Ngày nay, có một số phụ huynh cho rằng việc cho con đi học có quá nhiều áp lực nên tìm kiếm các lựa chọn thay thế trường học. Cho con học tại nhà là một lựa chọn được nghĩ đến nhiều nhất.
Cũng giống như những phương pháp giáo dục khác, giáo dục tại nhà cũng có ưu và khuyết điểm riêng. Vậy, làm thế nào để biết liệu việc học tại nhà có phải là một sự lựa chọn tốt nhất cho cả bạn và bé? Thông tin sau của Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho mình.
Cho con học tại nhà là sao?
Học tại nhà là con sẽ được bố mẹ dạy dỗ tại nhà mà không cần phải đến trường. Ở một số nước hiện đại như Anh, Mỹ…, phương pháp này được xem là cách giáo dục hợp pháp. Không hài lòng về chương trình, phương pháp giảng dạy… của nhà trường là các lý do giải thích vì sao phụ huynh không muốn không gửi con mình đến trường học.
Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới tiếp nhận hình thức giáo dục tại nhà và trở thành những người có sức ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện nhiều trường hợp thất bại khi học tại nhà.
Ưu điểm của việc học tại nhà
Học tại nhà được xem là một trong những hình thức giáo dục lâu đời nhất trên thế giới. Trước khi trường học ra đời, trẻ con được bố mẹ và những người thân dạy dỗ. Ngày nay, dù trường học đã trở nên rất phổ biến và gần như bắt buộc, nhưng nhiều người vẫn thích tự mình dạy dỗ con cái hơn vì những lý do sau:
1. Một kèm một
Một lớp học ở trường thường dao động từ 30 – 40 học sinh, tùy thuộc vào từng khu vực. Một giáo viên phải quan tâm đến tất cả học sinh, trong khi ở nhà, chỉ cần để mắt đến duy nhất 1 đứa trẻ mà thôi.
Giáo viên ở trường không thể luôn có mặt để giúp đỡ mỗi khi các con cần nhưng khi ở nhà, bé sẽ được hỗ trợ ngay lập tức. Nếu gia đình có nhiều thành viên thì sự chú ý của bố mẹ vào mỗi trẻ sẽ ít đi một chút nhưng vẫn nhiều hơn là sự chú ý ít ỏi mà các bé nhận được ở trường.
Khi dạy 1 kèm 1, bố mẹ có thể biết được chính xác bài nào con đã hiểu rồi và bài nào chưa. Bên cạnh đó, học ở nhà còn tạo điều kiện để bố mẹ dành nhiều thời gian để giảng giải kỹ lưỡng cho các bé hơn nếu gặp các câu hỏi khó.
2. Thời khóa biểu linh hoạt
Nếu cho trẻ đến trường, mỗi ngày bạn sẽ phải đặt báo thức lúc sáng sớm. Sau đó, hối hả chạy đua với thời gian mỗi buổi sáng để đưa các con đến trường đúng giờ. Trong những lúc gấp gáp như vậy, có thể bé phải bỏ qua luôn bữa sáng, bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.
Chọn phương án giáo dục tại nhà, bố mẹ sẽ không phải trải qua tình cảnh này. Buổi sáng sẽ trở nên dễ chịu hơn bởi người lớn có thể thay đổi lịch học sao cho cả bạn và trẻ đều cảm thấy thoải mái.
Mỗi ngày, bạn nên lên sẵn một kế hoạch và cố gắng tuân thủ để dạy cho trẻ tính kỷ luật. Bạn có thể thay đổi thời khóa biểu hàng tuần hoặc hàng tháng.
3. Học để có kiến thức chứ không phải học vì điểm
Những đứa trẻ đi học ở trường cần phải đạt được điểm số cao để lên lớp. Sự cạnh tranh khuyến khích trẻ học hành vất vả hơn để có được “một chỗ” ở những trường đại học hàng đầu. Đây là suy nghĩ to lớn nhất hiện diện trong đầu của các con. Thậm chí, vì mục đích này mà đôi lúc bé vẫn không có đủ kiến thức nhưng vẫn được lên lớp. Ngược lại, giáo dục tại nhà không có tính cạnh tranh. Do đó, trẻ được khuyến khích để học lấy kiến thức và áp dụng vào thực tế chứ không hơn thua với bất kỳ ai.
