backup og meta

8 cách tạo môi trường phát triển cho bé

8 cách tạo môi trường phát triển cho bé

Việc tạo ra một môi trường phát triển cho bé thoạt nghe rất khó khăn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dễ dàng thực hiện được bằng 8 mẹo dưới đây:

1. Thương yêu bé

Không có yếu tố nào có thể giúp bé lớn lên và phát triển khỏe mạnh bằng việc dành cho bé tình yêu thương. Mối quan hệ khăng khít với bố, mẹ hoặc cả hai rất quan trọng để bé có thể lớn lên khỏe mạnh. Hãy đem lại cho bé tình yêu thương vô điều kiện và không vụ lợi. Tình yêu thương ấy nên được biểu hiện thật nhiều, kể cả khi bé quấy khóc, giận dữ (và thậm chí nổi loạn khi bé bước vào tuổi dậy thì) cũng như trong những khoảnh khắc mà bé trở nên vô cùng đáng yêu.

2. Gắn bó với bé

Hãy tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện, hát hay ngâm nga với bé trong khi bạn đang thay tã, tắm cho bé, mua sắm hay đang lái xe cùng bé. Những điều tưởng chừng hết sức thông thường này sẽ kích thích bé phát triển trí tuệ tốt hơn thay vì áp dụng những phương pháp máy móc trên sách vở. Những món đồ chơi có tính giáo dục nhất cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu bé không có bạn chơi cùng. Mục tiêu của bạn lúc này không phải là “dạy bảo” bé mà là ở bên và gắn kết với bé.

3. Hiểu hơn về bé

Hãy tìm hiểu những điều gì làm bé vui hoặc buồn, kích động hoặc chán nản, dỗ dành hay khuấy động bé. Bạn cần chú ý đến những phản ứng của bé thay vì chỉ tin tưởng vào những lời khuyên từ sách vở. Nếu bé thấy khó chịu với tiếng ồn hoặc những trò chơi huyên náo, hãy xoa dịu bé bằng những âm thanh êm ái và những trò chơi nhẹ nhàng hơn. Nếu có quá nhiều điều có thể khiến bé trở nên quá khích, hãy giới hạn thời gian vui chơi và cường độ hoạt động của bé để bé có thể nghỉ ngơi nhiều hơn.

4. Quên đi áp lực để tận hưởng cùng bé

Việc học và phát triển của bé sẽ chẳng thể cải thiện hoặc đạt hiệu quả tốt hơn nếu bạn liên tục đặt áp lực lên bé, thậm chí điều này còn có thể gây ra một vài trở ngại trong sự phát triển của bé. Thay vì dành quá nhiều thời gian suy nghĩ đến các bài học giáo dục khô khan, bạn nên thư giãn và tận hưởng những giây phút vui vẻ cùng bé.

5. Cho bé một khoảng không gian riêng

Quan tâm bé là điều bình thường và hiển nhiên; nhưng quan tâm quá mức có thể gây ra tác hại. Việc bạn liên tục ở bên, chỉ bảo và giúp đỡ bé mọi lúc có thể làm bé mất cơ hội khám phá những sự vật xung quanh mình và giảm khả năng rèn luyện kỹ năng học hỏi và giải quyết tình huống. Vì vậy hãy dành thời gian chơi với bé một cách chừng mực. Thỉnh thoảng, bạn nên cho bé không gian riêng để bé tự do khám phá những món đồ chơi của mình.

6. Để bé làm chủ mọi thứ

Phải đảm bảo rằng bé, chứ không phải bạn, đang làm chủ mọi thứ. Để bé làm chủ mọi thứ trong chốc lát không những giúp bạn tận dụng được những khoảnh khắc đáng giá để mở rộng tầm mắt cho con mà còn giúp củng cố và xây dựng lòng tự trọng của bé bằng cách thể hiện rằng những thứ mà bé thích luôn xứng đáng nhận được sự chú ý từ cha mẹ.

Bạn cũng hãy để bé tự quyết định khi nào bé muốn kết thúc thời gian vui chơi. Bé sẽ cho bạn biết rằng “con chơi đủ rồi” bằng việc chạy đi chỗ khác, làm ầm lên, khóc hay tỏ ra không hài lòng hoặc không vui. Ngó lơ thông điệp bé muốn truyền tải và bắt ép bé làm theo ý bạn sẽ tước đi khả năng kiểm soát của bé, làm giảm sự thích thú của bé với sự vật hoặc trò chơi xung quanh (ít nhất là trong chốc lát) và cuối cùng biến thời gian vui chơi trở nên nặng nề cho cả bạn và bé.

7. Chọn đúng thời điểm

Trẻ em luôn luôn ở một trong sáu tình trạng ý thức sau:

  • Ngủ sâu và yên lặng;
  • Chợp mắt và dễ bị đánh động;
  • Thẫn thờ và uể oải;
  • Ngủ lơ mơ;
  • Tỉnh táo và thích thú với các hoạt động thể chất;
  • Làm rối tung mọi thứ và khóc lóc hoặc tỉnh táo một cách yên tĩnh.

Bạn nên khuyến khích bé phát triển thể chất khi bé tỉnh táo và hoạt bát, bồi dưỡng bé học hỏi những điều khác khi bé tỉnh táo một cách yên tĩnh. Bạn cũng nên nhớ rằng trẻ sơ sinh có thời gian tập trung rất ngắn; ví dụ, sau 2 phút nhìn vào sách, việc bé không còn nghe bạn đọc không có nghĩa là bé từ chối việc lắng nghe bạn mà chỉ đơn giản là bé không còn có thể tập trung thêm được nữa.

8. Khuyến khích bé một cách tích cực

Khi trẻ bắt đầu đạt được thành tích gì đó (trẻ biết cười, nâng vai và tay khỏi mặt nệm, đạp vào trống đồ chơi, lật người hoặc nắm được một món đồ chơi thành công), hãy khích lệ để bé nỗ lực nhiều hơn bằng những hành động khuyến khích tích cực. Bạn có thể ôm bé, tỏ ra vui mừng, hoan hô hay làm bất cứ điều gì mà bạn thấy thoải mái và để truyền tải cho bé biết một thông điệp rằng: “Mẹ/Ba nghĩ con thật tuyệt vời.”

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Murkoff, Heidi. What to Expect, The First Year. New York: Workman Publishing Company, 2009. Bản in. Trang 243 – 244

Phiên bản hiện tại

22/01/2021

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Trẻ bị kiến cắn: Cách xử lý đúng chuẩn y khoa, giảm đau ngứa hiệu quả

Bé mấy tháng ăn được cơm nát? Gợi ý 7 thực đơn cơm nát cho bé


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 22/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo