backup og meta

Nhồi máu cơ tim: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý

Nhồi máu cơ tim: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức [1]. Việc hiểu rõ các dấu hiệu nhồi máu cơ tim sẽ giúp bạn kịp thời nhận biết bản thân hoặc người thân có đang gặp phải tình trạng này hay không để có cách xử lý sớm nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Vậy nhồi máu cơ tim là gì? Đâu là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim? Mời bạn cùng Hello Bacsi tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về các dấu hiệu nhồi máu cơ tim nhằm phát hiện sớm và có hành động kịp thời.

Hiểu về nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là gì?

Tương tự bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể, tim cũng cần được cung cấp oxy liên tục để duy trì hoạt động cũng như sự sống [2]. Nguồn cung cấp này sẽ đến từ 1 hệ thống động mạch riêng, gọi là hệ động mạch vành với 3 nhánh động mạch chính, cấp máu cho toàn bộ quả tim. Nếu một mạch nào đó dù chỉ là các nhánh nhỏ hoặc một nhánh lớn mà bị tắc thì dòng máu nuôi tim sẽ bị gián đoạn hoặc tắc nghẽn. Điều này khiến cho vùng cơ tim tương ứng không được cung cấp máu, dẫn đến thiếu máu cơ tim. Nếu để lâu, không được can thiệp, vùng cơ tim thiếu máu sẽ bị hoại tử, lúc này người ta gọi là nhồi máu cơ tim [3]. 

Bệnh động mạch vành là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp nhồi máu cơ tim. Khi bị bệnh động mạch vành, một hoặc nhiều nhánh động mạch vành cung cấp máu cho tim sẽ bị tắc nghẽn. Nguyên nhân gây ra sự tắc nghẽn này thường là do sự tích tụ của các mảng xơ vữa khiến lòng động mạch dần bị thu hẹp và làm giảm lưu lượng máu đến tim. Nếu tim không được cung cấp đủ máu trong thời gian dài thì có thể gây nhồi máu cơ tim. Ngoài, khi các mảng xơ vữa này bị vỡ cũng có thể gây hình thành cục máu đông, làm chặn hoàn toàn dòng máu chảy đến tim và gây hoại tử cơ tim [6]. 

Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức [1]. Bởi nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng này có thể nhanh chóng kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm như [3]:

  • Rối loạn nhịp tim
  • Hở van tim nặng
  • Suy tim nặng hoặc sốc tim
  • Thủng cơ tim ở vùng vách ngăn hoặc thành tự do gây vỡ tim

Nếu không được chữa trị kịp thời, các vấn đề trên hoàn toàn có khả năng cao dẫn đến tử vong. Mặt khác, kể cả khi điều trị thành công, mức độ thương tổn của tim vẫn có thể để lại di chứng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và khả năng hoạt động của cơ quan này. Do đó, quan trọng nhất là bạn cần hiểu rõ các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, khi phát hiện các dấu hiệu này thì cần đi khám ngay để được chẩn đoán để có cách can thiệp phù hợp và kịp thời. 

Dấu hiệu nhồi cơ tim và cách xử lý ban đầu [7]

dấu hiệu nhồi máu cơ tim

Bệnh nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột, dữ dội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh bắt đầu từ từ với cảm giác đau nhẹ ở ngực cùng một số triệu chứng khó chịu khác. Vì vậy, hãy chú ý đến biểu hiện khác thường của cơ thể và đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn cảm thấy:

  • Khó chịu ở ngực: Cảm giác khó chịu ở vùng giữa ngực, bao gồm những cảm giác như đau, tức ngực hoặc có áp lực đè nặng lên đây. Tình trạng này có thể kéo dài vài phút hoặc xuất hiện rồi biến mất ngay lập tức nhưng lại nhanh chóng tái phát
  • Khó chịu ở nửa thân trên: Các triệu chứng có thể bao gồm đau hoặc khó chịu ở một hoặc hai tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày
  • Khó thở, hụt hơi.

