Bạn đã được nghe loáng thoáng đâu đó về dịch vụ “phủ sứ nano”? Phủ sứ nano được giới thiệu là một phương pháp giúp mang lại hàm răng đều đặn, trắng sáng với mức phí vô cùng hấp dẫn, tiết kiệm trong khoảng thời gian ngắn. Vậy phủ sứ nano là gì?
Mời bạn cùng tìm hiểu với Hello Bacsi nhé!
Việc sở hữu một hàm răng khỏe đẹp trong tầm chi phí hợp với khả năng tài chính là mong muốn chính đáng của khá nhiều người. Nắm bắt được nhu cầu này, xuất hiện không ít dịch vụ được quảng cáo đầy hấp dẫn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đẹp, bền, rẻ, chẳng hạn như phủ sứ nano.
Phủ sứ nano là gì?
Phủ sứ nano là dùng một loại vật liệu gọi là “sứ nano” phủ lên bề mặt răng để che đi các khuyết điểm như răng bị ố, bề mặt răng lồi lõm, răng khuyết, mẻ, thưa nhẹ… Chất liệu này có màu sắc, độ bóng gần giống như răng thật. Theo như thông tin được đưa ra, phủ sứ nano sẽ mang đến cho hàm răng của bạn một diện mạo hoàn toàn mới và hoàn hảo với các ưu điểm:
- Nhanh chóng, chỉ mất 1 – 2 giờ
- Không cần mài răng thật
- Chi phí rẻ “không tưởng” so với các kỹ thuật nha khoa chính thống
- Bền đẹp theo thời gian và không ảnh hưởng đến việc ăn uống
Quả là hấp dẫn! Thế nhưng, qua tìm hiểu được biết loại sứ nano đặc biệt này chính là composite, một vật liệu dùng để trám răng không hề mới mẻ. Thực tế composite là một trong những vật liệu được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong các kỹ thuật trám răng sâu nhẹ, mẻ, khuyết, trám răng thưa… với màu sắc tự nhiên như đã nói và độ bền từ 3 – 5 năm dưới tác động của các lực cắn nhai khi ăn uống.
Phủ sứ nano được thực hiện như thế nào?
Trên thực tế, phủ sứ nano được thực hiện như sau:
- Bạn được yêu cầu tự vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ trước khi bắt đầu
- Một dung dịch có tính axit được bôi lên bề mặt răng, mục đích tẩy nhẹ lớp men răng để đảm bảo sạch sâu hơn và tạo độ bám dính cho “sứ nano”. Dung dịch axit được rửa đi sau vài phút.
- Công đoạn đắp “sứ”: Composite được đắp lên răng, nắn chỉnh, đánh bóng… để tạo ra diện mạo mới cho hàm răng.
- Composite được làm đông cứng bằng ánh sáng chuyên dụng.
Có thể thấy quy trình phủ sứ nano quả thật rất nhanh gọn và… sơ sài, không hề tuân theo các tiêu chuẩn trong nha khoa. Đáng sợ hơn, một số nơi thậm chí còn dùng cọ để bôi “sứ nano”, một chất lỏng màu trắng giống như sơn lên răng khách hàng để làm trắng răng.
Tránh nhầm lẫn giữa phủ sứ nano và dán sứ veneer
Để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, một số cơ sở nha khoa đã tận dụng cụm từ “phủ sứ nano” đang được tìm kiếm nhiều để giới thiệu dịch vụ dán sứ veneer của cơ sở mình. Điều này vô tình có thể khiến khách hàng bị nhầm lẫn giữa dịch vụ phủ sứ nano trôi nổi với dán sứ veneer, một kỹ thuật được công nhận trong nha khoa thẩm mỹ.
Khác hoàn toàn với “phủ sứ nano”, dán veneer sử dụng những mảnh sứ chuyên dụng cực mỏng được chế tác riêng cho mỗi khách hàng, dán lên răng để che đi một số khuyết điểm. Để giữ nguyên khớp cắn tự nhiên của hàm răng, bề mặt răng bắt buộc bị mài đi một lớp mỏng từ 0.3mm đến 0.5 mm trước khi dán sứ veneer, tuy nhiên mức độ mài đó hoàn toàn không ảnh ưởng men răng và không làm răng ê buốt sau điều trị. Hiện đã có loại dán sứ veneer không mài răng, trong 1 số tình huống cụ thể có thể sử dụng được. Tuy nhiên, bạn sẽ không phù hợp với lựa chọn này nếu răng bị nhô ra ngoài nhiều, bề mặt răng gập ghềnh hoặc vàng ố nặng.
