backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Ái kỷ là gì? 10 cách đối phó với người ái kỷ bạn cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thu Anh Nguyen · Ngày cập nhật: 23/05/2023

    Ái kỷ là gì? 10 cách đối phó với người ái kỷ bạn cần biết

    Chúng ta thường sử dụng từ “ái kỷ” để chỉ một người tự cho bản thân là “cái rốn của vũ trụ”. Tuy nhiên, rối loạn tâm thần này có các biểu hiện phức tạp hơn rất nhiều. Trước khi được các chuyên gia can thiệp, bạn phải hiểu rối loạn nhân cách ái kỷ là gì và cách để đối phó với người ái kỷ.

    1. Ái kỷ là gì?

    Ái kỷ (narcissistism) là từ mô tả tính cách của người thích tự cho mình là trung tâm; họ có mối bận tâm quá mức về bản thân và nhu cầu của chính mình, thường do lạm dụng giá trị của người khác.

    Ái kỷ khác với rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic personality disorder – NDP). NDP là một rối loạn tâm thần; tuy nó có biểu hiện của người ái kỷ, nhưng đằng sau lớp mặt nạ tự cao là một tâm hồn mong manh và lo sợ cho giá trị của bản thân.

    Hơn nữa, để xác định ai đó có bị rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) hay không; cần có sự theo dõi và kiểm tra của các bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý lâm sàng.

    Để biết cách đối phó với người ái kỷ, bạn cần nhận diện được các hành vi của một người ái kỷ là như thế nào.

    ái kỷ là gì
    Hiểu ái kỷ là gì là bước đầu tiên trong cách đối phó với người ái kỷ

    2. Biểu hiện của người ái kỷ

    Biểu hiện điển hình nhất của người ái kỷ là họ khao khát được người khác ngợi khen; liên tục phóng đại những thành tích của bản thân.

    Một số các hành vi khác của người ái kỷ bao gồm:

    • Thao túng tâm lý: Lúc đầu, một người ái kỷ sẽ cố gắng làm hài lòng và gây ấn tượng với bạn; nhưng cuối cùng, nhu cầu của họ sẽ luôn được đặt lên hàng đầu.
    • Khao khát được ngưỡng mộ: cần cảm thấy người khác đang công nhận mình; có xu hướng khoe khoang hoặc phóng đại thành tích của họ để được tán dương.
    • Thiếu đồng cảm và thái độ kiêu căng: Người ái kỷ không sẵn lòng hoặc không thể đồng cảm với nhu cầu, mong muốn hoặc cảm xúc của người khác. Họ có thể trở nên thô lỗ hoặc bạo lực khi không nhận được sự đối xử mà họ nghĩ rằng họ xứng đáng.
    • Tin rằng mình vượt trội hơn người khác: Họ tin rằng những người khác nên tuân theo mong muốn của họ; và các quy tắc chung không áp dụng cho họ (họ phải là ngoại lệ).

    Người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ rất khó duy trì các mối quan hệ; và cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích. Sau khi đã biết cách nhận biết người ái kỷ, bạn hãy thử những cách đối phó sau đây nhé.

    3. Cách đối phó với người ái kỷ hiệu quả

    3.1 Nhìn nhận bản chất con người họ

    Người ái kỷ khá giỏi trong việc thu hút người khác. Bạn sẽ thấy bản thân bị hấp dẫn bởi sự hài hước; những ý tưởng lớn và lời hứa chắc chắn của họ. Điều này khiến họ sớm trở thành những người cộng sự đáng mến trong công việc.

    Thực chất, bạn chỉ đang ở trên “sân khấu” của họ, dần dần bạn sẽ nhận ra có gì đó bất ổn. Nếu bạn bắt họ phải nói dối, thao túng hoặc xem thường người khác; họ sẽ âm thầm làm tất cả điều đó với bạn, ở một mức độ nặng nề hơn.

    Những mong muốn, nhu cầu của bạn đều không có ý nghĩa gì đối với người ái kỷ. Sự kháng cự mãnh liệt sẽ diễn ra ngay sau đó nếu bạn cố tranh cãi với họ. Do đó, bước đầu tiên trong cách đối phó với người ái kỷ là chấp nhận con người của họ.

    3.2 Không để bản thân bị cuốn hút vào những gì người ái kỷ nói

    Khi một người ái kỷ bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với bạn; bạn sẽ gần như dành toàn bộ sự chú ý vào họ. Dù đó là sự chú ý tích cực hay tiêu cực; người ái kỷ cũng sẽ làm mọi thứ để duy trì nó.

    Đồng thời, bạn sẽ sớm nhận thấy bản thân sa vào chiến thuật của họ; bạn thấy thôi thúc phải làm hài lòng họ. Dù bạn đang cố gắng tự điều chỉnh cuộc sống của mình như thế nào; người ái kỷ cũng vẫn sẽ luôn đòi hỏi bạn nỗ lực vì họ.

    Đừng để họ xâm nhập vào ý thức của bạn. Hãy luôn nhớ rằng mỗi người đều có những ưu, nhược điểm và mong muốn riêng. Thường xuyên nhắc nhở bản thân về những điểm mạnh; những mục tiêu là cách đối phó với người ái kỷ; cũng như để bạn không bị cuốn theo chỉ định của họ.

    giữ vững lập trường
    Giữ vững lập trường là cách đối phó với người ái kỷ

    3.3 Nói lên suy nghĩ của bản thân

    Đôi khi bạn có thể phớt lờ hoặc rời đi để chấm dứt các cuộc tranh cãi. Tuy vậy, bạn có thể làm gì nếu người bị ái kỷ là con cái, anh em, bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn?

    Hãy lên tiếng! Cách đối phó với người thân ái kỷ là nói cho họ biết hành vi của họ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người xung quanh như thế nào. Hãy nói một cách cụ thể và nhất quán về cách bạn mong đợi được đối xử.

    Song, bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý khi nói lên suy nghĩ của mình. Người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thường không quan tâm hoặc vờ như không hiểu những gì người khác nói.

    Thậm chí, họ không biết bệnh ái kỷ là gì và sẽ vặn vẹo lại bạn; cố chứng minh bạn đã sai khi nói vậy. Trong trường hợp này, cách đối phó với người ái kỷ là cố gắng không thể hiện sự bối rối hoặc khó chịu của mình. Điều đó chỉ thúc giục họ tiếp tục tấn công tinh thần bạn.

    3.4 Thiết lập ranh giới rõ ràng với người bị ái kỷ

    Bạn có biết, một đặc điểm nổi bật của người ái kỷ là sự tự chủ. Người ái kỷ có khả năng tự chủ rất cao; thậm chí xem thường sự tự chủ của người khác.

    Theo đó, họ nghĩ mình có quyền rình mò những vật dụng cá nhân của người khác hoặc can thiệp vào các quyết định. Họ chủ động cho bạn lời khuyên (ngay cả khi bạn không cần) và ép bạn nói những điều riêng tư ở nơi công cộng.

    Bệnh nhân cũng có ý thức về không gian cá nhân rất kém. Chính vì vậy, họ có xu hướng vượt qua rất nhiều ranh giới. Biểu hiện này khá tương đồng với kém văn hóa và bất lịch sự. Do đó, cách đối phó với người ái kỷ là tự thiết lập cho mình những ranh giới cá nhân. Điều này sẽ giúp đời tư của bạn không bị họ xâm nhập.

    Cách đối phó với người ái kỷ bằng thiết lập ranh giới lành mạnh
    Cách đối phó với người ái kỷ bằng thiết lập ranh giới lành mạnh

    3.5 Cần giữ vững vị trí của mình

    Ngay khi bạn bắt đầu lên tiếng và thiết lập các ranh giới; người bị ái kỷ cũng sẽ bắt đầu đưa ra các yêu cầu để đổi lại thứ bạn muốn.

    Ngoài ra, họ cũng sẽ cố gắng lôi kéo bạn, khiến bạn cảm thấy tội lỗi. Một số người sẽ dựng nên những vở kịch bi thảm để bạn tin rằng họ rất đáng thương, họ xứng đáng nhận được sự thông cảm.

    Hãy chuẩn bị tâm lý để có thể giữ vững vị trí của mình là cách đối phó với người ái kỷ. Người ái kỷ có khả năng lấn át rất tốt. Bạn lùi một bước, họ sẽ ngay lập tức bước tới một bước dài hơn.

    3.6 Hãy nhớ rằng bạn không có lỗi

    Bạn phải nhớ rằng người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm về những tổn hại mà họ đã gây ra cho bạn. Thay vào đó, họ có xu hướng đổ lỗi cho người khác.

    Có thể bạn sẽ bị khả năng ăn nói của họ thuyết phục. Bạn sẽ chấp nhận bản thân bị đổ lỗi để giữ hòa khí. Cách đối phó với người ái kỷ đó là đừng để việc này tiếp diễn. Bạn cần biết sự thật ai mới là người có lỗi; bạn không thể xem thường bản thân để cứu vãn cái tôi của họ.

    >> Cách đối phó với người ái kỷ: Hiểu Red Flag trong tình yêu là gì?

    3.7 Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các mối quan hệ lành mạnh

    Nếu bạn cảm thấy mối quan hệ này không ổn; đừng ngần ngại tìm đến hoặc kết nối với các mối quan hệ lành mạnh.