4. Kiểm soát chương trình giảng dạy
Bạn đã bao giờ nghĩ mình muốn thầy/cô dạy cho con điều này nhưng lại không được? Nếu bạn dạy con tại nhà thì không cần phải muốn mà chính bạn sẽ trở thành người dạy con biết đến những điều quan trọng. Đó có thể là các vấn đề to lớn hoặc cũng có thể là cách ứng xử đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả đều có thể đưa vào chương trình giảng dạy của bạn. Ngoài ra, người lớn cũng có thể tự quyết định mình sẽ dạy cho trẻ bao nhiêu và khi nào thì nên dạy.
Bạn có thể dạy trẻ những chủ đề mà bé quan tâm. Bên cạnh đó, hãy để bé hiểu về gia đình mình, đây là điều không bao giờ trẻ được học nếu được giáo dục ở trường. Ngoài ra, việc dùng đến các khóa học trực tuyến cũng là một ý kiến hay mà bạn có thể tham khảo.
5. Tiết kiệm thời gian
Bạn cần phải chuẩn bị một số thứ khi cho trẻ đến trường và điều này sẽ chiếm khá nhiều thời gian trong ngày đấy. Mặc đồng phục, chờ xe buýt… và còn nhiều thứ nữa. Giáo dục tại nhà giúp bạn tiết kiệm thời gian và cũng có thể loại bỏ được vấn đề bài tập về nhà. Bạn có thể giúp trẻ nhớ bài ngay trong giờ học để những khoảng thời gian khác trong ngày trẻ có thể tham gia các hoạt động khác.
6. Gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái
Học tại nhà giúp bạn dành nhiều thời gian cho con, qua đó tạo cơ hội để bố mẹ và trẻ hiểu nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là cách để dạy cho trẻ những hành vi về xã hội và ranh giới của mỗi cá nhân.
7. Môi trường học tập an toàn
Thế giới không xấu nhưng những người xấu có thể làm hại trẻ. Bắt nạt, lạm dụng tình dục, đánh đập, chế giễu… là những điều mà thiên thần nhỏ có thể gặp phải khi đến trường. Việc giáo dục tại nhà giúp bảo vệ con yêu khỏi những mối nguy hiểm ngoài xã hội ở một mức độ nào đó. Ngoài ra, bạn cũng không cần phải lo lắng đến việc phải đưa bé đến trường vào những hôm có thời tiết xấu.
8. Ít căng thẳng
Bài tập, bài kiểm tra, chép bài đều là những điều ám ảnh một đứa trẻ khi đến trường. Bên cạnh đó, trẻ còn bị áp lực về thời gian khi phải hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Điều này có thể khiến các con bị căng thẳng. Với hình thức giáo dục tại nhà, bạn không cần phải lo lắng về điều đó.
Trên thực tế, bạn có thể sử dụng công nghệ để dạy trẻ. Ví dụ, bạn có thể sử dụng nguồn tài nguyên trên mạng để dạy trẻ những chủ đề phức tạp.
9. Tập trung năng khiếu của con
Giáo dục tại trường giúp trẻ tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau. Vì vậy, bé có thể biết nhiều thứ nhưng chỉ ở một mức độ nhất định. Thế nhưng, học ở nhà lại khác, bạn có thể tập trung vào một chủ đề cụ thể nào đó mà con yêu thích.
Nhược điểm của việc giáo dục ở nhà
Giáo dục tại nhà có thể có nhiều mặt tích cực nhưng không phải ai cũng phù hợp. Dưới đây là một vài lý do lý giải tại sao lại như vậy:
1. Đắt tiền
Khi chọn phương án học tại nhà, bố mẹ nghĩ rằng mình không cần phải lo lắng đến tiền học phí, tiền cơ sở vật chất, tiền đồng phục… Điều này có thể khiến bạn lầm tưởng việc học tại nhà không tốn kém.
Thế nhưng, hãy nghĩ lại. Khi dạy trẻ ở nhà, bạn hoặc chồng phải gác những mục tiêu nghề nghiệp và tham vọng sang một bên để tập trung vào mục tiêu giáo dục. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc gia đình bạn sẽ mất đi một khoản thu nhập và đôi khi khoản thu ấy còn lớn hơn so với các chi phí mà bạn phải trả khi cho bé đến trường.
2. Thiếu cấu trúc
Trường học có một kế hoạch giảng dạy tốt hơn so với việc người lớn để con học tại nhà. Phương pháp giảng dạy, các bài giảng ở trường học đều đã được thử nghiệm và được chứng nhận là tốt cho trẻ nhỏ.
