Trẻ 12 tuổi sẽ bắt đầu hành trình trở thành người lớn với nhiều bất ngờ và lo lắng. Trong hành trình này, con rất cần sự quan tâm và lắng nghe, chia sẻ từ ba mẹ để có thể phát triển thật toàn diện và an toàn.
Tuổi 12 đánh dấu rất nhiều thay đổi về cả cơ thể, tâm lý và nhận thức ở trẻ. Trải qua những thay đổi lớn này, các bé có thể sẽ lo lắng, hoang mang nên luôn cần ba mẹ ở bên giúp đỡ và lắng nghe. Vậy nên, bạn cũng cần tìm hiểu về những thay đổi ở trẻ 12 tuổi để đồng hành cùng con.
Cột mốc phát triển thể chất ở trẻ 12 tuổi
Tuổi 12 là lúc cả bé gái và bé trai đều bước vào giai đoạn dậy thì. Ở các bé gái, ba mẹ sẽ nhận thấy con phát triển vòng ngực, mọc lông ở nách và vùng kín, cuối cùng là có kinh nguyệt. Ở các bé trai, các dấu hiệu dậy thì sẽ là dương vật và tinh hoàn to lên, mọc lông ở vùng mu và nách, sau đó là ria mép, phát triển cơ bắp và giọng nói trầm hơn.
Những dấu mốc phát triển thể chất đáng chú ý trong độ tuổi này là:
- Bắt đầu có các dấu hiệu dậy thì như kinh nguyệt ở bé gái và phát triển cơ bắp ở bé trai
- Chơi thể thao ngày càng thành thạo
- Có sự tăng trưởng nhảy vọt
Phát triển thể chất cũng bao gồm những thay đổi về chiều cao và cân nặng. Bạn có thể tham khảo chiều cao và cân nặng chuẩn cho trẻ 12 tuổi như sau:
Lứa tuổi 12 là lúc con đang ngày càng tò mò về các vấn đề giới tính nên ba mẹ cần quan tâm và trò chuyện với con về chủ đề này. Vấn đề này tuy nhạy cảm nhưng lại không thể bỏ qua nên bạn hãy tìm cách chia sẻ với con những kiến thức giới tính cần thiết nhé.
Bạn có thể tham khảo bài viết Giáo dục giới tính cho trẻ theo độ tuổi: Ba mẹ tuyệt đối đừng lơ là! để có thêm nhiều kiến thức hữu ích chia sẻ với con.
Độ tuổi 12 và các mốc phát triển cảm xúc ở trẻ
Cảm xúc của các trẻ 12 tuổi thường không ổn định. Bé có thể vừa hứng khởi, hạnh phúc đã chuyển ngay sang buồn bã, tuyệt vọng. Sự thay đổi tâm trạng này thường sẽ lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, các bé thường sẽ không còn muốn tham gia hoạt động nào với ba mẹ dù vẫn rất yêu ba mẹ.
Trong khoảng thời gian này, các bé bắt đầu khám phá kỹ năng lãnh đạo của mình và hiểu rằng mình cần đóng góp cho tập thể. Bạn có thể khuyến khích bé phát triển những kỹ năng này bằng cách để con đóng góp ý kiến của mình khi cần ra quyết định trong nhà và tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc trường học.
Một số cột mốc phát triển cảm xúc ở trẻ 12 tuổi đáng chú ý là:
- Bắt đầu có nhiều hành vi nổi loạn
- Cần được độc lập với ba mẹ nhưng lại thường muốn được người lớn chấp nhận
- Bắt đầu thắc mắc về các giá trị gia đình và phát triển giá trị đạo đức của riêng mình
Ba mẹ cần cân bằng giữa sự độc lập và khả năng lãnh đạo của bé với việc duy trì các quy tắc trong nhà và giữ an toàn cho con. Bạn hãy thường xuyên nói chuyện với con về những việc bé có thể làm mà không cần hỗ trợ hay giám sát từ ba mẹ. Nếu có thể, bạn hãy để bé được tự do làm nhiều việc hơn.
Cột mốc phát triển xã hội ở trẻ 12 tuổi
Bạn bè ngày càng quan trọng với trẻ 12 tuổi nhưng ở độ tuổi này, bé còn bắt đầu quan tâm tới bạn khác giới. Con luôn cần có cảm giác mình có một nhóm bạn hợp cạ. Điều này có nghĩa là trẻ đã dần độc lập hơn khỏi cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình nhưng nguy cơ bị áp lực từ bạn bè cũng lớn hơn.
Các mốc phát triển xã hội quan trọng của trẻ 12 tuổi là:
- Quan tâm với việc làm người khác yêu thích và chấp nhận mình
- Thể hiện sự quan tâm đến bạn khác giới
- Hiểu quan điểm của người khác
Ba mẹ hãy cho con biết mình luôn sẵn sàng trò chuyện cùng con. Trẻ 12 tuổi tuy đã bắt đầu độc lập hơn nhưng bé có thể gặp những vấn đề khó giải quyết cùng áp lực từ bạn bè xung quanh. Vậy nên, bạn hãy luôn lắng nghe để hỗ trợ bé khi cần nhé.
Cột mốc phát triển nhận thức của trẻ
Bộ não của trẻ 12 tuổi đã ngừng phát triển về kích thước nhưng vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Ở độ tuổi này, bé đã có thể áp dụng những kỹ năng như tư duy trừu tượng, giải quyết vấn đề và suy nghĩ logic dễ dàng hơn. Thế nhưng, vỏ não trước với vai trò kiểm soát xung động và các kỹ năng tổ chức vẫn chưa hoàn toàn phát triển.
Đến 12 tuổi, hầu hết các bé đều đã có khả năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp vững vàng. Các bé đã có thể hiểu nghĩa bóng từ ngữ cũng như hiểu được giọng điệu người khác dùng trong giao tiếp.
Về mặt giải trí, trẻ 12 tuổi bắt đầu dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động như chơi thể thao, chơi điện tử và đi chơi với bạn bè. Ba mẹ cần chú ý hạn chế thời gian dùng thiết bị điện tử của bé và khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất nhiều hơn.
Những dấu mốc phát triển nhận thức quan trọng ở độ tuổi 12 là:
- Hiểu và áp dụng logic cho các tình huống và vấn đề
- Bắt đầu nhận thức về khái niệm công bằng và bình đẳng
- Bắt đầu hiểu mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.
Ở tuổi 12, ba mẹ cần thường xuyên trao đổi cùng thầy cô của con để hiểu tình hình học tập trên trường và có cách hỗ trợ con kịp thời nếu con không theo kịp chương trình học. Nếu bé bị điểm kém, bạn cũng hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để giúp con khắc phục.
Nhiều trẻ 12 tuổi bắt đầu khám phá những niềm tin và quy chuẩn đạo đức mới. Con thể muốn thử cách sống giống bạn bè mình hoặc thậm chí muốn tìm hiểu một điều gì đó thật mới lạ, chẳng hạn như một vùng đất xa xôi hay một tôn giáo mà bé nghe được ở đâu đó. Đây là một phần bình thường của quá trình phát triển nên ba mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần nhắc nhở con về những quy tắc và quy chuẩn đạo đức của gia đình để con không có những hành vi nguy hiểm.
Khi chủ động tìm hiểu những thay đổi trẻ 12 tuổi sẽ trải qua, bạn sẽ có cách trò chuyện và quan tâm con hợp lý hơn. Khi đó, bé cũng sẽ bớt lo lắng và hoang mang trong hành trình trở thành người lớn nữa đấy.
[embed-health-tool-bmi]