    Người ái kỷ không bao giờ cảm thấy đủ đối với quỹ thời gian mà bạn đã dành cho họ. Tuy vậy, bạn sẽ bị cạn kiệt cảm xúc nếu cứ dành hết thời gian cho một người luôn tìm cách hạ bệ bạn.

    Cách đối phó với người ái kỷ đó là hãy nuôi dưỡng các mối quan hệ khác, liên hệ với gia đình thường xuyên hơn. Bạn cũng có thể tham gia các lớp kỹ năng xã hội để mở rộng các mối quan hệ. Điều gì đó cho phép bạn gặp nhiều người hơn.

    Một mối quan hệ lành mạnh sẽ biểu hiện ở sự đồng hành. Cả hai cùng lắng nghe, nỗ lực để hiểu nhau, đều chịu trách nhiệm, cùng thư giãn và được là chính mình. Dành quá nhiều thời gian với người ái kỷ sẽ khiến bạn quên mất một mối quan hệ lành mạnh là như thế nào.

    Mối quan hệ lành mạnh - Cách đối phó với người ái kỷ
    Cách đối phó với người ái kỷ

    3.8 Hành động ngay lập tức, không hứa hẹn

    Muốn biết cách đối phó với người ái kỷ là gì, chúng ta hãy lưu ý những lời nói của người bệnh. Theo đó, người bị ái kỷ thường rất giỏi trong việc hứa hẹn. Họ liên tục hứa với bạn rằng sẽ làm những gì bạn muốn; rằng họ sẽ không bao giờ khiến bạn không vui.

    Nói chung, người ái kỷ thường hứa những điều để bạn cảm thấy họ sẽ tốt hơn. Họ có vẻ rất chân thành khi hứa hẹn với bạn. Tuy nhiên, đó mãi mãi chỉ là lời hứa.

    Ngay khi người ái kỷ nhận được những gì họ muốn, động lực để hứa hẹn sẽ giảm đi đáng kể. Thực chất, bạn không thể mong đợi dạng bệnh nhân này sống có trách nhiệm hơn.

    Tuyệt đối không trả đũa họ bằng cách trở thành một người giả dối; bạn sẽ càng khiến họ hứng thú hơn trong việc đùa giỡn với bạn. Cách đối phó với người ái kỷ là đảm bảo những yêu cầu của bạn với họ là hợp lý. Mặt khác, bạn chỉ nên thực hiện các yêu cầu của họ khi họ đã hoàn thành yêu cầu của bạn.

    3.9 Hiểu rằng một người ái kỷ cần sự giúp đỡ từ bác sĩ

    Cũng như hầu hết rối loạn nhân cách, người ái kỷ sẽ không hiểu rằng họ có vấn đề. Những nhận xét của bạn chỉ càng khiến họ nghĩ bạn không xứng đáng để họ tôn trọng. Do đó, cách đối phó với người ái kỷ đó là thúc đẩy họ tìm sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý.

    Người ái kỷ thường cũng có các rối loạn khác như lạm dụng bia rượu, nghiện chất kích thích, rối loạn sức khỏe… Việc bạn cần làm là đề nghị họ gặp bác sĩ. Không dễ dàng để có thể thuyết phục họ nhưng bạn hãy cố gắng, đây là cách tốt nhất bạn có thể làm để cứu vãn cả hai.

    Đồng thời, bạn cũng phải luôn nhớ rằng rối loạn nhân cách ái kỷ là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Bạn không việc gì phải chịu đựng hoặc phớt lờ các hành vi lạm dụng.

    Cách đối phó với người ái kỷ là đưa họ đi bác sĩ
    Cách đối phó với người ái kỷ là đưa họ đi bác sĩ

    3.10 Ý thức được khi nào thì bạn cần được giúp đỡ

    Thường xuyên ở bên cạnh một người có tính cách ái kỷ có thể gây tổn hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chính bạn.

    Đặc biệt, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường như lo âu, buồn bực kéo dài hoặc các cảm giác tệ hại mà bạn không lý giải được. Bạn cần chăm sóc bản thân trước khi nghĩ đến tình trạng của người khác.

    Đồng thời, bạn cần chấm dứt ngay mối quan hệ với người ái kỷ nếu như họ khiến bạn cảm thấy bị cô lập, bị kiểm soát, đe dọa và tệ hơn là lạm dụng tinh thần.

    Người ái kỷ có vẻ ngoài không khác gì người bình thường. Thậm chí, họ còn có sức hút hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đã biết bệnh ái kỷ là gì và sự nguy hại của căn bệnh này; hãy tuần tự thực hiện cách đối phó với người ái kỷ nếu trên.

    Sức khỏe tinh thần của bạn là quan trọng nhất, đừng để nó bị hủy hoại bởi bất cứ ai!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thu Anh Nguyen · Ngày cập nhật: 23/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo