backup og meta

Khám phụ khoa là khám những gì? Chị em nên khám phụ khoa ở đâu?

Khám phụ khoa là khám những gì? Chị em nên khám phụ khoa ở đâu?

Khám phụ khoa định kỳ là bước quan trọng trong việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Song nhiều chị em vẫn chưa thực sự hiểu rõ khám phụ khoa là khám những gì, cần làm những xét nghiệm gì khi khám phụ khoa? Điều này có thể là yếu tố khiến chị em chần chừ trong việc đặt lịch thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe.

Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu cụ thể những thông tin được nhiều phụ nữ quan tâm sau đây

  • Khám phụ khoa là khám những gì?
  • Khám phụ khoa có đau không?
  • Bệnh viện khám phụ khoa tốt nhất tại Hà Nội và TP.HCM

Khám phụ khoa là gì?

Khám phụ khoa là quy trình thăm khám, kiểm tra y tế bên ngoài và bên trong cơ quan sinh dục nữ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bạn cần kiểm tra trực tràng.

Khám phụ khoa được thực hiện với mục đích phát hiện sớm, sàng lọc các bệnh phụ khoa và ung thư ở các cơ quan trong vùng chậu để kịp thời điều trị. 

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, có đến 90% phụ nữ Việt trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27%. Trong số các bệnh phụ khoa, viêm âm đạo là căn bệnh phổ biến nhất. Bệnh không chỉ xảy ra những phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể mắc phải.

Vì vậy, đối với hầu hết phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có bệnh phụ khoa, việc thăm khám đúng định kỳ là bước quan trọng để theo dõi, điều trị, cải thiện triệu chứng bệnh. 

Khám phụ khoa có đau không?

Nếu đây là lần đầu tiên bạn đi khám phụ khoa, quá trình thăm khám của bác sĩ có thể khiến có cảm giác khó chịu nhưng thường không gây đau đớn. Bạn hãy báo cho bác sĩ thăm khám ngay lập tức nếu bạn cảm thấy đau. Họ có thể áp dụng những cách giúp bạn dễ chịu hơn để quá trình thăm khám được thuận lợi. 

Khám phụ khoa là khám những gì
Việc thăm khám phụ khoa không gây đau đớn cho bạn.

Khám phụ khoa là khám những gì?

Khám phụ khoa như thế nào và khám phụ khoa là khám những gì phụ thuộc vào gói dịch vụ hoặc cơ sở y tế bạn đến thăm khám. Tuy nhiên, nhìn chung quy trình thăm khám phụ khoa thường bao gồm:

  • Kiểm tra tổng quát: Ở bước này, bác sĩ thường hỏi bạn về thông tin bệnh sử (đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tuyến vú, vùng chậu), tình trạng hôn nhân, chu kỳ kinh nguyệt, sức khỏe tình dục… để làm cơ sở chẩn đoán.
  • Khám bên ngoài cơ quan sinh dục: Bao gồm kiểm tra nếp gấp bẹn, môi lớn, môi bé, vùng mu, tầng sinh môn,…. Trong quá trình kiểm tra, nếu có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm các xét nghiệm như soi tươi dịch âm đạo, xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu…
  • Khám bên trong âm đạo bằng dụng cụ mỏ vịt: Bác sĩ sẽ đưa mỏ vịt vào bên trong âm đạo của bạn để quan sát, tìm kiếm các dị dạng ở cổ tử cung, các tổn thương ở cổ tử cũng như polyp lộ tuyến cổ tử cung, cơ quan sinh dục (nếu có).
  • Khám trực tràng: Bác sĩ sẽ dùng thiết bị đầu dò chuyên dụng cùng sóng siêu âm đưa vào âm đạo để khảo sát bên trong vùng chậu. Những hình ảnh bên trong vùng chậu không nhìn thấy được bằng mắt thường sẽ hiển trị trên màn hình để bác sĩ quan sát chi tiết hơn.

Khám phụ khoa là khám những gì

Khám phụ khoa làm những xét nghiệm gì?

