Dạy trẻ kết bạn là một trong những kỹ năng sống thiết yếu mà bạn nên dạy cho con. Thực tế đã chứng minh, kết bạn là điều hết sức quan trọng và cần thiết của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, kỹ năng này không đến một cách tự nhiên mà cần được cha mẹ chỉ dạy.
Là cha mẹ, không ai muốn nhìn thấy con mình khi đến trường, ngồi cô đơn ở một góc, không có bạn bè và bị gắn mác là đứa trẻ kỳ lạ. Ngày nay, các kỹ năng xã hội, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kết bạn là chìa khóa để thành công trong cuộc sống. Chính vì vậy, nếu bé cưng nhà bạn là đứa trẻ có tính cách hướng nội, không thích giao tiếp với mọi người, bạn cần giúp bé hòa đồng hơn thông qua một số cách sau của Hello Bacsi.
Kết bạn là một nghệ thuật
Tình bạn là điều cực kỳ quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người. Việc thiếu bạn bè sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn và duy trì tình bạn thường gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo lắng, trầm cảm. Không những vậy, việc thiếu kỹ năng kết bạn, giao tiếp còn khiến trẻ khó mở rộng các mối quan hệ xã hội. Điều đó gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống và sự nghiệp của trẻ trong tương lai.
8 tuyệt chiêu đơn giản trong việc dạy trẻ cách kết bạn
Dạy trẻ cách kết bạn không phải là việc đơn giản mà đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn từ cha mẹ. Để quá trình này diễn ra dễ dàng, trước tiên bạn cần quan sát trẻ một cách khách quan trong các tình huống xã hội và so sánh cách tương tác của trẻ với cách tương tác của các bạn đồng trang lứa.
1. Khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc của mình
Nếu bé yêu nhà bạn khá là hướng nội và gặp khó khăn trong việc kết bạn, hãy dành thời gian nói chuyện để trẻ có cơ hội được thể hiện cảm xúc của mình. Bạn có thể đặt một vài câu hỏi như: “Con đang cảm thấy như thế nào”, “Tại sao con lại thấy không vui?”… để khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc bằng lời nói.
Việc chia sẻ cảm xúc của mình với một người thân thiết sẽ giúp trẻ thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Không những vậy, điều này còn giúp bạn hiểu được suy nghĩ, tình cảm và những khó khăn trẻ gặp phải khi cố gắng kết bạn để có cách giúp trẻ vượt qua.
2. Đừng nuôi dạy con theo kiểu độc tài
Thiết lập kỷ luật cho trẻ nhỏ là điều cần thiết nhưng bạn cần giải thích rõ lý do cho mọi quy định đưa ra để trẻ hiểu. Bạn đừng ép buộc trẻ phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt bạn đặt ra mà không có lời giải thích nào về lý do tại sao con phải tuân theo các quy tắc này.
Ngoài ra, bạn cũng không nên đặt ra những hình thức trừng phạt khá nặng nề bởi những hình phạt này có thể khiến trẻ trở nên hung hăng và rất khó có thể kết bạn với những đứa trẻ khác.
3. Dạy trẻ tính lịch sự
Khi trò chuyện với trẻ, hãy dành toàn bộ sự chú ý của bạn cho trẻ. Hãy trả lời các câu hỏi của trẻ bằng cách thức giống như bạn trả lời với những người khác. Điều này sẽ giúp trẻ học được cách giao tiếp, biết cách lắng nghe và trả lời khi tham gia vào cuộc trò chuyện với bạn bè. Khi có được kỹ năng giao tiếp tốt, con sẽ được bạn bè yêu thích.
4. Dạy trẻ sự đồng cảm
Đồng cảm là khả năng bẩm sinh của con người. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ sẽ tự học được mà không có sự khuyến khích và hướng dẫn của cha mẹ. Đồng cảm là chìa khóa để hình thành các kết nối cảm xúc và tạo ra các cuộc trò chuyện có ý nghĩa. Đừng ngại hỏi trẻ về cảm xúc của người khác. Bạn hãy hỏi xem trẻ sẽ cảm thấy như thế nào khi rơi vào hoàn cảnh mà bạn bè đang gặp phải.
5. Nhận biết biểu hiện trên gương mặt
Là người lớn, bạn có thể hiểu được ý nghĩa của những biểu hiện trên gương mặt người khác. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, điều này khá là khó khăn và bạn cần phải hướng dẫn cho trẻ. Bạn có thể giúp trẻ học được kỹ năng này thông qua một số trò chơi đơn giản như đoán xem nhân vật trong phim hoạt hình sẽ làm gì tiếp theo hoặc bạn có thể giả vờ tạo hình gương mặt và để trẻ đoán xem bạn đang thể hiện cảm xúc gì.
6. Không nên xen vào cuộc chơi của những đứa trẻ khác
Một đứa trẻ có kỹ năng xã hội tốt là trẻ có thể chơi chung với bất cứ nhóm bạn nào dù chỉ mới lần đầu gặp. Nếu muốn trẻ làm được điều này, bạn cần cho trẻ những lời khuyên thiết thực. Khi trẻ muốn chơi chung với các bạn mới, hãy dạy trẻ quan sát xem các bạn đang chơi trò gì và trẻ có tìm ra cách để chơi chung mà không làm gián đoạn cuộc vui của các bạn hay không. Ngoài ra, bạn cũng nên dạy trẻ không xen vào chơi chung với các bạn nếu các bạn không muốn bé chơi cùng.
7. Cố gắng đừng mong đợi quá nhiều
Nếu như bé cảm thấy bản thân đang bị ép buộc phải kết thân với các bạn thì những cố gắng, ý định tốt của bạn sẽ bị phản tác dụng. Bé có thể sẽ cảm thấy không tin tưởng các bạn cùng tuổi khác và áp lực từ bố hoặc mẹ có thể sẽ làm gia tăng thêm sự bất an đó ở bé. Chính vì vậy, bạn hãy cố gắng tránh không quá chú trọng vào việc đó và cân nhắc ý nguyện của con.
8. Để trẻ tự giải quyết xung đột
Xung đột, mâu thuẫn, tranh cãi với nhau là chuyện bình thường ở trẻ nhỏ. Là cha mẹ, bạn không cần phải can thiệp quá nhiều mà hãy để trẻ tự giải quyết điều này bởi đây sẽ là những trải nghiệm rất hữu ích cho trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mọi việc đi quá xa hoặc trẻ có những hành vi bất thường, hãy can thiệp trước khi có những sự việc nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, bạn cũng nên để ý xem trẻ kết bạn với những ai. Không khuyến khích con kết bạn với những đứa trẻ quá hung hăng vì điều này có thể khiến trẻ có những hành vi không tốt.
Là cha mẹ, bạn chỉ nên hướng dẫn, đưa ra lời khuyên và chỉ can thiệp vào việc kết bạn của con khi thật sự cần thiết. Bởi thực tế, trẻ phải học cách tự mình kết bạn vì đó là bài học quan trọng về giao tiếp của trẻ để có thể bước vững trên đường đời sau này.
Ngân Phạm / HELLO BACSI
[embed-health-tool-child-growth-chart]