Núm vú phụ nữ là bộ phận có vai trò quan trọng đối với sức khỏe ở nhiều mặt. Thông qua việc quan sát núm vú, bạn có thể nhận biết được tình trạng sức khỏe cũng như những nguy cơ có thể xảy ra.
Nếu bỗng dưng bạn nhận thấy làn da xung quanh núm vú bị nhăn nhúm lại hoặc bị lõm xuống một cách bất thường, đặc biệt là khi tình trạng này chỉ xảy ra với một bên bầu ngực, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay. Đó có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư vú. Dưới đây là 7 sự thật bạn cần biết về núm vú phụ nữ để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Cấu tạo núm vú của phụ nữ trưởng thành
Núm vú được hình thành ngay khi thai nhi còn ở trong bụng mẹ. Núm vú nằm ở trung tâm của quầng vú. Mỗi núm vú có các ống dẫn sữa cùng hàng trăm đầu dây thần kinh, khiến chúng cực kỳ nhạy cảm khi bị chạm vào và hay kích thích.
Khám phá 7 sự thật về núm vú của phụ nữ
1. Tình trạng tiết dịch ở núm vú phụ nữ là bình thường
Dịch tiết núm vú có màu trắng sữa hoặc màu xanh lá nhạt có thể xuất hiện ở hầu hết phụ nữ khi bạn ép, nắm hoặc siết chặt vú. Đây là tình trạng bình thường. Song, nếu dịch tiết ở vú phụ nữ có màu máu hoặc chỉ xảy ra ở một bên ngực thì bạn cần được kiểm tra y tế để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm cho vú.
2. Bạn biết gì về núm vú thứ ba?
Theo một khảo sát, có đến 27,2 triệu người Mỹ gặp phải tình trạng xuất hiện “núm vú thứ ba” ở một bộ phận bất kỳ trên cơ thể. Núm vú thừa này có thể bị nhầm lẫn với nốt ruồi, vết bớt hoặc mụn thịt dư.
Việc có núm vú thứ ba thường không phải là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại và bạn có thể dễ dàng loại bỏ bởi bằng tiểu phẫu đơn giản. Quá trình phẫu thuật chỉ diễn ra trong vòng 30 phút và bạn chỉ cần một ít thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục lại.
3. Tập thể dục có thể gây kích ứng núm vú
Trong quá trình tập luyện, các loại hình bài tập khác nhau có thể khiến bạn vô tình thực hiện các động tác cọ xát với áo ngực, làm núm vú bị kích ứng. Một chiếc áo ngực thể thao vừa vặn cùng một số loại kem dưỡng bôi trơn hoặc miếng dán núm vú có thể cải thiện tình trạng này để có sức khỏe tốt và núm vú đẹp.
Tuy nhiên, nếu bạn không hề thực hiện các hoạt động tác động kể trên mà núm vú nữ vẫn bị đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy hoặc bong tróc, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc căn bệnh paget vú, một dạng bệnh ung thư hiếm gặp có liên quan đến núm vú và quầng vú. Ngoài ra, đây cũng có thể là triệu chứng của bệnh chàm, vì thế bạn đừng quá lo lắng trước khi bệnh trạng vẫn chưa có chẩn đoán chính xác.
4. Núm vú phụ nữ vẫn có thể mọc lông xung quanh
Những đốm nhỏ xuất hiện xung quanh núm vú của phụ nữ là các nang lông khỏe mạnh. Nếu bạn muốn nhổ, cạo hoặc wax các sợi lông đen xung quanh núm ti phụ nữ, hãy thực hiện nhẹ nhàng và cẩn thận. Tuy nhiên, nếu các nang lông này gây đau rát, ngứa ngáy, bong tróc hoặc phát triển về kích thước, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe như bệnh nhiễm trùng hoặc ung thư.
5. Đau núm vú phổ biến ở phụ nữ cho con bú
Tình trạng núm vú nứt nẻ hoặc viêm loét thường xuất hiện ở những tuần đầu khi phụ nữ cho con bú. Mặt khác, người nuôi con bằng sữa mẹ cũng thường có núm vú to hơn bình thường. Nếu cơn đau núm vú này cứ tiếp diễn và không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia sức khỏe.
Trong nhiều trường hợp, núm ti đau thường là do bạn cho con bú không đúng cách, nhiễm nấm. Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Úc, tình trạng trẻ cắn, nghiến núm vú có thể là tác nhân gây cơn đau nhói, cũng như tình trạng núm vú bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm Candida gây ra. Nếu đang bị đau núm vú khi cho con bú, bạn có thể thử điều chỉnh lại tư thế cho bé bú có đúng cách không, kiểm tra xem con ngậm bầu vú mẹ đã đúng khớp ngậm hay chưa. Ngoài ra, nếu núm ti có cảm giác ngứa, mẩn đỏ, đau núm vú, nhức bạn nên đi khám để xem đây có phải là dấu hiệu cảnh báo nhiễm nấm hay không.
Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc mỡ hoặc lanolin bôi lên núm vú sau mỗi lần cho bú để giảm đau. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chườm lạnh để bớt đau trước khi cho bé bú.
6. Núm vú phụ nữ bị tụt có đáng lo ngại không?
Tình trạng núm vú bị tụt thường xảy ra khi các mô liên kết bị thụt vào bên trong núm vú. Đây là vấn đề bình thường, có thể chỉ xảy ra ở một bên, tụt tạm thời hoặc vĩnh viễn. Ước tính có khoảng 15% phụ nữ bị tụt núm vú sau khi sinh.
Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể chỉ cần thực hiện một tiểu phẫu đơn giản. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vết nhỏ để giải phóng các mô liên kết để núm vú nhô ra ngoài. Bạn sẽ được gây mê cục bộ hai bên núm vú trong khi tiểu phẫu tiến hành trong vòng 1 giờ.
Tìm hiểu thêm Núm vú bị thụt – Cách xử lý hiệu quả như thế nào bạn đã biết?
7. Núm vú phụ nữ là vùng nhạy cảm
Khi núm vú của phụ nữ bị kích thích, cảm giác khoái cảm sẽ được truyền thẳng đến trung tâm cảm xúc của não bộ, tương tự như khi họ bị kích thích vùng âm đạo, âm vật và cổ tử cung.
Nếu đang có ý định xỏ khuyên hoặc xăm núm vú hoặc khu vực xung quanh bầu ngực phụ nữ, bạn cần biết quá trình này có thể khiến ti vú mất cảm giác do sự tổn thương thần kinh hay nguy cơ bị nhiễm trùng.
Núm vú phụ nữ cũng cần được nâng niu và chăm sóc như bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở núm vú, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt nhé.
[embed-health-tool-ovulation]