Ngứa mắt là triệu chứng mà ai cũng có thể gặp phải. Bạn có thể bị ngứa mắt vì nhiều nguyên nhân khác nhau như dị ứng hoặc nhiễm trùng. Do đó, việc tìm ra nguyên nhân gây ngứa rất cần thiết để có cách chữa tình trạng mắt hay bị ngứa một cách phù hợp.
Vậy, hay bị ngứa mắt là bệnh gì? Dưới đây là 8 nguyên nhân ngứa mắt phổ biến cùng cách khắc phục mà bạn có thể tham khảo.
1. Ngứa mắt do dị ứng theo mùa
Nếu bạn hay bị ngứa mắt vào một thời điểm nhất định trong năm, khả năng cao là bạn đang gặp phải tình trạng dị ứng theo mùa. Đây là loại dị ứng xảy ra trong một mùa cụ thể, với các chất gây dị ứng phổ biến là phấn hoa và các loại cây cỏ. Thông thường, mắt bị ngứa do dị ứng sẽ đi kèm với các triệu chứng khác như hắt hơi hoặc nghẹt mũi.
Cách tốt nhất để giảm các triệu chứng dị ứng là tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng. Để làm được điều này, bạn có thể tham khảo các biện pháp sau:
- Ở trong nhà khi lượng phấn hoa ngoài trời tăng cao
- Đóng kín cửa ra vào, cửa sổ và cửa kính xe hơi (nếu có) trong mùa phấn hoa
- Tắm rửa và giặt quần áo thường xuyên để ngăn ngừa phấn hoa xâm nhập vào đường thở
- Đeo kính râm hoặc kính bảo hộ cho mắt khi ra ngoài. Ngoài ra, bạn cũng nên đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh phấn hoa xâm nhập vào đường thở, gây ra các triệu chứng dị ứng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn để kiểm soát các triệu chứng. Trong trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám. Bác sĩ có thể kê toa cho bạn một số loại thuốc chống dị ứng để điều trị tình trạng này.
2. Dị ứng quanh năm (Perennial allergies)
Khác với dị ứng theo mùa, dị ứng quanh năm không phụ thuộc vào thời điểm hay các mùa trong năm. Bạn có thể bị ngứa mắt phải hoặc trái do dị ứng với nấm mốc, bụi và vẩy da thú cưng. Bên cạnh đó, xà phòng hoặc dầu gội bạn đang sử dụng cũng có thể khiến mắt bị ngứa và đỏ.
Việc tìm ra chất gây dị ứng rất quan trọng để giảm thiểu tình trạng ngứa mắt do dị ứng. Bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm chích da để xác định chất gây ra các triệu chứng dị ứng của bạn.
3. Các chất kích thích trong không khí
Một số người có thể bị ngứa mắt khi tiếp xúc với khói, khí thải diesel, thậm chí là một số loại nước hoa. Cách điều trị trong trường hợp nay là rửa mắt bằng dung dịch nước muối hoặc đắp một chiếc khăn mát lên mắt bị ngứa trong khoảng 10-15 phút.
4. Ngứa mắt bệnh gì? Nhiễm trùng
Mắt của bạn có thể bị ngứa do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm. Một trong những bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến nhất là viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ). Bệnh rất dễ lây lan, gây ngứa mắt và chảy nước mắt.
Một bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến khác là viêm màng bồ đào. Bệnh có thể gây ngứa mắt, đau mắt và khiến mắt cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm màng bồ đào có thể dẫn đến suy giảm thị lực, gây ra hiện tượng “ruồi bay” trước mắt hoặc các biến chứng nguy hiểm khác như tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Bạn nên đến bệnh viện để khám mắt khi gặp phải triệu chứng của hai căn bệnh trên. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh và steroid để điều trị viêm kết mạc. Trong trường hợp viêm màng bồ đào, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc nhỏ mắt chống viêm phù hợp cho bạn.
5. Ngứa mắt là bệnh gì? Khô mắt
Nước mắt có nhiệm vụ giữ cho đôi mắt luôn ẩm ướt và tươi mới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đôi mắt có thể không tiết đủ nước mắt. Điều này khiến mắt bị khô và ngứa.
Nguyên nhân gây khô mắt đầu tiên phải kể đến là vấn đề tuổi tác. Quá trình lão hóa ở người cao tuổi làm cho nước mắt ít dần. Tương tự, các bệnh lý như tiểu đường và viêm khớp dạng thấp cũng khiến người bệnh tiết ít nước mắt hơn. Bên cạnh đó, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng gây khô mắt, bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc hạ huyết áp
- Thuốc tránh thai
- Thuốc thông mũi
Bạn cũng có thể khô mắt vì nước mắt bay hơi quá nhanh. Ví dụ: Bạn dễ dàng nhận thấy mắt bị khô và ngứa mắt nếu ở ngoài trời gió hoặc môi trường có độ ẩm thấp trong thời gian dài. Đôi khi, tắc tuyến lệ cũng dẫn đến tình trạng mắt bị ngứa và khô.
Bạn có thể khắc phục chứng khô mắt nhanh chóng bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo không kê đơn. Nếu bị khô mắt mãn tính, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn cách điều trị hiệu quả.
6. Mắt bị ngứa là bệnh gì? Mỏi mắt
Tập trung vào màn hình máy tính quá lâu hoặc đọc sách ở nơi thiếu sáng sẽ khiến mắt phải căng ra, mệt mỏi và ngứa. Bên cạnh đó, lái xe trong thời gian dài, đặc biệt là vào ban đêm hoặc ngày nắng gắt cũng có thể khiến bạn bị mỏi mắt. Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên cho mắt thời gian nghỉ ngơi để điều tiết và hoạt động trở lại tốt hơn.
Ngoài ra, ở một số người, hoạt động của máy sưởi hoặc điều hòa không khí cũng có thể kích thích, gây căng và ngứa mắt.
7. Mắt đỏ và ngứa là bệnh gì? Do sử dụng kính áp tròng
Đeo kính áp tròng quá lâu hoặc không thay thế chúng thường xuyên có thể gây kích ứng, khiến mắt bị ngứa và đỏ. Do đó, nếu bạn có sử dụng kính áp tròng, hãy tháo chúng ra vào buổi tối và bảo quản chúng đúng cách. Đồng thời, bạn cũng cần nhớ thời gian thay mới kính theo hướng dẫn của bác sĩ.
8. Mắt bị ngứa là bị gì? Bị viêm bờ mi
Mắt đỏ và ngứa có thể là do viêm bờ mi (còn gọi là viêm mi mắt) gây ra. Tình trạng này thường xuất hiện khi các tuyến dầu ở gốc lông mi bị tắc nghẽn. Viêm bờ mi thường không ảnh hưởng đến thị lực nhưng nó có thể trở thành mãn tính và dẫn đến nhiều biến chứng khác.
Viêm bờ mi nhẹ có thể tự khỏi nếu bạn chú ý giữ gìn vệ sinh mi mắt. Trong trường hợp nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm cho bạn.
Ngứa mắt liên tục có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có các vấn đề bệnh lý. Do đó, bạn nên đi khám nếu thường xuyên bị đỏ và ngứa mắt để được tư vấn cách điều trị triệu chứng này.
[embed-health-tool-heart-rate]