Các bậc phụ huynh giáo dục con cái tại gia chỉ có thể dựa vào bản thân để thiết kế chương trình học cho con và phải tự giác tuân thủ theo đó. Điều này nói thì dễ hơn làm đấy.
3. Kiến thức và môn học bị hạn chế
Nếu đến trường, trẻ có thể học nhiều môn học khác nhau từ toán học, khoa học, văn học và ngôn ngữ, từ đó sở hữu một lượng kiến thức nhất định đối với từng lĩnh vực. Bé phải học, phải hiểu những kiến thức này để lên lớp. Trong khi đó, khi dạy trẻ ở nhà, bố mẹ có thể bỏ bớt một số môn học ở trường. Điều này khiến trẻ bị khuyết ít nhiều kiến thức.
Ngoài ra, bố mẹ cũng không thể dạy các chủ đề quá phức tạp ở các môn học như toán, lý, hóa trừ khi bạn là chuyên gia về lĩnh vực này. Điều này khiến cho lượng kiến thức mà trẻ nhận được bị giới hạn.
4. Không có tay nghề và được đào tạo
Các bậc phụ huynh dạy tại nhà không cần phải được đào tạo trường lớp. Quan trọng hơn, bạn cũng không có kinh nghiệm trong việc giảng dạy. Do đó, đa phần việc học giống như một cuộc thử nghiệm. Mặt khác, khi đến trường, trẻ sẽ nhận được một môi trường giáo dục tốt nhất từ những giáo viên đã được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy.
5. Không có thời gian cho bản thân
Khi chọn cách thức giáo dục tại nhà, bố mẹ phải làm luôn phần việc của giáo viên chẳng hạn như dành trọn thời gian trong một ngày để ở bên cạnh trẻ. Đôi khi, điều này khiến bạn cảm thấy bị “ngợp” và muốn có một không gian riêng.
Dành thời gian cho con là một điều rất thú vị và được tất cả phụ huynh đồng ý. Thế nhưng đôi khi bạn cần thời gian cho bản thân để thư giãn.
6. Luôn giải thích
Việc chọn phương pháp giáo dục ở nhà không phổ biến, đặc biệt là nếu không có ai trong gia đình được dạy dỗ theo hướng này. Vì vậy, bạn sẽ phải luôn giải thích quyết định của mình cho bạn bè và người thân trong gia đình.
Các bậc phụ huynh cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích xã hội vì có rất ít người ủng hộ việc giáo dục tại nhà. Tuy nhiên, dần dần ngày càng xuất hiện nhiều bố mẹ theo đuổi xu hướng này.
Một khía cạnh khác mà bạn có thể phải “cân não” để giải quyết đó là trẻ học ở nhà thường bị nói là “kỳ lạ”. Những lời chỉ trích và đặt câu hỏi này gieo hạt giống nghi ngờ vào tâm trí con và bạn sẽ phải tự hỏi liệu mình có lựa chọn đúng hay không.
7. Không có sự tương tác với xã hội
Một đứa trẻ được giáo dục ở nhà sẽ ít được tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa. Thậm chí nếu được vui chơi với các bạn thì bé cũng sẽ không gặp những tình huống mà chỉ có đi học mới biết. Ví dụ, trẻ được trải nghiệm các chuyến tham quan, những bữa ăn trưa cùng bạn bè…
Ngoài việc ít tiếp xúc với xã hội, trẻ còn bỏ lỡ những điều đẹp nhất mà một đứa trẻ nên được tận hưởng khi còn nhỏ.
8. Ít được chơi thể thao
Dù bố mẹ có thể dạy cho con chơi một số môn thể thao khi trẻ học ở nhà nhưng bé sẽ không có cơ hội để chơi những môn thể thao đồng đội thường xuyên.
Hầu hết phụ huynh chọn cách giáo dục tại nhà cũng ít khi được tận hưởng một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Bạn phải dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho chương trình giảng dạy. Lựa chọn nào cũng có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Do đó, tất cả đều tùy thuộc vào bạn. Nếu muốn cho con học tại nhà, hãy bắt đầu từ sớm chẳng hạn như từ khi bé ở độ tuổi mẫu giáo, rồi tiểu học. Khi thấy ổn, hãy tiếp tục đến bậc trung học còn nếu không thì bạn có thể để trẻ học ở trường.
[embed-health-tool-child-growth-chart]