Bên cạnh thắc mắc khám phụ khoa là khám những gì, nhiều chị em cũng quan tâm tìm hiểu khám phụ khoa cần làm những xét nghiệm gì. Theo đó, một số xét nghiệm cần thực hiện bao gồm:
  • Xét nghiệm Pap smear: Là xét nghiệm phụ khoa thực hiện ở phụ nữ từ 21- 65 tuổi với mục đích phát hiện những bất thường ở cổ tử cung. Kết quả xét nghiệm có thể giúp bác sĩ sàng lọc sớm về ung thư cổ tử cung ở người bệnh.
  • Xét nghiệm HPV: Kiểm tra virus HPV để tầm soát ung thư cổ tử cung và mụn cóc ở bộ phận sinh dục.
  • Xét nghiệm CA- 125: Là xét nghiệm để kiểm tra nồng độ protein trong máu, qua đó chẩn đoán xem bạn có nguy cơ hoặc đang mắc ung thư buồng trứng hay không.
  • Xét nghiệm nội tiết tố: Giúp kiểm tra lượng hormone quan trọng trong cơ thể như progesterone, estradiol, từ đó có cơ sở để kết luận về sức khỏe sinh sản và kinh nguyệt của phụ nữ.
  • Siêu âm tuyến vú: Giúp kiểm tra và phát hiện sớm những bất thường ở tuyến vú như khối u, hạch…
  • Siêu âm đầu dò âm đạo: Giúp xem xét và tìm kiếm các bất thường ở tử cung, buồng trứng và cơ quan sinh dục khác.

Khám phụ khoa ở đâu tốt nhất?

Khám phụ khoa là khám những gì
Bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín khi khám phụ khoa để đảm bảo chất lượng thăm khám

Bệnh viện khám phụ khoa nào tốt? Chị em có thể tùy chọn cơ sở y tế để đặt lịch khám phụ khoa. Tuy nhiên, những yếu tố cần xem xét để chọn nơi khám phụ khoa bao gồm:

  • Giấy phép hoạt động của cơ sở y tế
  • Trình độ chuyên môn của bác sĩ
  • Trang thiết bị tại cơ sở có đáp ứng được nhu cầu thăm khám không
  • Chất lượng dịch vụ
  • Chi phí gói khám phụ khoa có phù hợp với khả năng chi trả của bạn không.

Dưới đây, Hello Bacsi gợi ý những địa điểm khám phụ khoa uy tín, mời bạn tham khảo.

Bệnh viện khám phụ khoa tại TP.HCM

Tên bệnh viện Địa chỉ
Bệnh viện Từ Dũ 284 Cống Quỳnh, Quận 1, TPHCM
Bệnh viện Hùng Vương 28 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, TPHCM
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP HCM
Bệnh viện Phụ sản Mekong 243 – 243A – 243B Hoàng Văn Thụ, phường 1, quận Tân Bình, TP HCM
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, TPHCM

Khám phụ khoa ở đâu tốt nhất tại Hà Nội?

Tên bệnh viện Địa chỉ
Bệnh viện Phụ sản Trung ương Khoa khám bệnh: Nhà G, số 43 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.‏
‏Khoa khám bệnh theo yêu cầu, 56 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Cơ sở 1: Số 929 La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội‏.

Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội‏.

Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội.

Bệnh viện Bạch Mai Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Khoa Sản Phụ khoa Số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn 12 Phố Chu Văn An, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội.
Bệnh viện Thanh Nhàn 42 Phố Thanh Nhàn, Phường Thanh Nhàn, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tóm lại, khám phụ khoa định kỳ là việc quan trọng để kiểm soát sức khỏe sinh sản của bản thân. Hello Bacsi hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp chị em giải đáp thắc mắc khám phụ khoa là khám những gì và nhiều thông tin liên quan khác. Chúc bạn luôn khỏe mạnh.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gynecologic Examination

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534223/

Ngày truy cập: 8/5/2024

Bệnh phụ khoa hầu hết phụ nữ Việt mắc: Rất dễ nhận biết nhưng chị em lại hay chủ quan

https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/benh-phu-khoa-hau-het-phu-nu-viet-mac-rat-de-nhan-biet-nhung-chi-em-lai-hay-chu-quan

Ngày truy cập: 8/5/2024

Pelvic Exams

https://www.acog.org/womens-health/faqs/pelvic-exams#:~:text=Does%20a%20pelvic%20exam%20hurt,it%20should%20not%20be%20painful.

Ngày truy cập: 8/5/2024

What Happens at an Ob-Gyn Checkup and Why? One Doctor Explains.

https://www.acog.org/womens-health/experts-and-stories/the-latest/what-happens-at-an-ob-gyn-checkup-and-why-one-doctor-explains#:~:text=A%20physical%20exam%20may%20include,organs%20with%20a%20gloved%20hand.

Ngày truy cập: 8/5/2024

Closing the Gender Pain Gap: Your Gynecologist Has Pain Control Options

https://www.ohsu.edu/womens-health/closing-gender-pain-gap-your-gynecologist-has-pain-control-options#:~:text=There%20can%20be%20a%20wide,others%20may%20experience%20severe%20pain

Ngày truy cập: 8/5/2024

Phiên bản hiện tại

13/05/2024

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Cách khám phụ khoa cho người chưa quan hệ, chưa lập gia đình

Vì sao bạn nên đi khám phụ khoa thường xuyên?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 13/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo