Khi không vừa ý điều gì, trẻ thích hét lên để phản đối hay gây sự chú ý của ba mẹ. Để đối phó tình huống này, bạn hãy áp dụng các cách sau của Hello Bacsi.
Với những trẻ chưa biết nói, đôi khi bạn sẽ thấy chúng la hét. Bạn có biết vì sao trẻ lại có hành động này không? Thật ra, đa số trẻ muốn thu hút sự chú ý của ba mẹ bằng cách la lớn tiếng. Đó là cách để trẻ nói rằng: “Ba mẹ hãy nhìn con này!”. Bên cạnh đó, trẻ la hét là muốn có được thứ mình muốn nhưng không với tới hoặc ba mẹ không cho để muốn nói với bạn là: “Con muốn cái kẹo đó, mẹ cho con đi”.
Đôi khi, trẻ la lớn giọng không phải là vì muốn làm phiền bạn mà là trong thâm tâm trẻ đang rất hưng phấn. Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng thường thích kiểm tra âm lượng âm thanh của mình. Trẻ muốn biết âm lượng giọng của mình có thể làm được gì.
Lúc này, những biện pháp cứng rắn bằng cách quát nạt trẻ đều không có hiệu quả mà có thể càng khiến cho trẻ cảm thấy giống như đang trong một cuộc chiến xem ai có giọng hét khỏe hơn. Tốt nhất, bạn nên tránh những tình huống khiến trẻ phải la hét và cố gắng chuyển sự chú ý của trẻ sang một hướng khác. Dưới đây là một số bí quyết mà bạn có thể thử:
1. Đáp ứng đủ các nhu cầu tất yếu trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ
Điều này không đồng nghĩa với việc bạn lúc nào cũng phải xoay quanh trẻ mà chỉ cần trước khi bạn muốn rời khỏi nhà cùng với trẻ, trẻ phải được ăn/bú no, ngủ đầy đủ, tiểu tiện và đại tiện đều đã được vệ sinh sạch sẽ.
2. Hãy lựa chọn những nơi náo nhiệt nhiều người
Khi bạn quyết định dẫn trẻ ra ngoài, cố gắng tránh đi đến những nơi yên tĩnh hay nơi cần có không gian riêng tư. Thay vào đó, bạn hãy chọn những nơi mà các gia đình khác có trẻ nhỏ cũng đi như trung tâm thương mại, nhà hàng có nhiều người, khu vui chơi náo nhiệt… Nếu trẻ la hét trong một môi trường quá ồn ào, bạn sẽ không cảm thấy ngại ngùng hoặc xấu hổ vì điều đó, mà cũng không cần phải tìm cách dỗ ngon dỗ ngọt để trẻ im lặng.
Còn với không gian yên tĩnh, nhiều người đến đây cần sự yên tĩnh, thư giãn. Trẻ nhỏ sẽ không thích hợp với những nơi này, tiếng la hét, khóc lóc đòi mẹ việc gì đó sẽ phá vỡ sự yên tĩnh của họ. Tất nhiên, bạn sẽ nhận được những ánh mắt khó chịu hướng về mình.
3. Hãy nói chuyện với trẻ bằng âm lượng giọng bình thường như ở nhà
Khi đang ở ngoài, vì một nguyên nhân nào đó mà trẻ hét to, bạn cố gắng không nói, không trả lời bất cứ điều gì hoặc chỉ trích trẻ. Nếu trẻ muốn nói chuyện với bạn, bạn hãy dùng giọng có âm lượng bình thường như khi bạn đang trò chuyện với trẻ ở nhà. Bạn phải giảm âm lượng tiếng nói của mình lại, có như vậy thì trẻ mới im lặng mà nghe được bạn nói.
4. Sử dụng trò chơi để hóa giải tiếng la hét của trẻ
Hãy thử cho trẻ tha hồ la lớn, sau đó bạn nói: “Chúng ta hãy thi xem ai hét to nhất có thể’. Sau khi thử sức, bạn hãy nói nhỏ với trẻ: “Bây giờ chúng ta sẽ thử xem ai có giọng nói nhỏ hơn nào”. Trò chơi có thể được chơi bằng nhiều cách, ví dụ như bạn hãy cho hai tay nắm lấy tai, đứng lên ngồi xuống hoặc nhảy những bước nhỏ… Cứ như thế, tiếng hét trong quá trình chơi sẽ được trẻ tận dụng hết sức thú vị.
Nếu bạn và trẻ đang ở khu vực công cộng và đông người, bạn có thể nói với trẻ: “Ồ, giọng hét của con giống như một con sư tử đang rống rồi đấy, con thể nói giọng nhỏ như con mèo được không?” Bạn hãy thử theo cách này, trẻ sẽ rất nhanh im lặng và bắt chước làm theo.
5. Hãy hiểu cảm xúc của trẻ
Nếu trẻ la hét bởi vì muốn thu hút sự chú ý của bạn, bạn phải lưu ý xem trẻ có đang cảm thấy không thoải mái hay không. Ví dụ, trẻ đang ở trong siêu thị rất đông và ồn ào, mọi người đang chen chúc lẫn nhau, bạn có thể di chuyển đến một chỗ khác không có sự chen lấn đó.
Nếu thấy trẻ có vẻ đang phiền lòng hoặc tâm trạng thất thường, bạn nên cho trẻ biết bạn đã hiểu được cảm xúc của con. Hãy luôn bình tĩnh và nhẹ giọng nói với trẻ: “Mẹ biết con muốn về nhà nhưng đợi mẹ vài phút nữa nhé, sau đó chúng ta sẽ đi về ngay”. Điều này không chỉ cho trẻ biết được bạn đang rất quan tâm đến cảm xúc của trẻ mà còn có thể xoa dịu tâm trạng khó chịu của trẻ. Thông qua đó, bạn còn giúp trẻ hiểu được cách thể hiệu cảm xúc thông qua ngôn ngữ.
Cũng có khi trẻ la hét chỉ để đòi cho bằng được một đồ vật nào đó như đồ chơi, quyển sách, miếng bánh… Tuy nhiên, bạn không nên chiều theo ý bé bởi nếu làm như vậy, sau này tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn hãy nhẹ nhàng nói với trẻ: “Mẹ biết là con muốn ăn bánh, nhưng chúng ta còn phải đi công việc. Sau khi xong, mẹ sẽ cho con ăn”.
6. Đừng để trẻ nhàn rỗi
Hãy khiến trẻ “luôn tay luôn chân” lúc nào cũng bận rộn bằng cách chơi một số trò chơi thú vị với trẻ. Khi đi siêu thị với con, bạn có thể nhờ trẻ lấy giúp những món đồ mình cần, hát một bài yêu thích, cho trẻ ăn một món ăn nhẹ hoặc chơi một món đồ chơi để giữ trẻ bận rộn trong lúc bạn mua sắm.
Đối với nhiều người, khi con la hét ở nơi công cộng, bố mẹ thường cảm thấy rất khó chịu vì ánh mắt của những người xung quanh nên càng tỏ ra bối rối, la mắng quát tháo con hay tìm mọi cách để con im lặng, không la hét nữa. Tuy nhiên, bạn càng tỏ ra bực bội, quát mắng trẻ, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Do đó, khi rơi vào tình huống này, bạn cần phải bình tĩnh và không cần chú ý đến người khác nghĩ gì, hãy xử lý theo đúng cách mà mình biết thay cho việc quát mắng để con im lặng.
[embed-health-tool-vaccination-tool]