Ngoài những biểu hiện trên, người bệnh còn có thể gặp phải một số dấu hiệu như:

  • Toát mồ hôi lạnh
  • Nôn, buồn nôn
  • Xây xẩm.

Đau ngực là triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, thực tế, đau ngực là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân. Do đó, nhiều người băn khoăn làm sao để phân biệt cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim và cơn đau ngực do các bệnh lý khác. Theo chia sẻ của ThS BS. Vũ Hoàng Vũ (Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), nếu bạn hoặc người thân bị đau nặng ngực kiểu đè ép và thuộc nhóm có nhiều yếu tố nguy cơ bị nhồi máu cơ tim như đang mắc các bệnh lý tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường, lớn tuổi, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim… thì nên nghĩ ngay đến bệnh lý này.

Một băn khoăn khác cũng thường gặp là khi nghi ngờ bản thân hoặc người thân bị nhồi máu cơ tim thì nên xử lý như thế nào? Theo chia sẻ của bác sĩ, khi nghi ngờ bản thân hoặc người thân bị nhồi máu cơ tim, bạn cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt chứ không nên chần chừ, chờ đợi, ở nhà tự mua thuốc uống hay tự chữa. Bởi nếu chần chừ có thể khiến bạn và người thân bỏ lỡ “thời gian vàng” để điều trị. Ngoài ra, đến bệnh viện càng sớm, bạn và người thân cũng sẽ được điều trị sớm, điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa mức độ tổn thương cơ tim.

Xem ngay những chia sẻ của Ths BS. Vũ Hoàng Vũ (Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) trong video dưới đây để hiểu hơn về các dấu hiệu nhận biết cơ tim cũng như cách chẩn đoán và điều trị bệnh lý này nhé!

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim

Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nếu bạn gặp phải tình trạng đau ngực và có nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức [8]:

Tuổi tác và giới tính

Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim có thể tăng dần theo tuổi tác. Trong khi đó, giới tính lại có ảnh hưởng đến thời điểm nguy cơ nhồi máu cơ tim bắt đầu tăng lên. Cụ thể:

  • Đàn ông: Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng từ 45 tuổi
  • Phụ nữ: Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng từ 50 tuổi hoặc sau mãn kinh

Bệnh sử gia đình

Yếu tố di truyền có thể liên quan đến bệnh nhồi máu cơ tim. Các chuyên gia cho rằng nguy cơ mắc bệnh của một người sẽ tăng lên nếu có người thân trong gia đình từng bị bệnh tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim, nhất là nếu người thân bị khi còn trẻ. Cụ thể, bạn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nếu:

  • Ba hoặc anh em trai bị bệnh trước 55 tuổi
  • Mẹ hoặc chị em gái bị bệnh trước 65 tuổi

Lối sống

Những thói quen dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim:

  • Thường xuyên hút thuốc lá
  • Lười vận động
  • Lạm dụng chất kích thích như amphetamine hoặc cocaine
  • Chế độ ăn uống nhiều đường, muối và chất béo “xấu”, chẳng hạn như chất béo chuyển hóa.
  • Uống rượu, bia thức uống có cồn quá nhiều.

Các vấn đề sức khỏe

Một số vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như:

  • Béo phì
  • Đái tháo đường
  • Tăng huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Có tiền sử bị tiền sản giật khi mang thai
  • Rối loạn ăn uống (nhất là ở những người trẻ tuổi)

Chẩn đoán và điều trị

điện tâm đồ nhồi máu cơ tim

Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người thân bị nhồi máu cơ tim, bạn cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đi đến bệnh viện. Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành [9]:

  • Đo điện tâm đồ (EKG hay ECG): Đây là xét nghiệm ban đầu thường được chỉ định thực hiện sau khi đến bệnh viện. Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bạn/người thân có bị nhồi máu cơ tim hay không. 
  • Xét nghiệm máu: giúp tìm kiếm sự hiện diện của các protein (hay còn gọi là men tim) được giải phóng vào máu khi cơ tim chịu tổn thương. Trong trường hợp nhồi máu cơ tim, bác sĩ thường tiến hành xét nghiệm troponin.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác như chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm tim…[10]

Sau khi xác định tình trạng nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp để điều trị ngay lập tức nhằm phục hồi lưu lượng máu đến tim và ngăn ngừa các tổn thương tim có thể xảy ra [10]. Tùy vào tình trạng bệnh, thời gian đến bệnh viện và trang thiết bị của cơ sở y tế mà bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. 

