Không hiếm trường hợp trẻ nhỏ bị tai nạn khi đi thang cuốn, bị lạc hay bị cửa kiếng đổ vào người. Ba mẹ có thể phòng tránh những bất trắc trên nếu áp dụng những cách bảo đảm an toàn cho con. Tuy những cách này đơn giản nhưng có thể cứu con trong những tình huống nguy hiểm.
Mới đây tại Trung Quốc, một em bé đang đi theo người thân vào trung tâm thương mại, chỉ trong tích tắc khi em bé vừa bước qua khỏi cửa, chiếc cửa đổ sập xuống đè lên người của bé. Người thân của bé không kịp phản ứng, cũng không thể giúp gì vì chiếc cửa quá nặng và rơi xuống quá nhanh. Bé nhanh chóng được đưa đến bệnh viện gần đó để điều trị nứt xương sọ. Tình hình của bé đã ổn và đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện.
Thế giới bên ngoài luôn thú vị và hấp dẫn nhưng cũng đầy nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Thay vì ngăn cản con khám phá thế giới bên ngoài, bạn hãy áp dụng những cách bảo đảm an toàn cho con để con có những giây phút vui chơi trọn vẹn.
1. Luôn ở gần và để mắt đến con
Trẻ luôn thích chạy vòng quanh để khám phá mọi thứ. Đôi khi do quá mải mê, bé có thể đi khuất tầm mắt của bạn và gặp nguy hiểm. Ba mẹ hãy nhớ không bao giờ để con chạy quá tầm tay và luôn để mắt đến con. Điều này sẽ giúp bạn xử lý kịp thời nếu con gặp sự cố.
2. Dạy con cách đi thang máy và thang cuốn an toàn
Thang máy và thang cuốn không bảo đảm an toàn cho con. Có một trường hợp bé gái 2 tuổi bị anh nhốt vào thang máy và bấm lên tầng 18. Khi thang máy mở, em bé bước ra, đi dần đến hành lang và dẫn đến tai nạn thương tâm xảy ra. Hoặc có trường hợp, trẻ em đùa giỡn, đóng mở thang máy làm kẹt tay, kẹt chân, nguy hiểm hơn là kẹt cổ. Lúc này, nếu thang máy hoạt động, chạy lên hoặc xuống, điều đáng tiếc có thể sẽ xảy ra.
Còn với thang cuốn, nếu trẻ nô đùa ở đây, trẻ có thể bị kẹt tay, kẹt chân, có em còn bị té ngã, tóc dính chặt vào thang cuốn không thể gỡ ra và gây đau đớn cho trẻ.
Thang máy và thang cuốn là tác nhân gây tai nạn cho trẻ khá phổ biến. Vì thế, khi đến những nơi có thang máy, thang cuốn, bạn luôn cảnh giác và tuân thủ những nguyên tắc an toàn khi đi thang cuốn cùng trẻ nhỏ. Nếu con còn quá nhỏ, bạn hãy bế con khi dùng thang máy, thang cuốn nhé.
3. Đi vệ sinh cùng con
Phòng vệ sinh công cộng cũng chứa khá nhiều hiểm họa cho trẻ. Nhiều nơi có sàn nhà ướt dễ trơn trợt hoặc có những kẻ xấu có thể gây những hành động lạm dụng con. Nếu con muốn đi vệ sinh, bạn hãy dắt con đi để đảm bảo trẻ an toàn trong phòng vệ sinh. Điều này tuy nhỏ nhưng là mẹo bảo đảm an toàn cho con khá hiệu quả.
4. Chọn một nơi hẹn nếu có đi lạc
Để đề phòng trường hợp con đi lạc, bạn hãy chọn một nơi dễ nhớ, dễ đến và an toàn để trẻ có thể đến và chờ bạn ở đó nếu bị lạc ba mẹ. Như vậy, trẻ sẽ bớt hoảng sợ khi lạc và bạn cũng biết chỗ kiếm con.
5. Dạy con thuộc thông tin liên lạc của ba mẹ
Trẻ cần biết họ tên đầy đủ của bản thân cũng như họ tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên lạc khác của ba mẹ. Bạn có thể ghi ra giấy và để trong túi quần áo của con nếu trẻ chưa nhớ hết thông tin. Cách này rất hữu ích khi con cần giúp đỡ trong những tình huống nguy cấp.
6. Cho con mặc quần áo màu nổi
Bạn hãy mặc cho con quần áo có màu nổi và bắt mắt nhất khi đưa con ra ngoài. Việc này giúp bạn dễ trông chừng con hơn.
7. Chụp hình toàn thân con trước khi đưa bé tới nơi đông người
Bạn hãy lấy di động chụp hình toàn thân của con trước khi ra ngoài. Nếu con đi lạc hay bị bắt cóc, cảnh sát sẽ dễ kiếm bé hơn vì có đầy đủ thông tin về nhân dạng của bé như màu sắc quần áo hay khuôn mặt bé. Lúc con thất lạc, bạn lúng túng nên có thể quên mất những chi tiết đắt giá để cung cấp cho cảnh sát.
8. Chuẩn bị kỹ năng bảo đảm an toàn cho con
Bạn hãy dạy con thuộc địa chỉ nhà và thông tin liên lạc của ba mẹ. Bạn cũng cần dạy con những kỹ năng bảo vệ bản thân như la lớn khi gặp nguy hiểm, tìm kiếm giúp đỡ từ những người dắt theo con nhỏ vì họ thường đáng tin hơn hay cho con đi học bơi.
Thêm nữa, bạn hãy diễn tập với con trước những tình huống như khi bị lạc, có người đuổi theo hay gặp tai nạn để trẻ quen dần và không bỡ ngỡ khi lâm vào tình huống thực tế.
[embed-health-tool-vaccination-tool]