Toán, hóa học, văn học, lịch sử… bất cứ môn học nào cũng có thể trở thành thách thức đối với trẻ. Để giúp trẻ cảm thấy yêu thích hơn với những môn học khó, bạn hãy biến những môn học này trở thành những hoạt động vui nhộn và thú vị nhé.
Mỗi ngày đến trường, bé cưng nhà bạn sẽ được học rất nhiều môn học khác nhau và không phải môn học nào trẻ cũng thích. Sẽ có một hoặc một vài môn đối với trẻ là những “cơn ác mộng”.
Làm thế nào để giúp trẻ vượt qua điều này? Nếu bạn vẫn chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi này, vậy hãy xem tiếp những chia sẻ sau của Hello Bacsi nhé.
1. Hãy giúp trẻ hiểu môn học ấy có vai trò gì trong trong cuộc sống
Với những môn học mà trẻ cảm thấy “khó nhằn”, nhàm chán, bạn cần phải tìm cách để giúp trẻ hiểu môn học ấy đóng vai trò cụ thể gì trong cuộc sống. Đây là cách thiết thực và hiệu quả nhất để làm tăng hứng thú hoặc tăng động lực học tập của trẻ.
Chẳng hạn, nếu hóa học là môn học mà trẻ cảm thấy khó và không yêu thích, hãy thử làm cho trẻ xem một vài thí nghiệm đơn giản với các nguyên liệu có sẵn trong nhà bếp. Nếu trẻ không thích học văn, hãy chỉ cho con thấy văn chương có ích như thế nào trong cuộc sống. Bạn hãy giải thích cho con hiểu những bộ phim mà con yêu thích đều được xây dựng từ những kịch bản hay và văn chương chính là nguyên liệu để người biên kịch có thể viết nên những kịch bản ấy…
2. Tạo ra một số hoạt động vui vẻ có liên quan đến môn học
Khi cảm thấy chán một môn nào đó, chắc chắn mỗi khi phải học hoặc làm bài tập của môn đó, trẻ sẽ cảm thấy không vui và thiếu hứng thú. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể tạo ra một số hoạt động vui nhộn như tổ chức các trò chơi hoặc cuộc thi nho nhỏ để kích thích trẻ.
3. Giải thích cho trẻ hiểu môn học này có vai trò như thế nào trong tương lai
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình cố gắng học tập để có được một công việc tốt trong tương lai. Bạn có thể thử sử dụng suy nghĩ này để kích thích tinh thần học tập của trẻ ở những môn học “khó nhằn”. Chẳng hạn, nếu trẻ chịu khó học văn thì sau này có thể trở thành nhà văn, nhà báo; nếu chăm chỉ ở môn hóa thì sau này có thể trở thành bác sĩ…
4. Chia sẻ với trẻ những kinh nghiệm của bạn
Bạn có thể nói với trẻ về kinh nghiệm của chính mình khi học những môn học này. Hãy chia sẻ với trẻ rằng lúc đầu khi học bạn đã cảm thấy thế nào, động lực nào để bạn vượt qua và bạn đã gặt hái được những gì. Điều này chắc chắn sẽ đem đến cho trẻ những trải nghiệm rất tuyệt vời đấy.
5. Đừng tạo nhiều áp lực cho trẻ
Đừng bao giờ nói với trẻ đó là một môn học rất phức tạp hoặc trẻ sẽ gặp rắc rối nếu không chịu học. Trẻ nhỏ thường cảm thấy rất khó chịu khi phải chịu áp lực bởi một điều gì đó và dễ có hành động phản kháng lại. Do đó, bạn phải tìm cách để giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn và tạo cho trẻ sự tự tin rằng trẻ hoàn toàn có thể làm chủ môn học này.
6. Nguyên tắc “tạm dừng, nhớ lại và suy ngẫm”
Khi dạy trẻ các môn học khó hoặc các môn học mà trẻ không thích, đây sẽ là một nguyên tắc quan trọng mà bạn cần nhớ. Sau khi trẻ đọc xong 1 trang sách hoặc 1 câu hỏi nào đó, hãy yêu cầu trẻ gấp sách lại và nhớ lại những gì mà trẻ đã đọc và suy nghĩ để tìm ra đáp án. Đừng bao giờ vội vàng cho trẻ đọc 1 trang khác hoặc xem một câu hỏi khác nếu trẻ chưa hiểu rõ hoặc chưa tìm ra được đáp án. Cách làm này có thể mất nhiều thời gian nhưng sẽ giúp trẻ hiểu rõ vấn đề.
7. Đừng chú ý quá nhiều vào điểm số
Khi dạy cho trẻ những môn học khó hoặc bất cứ môn học nào khác, đừng bao giờ bắt đầu bằng điểm số của những bài kiểm tra. Thay vào đó, hãy giới thiệu cho trẻ những điểm hấp dẫn của môn học, những điều mà trẻ có thể học được thông qua môn học… Hãy nói về phần đánh giá ở giai đoạn cuối để giúp trẻ giảm bớt cảm giác lo lắng.
8. Thay đổi môi trường học tập
Trẻ nhỏ lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Do đó, nếu bạn buộc trẻ cứ ngồi mãi trong phòng với một cuốn sách giáo khoa thì chắc chắn trẻ sẽ không thể nào hứng thú nổi. Chính vì vậy, với những môn học khó và kém thú vị, bạn nên thay đổi môi trường học tập mới để kích thích trẻ khám phá những điều mới lạ. Một số địa điểm mà bạn có thể đưa trẻ đi là bảo tàng, công viên, sở thú…
Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích để giúp trẻ cảm thấy yêu thích những môn học khó. Hãy thử áp dụng một số bí quyết trên ngay hôm nay để giúp trẻ vượt qua những môn học “khó nuốt” một cách dễ dàng nhé.
Ngân Phạm/ HELLO BACSI
[embed-health-tool-child-growth-chart]