Veneer sứ có độ bền lên đến 5 – 10 năm hoặc lâu hơn mà không bị nứt mẻ hay xỉn màu. Việc ăn uống và vệ sinh răng miệng vẫn diễn ra bình thường, bạn không cần lo lắng thức ăn bị nhét vào phía sau mảnh sứ và gây rắc rối.
Để đáp ứng các đòi hỏi này, dán sứ veneer không hề rẻ. Một chiếc răng được dán sứ veneer có thể tiêu tốn gấp nhiều lần chi phí “phủ sứ nano” toàn bộ hàm răng. Với cùng mục đích mang lại thẩm mỹ cho hàm răng, tại sao không có cơ sở nha khoa uy tín nào thực hiện phủ sứ nano? Mời bạn cùng tiếp tục tìm hiểu.
Những vấn đề có thể gặp phải sau khi phủ sứ nano
Đến đây có lẽ bạn đọc đã rõ phủ sứ nano không phải là một kỹ thuật nha khoa mà chỉ là một tên gọi mang tính quảng cáo, thu hút khách hàng. Thực tế dịch vụ này không được cấp phép mà chỉ được thực hiện bởi các cá nhân và cơ sở thẩm mỹ thiếu uy tín. Việc phủ sứ nano có thể khiến khách hàng gặp phải những phiền toái sau đây:
Composite bong tróc gây mất thẩm mỹ
Độ chịu lực của composite là vừa phải, có giới hạn, nên việc nha sĩ có dùng vật liệu này để trám răng hay không còn phụ thuộc vào vị trí cần trám. Phủ sứ nano dùng composite (một vật liệu gốc là nhựa không phải sứ) để phủ lên bề mặt các răng nên khó tránh khỏi việc lớp “sứ nano” sẽ bị bong tróc lỗ chỗ sau một thời gian ngắn do tác động của việc ăn uống, va chạm hay vận động mạnh…
Nguy cơ mắc phải bệnh răng miệng cao
Người thực hiện dịch vụ không có chuyên môn đa phần không phải là nha sĩ, không có sự trợ giúp của các thiết bị chuyên dụng, quy trình phủ sứ nano qua loa… Đây là những nguyên nhân khiến cho lớp “sứ” nhìn bằng mắt trông có vẻ trắng và lạ hơn răng cũ nhưng thực tế thì không hề bám đúng kỹ thuật vào bề mặt răng và chân răng. Sau một thời gian không lâu, khách hàng phủ sứ nano bắt đầu khổ sở vì thức ăn bám vào phía sau lớp sứ, dưới hốc chân răng… gây ra các bệnh hôi miệng, viêm nướu răng, sâu răng, đe dọa đến răng thật và sức khỏe răng miệng.
Sai khớp cắn
Lớp composite đè lên bề mặt răng khiến răng bị độn dày thêm, làm cho hoạt động cắn, nhai khi ăn uống không còn như ban đầu. Lâu ngày điều này gây ra triệu chứng đau mỏi hàm, khớp cắn bị thay đổi so với vị trí tự nhiên trước đây, xương hàm biến đổi để thích nghi… Đây là những hậu quả mà phủ sứ nano gây ra và tốn khá nhiều công sức để khắc phục.
Quy trình không đảm bảo vệ sinh, an toàn
Việc dụng cụ được sử dụng chung cho nhiều người, quá trình không đảm bảo vô khuẩn, va chạm vào mô nướu… gây ra nguy cơ nhiễm trùng khi phủ sứ nano. Nghiêm trọng hơn, bạn có thể mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bạn cũng có thể bị dị ứng hoặc hấp thu vào cơ thể các chất độc hại nếu vật liệu phủ sứ là composite kém chất lượng hoặc một loại chất liệu không rõ nguồn gốc nào khác.
Với những sự thật về phủ sứ nano là gì trên đây, hẳn bạn đọc đã hiểu vì sao chi phí phủ sứ nano lại rẻ bất ngờ. Thực tế là nhiều khách hàng phủ sứ nano sau một thời gian thường phải tìm đến các cơ sở nha khoa để tháo lớp “sứ” ra khỏi răng và khắc phục các hậu quả mà phủ sứ nano đã gây ra cho răng miệng. Khi tiền mất mà tật mang như thế này thì phủ sứ nano đúng là rẻ mà không hề rẻ.
[embed-health-tool-bmi]