Một số loại thuốc có thể được dùng để điều trị nhồi máu cơ tim, bao gồm: [4]

  • Thuốc chống đông
  • Thuốc kháng kết tập tiểu cầu
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitor)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) 
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin-neprilysin (ARNI)
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chẹn canxi
  • Thuốc kiểm soát chỉ số cholesterol

Ngoài thuốc, bác sĩ cũng có thể chỉ định các thủ thuật y tế khác để điều trị nhồi máu cơ tim như:

  • Nong và đặt stent mạch vành
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát

phục hồi sau cơn đau tim

Sau điều trị, hầu hết người bị nhồi máu cơ tim đều có thể quay về cuộc sống thường ngày của mình. Tuy nhiên, theo thống kê, bệnh có thể tái phát trong vòng 5 năm đầu tiên ở 20% người bệnh từ 45 tuổi trở lên. Do đó, ngăn chặn một cơn nhồi máu cơ tim khác xảy ra là ưu tiên hàng đầu của người bệnh. Để làm được điều này, bạn sẽ cần tuân thủ một số quy tắc sau: [11]

  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc nhất định có thể giúp giảm nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch khác. Đây là lý do tại sao bạn cần hiểu và sử dụng thuốc đúng cách
  • Tái khám đầy đủ theo lịch hẹn để bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe và tình trạng hồi phục
  • Tham dự chương trình phục hồi chức năng tim do bác sĩ đề xuất
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân hoặc những người đã từng bị nhồi máu cơ tim nếu thấy sợ hãi, bối rối
  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim (như huyết áp cao, cholesterol cao, đái tháo đường) bằng cách dùng thuốc theo chỉ định, bỏ hút thuốc, ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Triệu chứng quan trọng nhất cần nghĩ đến nhồi máu cơ tim là đau ngực, tuy nhiên, bạn không nên bỏ qua những dấu hiệu bất thường khác dù là nhỏ nhất. Khi có biểu hiện nhồi máu cơ tim hoặc nghi ngờ mắc phải bệnh lý này, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong và những biến chứng do nhồi máu cơ tim gây ra.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. What Is a Heart Attack? https://www.nhlbi.nih.gov/health/heart-attack Ngày truy cập: 29/3/2023

2. Heart attack questions and answers https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/about-heart-attacks Ngày truy cập: 29/3/2023

3. Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/8114-dau-hieu-nhan-biet-nhoi-mau-co-tim-cap-khong-st-chenh-len.html Ngày truy cập: 29/3/2023

4. Treatment of a Heart Attack https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/treatment-of-a-heart-attack Ngày truy cập: 29/3/2023

5. Heart Attack Symptoms, Risk, and Recovery https://www.cdc.gov/heartdisease/heart_attack.htm Ngày truy cập: 29/3/2023

6. Heart attack https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-attack/symptoms-causes/syc-20373106 Ngày truy cập: 29/3/2023

7. Warning Signs of a Heart Attack https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/warning-signs-of-a-heart-attack Ngày truy cập: 29/3/2023

8. Heart Attack (Myocardial Infarction) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16818-heart-attack-myocardial-infarction Ngày truy cập: 29/3/2023

9. Diagnosis Heart Attack https://www.nhlbi.nih.gov/health/heart-attack/diagnosis Ngày truy cập: 29/3/2023

10. Heart Attack https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-attack/diagnosis-treatment/drc-20373112 Ngày truy cập: 29/3/2023

11. Life After a Heart Attack https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/life-after-a-heart-attack Ngày truy cập: 29/3/2023

Phiên bản hiện tại

21/07/2023

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?

Dấu hiệu nhồi máu cơ tim sớm bạn đừng chủ quan


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 21/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo