Mỗi khi bé phạm lỗi, bố mẹ vẫn thường hay lấy roi đánh vào mông con như một bản năng để làm hả cơn giận mà không biết rằng việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ sau này.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng, theo một cách bản năng thì bố mẹ thường không muốn đánh con bằng roi, nhưng ngoài cách đó ra, bố mẹ không biết phải làm gì khác khi trẻ phạm lỗi. Đánh vào mông chỉ dạy cho trẻ hành động hiếu chiến và bạo lực khi giải quyết vấn đề. Những trẻ thường bị bố mẹ đánh như thế có xu hướng kém tự trọng hơn, dễ nản lòng và nhận những công việc lương thấp khi trưởng thành. Vậy bố mẹ cần làm gì mỗi khi trẻ phạm lỗi thay vì đánh vào mông?
Giữ bình tĩnh
Đầu tiên, khi cảm thấy tức giận, không thể kiềm chế và muốn đánh vào mông hay bạt tai con, bố mẹ nên rời đi chỗ khác rồi bình tĩnh và tịnh tâm lại. Trong khoảng lặng đó, bố mẹ có thể tìm ra giải pháp thay thế và hướng giải quyết cho vấn đề. Đôi khi, bố mẹ không thể kiềm chế cơn giận là do phải chịu quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống. Nếu không thể rời khỏi thì bạn cũng có thể nén cơn giận lại bằng cách đếm đến 10.
Dành thời gian cho bản thân
Bố mẹ có xu hướng đánh vào mông con khi họ không có thời gian cho chính mình và cảm thấy kiệt sức, nóng giận và vội vàng. Vì thế, dành thời gian cho bản thân là rất cần thiết. Bố mẹ có thể giải tỏa áp lực bản thân bằng cách dành một ít thời gian để tập thể dục, đọc sách, đi dạo hay cầu nguyện.
Một tình huống gây bực dọc khác mà bố mẹ muốn đánh vào mông con là khi bé bướng bỉnh làm trái ý. Cuối cùng, bạn phải đánh vào mông để nhắc nhở trẻ hành xử đúng mực. Một hướng giải quyết khác cho những tình huống thế này là ngồi xuống gần con và nhìn vào mắt bé, khẽ chạm nhẹ rồi nói với con những lời lẽ thật ngắn gọn, bày tỏ lòng khoan dung nhưng cũng cứng rắn quả quyết điều mà bạn muốn con làm, ví dụ như: “Mẹ muốn con chơi trong yên lặng”.
Cho con lựa chọn
Nếu con nghịch đồ ăn trên bàn, bố mẹ có thể đặt câu hỏi: “Con muốn ngừng chơi với đồ ăn hay rời khỏi bàn?”. Nếu bé vẫn tiếp tục nghịch thức ăn, bố mẹ cần những hành động nhẹ nhàng nhưng dứt khoát hơn để giúp con rời khỏi bàn. Sau đó nói với con rằng con có thể trở lại bàn khi sẵn sàng ăn đàng hoàng mà không nghịch thức ăn nữa.
Những việc làm để giải quyết hậu quả gắn liền với những hành vi trẻ gây ra có thể dạy trẻ bài học về tinh thần trách nhiệm. Chẳng hạn như khi trông thấy con không may làm vỡ kích cửa sổ nhà hàng xóm, bố mẹ nên ôn tồn: “Mẹ đã thấy con làm vỡ cửa sổ. Con định làm gì để sửa lỗi đây?”. Khi quyết định cắt cỏ hay rửa xe cho nhà hàng xóm để bù đắp chi phí cho chiếc cửa bị hư, con sẽ rút ra bài học rằng những lỗi lầm đó là không thể tránh khỏi trong cuộc sống và quan trọng là biết nhận lỗi và sửa lỗi. Trẻ sẽ không hề cảm thấy bực dọc hay căm ghét bố mẹ và quan trọng nhất là lòng tự trọng của trẻ được bảo vệ nguyên vẹn.
Kiềm chế phát sinh mâu thuẫn
Khi con trả lời bố mẹ một cách thiếu lễ phép sẽ dễ bị nhận bạt tai. Thay vào đó, bố mẹ nên tránh mặt đi, không nên để lại cho con bất cứ sự giận dữ hay bực dọc nào. Hãy nói với con rằng bạn sẵn sàng nói chuyện khi con tỏ ra tôn trọng, lễ phép hơn. Thay vì gạt tay hay đánh vào mông khi con vô tình chạm vào món đồ gì đó, bố mẹ nên ân cần dắt con sang phòng khác, cho bé món đồ chơi hay đồ vật khác để trẻ quên đi.
Hung hăng là một kiểu điển hình của bạo lực. Bạo lực trong gia đình là những cái đánh vào mông con vì nó gây tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ, làm giảm nhiệt huyết của trẻ, khiến trẻ trở nên bất trị và không muốn hợp tác. Có rất nhiều hướng giải quyết khác nhưng kim chỉ nam vẫn là cách phụ huynh điềm tĩnh hơn và biết cách động viên con.
Làm bố mẹ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Tuy nhiên, nếu thực sự cố gắng và vận dụng những phương pháp thay thế cho những hành động bạo lực như đánh vào mông để trách phạt, bố mẹ có thể nuôi dạy con một cách dễ dàng mà hiệu quả hơn rất nhiều.
[embed-health-tool-child-growth-chart]