Nếu con bạn trong lứa tuổi dậy thì có điều kiện sức khỏe bình thường nhưng trẻ hay bị ngồi xuống đứng lên chóng mặt, rất có thể trẻ cũng đang bị thiếu máu do thiếu sắt.
Ngồi xuống đứng lên hoa mắt, chóng mặt là tình trạng thường gặp, không chỉ ở tuổi dậy thì mà còn ở nhiều đối tượng bị thiếu máu khác.
Tác hại của tình trạng thiếu máu ở tuổi dậy thì
Sắt là khoáng chất có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể. Trong đó bao gồm việc tổng hợp huyết sắc tố (hemoglobin) – chất vận chuyển oxy trong máu, cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào. Khi không được bổ sung đủ chất sắt, cơ thể sẽ dễ bị mệt mỏi, suy nhược, ngồi xuống đứng lên chóng mặt do thiếu máu.
Trẻ tuổi dậy thì thuộc đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao, chủ yếu là do nhu cầu sắt tăng lên đáng kể trong thời kỳ tăng trưởng. Đặc biệt, ở độ tuổi này, các bé gái bắt đầu có kinh nguyệt và thường có xu hướng ăn kiêng để giữ gìn vóc dáng. Điều này càng làm tăng khả năng bị thiếu máu thiếu sắt ở các em nữ và khiến trẻ dễ bị ngồi xuống đứng lên chóng mặt. Trung bình, một bé gái từ 14 – 18 tuổi cần khoảng 15mg sắt mỗi ngày. Trong khi đó, bé trai cùng độ tuổi cần khoảng 11mg sắt.
Tình trạng thiếu máu thiếu sắt gây ra rất nhiều tác hại đến sức khỏe và tinh thần của trẻ tuổi dậy thì, bao gồm:
- Kém phát triển thể chất
- Thường xuyên buồn ngủ, mất tập trung làm ảnh hưởng đến kết quả học tập
- Ảnh hưởng đến chức năng tim. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến rối loạn chức năng tâm thất trái, gây suy tim.
Cách ngăn ngừa tình trạng ngồi xuống, đứng lên chóng mặt ở tuổi dậy thì
Thiếu sắt ở trẻ tuổi dậy thì hoàn toàn có thể phòng ngừa. Để giữ cho con luôn tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh, bạn nên:
Cho con làm xét nghiệm tổng quát để biết con có bị thiếu máu hay không
Khi con thường xuyên bị ngồi xuống đứng lên hoa mắt chóng mặt hoặc có các biểu hiện bất thường khác, bạn nên cho con làm các xét nghiệm để xác định xem trẻ có đang bị thiếu máu hay không. Điều này cung cấp cho bạn một cơ sở để điều chỉnh chế độ ăn uống của con hoặc cho trẻ uống thuốc sắt đúng cách.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên trao đổi và nói chuyện với con về tầm quan trọng của sắt đối với cơ thể. Đưa cho trẻ những thông tin cần thiết để trẻ có trách nhiệm với bản thân. Đồng thời hướng dẫn để trẻ lựa chọn những loại thực phẩm bổ sung sắt cho mình, tránh xa những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Áp dụng chế độ dinh dưỡng bổ sung chất sắt để con không còn ngồi xuống đứng lên chóng mặt
Cơ thể hấp thụ sắt chủ yếu thông qua thực phẩm hàng ngày. Do đó, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường chất sắt là rất quan trọng để ngăn ngừa thiếu sắt ở lứa tuổi dậy thì.
Chế độ dinh dưỡng tăng cường sắt cho trẻ cần lưu ý những điều sau:
Tăng cường các loại thực phẩm giàu chất sắt
Bạn cần bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ ăn của trẻ như thịt đỏ, cá, gia cầm. Nếu con bạn muốn ăn kiêng thì có thể lựa chọn nguồn cung cấp sắt từ thực vật như mè đen, đậu khô, đậu Hà Lan, bông cải xanh, cải bó xôi, ngũ cốc và bánh mì.
Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C có thể giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn, giúp trẻ tránh được tình trạng ngồi xuống đứng lên chóng mặt. Do đó, bạn cũng nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C trong khẩu phần ăn của trẻ, chẳng hạn như cam, quýt, chanh, bưởi, kiwi, dâu tây, cà chua, ớt chuông.
Hạn chế sử dụng chất kích thích
Hạn chế uống trà và cà phê. Những đồ uống này có thể cản trở cơ thể hấp thụ sắt, dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt ở tuổi dậy thì.
Cho con uống thuốc sắt đúng cách, theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế
Bạn có thể ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt bằng cách cho con uống thuốc sắt đúng cách. Viên uống bổ sung sắt có tác dụng dự phòng thiếu sắt ở trẻ tuổi dậy thì rất hiệu quả. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý bổ sung mà cần tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ trước khi sử dụng. Tránh trường hợp bổ sung quá liều, vì dư thừa sắt trong cơ thể có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Trẻ ở lứa tuổi dậy thì rất dễ bị thiếu máu thiếu sắt. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu tâm để ngăn ngừa, tránh tình trạng này xảy ra ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Cách tốt nhất vẫn là giáo dục con những kiến thức cần thiết về tầm quan trọng của sắt, bổ sung sắt hợp lý từ thực phẩm và thuốc để con luôn khỏe mạnh.
[embed-health-tool-bmi]