Vui chơi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ vì thông qua đó trẻ học được rất nhiều thứ về môi trường xung quanh. Đối với trẻ nhỏ, trò chơi đóng kịch là một trong những hoạt động quen thuộc ở trường mẫu giáo. Thế nhưng, không phải cha mẹ nào cũng hiểu được lợi ích của trò chơi này đối với sự phát triển của trẻ.
Nếu bé cưng nói rằng mình là Robin Hood đang tìm cách thoát khỏi đảo hoang ngay trong phòng khách thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên bởi đây là lúc bé đang hóa thân vào nhân vật. Trẻ nhỏ có trí tưởng tượng rất sống động, chúng luôn khám phá thế giới xung quanh bằng cách tạo ra những tình huống thật và những trò chơi tưởng tượng. Qua những chia sẻ sau, Hello Bacsi sẽ cho bạn thấy một vài lợi ích của trò chơi này.
Trò chơi đóng kịch
Trò chơi đóng kịch là trò chơi mà trẻ sẽ tái tạo, mô phỏng lại nhân vật theo một tác phẩm văn học, một bộ phim hoặc một tình huống trong cuộc sống. Ví dụ, trẻ có thể nói rằng mình là nhân vật phát minh ra bánh xe và cư xử như nhân vật trong truyện. Đây là một trò chơi giúp trẻ học được cách giải quyết vấn đề, xây dựng tính kiên cường và sự tự tin để đương đầu với mọi thách thức trong tương lai.
Trẻ từ 1 – 2 tuổi sẽ bắt đầu chơi trò chơi này. Và khi trẻ lên 3, các chi tiết tưởng tượng và hành động trong các tình huống hàng ngày sẽ trở nên phức tạp hơn.
Lợi ích của trò chơi đóng kịch đối với sự phát triển của trẻ
Trò chơi đóng vai không chỉ là một hoạt động vui nhộn mà nó còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng học tập:
1. Phát triển cảm xúc và các kỹ năng xã hội
Trò chơi đóng kịch là cách để trẻ tương tác với những đứa trẻ khác và hiểu hơn về sự hợp tác khi được thay phiên nhau thực hiện và tạo cơ hội cho những người khác. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển cảm xúc và nâng cao các kỹ năng xã hội.
2. Tổ chức và lên kế hoạch
Bằng cách tạo ra nhân vật và xây dựng cốt truyện, hoạt động đóng kịch sẽ dạy trẻ cách giải quyết vấn đề và làm tăng khả năng tư duy sáng tạo. Trẻ nhỏ thường dùng suy nghĩ của mình để mang thế giới tưởng tượng vào cuộc sống bằng cách tổ chức trò chơi theo cách và trình tự đặc biệt.
3. Phát triển khả năng độc lập
Khi được tham gia vào các trò chơi đóng kịch, trẻ sẽ được sống trong thế giới riêng của mình và tách biệt với bố mẹ. Điều này sẽ giúp trẻ dành thời gian cho bản thân và tìm hiểu thêm về những điều mình thích và không thích.
4. Phát triển khả năng kể chuyện
Đóng kịch sẽ kích thích trí tưởng tượng và nâng cao khả năng sáng tạo của trẻ. Khi tham gia, trẻ sẽ học những điều cơ bản về kể chuyện như cách diễn xuất cũng như cách thể hiện bản thân một cách sáng tạo. Điều này sẽ làm tiền đề để giúp trẻ xây dựng ước mơ trở thành nhà thiết kế, nghệ sĩ…
5. Phát triển kỹ năng sống
Đóng kịch không chỉ là trò chơi của trí tưởng tượng mà còn bao hàm những tình huống thực tế. Nếu trẻ được phân vai trở thành bác sĩ hoặc đầu bếp, trẻ sẽ biết cách cư xử hòa nhã và biết được cách chăm sóc người khác. Không những vậy, trở thành đầu bếp còn giúp trẻ hiểu được một số khái niệm cơ bản về việc nấu ăn, trong khi trở thành bác sĩ hoặc y tá trẻ sẽ phát triển sự đồng cảm và trí thông minh.
6. Phát triển khả năng lãnh đạo
Nếu bạn nhìn thấy những đứa trẻ khác lắng nghe và làm theo những gì trẻ nói thì bạn sẽ phát hiện ra rằng con mình có tố chất trở thành một nhà lãnh đạo trong tương lai. Mặt khác, đây cũng là cách để trẻ học được cách lắng nghe tốt hơn. Những kỹ năng này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc phát triển sự nghiệp của trẻ sau này.
7. Học các chuẩn mực xã hội
Thông qua các hoạt động đóng kịch ở trường, trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng từ việc xử lý khi xảy ra hỏa hoạn đến các chuẩn mực xã hội cơ bản. Ngoài ra, hoạt động này còn dạy trẻ cách tương tác với bạn bè trong môi trường xã hội và kiến thức cơ bản về các hành vi nơi công cộng. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi đối mặt với các tình huống trong cuộc sống thật.
8. Tăng tính sáng tạo
Nếu bạn thấy trẻ cố gắng tạo ra một công thức chế biến món ăn mới hoặc xây dựng một thế giới thú vị bằng bìa carton và các khối màu, bạn có thể yên tâm vì trẻ đang phát triển sự sáng tạo của mình. Trong thế giới quan của người lớn, các vật thể hàng ngày chỉ là điều bình thường nhưng đối với trẻ nhỏ, chúng luôn tìm cách sáng tạo những thứ này để sử dụng trong những tình huống bất thường.
9. Phát triển ngôn ngữ
Khi trẻ cố gắng diễn đạt về nhân vật hoặc cốt truyện cho mọi người, đây là lúc trẻ phát triển từ vựng và ngôn ngữ. Không những vậy, điều này còn giúp trẻ nâng cao kỹ năng giao tiếp và học được cách chú ý lắng nghe.
10. Phát triển trí thông minh
Đóng kịch là trò chơi chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng sống bằng cách mô phỏng các tình huống thực tế. Trẻ sẽ hiểu được mọi thứ diễn ra như thế nào, từ đó trẻ sẽ nhận thức được cái gì đúng và cái gì sai.
Làm thế nào để khuyến khích trẻ tham gia trò chơi đóng kịch?
Bạn có thể khuyến khích trẻ tham gia trò chơi này bằng những cách sau:
Quan sát sở thích của trẻ
Bạn hãy chú ý quan sát xem trẻ thích đóng vai nhân vật nào: bác sĩ, đầu bếp hoặc một nhân vật hoạt hình nào đó. Dù bé thích đóng vai nhân vật nào đi nữa thì bạn hãy ngồi và chơi với bé nhé.
Lặp lại hành động
Nếu bạn giới thiệu các ý tưởng mới cho trò chơi đóng kịch của bé, hãy lặp lại thường xuyên để trẻ có thể hiểu rõ điều đó. Trẻ nhỏ thường thích học những điều mới thông qua sự lặp lại.
Hướng dẫn cho trẻ
Nếu trẻ chỉ mới bắt đầu chơi trò chơi này và không biết phải làm gì, bạn hãy hướng dẫn cho trẻ. Ví dụ, bạn có thể cầm một cái ly và giả vờ rằng mình đang thưởng thức một thức uống hảo hạng…
Bạn không nên lo lắng về điều gì?
Trẻ có thể có những hành động kỳ lạ như đánh một vật bằng đũa phép hoặc thiết lập một đội quân khủng long bên dưới bàn ăn. Bạn không nên lo lắng về những hành động này của trẻ bởi nó là một phần của trò chơi đóng vai.
Ở độ tuổi này, trẻ sẽ không biết được sự khác biệt giữa trí tưởng tượng và thực tế. Do đó, thay vì cấm đoán những hành vi kỳ quặc của trẻ, bạn nên khuyến khích để trẻ tự do khám phá và vui chơi. Trò chơi đóng kịch giúp cải thiện các kỹ năng xã hội và tình cảm. Đó là điều cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu những hành động của trẻ có thể làm tổn thương hoặc làm hại người khác trong gia đình, bạn có thể nói “không”.
Một số ý tưởng cho trò chơi đóng kịch mà bạn có thể chơi cùng trẻ
Dưới đây là một vài ý tưởng cho các hoạt động đóng kịch của trẻ nhỏ mà bạn có thể thử:
• Trò chơi bán hàng
Mua cho trẻ một bộ đồ chơi đầu bếp rồi đóng giả thành người bán và người mua. Trẻ nhỏ chắc chắn sẽ rất thích trò chơi này đấy.
• Trò chơi bác sĩ
Mua cho trẻ một bộ trò chơi dụng cụ sơ cứu và tạo ra tình huống để trẻ chẩn đoán bệnh bằng ống nghe. Trẻ nhỏ thường thích được gọi là “bác sĩ” và không có gì vui hơn là trẻ được sắm vai một người đi chữa bệnh cho người khác.
• Đi tìm khủng long
Một ít cát, một vài hóa thạch giả, xẻng, muỗng và một chút trí tưởng tượng, bạn sẽ đưa trẻ vượt thời gian đến với thời cổ đại để tìm những con khủng long khổng lồ. Đây chắc chắn sẽ là trò chơi khiến bé cảm thấy vui nhộn cho đến lúc kết thúc.
Trò chơi đóng kịch chắc chắn sẽ khiến trẻ thông minh và sáng tạo hơn. Bạn hãy thử những ý tưởng trên của Hello Bacsi, biết đâu bạn sẽ có nhiều sự bất ngờ thú vị.
[embed-health-tool-vaccination-tool]