, điều quan trọng nhất là cần đảm bảo việc vệ sinh chăm sóc răng miệng đúng cách. Một số mẹo sau đây sẽ giúp ích cho bạn:

    • Đánh răng 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần mỗi ngày là điều luôn được khuyến khích để loại bỏ mảng bám vi khuẩn hiệu quả.
    • Áp dụng chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe răng miệng, bao gồm giảm tiêu thụ đường và tránh xa các loại thực phẩm, đồ uống có tính axit.
    • Bạn vẫn nên dùng kem đánh răng chứa florua để ngăn ngừa sâu răng. Thế nhưng, nếu gia đình có trẻ nhỏ thì bạn cần theo dõi lượng kem đánh răng mà trẻ dùng mỗi ngày. Bạn nên hướng dẫn con chỉ nặn một ít kem đánh răng lên bàn chải để tránh tình trạng trẻ tiếp xúc quá nhiều florua.
    • Ngoài ra, đảm bảo bổ sung đủ canxi cũng có thể góp phần chăm sóc sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa đốm trắng xuất hiện trên răng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo