An toàn giao thông cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của bố mẹ, nhà trường mà còn cả xã hội. Dạy con những quy tắc an toàn khi tham gia giao thông từ bé là điều quan trọng để đảm bảo con hiểu và thực hành đúng.
Mỗi năm, số ca tai nạn giao thông trên toàn thế giới ngày một tăng cao. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 480 trẻ em bị thương do tai nạn đường bộ. Trước vấn nạn này, việc giáo dục an toàn giao thông cho trẻ ngay từ bé là điều vô cùng cấp thiết. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ hiệu quả hơn bao giờ hết. Vậy bạn đã thực hành việc dạy những quy tắc an toàn giao thông nào cho bé yêu của mình? Nếu bạn vẫn đang phân vân chưa biết bắt đầu từ đâu thì những chia sẻ sau sẽ giúp ích cho bạn đấy.
Tầm quan trọng của quy tắc an toàn giao thông cho trẻ khi đi đường
Không giống như người lớn, trẻ nhỏ vẫn chưa ý thức được mình nên làm gì và không nên làm gì khi đi trên đường. Nếu không có sự giám sát của người lớn và những kỹ năng khi đi đường, trẻ có thể gặp phải nhiều nguy hiểm. Theo thống kê, mỗi năm, có khoảng 3% số người chết vì tai nạn đường bộ là trẻ em. Mỗi ngày có khoảng 480 trẻ em bị thương do tai nạn đường bộ. Điều đáng lo ngại hơn là trong số 4.884 người đi bộ bị thiệt mạng trong các vụ tai nạn thì có 207 nạn nhân là trẻ em.
Do đó, để đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ, tốt nhất bạn nên dạy cho trẻ những quy tắc an toàn khi đi đường. Hãy chắc chắc rằng trẻ hiểu những gì bạn nói và cố gắng làm gương cho trẻ mỗi ngày.
1. Nhận biết các tín hiệu đèn
Dạy cho trẻ về đèn tín hiệu và ý nghĩa của mỗi màu sắc:
- Màu xanh lá cây có nghĩa là “đi”: khi đèn chuyển sang màu xanh, xe sẽ bắt đầu di chuyển
- Màu đỏ có nghĩa là “dừng lại”: Khi đèn chuyển sang màu đỏ, tất cả các xe phải dừng lại
- Màu vàng có nghĩa là “đi chậm lại”: Khi đèn chuyển sang màu vàng, xe sẽ đi chậm lại để chuẩn bị dừng
- Biểu tượng “người đi bộ” trên các đèn tín hiệu: Chỉ băng qua đường nếu biểu tượng này chuyển sang màu xanh. Tuy nhiên, khi băng hãy nhìn cả trái và phải để xem có xe nào đang di chuyển tới gần mình hay không
- Không bao giờ băng qua đường khi biểu tượng “người đi bộ” chuyển sang màu đỏ.
2. Dừng lại, quan sát rồi mới băng qua đường
Băng qua đường là tình huống mà trẻ sẽ phải gặp thường xuyên trong ngày, chẳng hạn như trẻ phải băng qua đường để bắt xe buýt đến nhà một người bạn. Vì vậy, bạn nên dạy cho trẻ các kỹ năng và cách băng qua đường một cách an toàn.
Luôn nhìn tín hiệu “người đi bộ” trên đèn và đi trên vạch đường dành cho người đi bộ. Nếu không có các tín hiệu này, bạn nên dạy trẻ:
- Nhìn sang bên phải và sau đó nhìn sang trái để xem có phương tiện nào đang đến gần hay không
- Nếu có, hãy chờ chiếc xe đó đi qua rồi mới băng qua đường
- Không băng qua giữa các phương tiện đang đứng chờ đèn đỏ.
Người lớn phải đi cùng trẻ dưới sáu tuổi khi băng qua đường.
3. Chú ý quan sát – Lắng nghe
Không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy chiếc xe đang đến gần, đặc biệt là nếu trẻ đang đứng gần khúc cua. Vì vậy, bạn nên dạy trẻ luôn chú ý lắng nghe mọi thứ để biết có chiếc xe nào đang đến gần hay không. Người lái xe thường bấm còi ở các khúc cua hoặc các nút giao thông để báo hiệu mình đang di chuyển đến gần. Bạn cần dạy trẻ:
- Nếu nghe tiếng còi, hãy dừng lại và quan sát xem có xe nào đang đến gần hay không.
- Lắng nghe âm thanh tiếng còi để ước lượng khoảng cách giữa xe và vị trí mình đang đứng – tiếng còi lớn nghĩa là xe đang ở gần còn tiếng còi nhỏ nghĩa là xe còn ở xa.
4. Không chạy khi qua đường
Trẻ nhỏ thường có xu hướng chạy thật nhanh mỗi khi băng qua đường hoặc thường hay chạy dọc theo những con đường để chơi. Bạn cần dạy con đừng bao giờ làm điều đó để đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ và cả người điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, trẻ cũng rất dễ bị phân tán và rời khỏi tay bạn để chạy thật nhanh sang đường. Điều này rất nguy hiểm. Vì vậy, bạn nên dạy trẻ giữ bình tĩnh khi đi trên đường và không bao giờ được chạy.
5. Đi trên vỉa hè
Dạy trẻ hiểu người đi bộ phải đi trên vỉa hè. Hãy đưa cho trẻ những ví dụ để trẻ xác định xem mình phải đi ở đâu. Hướng dẫn trẻ luôn đi trên vỉa hè dù đường vắng hay đông.
6. Vạch trắng qua đường
Trẻ nhỏ thường có xu hướng chạy thật nhanh mỗi khi qua đường và thường qua bất cứ chỗ nào mà trẻ thích. Điều này rất nguy hiểm vì xe không thể thắng kịp nếu trẻ sang đường một cách bất ngờ như vậy. Do đó, bạn hãy chỉ cho trẻ cách qua đường ở các giao lộ và đi trên vạch trắng dành cho người đi bộ. Nếu đó chỉ là một con đường nhỏ và không có vạch dành cho người đi bộ thì trẻ phải tuân theo những quy tắc trên.
Các bài học về những quy tắc an toàn giao thông cho trẻ khi đi bộ rất quan trọng đối với trẻ nhỏ và nên được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường.
7. Không bao giờ thò tay hoặc đầu ra cửa sổ xe
Trẻ nhỏ thường thích thò tay ra cửa sổ khi xe đang di chuyển. Thậm chí, một số trẻ còn thò cả đầu của mình ra. Đây là một hành động rất phổ biến và một điều tưởng chừng như thú vị này lại ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm. Nếu không cẩn thận, trẻ có thể bị va quẹt khi xe ở hướng đối diện di chuyển đến gần.
8. Không bao giờ băng qua đường khi ở khúc cua
Khúc cua là điểm mù của người lái xe. Khi qua đường ở khúc cua, người lái xe không biết được có sự hiện diện của trẻ nên không thắng kịp. Bạn cần dạy trẻ đừng bao giờ qua đường khi đứng ở khúc cua vì nó có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm.
9. An toàn giao thông cho trẻ khi đi xe đạp
Nếu bạn cho trẻ đi xe đạp đến trường, cần dạy trẻ một số quy tắc an toàn sau:
- Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp
- Kiểm tra xe trước khi chạy – kiểm tra kỹ đèn nếu đi vào ban đêm
- Đi trên làn đường dành cho xe đạp. Nếu không có, hãy đi sát vào bên phải. Khi thấy xe lớn, nhanh chóng nhường đường cho nó
- Mở đèn xe khi đi vào những nơi có ánh sáng kém hoặc đi vào ban đêm.
Không cho trẻ đi xe đạp ở những con đường đông đúc nếu không có sự giám sát của bố mẹ.
10. Những điều cần lưu ý khi ngồi trong một chiếc xe đang di chuyển
Khi đang ngồi trong một chiếc xe đang di chuyển, bạn hãy dạy trẻ nhớ thắt dây an toàn. Ngoài ra, bạn nên dạy trẻ một số quy tắc sau:
- Không bao giờ đứng lên khi xe đang di chuyển, đặc biệt là xe buýt
- Không được đi lại khi xe đang chạy
- Khi ngồi trong xe, hãy nắm chặt thanh an toàn
- Không thò bất kỳ bộ phận cơ thể nào ra bên ngoài xe.
11. Các quy tắc khi đi xe buýt
Nếu trẻ đi xe buýt mỗi ngày, bố mẹ nên dạy bé một số điều sau:
- Đi sớm để tránh trễ chuyến
- Xếp hàng khi lên hoặc xuống xe buýt
- Đi nhanh vào vỉa hè khi xuống xe để tránh cản trở các phương tiện khác lưu thông.
12. Thu hút sự chú ý
Mặc quần áo màu đen khi đi bộ vào ban đêm là một ý tưởng khá tồi tệ. Nếu muốn đảm bảo an toàn cho bé, phải cho người lái xe nhìn thấy trẻ bằng cách:
- Mặc quần áo màu sáng khi đi bộ hoặc chạy xe đạp vào ban đêm
- Mặc quần áo màu sáng cả ngày
- Hãy đưa tay ra để báo hiệu sự hiện diện của trẻ cho người lái xe biết.
13. Đừng vội vã
Trẻ nhỏ có thể thấy háo hức và vội vã để được đi đến một nơi nào đó hoặc được gặp một ai đó. Điều này có thể khiến trẻ bị nguy hiểm. Bạn nên dạy trẻ:
- Không vội vàng khi lên hoặc xuống xe vì có thể gây nguy hiểm cho con
- Chú ý quan sát và không bất ngờ kéo người lớn theo một hướng nào đó vì điều này có thể khiến cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều gặp nguy hiểm
- Hãy bình tĩnh và đừng vội vã khi đi bộ trên đường
- Không mở cửa xe bất ngờ
- Không chơi trên đường.
7 bí quyết giúp đảm bảo sự an toàn của trẻ khi đi trên đường
Bên cạnh việc dạy các quy tắc an toàn giao thông cho trẻ khi đi trên đường, cha mẹ cũng nên nhớ một vài điều sau:
- Thắt dây an toàn – Đảm bảo rằng trẻ luôn được thắt dây an toàn mỗi khi đi xe
- Sử dụng tính năng khóa cửa xe để ngăn trẻ tự mở cửa
- Thực hành với trẻ – Hãy đi dạo, đi xe đạp chung với trẻ và dạy cho trẻ những quy tắc cần phải nhớ
- Kiên nhẫn khi lái xe – Bố mẹ cần làm gương cho trẻ về việc bình tĩnh và không vội vã khi tham gia giao thông
- Đi đúng giờ để tránh lái xe nhanh và ẩu do gấp gáp
- Không sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác khi lái xe
- Không bao giờ để trẻ một mình trong xe.
Các trò chơi về an toàn giao thông cho trẻ trên đường bộ
Cách tốt nhất để dạy trẻ các quy tắc này là cho trẻ tham gia một số hoạt động vui nhộn. Dưới đây là một số hoạt động mà bạn có thể thử:
- Thảo luận – tạo cho trẻ một số tình huống và cho trẻ xử lý. Ví dụ: bạn hãy hỏi trẻ: “Khi con đang chơi, nếu quả bóng lăn ra đường thì con phải làm sao?” hoặc “Do muộn học nên con chạy nhanh qua đường để bắt kịp chuyến xe buýt, điều này là đúng hay sai?”.
- Cho trẻ vẽ hoặc tô màu các biển báo giao thông để trẻ nhớ tốt hơn.
- Sáng tác một bài hát đơn giản để giúp trẻ nhớ các quy tắc an toàn khi đi trên đường.
- Cho trẻ chơi trò chơi ô chữ về chủ đề an toàn giao thông. Điều này sẽ giúp trẻ nhớ lâu hơn đấy.
- Chơi đoán – cho trẻ nghe một số âm thanh mà trẻ hay gặp trên đường và đoán xem đó là gì.
- Sử dụng các biển báo để dạy trẻ. Bạn có thể tải trên mạng và in ra. Hoặc tải một ứng dụng an toàn giao thông trên điện thoại để trẻ chơi.
Một số điều về giao thông đường bộ mà bạn nên biết
- Mỗi năm, số người đi bộ, đi xe đạp chết vì tai nạn giao thông chiếm đến 50% trong tổng số các trường hợp.
- Đội mũ bảo hiểm chất lượng có thể làm giảm nguy cơ thương tích và tử vong do tai nạn giao thông lên đến 40%.
- Kiểm soát tốc độ có thể làm giảm nguy cơ bị thương khi gặp tai nạn.
- Thắt dây an toàn có thể giúp giảm khả năng tử vong khi gặp tai nạn lên đến 51%.
Việc dạy những quy tắc an toàn giao thông cho trẻ khi đi trên đường không phải là một việc dễ vì trẻ thường có khuynh hướng ít chú tâm vào những gì bạn nói. Do đó, bạn có thể tổ chức một số hoạt động vui nhộn để trẻ dễ tiếp thu hơn nhé. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường rất giàu trí tưởng tượng và dễ phóng đại những gì mà bạn nói. Vì vậy, cần cẩn thận khi giảng giải, làm sao cho trẻ hiểu nhưng không làm con hoảng sợ nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]